Nước mắt chảy xuống
- Chúa Nhật, 11 tháng Mười năm 2015 16:57
- Tác Giả: Hoàng Ngọc Nguyên
Năm nay là sinh nhật đầu tiên trong gần 70 năm, con không có mạ. Cũng có những lần ngày 23-3 đến, mạ đang ở nơi này nơi khác, nhưng con vẫn nghĩ có mạ một bên. Chỉ mới năm ngoái, mạ 95 tuổi, thực sự chẳng bao giờ muốn đi đâu ra khỏi nhà, nhưng vẫn còn chiều con mà đẩy chiếc ghế lăn ra tận nhà hàng Nha Trang ở San Jose vào một buổi chiều trời tối sớm. Như mạ vẫn thường chiều ý mấy đứa khác. Mạ thì bao giờ cũng muốn làm vừa lòng tất cả mấy đứa, cho dù mấy đứa có khi không làm vừa lòng mạ mà mạ chẳng bao giờ nói ra. Con vẫn giữ tấm thiệp sinh nhật mạ cho con năm 2013. Mạ 92 tuổi, chữ ký còn mạnh mẽ, chẳng có nét nào run rẩy. Mạ luôn nhớ sinh nhật của con, nhớ cả ngày ta ngày tây, càng già càng nhớ bất kể Alzheimer. Chẳng có đứa nào mà mạ quên. Con thì không phải bao giờ cũng thế. Năm nay, mạ hẳn còn nhớ, nhưng trong ngày sinh nhật của con, mạ lại nằm đó, đôi mắt nhắm nghiền thanh thản, nét mặt vẫn hiền lành, phúc hậu và tinh anh như trong mọi giấc ngủ trước đây, chỉ có điều mạ sẽ chẳng mở mắt, mạ sẽ chẳng bao giờ tỉnh dậy nữa.
Bởi thế, hôm nay tụi con mới có dịp tề tựu gần đông đủ chung quanh mạ. Trong ngày buồn thảm này, nước mắt mỗi đứa tuôn trào, nhưng những nụ cười rộn rã trên môi như chia sẻ với mạ một niềm vui, vì tụi con biết ba mạ bao giờ cũng thế, rất vui trước dịp khá hiếm hoi gặp đầy đủ con cái, cháu chắt, cho dù thông thường chỉ ngồi cười im lặng lắc đầu trước những câu chuyện ồn ào của những đứa con tuy không nhiều chuyện nhưng có thể bị hiểu lầm. Mạ có đến mười đứa, khi nào gặp nhau là như vỡ chợ, có đứa ham nói, đứa thích cười, đứa mê hát, đứa háu ăn, đứa lăng xăng… Làm sao kiểm soát hết nổi!
Con nhớ lại một thời xa xưa chắc chẳng bao giờ có thể trở lại được nữa, cha mẹ ít khi phải mong ngóng con cái. Đất nước của mình nhỏ, thành phố Saigon coi vậy mà cũng nhỏ, xã hội nhỏ, con người cũng nhỏ và bấp bênh, cho nên thường quên mình mà tìm đến với nhau thường xuyên. Những dịp lễ tết, cúng giỗ trong nhà và cả những ngày thứ bảy, những ngày chủ nhật, có biết bao cơ hội họp mặt gia đình trong năm. Bởi thế, nghĩ lại, trong những mất mát từ nghiệp chướng tha hương này, mất mát nào là lớn nhất cho những cha mẹ già?
Ở bên này, anh chị em tứ tán, lao mình vào cuộc sống lạc lỏng để mưu cầu tồn tại, rồi lại sớm “giác ngộ” chủ nghĩa tự do cá nhân truyền thống của văn hóa Mỹ, xem cái tôi quá lớn. Cha mẹ nào lại dám hay lại nỡ mong đợi có những đại hội gia đình thường xuyên trong tuổi già như ngày xưa. Cái tâm sự câm nín ấy nơi cha mẹ già, rất nhiều người chỉ thao thức với nó trong giấc ngủ về đêm hay những lúc ngồi một mình trong ngày. Nhưng người con chỉ cần một chút mẫn cảm, điều đó chẳng phải là khó thấy. Mạ còn chín đứa, và trong biết bao nhiêu điều có thể khác ý giữa mấy đứa, có một điều chúng đã cùng nhau làm được: quyết giữ mạ “tại gia”, tránh xa nơi dưỡng lão, bởi thế mà mạ vẫn thấy ấm áp phần nào cho đến khi ra đi. Như bao nhiêu người khác, mạ chẳng ưa gì nursing homes!
Mạ là người thích đọc sách, đọc báo. Trên 90, mạ vẫn muốn đọc, tìm đọc – cho dù trí nhớ ít nhiều đã bị ảnh hưởng. Như mạ vẫn muốn hát, thích hát, thích nghe nhạc, đến mức biểu anh Sim chép lại cho mẹ bài “Vế đây nghe em” của Trần Quang Lộc có lẽ chỉ để nhẫm một mình. Ở đầu giường của mạ, bao giờ cũng có băng nhạc, phim bộ Đại Hàn, có sách, có báo, và cả cuốn tập ghi lại những ý nghĩ nhanh, thoáng qua đầu mẹ (như những lời trăn trở trước tuổi già, suy nghĩ về Phật sự…), hay cả tập viết của mạ ghi lại những câu ca dao tục ngữ mà bà ngoại người Hà Nội vẫn ưa nói cho mạ là con gái người Quảng Trị này (con tìm thấy ở đầu giường của mẹ cuốn sách “Tục Ngữ Ca Dao Dân ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan, con dâu út mua chưa đọc mà đã viết tặng “cuốn này hay lắm, mạ giữ mà đọc đỡ buồn!”). Bởi vậy, như con hay nói giỡn với mạ, “Con vẫn có cách có hiếu của con, là viết cho mạ đọc”. Và mạ giỡn lai: “Như vậy thì đừng đòi người ta nhuận bút”.
Thế nhưng khi phải viết thay cho tất cả mười anh chị em (kể cả đứa em trai tài hoa bạc mệnh qua đời hơn bảy năm qua bên Pháp nhưng đối với mạ vẫn còn đó) về người mẹ của mình, đó đúng là thử thách quá sức trong cuộc đời cầm bút cả nửa thế kỷ của con mà mạ đã mở đường trong nhiều cách. Một mặt, đúng là mười người chẳng phải duy nhất mỗi ngưòi một ý, mà có khi có đến cả hai ba chục ý. Mặt khác, anh chị em đứa nào cũng thấy mạ tuyệt vời quá, phi thường quá, vĩ đại quá, cho dù đứa nào cũng chưa thể hiểu hết và thấy được chỉ một phần đời của mạ. Trong khi đó, mạ luôn luôn nói “Tội chết”, vì mạ nhìn thấy được sự vô ngã của con người, nhìn thấy ở cuộc đời hào nhoáng này chỉ là sự vô thường thay vì phi thường, nhỏ bé thay vì vĩ đại, sự chìm đắm vào bể khổ, nguồn mê, “con lạc lỏng không nhìn phương hướng” thay vì thoát nghiệp tuyệt vời, và tất cả những vọng tưởng vĩ đại, tuyệt vời, phi thường chỉ là những cạm bẩy của tham sân si mạn, của nghiệp chướng.
Ngồi lại với nhau, tụi con đồng ý rằng nói lên ở mạ những điều ắt có thì dễ, nhưng nói cho đủ thì thật rất khó. Hy sinh cho chồng con, khổ vì chồng con đến mức có khi phải cạo đầu, ăn chay, niệm Phật, trong cả gần 80 năm đến mức quên cả mình cũng còn có cuộc sống riêng – đó là điều ắt có. Hiếu đạo với cha mẹ không kể đến bên mình hay bên chồng đến mức cứ trăn trở sợ mình thiếu sót bổn phận hay cảm nhận chưa đủ tâm tình của cha của mẹ. Bao giờ cũng thấy khắng khít, gần gũi, thương yêu, đùm bọc với anh chị em trong mọi hoàn cảnh - từ khi còn sống chung đùa giỡn, hát hò hàng ngày dưới chung một mái nhà cho đến khi theo chồng lang bạt khắp nơi trên đất nưóc tao loạn. Đối với hàng xóm láng giềng từ căn nhà đơn sơ ở đường Nguyễn Hoàng Quảng Trị, căn nhà nhìn ra chợ Xép ở Huế, đến căn nhà trong “Xóm Đêm” ở đường Nguyễn Tấn Nghiệm hay căn nhà khang trang rất “tiểu tư sản thành thị’ trên đường Đặng Tất Tân Định hay Cư xá Nông tín hay Trương Minh Giảng Saigon, hay đối với các anh chị em đồng nghiệp ở nhà thương Quảng Trị hay Viện Bào chế Neofarma ở cầu Công Lý, mẹ có một cách cư xử chân tình gia đình, gần gũi, chia sẻ, chan chứa tình người đến mức gần 40 năm sau khi mạ rời khỏi môi trường sinh hoạt đó, những người bạn cũ, nay đã trên 70, trên 80 vẫn còn nhớ đến “bác Viên, bác Yến” đề tìm thăm. Trong những ngày khó khăn vào những năm 50 và 60, mạ phải nhọc nhằn chơi hụi để “lấy công làm lời”, những người bạn hụi đó vẫn giữ một lòng thương mến đặc biệt đốí với mẹ, vì mẹ dịu dàng quá, nhỏ nhẹ quá, kham khổ quá, như một người chuyên đi thu tiền hụi là đứa con thứ năm có thể nhớ lại được. Tất cả đều là những điều ắt có nơi mạ.
Nhưng con đã tránh được thiếu sót lớn nhất trong hồi ức về mạ khi không quên nói đến cuộc sống của một người mẹ chẳng biết từ bao giờ đã qui y Tam Bảo, từ con tim, trong tâm hồn, nơi niềm tin, trong cuộc sống - thể hiện một phần trong đọc kinh mỗi ngày sáng tối, ăn chay ít nhất bốn ngày một tháng, hàng tuần cố gắng tìm cách đi chùa, bố thí, cúng dường. Mạ là người nổi tiếng trong con cái ở sự tằn tiện hết sức trong mọi chi tiêu vì hiểu được thời thế bao giờ cũng khó khăn, ngày càng thêm khó khăn, gánh nặng của gia đình đã nặng, ngày càng thêm nặng vì chi phí đầu tư cho tương lai của từng đứa, từ học hành trong nước đến ngoài nước, cho con du học ba đứa rồi cho con đi vượt biên cũng hai đứa. Mạ tuy chẳng học MBA, nhưng ý thức về giá phí, kiểm soát gia phí, hiệu quả giá phí, còn chặt chẽ hơn cả những người kế toán trưởng.
Chủ nhật vừa qua, sau buổi lễ ở Chùa Tam Bảo Salt Lake City, ông Phan Hòa hội trưởng của chùa đã có lời phát biểu trong đại sảnh, nói lên những lời chia buồn chân thành trước sự tìm về cõi Phật của một Phật tử đã sống hết lòng vì đạo pháp. Mạ không bao giờ thấy vừa trong việc tạo phước đức cho con cháu, trong sự tôn kính hết lòng với Phật, Pháp, Tăng, bao giờ cũng thu nhỏ mình lại trước các thầy, các cô ở chùa, và con thấy từ các thầy ở chùa Hải Quang Tân Bình đến các sư cô chùa Tam Bảo Salt Lake City, chẳng có thầy cô nào không quí mến mạ. Chắc chắn rằng vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mạ đã “ngộ” mà “quay về bờ giác”, sau khi nhận chân được “đời là bể khổ” vì “nghiệp chướng triền miên” giải mãi không hết, đan kết từ đời nay qua đời khác. Con cứ nghĩ mãi: mình chỉ có thể hiểu được “tuệ giác” của mạ nếu hiểu được những đoạn đường đời mạ đã trải qua.
Mỗi đứa con chỉ biết mạ sống qua một thời của mình, chưa đứa nào tổng hợp được cái hiểu của từng đứa để biết cả cuộc đời của mạ. Có thể như một pho sách. Mà chưa chắc tổng hợp được đã đầy đủ, lấp đầy các khoản trống. Thực ra, là con thì đứa nào cũng muốn có hiếu, nhưng bao nhiêu đứa có hiếu được biết phần nào cha của mình, mẹ của mình trước đây đã sống thực như thế nào trong thuở thiếu thời, và sau này đã lập gia đình, thành vợ thành chồng, cuộc đời đã đi đến những khúc rẽ nào, trôi giạt đến những phương trời nào, làm thế nào mà sống, đã hy sinh đến mức nào cho chính mình. Làm sao cha mẹ đã vượt qua được những thử thách loạn lạc của lịch sử một thời? Vấn đề là con người chúng ta ngày càng mơ hồ về lịch sử, về xã hội trong những thời trước đây, nhất là những chuyện trước năm 1975 trong thời chiến Quốc-Cộng, hay trước Hiệp định Genève 1954 thời của cuộc kháng chiến chống Pháp, hay trước năm 1945 là những năm Đệ nhị Thế chiến. Có lẽ chỉ có người anh cả sống cả đời chăm lo cho cha mẹ mới đủ sức cảm nhận phần nào mạ đã sống qua bao thời kỳ không chỉ của tất cả các đứa mà còn bao thời kỳ gần trăm năm của đất nước với đầy đủ ý nghĩa của chữ “sống”. Chín mươi lăm năm quả là một thời gian dài vô kể. Dĩ nhiên cũng có những người sống đến 90, thậm chí trăm tuổi. Nhưng có phải ai sống mà cũng sống đâu - vì đứng ngoài, vì ăn sung mặc sướng, vì không quan sát, không suy nghĩ, không lo lắng, vì ỷ lại hay lệ thuộc chồng…
Chín mươi lăm năm của mạ, từ 1920 đến 2015, là một thời gian dài vô kể vì những biến chuyển không ngừng của lịch sử đất nước khiến cho con người bị bầm dập từng cơn chẳng biết đến chừng nào. Mạ chịu đựng những thử thách cùng cực trong từng thời kỳ đó, và mạ đã qua được cả! Mẹ sinh ra vào lúc cuộc đấu tranh chống Pháp đang rơi vào tình cảnh bế tắc (bạo động như chủ trương của Phan Bội Châu không xong mà cải cách dân trí theo hướng Phan Chu Trinh cũng chẳng làm cho “Pháp Việt đề huề” hơn) thể hiện nơi sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới trong xã hội đề tìm được hướng đi cho một nền văn hóa mới. Cuộc đấu tranh đó đã phần nào có thể phản ảnh nơi cuộc sống của mẹ hơn cuộc sống của các dì hay của các cô. Những tác phẩm “Đôi bạn”, “Đoạn tuyệt”, “Thoát ly” hay “Hồn bướm mơ tiên” chẳng xa lạ với mạ. Mới 15 tuổi mạ đã đi lấy chồng, và thân cư di theo chồng trôi giạt trong đời sống công chức từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẳng… Mạ còn nhớ được thời Nhật chiếm đóng (mấy năm đầu trong những năm 40), nạn đói năm Ất Dậu (1945), Việt Minh nổi dậy cướp chính quyền (“Cách mạng Mùa Thu”), Tây trở lại và Hồ Chí Minh ra lệnh Toàn quốc Kháng chiến vào tháng 12 năm 1946 – là ngày ba ra đi. Năm đó, mạ mới 26, phải một mình nuôi năm đứa trong khi ba đi theo Kháng chiến chống Pháp. Con nay cố tưởng tượng hình ảnh mạ bước thấp bước cao trên đôi guốc mòn tất tả trên con đường làng từ thành phố xuống thôn Lai Phước với quang gánh nặng nề chĩu chịt trên đôi vai gầy nhỏ bé đưa hàng xuống tận quê bán, vừa sợ bom đạn vừa sợ tây bố. Ôi mạ, người con gái có học của một bác sĩ hình như là tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị hay là giám đốc Nhà thương tỉnh! Đầu năm 1953, ba mới trở về. Ông Ngô Đình Diệm về nước lật đổ Bảo Đại năm 1954. Cũng trong năm đó, đất nước chia cắt ở ngay vĩ tuyến 17 tỉnh Quảng Trị. Rồi ông Diệm bị đảo chánh năm 1963 sau khi Phật giáo xuống đường, sau đó là biến cố Mậu Thân năm 1968. Chế độ Saigon sụp đổ vào năm 1975 làm cho bao gia đình tan hoang trước cuộc đổi đời… Biết bao nhiêu cuộc đổi đời mạ đã trải qua trong 95 năm! Cuộc đổi đời đầy cả “Tình sầu biên giới” vào cuối năm 1946. Cuộc đổi đời với những “Mộng lành” sau khi ba trở về từ chiên khu. Cuộc đổi đời kinh hoàng “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.
Là một phụ nữ nhưng mạ lại nhậy cảm trước thời thế, đúng là trăn trở trong vận nước nổi trôi, cho đến gần đây mạ vẫn còn nhớ rõ mồn một cuộc sống thời đó. Thật ra, khi chưa bị tác động muộn màng của tuổi già đến trí nhớ, mạ là người lạ lùng vô cùng, và điều này trong bà con đều phải đồng ý: mạ chẳng quên gì cả! Mạ nhớ ngày sinh tháng đẻ âm lịch cũng như dương lịch của từng đứa con đã đành, mà còn của nhiều người thân trong gia đình. Mạ còn nhớ ngày mất, ngày giỗ kỵ của nhiều người trong bà con. Nhớ số điện thoại và địa chỉ của các đứa… Mạ nhớ chuyện của nhiều người, nhiều gia đình trong thân bằng quyến thuộc – chi có điều không lấy thế để nhiều chuyện mà chỉ để hiểu sự oan nghiệt của cuộc đời chẳng chừa ai (“Đừng có ai nói tướng nói thánh”).
Nếu phải kể lại những kỷ niệm đáng nhớ cho mạ mỉm cười thì con không thể kể hết, bởi vì ngay từ hổi nhỏ con đã biết con chỉ có mạ! Trong thời gian chờ đợi ba trở về, mạ tìm khuây khỏa trong trông ngóng bằng đưa con đi chùa, đưa ra bờ sông Quảng Trị lội nước, và ban đêm mạ ngồi ôm đàn mandoline hát một mình những bài hát mà nhờ thế con tuy còn quá nhỏ, 5-6 tuổi, đã lạ lùng thay đươọc hưởng một vốn liếng nhạc tiền chiến vô cùng phong phú khó tưởng. Bao giờ con cũng có thể kể hàng loạt bài hát mạ vẫn hát con vẫn nghe, vẫn nhớ từ những năm 52-53, bởi vì bài nào cũng chuyên chở chỉ một tâm sự của mạ: một phụ nữ ôm con chờ chồng trong thời loạn. . Chinh phụ ca, Thiếu phụ Nam Xương, Bến cũ, Người về, Con thuyển không bến, Mùa đông binh sĩ, Trăng mờ bên suối, Lời hẹn xưa, Đợi anh về, Giọt mưa thu, Đêm tàn Bến Ngự, Sầu lữ thứ, Trầu cau, Hòn vọng phu, Bến xuân, Trách người đi, Buồn tàn thu, Tình quê hương, Nhớ người thương binh, Bóng chiều xưa, Biệt ly, Tình sầu biên giới, Sầu Ô Thước, Suối mơ, Tiêng đàn tôi… Một vài bài lãng mạn xen vào những bài ca thương nhớ, như bài “Chinh phụ ca”: “Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y, Và hồn nương bóng quốc kỳ. Nàng ngừng con thoi, có khi nhớ chàng, Có muốn gì đâu, lệ thắm tơ vàng…”. Nhắc lại những bài hát trong thời đó, con tưởng như còn nghe được giọng thổn thức, trầm buồn của mẹ khi hát bài “Mùa đông binh sĩ”. Mùa đông giá lạnh lùng, gió lạnh lùng. Chim thôi bay nhìn mưa gió hãi hung. Ngoài xa, ngoài biên cương Bao chiến binh ôm súng buồn nhớ quê hương”. Bài hát chất chứa một nỗi buồn sâu lắng, nghẹn ngào, chân thật nhưng cũng tràn đầy niềm tự hào mà con tuy còn nhỏ hồi đó dường như vẫn đủ sức cảm nhận được và sau này lớn lên lại càng có cảm tưởng như một sự núc nở còn đọng lại từ một thời quá khứ đẹp đẽ. Mạ, mạ có tưởng tượng được sau cả nửa thế kỷ, những bài mạ hát vẫn lắng rất sâu trong tâm hồn con, trong trí nhớ của con, không bài nào thoát ra được, đến độ chẳng những con không quên tựa, chẳng quên lời, mà còn hát được không thiếu một bài (mạ đừng nói con “nói trạng” nghe) giống như mạ cách đây 25 năm vẫn còn hát trong một dịp họp mặt gia đình: “Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly. Gió cuốn muôn phương về đây. Thấy bóng người về hay chăng? Xa nhau bến xưa ngày ấy. Anh đi thế thôi từ đây Sầu chết bên lòng. Hồn nặng nhớ mong”. Con vẫn muốn cất cao giọng đã hết hơi hát cho mạ nghe, nhưng làm sao được giờ đây.
Ngày hôm nay, nhớ mạ mà tụi con có dịp nhìn kỹ lại mỗi một đứa, và khám phá ra tính tốt mà mấy đứa có thể có đều được thừa hưởng từ mạ. May mà mạ có nhiều tính tốt đề chia đều cho các con, tụi con không phải tranh giành, sanh nạnh. Nhưng ngược lại, nhìn lại tính xấu của từng đứa, tham sân si mạn đủ cả, lạ thay, chẳng có thói hư tật xấu nào mạ có cả. Đúng là nếu không có những tính tốt của mạ kéo lại tụi con, thì tụi con sẽ như thế nào? Độc ác, dữ tợn. Ngu dốt. Tham lam. Ti tiện. Ích kỷ.
Trong niềm tự hào với ân sủng hôm nay, tụi con mang nặng một nỗi ray rứt. Tại sao mạ lại ra đi lặng lẽ, âm thầm như thế, không một lời trăn trối. Phải chăng đến tuổi đó, quá khứ chẳng những chưa nhẹ nhàng đối với mạ, mà còn làm cho hiện tại thêm trĩu nặng đối với một người nhậy cảm, mẫn cảm như mạ. Cho nên mạ lúc gần đây dường như chỉ nhìn về phía trước, phần thì áy náy thâm tâm vì cứ sợ phiền con cái, phần thì muốn trở lại với ba cho bỏ mười năm cô đơn, nhung nhớ, tìm đến với những người đi trước sau khi đã quá đủ với những lớp sau. Mạ đột ngột ra đi để lại bao nhiêu câu hỏi về sự vô thường của đời này. Đông con khi nào thì vui nhà vui cửa, và khi nào là một sự chĩu nặng trong kiếp người? Phải chăng thời gian lúc này trôi qua nhanh quá như để cho thấy tính tạm bợ của cuộc đời, trong khi con người không ngờ được hay vô tình hay quá vô ý thức cho nên chỉ hối tiếc khi đã trễ. Phải chăng cuộc đời này là tạm bợ, cho nên cái gì cũng là tạm bợ, không có ý nghĩa, hoặc chính sự tạm bợ này là một thử thách cho con người khi muốn tìm đường đến với kiếp sau? Như vậy, cuộc sống bao nhiêu là vừa, là trả xong nợ? Ngót trăm năm là cái nghiệp đè nặng, hay là phước, là thọ? Kéo dài sự sống và kéo dài cái chết, ph2ải chăng sự lựa chiọn la rõ rang?
Theo những nhà triết học tôn giáo, đạo Phật là một tôn giáo “vô thần” (nhưng chẳng mang ý nghĩa vô thần của người cộng sản), trong nghĩa đạo không xưng tụng một đấng Thượng Đế (Oh, my God!) toàn năng, như một đấng tạo hóa an bài mọi việc. Phật giáo đặt niềm tin nơi con người đi tìm sự giác ngộ chánh pháp, tu hành để đạt chánh quả. Đưọc như thế, ai cũng có thể trở thành Phật, cõi Niết Bàn chẳng xa xôi như Thiên Đàng. Phật tại tâm. Nơi nào có Phật nơi đó là Niết Bàn. Nói thì dễ, nên ai cũng nói “Tôi muốn thành Phật”. Nhưng ít ai chịu bỏ chữ “tôi”, chữ “muốn”, đề chỉ còn hai chữ “thành Phật”. Mạ không hề nói “Tôi muốn thành Phật” (Tội chết), nhưng đã từ lâu quên đi cái “ngã”, và cũng không có ham muốn gì trên đời. Con rất muốn tin vào những điều căn bản đó, vì chẳng có niềm tin làm sao ngưòi ta có thể sống thực trong đời này. Nhưng có niềm tin trong đời này không phải là dễ. Hiện nay, chỉ có mạ là người có thể làm cho con tin được.
Lại nghĩ đến mạ. Và nghĩ đến qui luật của muôn đời “Nước mắt chảy xuống” để cảm thấy sự mất mát không tìm lại được. Làm sao cho con người thoát được cái nghiệp chướng muôn đời này!
Related news items:
Tin mới
- Cô Dâu Ở Tuổi 46 - 02/11/2015 15:34
- Đêm Tuyết Gọi - 02/11/2015 15:29
- nguồn cội xót xa - 02/11/2015 15:17
- Có một mùa tựu trường - 24/10/2015 21:39
- Cánh Sen Trong Bùn - 24/10/2015 21:31
- Cõi Người - 24/10/2015 21:26
- Thằng dế gàn - 18/10/2015 14:49
- Người yêu của lính - 18/10/2015 14:46
- Xóm Cầu Ngang - 18/10/2015 14:42
- Bóng Cha - 18/10/2015 14:36
Các tin khác
- Sói nâu - 04/10/2015 13:43
- Mối tình đầu của cha tôi - 04/10/2015 13:33
- Nhà có hoa Anh Đào - 04/10/2015 13:17
- Quả tim bụi - 04/10/2015 13:13
- Lay off - 03/10/2015 15:05
- Ông Nội và Cháu - 29/09/2015 14:24
- Hẻm Cụt - 29/09/2015 14:18
- Vào những đêm mưa - 20/09/2015 14:38
- Người Xóm Cũ - 20/09/2015 14:33
- Vùng Đá Ngầm - 20/09/2015 14:29