Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người hạ sĩ nhất

linh-vnch
Trung đội đã di chuyển theo lộ trình mới khi họ tiến vào ấp. Sau cơn mưa ban chiều, hoàng hôn trở về sớm hơn mọi bữa. Bầu trời thấp xuống đầy mây xám. Định nghĩ đêm nay có lẽ trời mưa. Chàng hơi bâng khuâng nhìn lên bầu trời, rồi hỏi hạ sĩ nhất Cày – người lính mang súng phóng lựu : ” Này ông Cày, ông xem đêm nay trời mưa không nhỉ ? ” Ông Cày nhìn lên trời có vẽ lo lắng: “Dám đêm nay mưa lớn lắm. Thật là khổ, mình xuống đồi thì trời lại mưa. Chẳng biết ông trời ông ghét mình cái gì chớ.” Định vẫn yên lặng. Họ nói thì mặc họ nói. Họ than thở thì mặc họ than thở. Chỉ cần họ tuân hành, thế thôi.

Những bước chân đang bước nặng nề trên đám ruộng đầy bùn, cỏ, gồ ghề. Chiều nay Định đã ra lệnh trung đội đi về ấp bằng một lối đi khác, không phải là con đường đê như thường lệ nữa. Chàng lo âu về những quả mìn, hay lựu đạn mà địch đã chôn hay cài. Kinh nghiệm này là kinh nghiệm máu xương từ ngày chàng nắm chức trung đội trưởng. Địch không phải ở trong rừng hay trong mật khu. Địch cũng chẳng chờ sẵn bên kia phòng tuyến. Trái lại, địch là ma quỉ, rình mò toán quân từng bước. Địch biết rõ thói quen của đám lính. Nghỉ ngơi chỗ nào. Đóng quân chỗ nào. Lối nào quân thường dùng để di chuyển. Chính thói quen là một tai họa ghê gớm nhất.

Có tiếng chửi thề của một người lính khi hắn té nhào vào một vũng nước bùn. Đàng sau, những tràng cười đùa vang lên. Binh Lạng la to:

“Cái thằng Nô này, mày làm gì thế? Đường cái không đi, mày lại đi xuống hố nước.”

Nô lò mò ngồi dậy. Cả bộ quần áo trận dính đầy bùn. Không hiểu đêm nay hắn có thể ngủ nổi với bộ quần áo dầm nước hay không. Bên kia con rạch, hai gã đàn ông đang đứng câu cá. Định ra lệnh tên tiền sát viên qua hỏi giấy tờ. Giấy tờ. Cái công việc đặt nặng trên hình thức. Liệu địch không có đủ giấy tờ hợp lệ sao. Dễ dàng quá mà. Bao nhiêu tiền cho một thẻ kiểm tra. Bao nhiêu tiền cho một thẻ trưng binh hay miễn dịch. Nhưng phải làm. Ít ra cũng kiểm chứng được một phần nào kẻ nghi ngờ.

Tên lính trở lại, nói họ là nhân dân tự vệ trong ấp.

Định nói khôi hài:

“Cái ông già tóc bạc kia cũng là nhân dân tự vệ sao ? Nhân dân sợ vợ thì có”

Đám lính cười. Chàng cũng vui lây. Chàng quay lại hỏi ông Cày xin một điếu thuốc. Hạ sĩ nhất Cày lè nhè móc túi:

“Ruby đây, ông”
“Sang nhỉ”

Tổ tiền sát đã đến con lạch nhỏ, ven bìa ngôi ấp. Những bờ lau sậy che khuất, phủ dài mặt hồ phía sau. Bỗng tên lính đi đầu quay lại, đưa tay ra dấu tất cả nằm xuống rồi hắn ngoắc chàng lia lịa. Định nín thở chạy đến. Đàng sau, lính cầm súng chĩa ra bốn phía. Hà chỉ tay về phía hồ đàng sau bãi lau sậy. Định nhìn theo. Đôi mắt chàng mở tròn xoe. Một người con gái đang tắm.

Bên cạnh, giọng Hà hít hà:

“Da nó trắng ơi là trắng. Ông chờ một chút coi nó đứng dậy.”

Định cảm thấy lòng thật sự rung động. Người con gái tắm sông trong hoàng hôn chẳng khác một tấm tranh tuyệt mỹ. Mái tóc của nàng bối cao lên đầu. Từ trên bờ đê chàng muốn rụng tim ngắm nhìn cả thân thể đang trầm mình dưới nước, chỉ để lộ đôi bờ vai trần. Ánh nắng chiều soi đỏ mặt hồ. Và hai tay nàng cứ khoác nuớc, như làm tung tóe cả ánh tà dương. Bên tai, giọng Binh Hà vẫn tiếp tục:

“Đứng dậy đi em. Đứng dậy đi em…”

Định nói với người lính tiền sát:

“Nho nhỏ một chút, coi chừng cô ta nghe.”

Nhưng những người lính đàng sau đã đi đến. Tiếng la của Binh Tư vang ầm:

“Trời ơi, em tắm thật hấp dẫn quá ta.”

Người con gái vội vàng bụm hai tay che ngực rồi ngồi xuống nước. Đám lính cười rộn rã. Hạ sĩ nhất Cày đứng ưởn ngực trên bờ lạch, nói:

“Anh là Cày. Hạ sĩ nhất Cày này em.”

Có tiếng khác thêm vào:

“Hạ sĩ nhất Cày 40 vẫn còn độc thân đó em”
“Hạ sĩ nhất Cày mồ côi vợ đó em.”

Họ cứ đem ông hạ sĩ nhất tiểu đội trưởng tiểu đội Một ra mà đùa chọc. Ông có hàm răng vàng như thời công tử miệt quê. Ai nói gì thì nói, cứ nhe hàm răng vàng mà cười. Dù già rồi, nhưng bản tánh thật trẻ trung. Hễ thấy đàn bà con gái thì nhào đến trước tiên. Dù vậy, ông lại được tiếng là sợ vợ số một. Những người lính nói có lần vợ ông xách dao rượt ông chạy khắp khu gia binh.

Định cảm thấy vui lây. Những niềm vui nho nhỏ khiến người lính quên đi những hiểm nguy rình rập. Những niềm vui vô tội vạ, bên đời gian khổ, lẫn cùng máu và nước mắt.

Bây giờ đêm đã thấy mập mờ trên những cánh đồng. Không còn thấy màu xanh của mạ non nữa. Một vài cánh chim lười biếng bay qua. Định đứng dậy dục:

“Đi bây. Tối rồi.”

Chàng muốn giúp cô gái không còn xấu hổ dầm mình dưới nước như thế mãi.

Hà nói:

“Em biết chỗ con bé rồi, thiếu úy”

Định la:

“Coi chừng, có ngày nó thiến mày.”

Ngôi ấp đã hiện ra mập mờ sau các rặng tre dày dặc. Chàng khổ sở với ý nghĩ chọn chỗ kích đêm nay. Nên vào trong xóm tìm một hiên nhà để trú quân hay là nằm ngoài đồng trống chịu mưa chịu gió. Đứng lêu bêu giữa đồng, trong khi đám lính đang dừng lại, yên lặng chờ lệnh của chàng. Bao giờ cũng vậy, trong chàng luôn luôn bị hai trạng thái tâm lý đối nghịch nhau câu xé. Một đàng là trách nhiệm. Một đàng là thương đám con tội nghiệp của mình. Trách nhiệm đã bắt chàng phải tàn nhẫn. Phải bắt con mình qua đêm từ gò mả này qua gò mả khác, hay ẩn mình trong mương rạch, ngoi ngóp trong đầm lầy, những chỗ lý tưởng nhất cho các cuộc làm ăn đêm. Trách nhiệm bắt lính chàng phải đội mưa thay vì chàng có quyền tìm một chỗ tránh mưa tránh gió. Nhưng ngược lại là lòng thương cảm những đưa con khốn khổ của chàng. Họ cũng muốn qua một đêm an ổn. Họ cũng ước được một chỗ nằm bằng phẳng không lồi lỏm gồ ghề. Thật là bất công khi giờ này, người ta đang ung dung hưởng thụ trong thành phố, có gái đẹp, có vũ nữ, có tài xế cận vệ, trong khi nơi này những phận đời thấp hèn không ai biết đến, chỉ biết trách ông trời như hạ sĩ nhất Cày… Đâu có ai nghe được tiếng nói Dạ Lan, để mà cảm kích tiếng nói của người em gái hậu phương. Bởi thì giờ chỉ dành cho canh giặc, cho tai căng, mắt căng. Còn nữa. Giả dụ Dạ Lan có thương anh chiến sĩ thật tình, bay đến tiền đồn heo hút để hát cho các anh nghe, thì các anh phải đi nằm xa, bảo vệ cho Dạ Lan được bình an mà hát, kẻo sợ địch pháo kích. Nhất là những ngày hôm nay tình hình bỗng nhiên trở nên sôi động và trung đội phải đặt trong tình trạng ứng chiến liên miên. Ban ngày thì ba lô súng đạn lương khô sẵn sàng và ban đêm, nếu không bị bốc, thì phải xuống đồi kích giặc. Không có đêm nào người lính có một đêm ngủ ngon giấc. Có đêm Định chỉ chợp mắt được một vài tiếng đồng hồ. Ai vỗ ngực tự bảo rằng ta gan dạ anh hùng, xin hãy về đây để gối đất nằm sương một đêm. Để hiểu thế nào là tiếng chó sủa. Để biết được thế nào là chiếc trực thăng Mỹ pha đèn pha rọi xuống đám quân, có thể đưa đến tai họa ghê rợn. Đã xãy ra nhiều vụ bắn lầm. Và hai bên đổ thừa cho nhau. Sư đoàn nói là đã thông báo cho Bộ Tư Lệnh Đồng Minh. Còn Đồng Minh thì nói Bộ tư lệnh cho tọa độ sai. Không ai chịu nhận trách nhiệm. Chỉ có cách hay nhất là gọi máy về yếu khu yêu cầu can thiệp. Rồi cầu nguyện, với con tim nghẹt thở. Cầu để tên xạ thủ trực thăng không ngứa ngáy tay, nả đại liên, phóng rocket.

oOo

Người lính truyền tin đã bắt đầu lên máy liên lạc về nhà. Giọng hắn thì thào. Những người đi ngủ đêm hối hả vượt qua con đường đất, như chạy trốn một điều tai ương khủng khiếp. Định muốn chụp tay một ông già, để mà hỏi: “Sao ông lại chạy trốn. Ông già rồi mà. Bộ ông không tin bọn tôi hay sao?”

Đám lính đã băng qua chiếc cầu tre nhỏ. Những bóng hình mập mờ trong ánh sáng úa héo của một ngày. Những hàng cây vông đồng rủ bóng sậm trên bờ kinh, phía sau trụ sở ấp.

Người hạ sĩ nhất đã quay lại hỏi Định:

“Đêm nay ông định nằm chỗ nào ?”

Định không đáp.

Định bảo lính rút vào một ngôi nhà tranh, che khuất bởi những hàng xoài rậm rạp. Rồi chàng nháy người lính truyền tin: Mày vác súng đi với tao. Tên lính cười thông cảm. Tôi biết ông đến với người yêu của ông rồi mà. Định dặn hắn:

“Mày đừng nói với bọn nó.” “Em không nói đâu ông. Em thấy cô ấy cũng đẹp đấy.”

Rồi cả hai nhảy rào. Định thì bồi hồi mong được thấy lại người con gái quê mà chàng đã gặp trong buổi chợ quận. Còn Trí thì mong được chia xẻ cùng ông thầy hắn niềm vui mà chỉ mỗi một mình hắn biết.

oOo

…Định đã thấy nàng đang ngồi bên giếng, giữa một vườn cải xanh thẩm. Những bông cải vàng nở rộ. Cô gái dường như không biết có người lạ vẫn cúi đầu vo nếp. Định nhìn, muốn cắn vào bờ gáy trắng phau phơn phớt lông măng. Chàng vẫn đứng yên khuất sau hàng rào. Bỗng con chó vàng từ trong nhà chạy ra sủa rân. Tiếng bà già rủa con chó: “Quỉ nà, sủa bậy nà.” Con chó vẫn cong đuôi sủa. Người con gái bây giờ mới chợt nhìn lên, đôi mắt mở lớn ngạc nhiên. Nàng khẻ vén những sợi tóc mây rũ loà xoà trên trên trán, rồi lại cúi xuống như vô tình không biết người quen. Trí chào bà già thật lễ phép. Nó đang cố lấy cảm tình cho ông thầy của nó. “Thưa bác, rau tốt quá hè. Cải tốt quá hè…..” Bà già nhìn sững Định một hồi. Trí chỉ tay về phía Định rồi giới thiệu: “Trung đội trưởng của con đó bác.” Lập tức bà già rối rít xoa vội tay: “Mời trung sĩ vào nhà uống nước cái đã.” Trí đính chính: ‘Thiếu uý chứ không phải trung sĩ đâu thưa bác.” “Dạ, mời thiếu úy vào nhà.” Định lễ phép từ chối. Nhưng bà già đã kêu cô gái: “Gái, vô pha nước đi con.” Người con gái dạ rồi đứng dậy. Định làm bộ nói lớn để cô gái nghe: “Dạ làm phiền cô và bác.” Chàng thấy nàng cười mỉm. Lòng Định lại càng nôn nao hơn bao giờ.

Bây giờ, người con gái đang múc nước tưới vườn rau. Đôi ống quần đen của nàng xắn lên để lộ hai bắp đùi trắng như mở sa. Định tiến đến bên giếng, hỏi vơ vẩn:

“Cải này để Tết làm dưa phải không cô ?”
“Dạ vừa làm dưa vừa để bán.”
“Tết cô cho tôi về ăn Tết với cô, được không ?”
“Sợ thiếu úy chê nhà quê nghèo.”
“Không. Tôi nói thật mà. Bộ cô tưởng tôi không phải là dân ở nhà quê sao ?”

Và Định cười lớn:

“Tôi gánh nước tưới rau một cây.”

Người con gái cười lộ lúm đồng tiền:

“Thôi mà thiếu úy. Bà xã của thiếu úy để đâu mà thiếu úy phải gánh nước.”
“Bà xã của tôi chết rồi. Tôi muốn kiếm người khác mà ai cũng chê tôi hết.”
.”….”
“Bác trai đâu rồi cô?”
“Cha tôi ổng đi ngủ đêm rồi.”
“ở đây yên mà…”
“Tại ổng sợ. Nơi này sống khổ lắm. Tối không ai dám ngủ nhà. Đau cũng không dám ra bệnh xá quận nữa.”
“Đêm nay cô yên chí ngủ với má.”

Cô gái xịu mặt:

“Thiếu úy cứ chọc em hoài.”

Tâm hồn Định trở nên ấm áp lạ lùng. Chàng không còn biết đến vị trí của chàng hiện tại nữa. Chàng muốn ôm nàng vào lòng, hôn trên đôi môi mọng, vỗ về trên bờ vai mềm mại, vuốt đầu tóc còn xanh mướt mùa xuân. Chàng ước mơ một căn nhà nhỏ như thế này, vườn rau cải, bờ giếng đá như thế này., và một đời sống dản dị, giữa một màu xanh bát ngát của đồng lúa mênh mông. Chàng hỏi nàng, tha thiết:

“Cô còn nhớ buổi sáng phiên chợ Quận không ?”
“Dạ nhớ.”
“Riêng tôi, thì tôi nhớ lắm. Từ ngày gặp cô, tôi cứ mơ một ngày được qua nhà cô, để thăm hai bác, thăm cô…Có phiền cho cô không ?”
“Đâu có phiền gì, thiếu úy”
“Xin cô đừng gọi tôi là thiếu úy. Cô gọi tôi là anh được không.”
“Dạ, thưa anh, tối rồi. Bà già em khó lắm.”

Định nói đầy trách móc:

“Cô muốn đuổi tôi sao ?”
“Dạ em không dám”
“Mai cô có đi chợ quận không?”
“Dạ, thưa có.”
“Anh sẽ là khách hàng đầu tiên của em. Anh sẽ mua tất cả.”

Bây giờ người lính truyền tin đã đến bảo:

“Thiếu úy, nhà gọi máy bắt mình báo cáo chỗ làm ăn”
“Tao biết. Nói với họ chờ vài phút.”

Rồi Định nhìn cô gái lưu luyến:

“Chào em. Anh chờ em ngày mai nhé.”

oOo

Người hạ sĩ nhất đã dẫn toán lính trở lại. Ông nói:

“Tôi vừa gặp thanh niên chiến đấu. Họ nói cách đây không lâu người ta khám phá một chiếc hầm nằm dưới cửa ra vào trong căn nhà đó. Nhà đó có thằng con nhảy núi.”

Rồi ông chỉ tay về phía nhà cô gái.

Định lặng người đi trong một lát. Trời ơi, lại thêm một lằn ranh oan nghiệt nữa chém xuống thân phận thế hệ đám trẻ này. Nên trách ai đây, kết án ai đây. Giữa lúc giấc mơ nở hoa, đầy những nụ hồng thì bây giờ lại thay bằng trái đắng. Vâng. Chàng muốn lấy súng nả lên trời bắn cho đã giận. Khi em cúi đầu yên lặng, anh hiểu là anh đã có em trong phần đời. Anh hiểu là em sẽ là người yêu của anh, và là vợ anh. Anh đã đi tìm một nụ hoa, và nụ hoa anh đã thấy rồi, nụ hoa đồng nội. Anh không cần biết những nhân danh, những mỹ từ thòng lọng…Nhức đầu nhức óc lắm rồi. Anh chỉ cần em, bởi vì lần đầu con tim anh biết rung động là gì, cần em cho anh một lần nủng nịu, giận hờn, thơ dại, quê mùa, nhưng tha thiết…

Chàng buồn bã bảo ông Cày:

“Thôi đi tìm chỗ khác. Ra gò mả mà nằm.”

oOo

Khu gò mả nằm bên kia cầu, giữa một vườn xoài rậm rạp. Nơi này, Định có thể thấy rõ cánh đồng hướng Đông mà địch vẫn từ hướng núi Kỳ Sơn trở về xâm nhập.

Định thầm thì với ông Cày:

“Ông cắt gác cho tôi. Đêm nay tôi nằm tại gò mả này.”

Ông Cày chắc lưỡi:

“Nằm gò mả hoài có ngày không bị phun cùi thì cũng bị điên như thằng Nha đó ông.”

Định im lặng. Chàng nhớ đến Nha, người lính mang đại liên. Một tay mạnh khoẻ như thế, tự nhiên nổi cơn điên, nhai ly miệng chảy máu đỏ lòm rồi xách dao rượt vợ muốn tuột cả quần. Chàng nghe thằng Tâm nói như thế. Ông Ký lên đồng gọi bà cô về, bả cho biết, tại nó dám trải poncho trên mả. Có thật như vậy không. Nhưng chàng không thể chọn địa điểm nào khác. Chỉ có gò mả mới là nơi phòng thủ an toàn nhất. Những ụ mả là chỗ để nương thân. Và bốn phía thì trống trơn để người lính có thể dễ quan sát. Tháng này là tháng mưa, gò mả là nơi khô ráo, để người lính khỏi phải đứng dưới nước lụt trong mương dưới rạch. Còn bờ ruộng thì quá hẹp, không đũ chỗ cho mười mấy đứa con qua đêm. Hơn nữa, du kích hay tiền sát bên kia tinh quái lắm. Họ dễ gì đi đường khô đường ráo.

Bây giờ đám lính đã ngồi bệt trên gò mả. Những dáng nặng nề, ba lô súng đạn như những hình thù quái dị. Bên kia cầu là trụ sở ấp. Những thanh niên chiến đấu đã rút lên mạn trên. Tiếng chó sủa nghe buồn bã lạ lùng.

Ông Cày chồm người, dặn dò từng thằng lính:

“Tụi bây phải rán thức, rán thức nghe không ?”

Rồi ông ta quay sang Định, giọng lè nhè:

“Mình bắt bọn nó thức đến 12 giờ đêm, rồi mới bắt đầu gác cho chắc ăn. Dầu Nhị Thiên Đường tôi sẽ đem đi trét vào mắt bọn nó, sợ bọn nó ngủ.”

oOo

Nửa đêm trời bỗng đổ mưa lớn. Những hạt mưa ào ào bủa xuống, bất ngờ khiến Định không kịp mang áo mưa. Vầng trăng đã khuất trong mây, nhưng chàng có thể thấy một không gian mờ nhạt trong màn mưa. Những vệt nước loang dần trên má và ri rỉ trên cổ. Tám – người lính ô đô của chàng – đã vụt ngồi dậy, trùm áo mưa kín mít. Ngồi một đổi, hắn lại bắt đầu gục. Bên cạnh, đám lính vẫn ngồi, hoặc nằm bất động. Có tiếng ho và bị nghẹn ở cổ. Lại có tiếng của hạ sĩ nhất Cày trổi lên, phẫn uất: “Rán mà thức để canh cho bọn nó ở nhà được lên lon, nghe bọn mày.” Rồi ông ho sù sụ. Định bước đến phía ông Cày, giận dữ:

“Ông muốn chết cả đám hả ?”

Ông Cày nói:

“Tui tức chịu không nổi. Tui đi lính mười mấy năm mà vẫn còn hạ sĩ nhất. Bọn quân số chúng chơi tui. Ông xem, bọn nó ở văn phòng mà lên lon như gió…”
“Thôi ông đi ngủ đi để có sức. Chuyện này tôi sẽ trình với trung úy.”

Mưa mỗi lúc một to. Thỉnh thoảng những tia chớp lóe trên bầu trời đen kịt. Chiếc áo mưa không đủ che được những vệt nước đang tự do chảy trên da thịt. Chàng run cằm cặp. Ánh chớp đã làm rõ khuôn mặt của Tám. Chàng thấy hắn ngủ say sưa. Thỉnh thoảng đầu hắn lại gục xuống. Thỉnh thoảng có tiếng chó sủa vọng về như tiếng vọng nào từ cõi âm hồn.

Chàng đến bên người lính gác.

“Ai đấy.”
“Dạ, em là Lang.”
“Mày có nghe gì về thằng Nha không?”
“Dạ người ta chở nó vào bệnh xá Sư đoàn rồi. Nghe nói họ phải dùng dây xích cột chân cột tay…”

Rồi nó nói tiếp:

“Người ta bảo nó bị ông bà phạt. Không biết phải vậy hay không. Thiếu úy nhớ thằng Hùng Nhảy dù không. Nó tự nhiên nhảy lên bàn thờ rồi ngồi vuốt cầm cười ha hả. Nó nói người sống không thờ lại đi thờ người chết…”

Bây giờ Định mới nhớ và càng hơi lo âu. Trước đây nghe câu chuyện nhảy lên bàn thờ ngồi của Hùng Nhảy Dù, chàng cứ nghĩ tại hắn quá ba gai, bất chấp thánh thần, hay cũng tại vì rượu, nhưng bây giờ thấy một tên lính hiền như thằng Nha lại nổi cơn, thì không ít thì nhiều, cũng có lý do. Cái lý do ấy đã được ông đồng bà cốt cho biết. Chàng hỏi Lang:

“Mày tin không ?”
“Tin gì thiếu úy ?”
“Tin chuyện thằng Nha nổi cơn là do việc nằm gò mả không?”
“Không, em không tin. Mà em cũng chẳng bao giờ sợ. Thời buổi này ma quỉ quá nhiều. Ma sống còn tàn bạo gấp trăm ngàn lần ma chết. Có điều chẳng ai biết gì đến cảnh khổ của bọn mình. Cả tháng nay, đêm nào bọn em cũng thức trắng. Ông Cày nói đúng, mình làm để kẻ khác hưởng.”

Định lặng thinh.

oOo

Tâm sự của Lang đã làm Định suy nghĩ. Lang ơi, tao biết lắm. Tao thấy cả thân thể mày run vì lạnh, mà không dám hút thuốc. Tao cũng đau cũng lạnh cũng xót cũng mắt trừng cũng không dám hút thuốc như mày. Mày không biết, nếu mày khổ một lần thì tao phải khổ cả trăm lần không. Mày thức thì tao thức. Mày ngủ thì tao cũng thức. Tội nghiệp. Khi ông Cày trét dầu Nhị Thiên Đường, nghe mỗi đứa hít hà kêu cay quá, lòng tao phải quặn đau. Nước mắt bọn mày chảy còn lòng tao lệ cũng thấm tràn. Ôi, chúng ta đồng lòng cùng chịu để thiên hạ được sống, tại sao lại không hãnh diện chứ. Phải, nếu thiên hạ hiểu và thông cảm chúng ta, cũng biết xốn đau như khi chúng ta bị dầu làm cay xé con mắt. Còn nữa. Người ta đã lợi dụng quân đội, lợi dụng màu áo, lợi dụng cấp bậc, lợi dụng súng ống. Bên cạnh những người sĩ quan trong sạch, lúc nào cũng lo đến đời sống của thuộc cấp, yêu thương giúp đỡ quân sĩ, thấy người lính áo rách mà xót, thấy đôi giày trận của người lính hả mỏm mà thương, giúp đỡ vợ con thân nhân người lính khi cần, còn có những tay xem người lính thuộc cấp như tôi tớ… Lang ơi. Tao cũng hiểu tại sao ông Cày lại bất mãn. Rán mà thức để canh cho bọn nó ở nhà được lên lon, nghe bọn mày. Trời ơi, lời nói như những tiếng trầm thống thốt lên trên một huyệt địa đen tối, làm sao vọng đến những ngài chức phận. Hay chúng bị mất đi trong muôn ngàn âm thanh của vũ trường xềnh xang, của những mỹ từ hay những lời quá cao siêu quá to lớn hay bị chìm lẫn cùng với muôn ngàn tiếng than thở của loài dạ trùng hay ếch nhái trong đêm…

oOo

Cơn mưa đã làm hơi đất bốc lên ngùn ngụt. Định cố gắng trùm kín Poncho để che hết thân thể, nhưng hơi đất cứ thấm buốt tận da thịt mình. Lại một đêm mất ngủ. Ngày mai phải rán ngủ bù. Chàng tự bảo lòng mình như thế. Chỉ tội là đám con mình. Ngày mai, vẫn phải lên đồi, vẫn phải điểm danh, vẫn phải ứng chiến. Định lại bị ám ảnh bởi căn bệnh của nhà thơ Hàn Mặc Tử cùng việc nổi cơn của thằng Nha, nhai ly rồi xách dao rượt vợ. Chàng nằm yên, mà lòng chàng lại không yên. Nỗi lo vô hình về độc khí có lẽ đang tìm cách xâm nhập vào người. Khi chàng gãi, thì chàng có cảm giác hơi ớn lạnh. Chàng mở mắt trao tráo nhìn lên bầu trời đen tối. Tiếng dạ trùng vang lên não nuột. Có cả tiếng chim vạc cất lên lẽ loi. Bóng người lính canh mập mờ như pho tượng. Và tiếng gió thì thỉnh thoảng rít lên, hú dài trên cánh đồng. Gió làm mảnh chiếc poncho đập phành phạch. Có tiếng mớ của một người lính nào đó. Rồi có tiếng gọi đổi phiên. Sau đó là tiếng chửi thề của ông Cày về đám chuột chạy loạn xạ, đuổi nhau trong đêm, chui vào cả trong ba lô, bò ngay trên mình mẩy. Ôi, những đứa con của chiến trường hẩm hiu. Hẩm hiu cùng trời đất, hẩm hiu cùng hàng ngũ, hẩm hiu mà không dám hé miệng, hé môi.

oOo

Ngày hôm sau, đại đội được lệnh tăng phái cho một trung đoàn đang tham dự một cuộc hành quân hổn hợp Việt Mỹ. Tiếng kẻng vang lên dồn dập. Người lính trực đã bắn ba phát súng để ra hiệu cùng đám lính ở dưới trại gia binh. Người trung sĩ tiếp liệu đang phân phát lương khô và đạn dược cho từng trung đội. Định đã quá quen thuộc với cảnh tượng như thế. Những nỗi hồi hộp, bâng khuâng, lo âu vô cớ đã không còn nữa. Giờ là nỗi dửng dưng. Dửng dưng chấp nhận. Dửng dưng như con số không to tướng. Như mấy giòng thơ mà chàng đã sáng tác:

Đời ta là con số không vô tận
May trên đầu còn chiếc mũ rừng
Mũ nhẹ nên xem đời cũng nhẹ
Chiến tranh. Thì cũng tựa phù vân…

Rồi tập họp điểm danh, rồi kiểm soát đạn dược, rồi báo cáo đại đội phó, rồi chờ xe lên đồi bốc đi. Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh. Chỉ cầu mong bấy nhiêu, để còn thời giờ mà níu kéo tuổi thanh xuân. Nhưng rõ ràng mặt trận không yên tĩnh nổi. Những cuộc đụng độ với quân chính qui Sao Vàng càng lúc càng nhiều. Vài quận lị đã bị mất, và một tiểu đoàn bộ binh đã bị thiệt hại gần hết, trong đó có thằng bạn của chàng. Tiếng trọng pháo hay bom rền đã nghe rất gần bộ tư lệnh. Rất may, từ trước đến giờ, bộ tư lệnh vẫn chưa bị một trận pháo nào của địch rót vào. Công lao này, không phải tự nhiên mà có. Ít ra, đơn vị cũng làm tròn trách nhiệm mà ông Tướng Tư Lệnh Nguyễn văn Hiếu đã dành cho đại đội.

Tám, người lính ô đô, hỏi Định:

“Ông thầy có cần mang gì theo, nói cho em biết.”
“Cám ơn Tám, không.”

Trí đang bận thử máy với thằng Yên, mang máy truyền tin cho ông đại đội trưởng. Hôm nay, ông Tướng trung đội phó nghỉ phép, nên hạ sĩ nhất Cày được giữ chức xữ lý. Thấy ông đang bận rộn cùng hàng quân, chàng bỗng thương ông hơn bao giờ. Nỗi bất mãn của ông đã biểu lộ đêm hôm qua không phải không có lý do. Cái lon hạ sĩ nhất của ông đã quá lâu, trong khi những tay ở hậu cứ hết kẻ này đi học khoá hạ sĩ quan, hay kẻ khác được lên cấp. Chàng nghĩ là phải giúp ông sau lần tăng phái này. Nhưng giúp bằng cách gì. Chàng cũng không thể biết. Có lẽ một khuyết điểm lớn của quân đội là rập khuôn theo quân đội thời Tây đô hộ, dành cho đơn vị trưởng một vai trò mà người lính xem là bậc cha mẹ, có quyền uy tối thượng. Đơn vị trưởng thương thì nhờ ghét thì chịu. Đơn vị trưởng là Mặt Trời Đại bàng, bóng rợp trên những con chim sâu chim mía… Còn chức trung đội trưởng thì không có một thẩm quyền gì ngoài việc xem bản đồ, chấm toạ độ, coi phương giác trên địa bàn, nhận lệnh, thi hành lệnh và được có một kẻ hầu không công. Còn lại là vai trò của một người lính tiền sát hay khinh binh không hơn không kém. Thật vậy, từ ngày nhận chức trung đội trưởng đến giờ, cả năm, chàng chưa bao giờ được hỏi ý kiến hay được cơ hội đề nghị thăng thưởng thuộc cấp của mình. Việc này hoàn toàn từ hậu cứ. Mà thật ra, chàng cũng chẳng cần bận tâm. Chàng chỉ biết rượu đàn bà và súng đạn. Chàng chỉ biết hối hả để sống và mai ta đụng trận ta còn sống. Về ghé Sông Mao phá phách chơi… (thơ Nguyễn Bắc Sơn)

Bây giờ đoàn xe bốn chiếc GMC đã bò lên đồi. Lính lục tục lên xe, ba lô súng đạn kềnh càng. Chẳng ai bận tâm thắc mắc về một nơi mà họ sẽ đến. Anh sẽ ra đi vào miền mênh mông. Lời ca của Lệ Thu như vướng vít theo lớp bụi đỏ và những áng mây xa trên những núi rừng hiểm địa. Định mở cabin xe.

Ông Cày ngồi bên cạnh. Cabin là chỗ danh dự. Dành riêng cho trung đội trưởng và trung đội phó mà. Ông Cày nhích người nhường chỗ cho chàng. Định rút bao Pall Mall, mời ông. Ông đưa hai tay nhận điếu thuốc. Ông nói cám ơn. Định để ý đến vết sẹo dài suốt cả bắp tay. Chàng hỏi:

“Ông bị thương lúc nào?”
“Cách đây ba năm thiếu úy. Bị mìn. Không phải ở chỗ này mà còn ở dưới đùi nữa.” Định muốn rưng rưng. Những vết sẹo ngang dọc, câm nín, hẩm hiu trên những phận đời thấp hèn, mà người ta tha hồ thổi phồng, ca ngợi mà thật sự rổng tuếch và bất nhẫn. Ai hy sinh hơn họ. Ai lao về phía trước hơn họ. Ai gian khổ hơn họ. Ai nhục nhằn hơn họ ?

Đoàn xe xuống đồi, rồi qua chợ quận. Định cố gắng nhìn vào trong, và chàng nhận ra người con gái quê. Hôm nay nàng mang áo vàng như màu bông cải, rực rở dưới nắng mai. Có lẽ hôm nay nàng đã dành cho chàng, trang điểm cho chàng, mang áo mới cho chàng. Như vậy mà chàng lại nghi ngờ, chùng lòng khi lính chàng bảo nhà nàng có người nhảy núi. Lòng chàng đâm xôn xao. Chàng muốn tạ tình. Không hiểu sao chàng khẩn cầu với người tài xế. Anh làm ơn ngừng lại vài phút. Tôi cần mua gói thuốc lá. Người tài xế ngừng xe bên đường. Chàng nhào xuống, chạy đến bên người con gái.Nàng thấy chàng buột miệng kêu: “Anh.” Chàng tha thiết nhìn nàng: “Anh đến thăm em đây. Tha lỗi cho anh, anh phải đi liền. Đoàn xe đang chờ anh.” Nói xong, chàng cầm bàn tay nàng xiết mạnh. Nàng để yên. Rồi chàng nói: “Thôi anh đi.” Tiếng còi từ phía xe chỉ huy vang lên, thúc hối. Chàng trở lại xe. Rồi đoàn xe tiếp tục lăn bánh. Anh sẽ ra đi về miền mênh mông…

oOo

Khi xe lên đèo, Định mở cửa cabin, một tay cầm súng, một tay đeo vào thành cửa xe mà đứng như chàng cao bồi chánh hiệu. Chàng đã ra lệnh lính xếp băng xe lại, tất cả đều đứng dậy súng chĩa ra hai bên đường như sẵn sàng khai hỏa. Kinh nghiệm này không phải từ trong các bài học ở quân trường mà từ kinh nghiệm chiến trường. Bài học về phản phục kích trong quân trường chỉ dạy về những điều căn bản như cách bố trí đội hình, vị trí súng nặng, tổ nào tiếp trợ cho tổ nào… Quân trường không hề dạy về một yếu tố rất cần. Đó là yếu tố tâm lý. Phải làm sao để kẻ địch cứ nghĩ rằng mình có cảm giác bị phác giác dù chúng ẩn trong lùm, trong bụi. Phải làm sao để địch ngán nếu khai hỏa đầu tiên. Chỉ có cách là buộc người lính bỏ ba lô, đứng thẳng trừng mắt, như sẵn sàng nhảy xuống chơi với bọn mày trong chớp nhoáng. Phải chứng tỏ rằng chúng tao sẵn sàng thí mạng cùi…

Yên tĩnh. Đoàn xe chậm rãi leo lên đèo. Sau đoàn xe là một đoàn convoi Mỹ chở đạn pháo binh đang bóp còi inh ỏi xin qua mặt. Đoàn xe của chàng nép qua bên lề để nhường cho đoàn convoi. Khi chiếc xe sao trắng cuối cùng qua khỏi, thì bỗng một tiếng nổ dội ầm phát lên rồi tiếp đến là những tràng nổ tiểu liên, dòn dả cắt xé. Những ngọn lửa bừng dậy, cùng những tràng nổ dội ầm ầm từ những thùng đạn pháo binh trên xe. Lính nhảy ào xuống, núp vào những mô đá bên đường, mạnh ai nấy bắn xối xả vào trong rừng. Có lẽ vì hỏa lực bất ngờ của đơn vị chàng nên địch sợ không dám xung phong ra ngoài. Đàng sau, ông đại đội trưởng thì đang gọi về trung tâm báo cáo và xin trực thăng lên tiếp trợ. Giữa lúc ấy, Định nhận ra cách chừng 50 thước, một người lính Mỹ lảo đảo nhào xuống xe rồi té trên đường. Hắn nằm tênh hênh giữ lộ trống trải. Hắn cố gượng trong tuyệt vọng, để bò thêm một tí nữa. Rồi sau đó hắn nằm yên. Định biết hắn vẫn chưa chết vì rõ ràng chân tay đang cử động, như cố gắng trườn thêm một chút nữa. Định không biết xử trí làm sao thì ông Cày hối hả nói với chàng: Ông cho tôi một thằng để nhào lên cứu hắn. Hắn nặng lắm, một ngừơi không khiêng nổi hắn đâu. Hắn nằm như thế nguy hiểm lắm. Định gật đầu rồi ra lệnh binh Hà cùng nhào lên. Chàng nói với người hạ sĩ nhất của mình bọn tôi sẽ bắn yểm trợ ông. Rán cẩn thận.

Ông Cày cầm M79 vụt chạy lên. Tiếp theo là binh Hà. Định hét hỏa lực tối đa. Ông đại đội trưởng gọi máy hỏi, Định chưa kịp phân trần thì chàng thấy cả người ông Cày ngả xuống bên thằng Mỹ. Định nóng mặt, càng hét lớn. Bọn mày yểm trợ cho tao. Y Đao, mày theo tao. Giữa lúc đó, hai chiếc trực thăng của Sư đoàn Một Kỵ Binh bỗng xuất hiện, thi nhau phóng hỏa tiển xuống hai bên bìa rừng. Định chạy lên. Những người lính khác cũng ào theo như bão trốc. Trí vừa chạy vừa báo cáo trong lúc hỏa tiển và đại liên từ hai chiếc trực thăng vẫn tiếp tục ì ầm nả xuống những chỗ nghi ngờ. Khói bốc, lẫn những tiếng nổ ầm ầm từ những quả đạn pháo binh, chiếc xe sao trắng bốc cháy bên đường. Những người lính Mỹ bây giờ mới hết hoảng hồn, nằm chĩa súng vào phía rừng. Không thể ngờ từ một chuyến đi, đơn vị lại phải mang một trách nhiệm ngoài dự định. Và chịu thêm một cái tang. Ông Cày, hạ sĩ nhất Cày tử thương.

Ông đã được chiếc trực thăng đặc biệt của Sư đoàn 1 Kỵ Binh Không Vận Hoa kỳ tải về nhà xác. Trong một buổi trưa vẫn còn nghi ngút khói, và lửa vẫn còn bốc ngọn, chiếc trực thăng đã đáp ngay trên đèo. Thằng lính Mỹ bị thương đã ôm chầm lấy xác ông Cày mà khóc ròng. Trung đội cũng ngậm ngùi nhìn chiếc poncho bọc lấy xác của ông Cày mà rưng rưng. Thôi hết rồi những lời đùa chọc ông Cày 40 mà còn độc thân đấy em. Anh là Cày đây em. Và hàm răng vàng của chàng công tử miền quê, không giận hờn ai. Ai chọc ghẹo chỉ việc cười híp mắt.

Chỉ có đêm qua, lần đầu tiên Định mới thấy ông Cày bất mãn. Chàng thấy có lỗi một phần, bởi vì dù sao chàng cũng vẫn là trung đội trưởng của ông. Phải chi ông nói với chàng sớm hơn. Nhưng mà liệu chàng có thể giúp ông được hay không, trong khi hàng ngũ thì đầy dẫy tệ đoan, mua quan bán chức, lính ma lính kiểng, trong khi xã hội thì càng ngày càng tan rã, trong khi những người như bác sĩ Hà Thúc Nhơn đứng dậy cùng thương bệnh binh đòi hỏi cải tổ lành mạnh hóa guồng máy thì bị giết oan nghiệt bởi chính hàng ngũ của anh ta. Và những người thanh niên khác, thao thức cùng vận nước, dũng cảm nói lên tiếng nói thì bị đày ra tác chiến, lên rừng chơi với khỉ vượn. Thật nực cười, người ta cứ kêu gào thanh niên là rường cột nước nhà, là gánh trách nhiệm trước dân tộc, lịch sử, nhưng một khi thanh niên muốn chia xẻ trách nhiệm chung, muốn lành mạnh hóa quân đội muốn tỏ bày những ý kiến trung thật của mình thì bị trù dập, đày ải, bị gán cho những danh từ như bất mãn, hèn nhát, phản chiến, phản bội, vô kỷ luật. Làm như đất nước này là của riêng của một nhóm người không ai được quyền chia xẻ trừ cái quyền được chết.

Ông Cày đã chết vì đã cứu người lính Mỹ. Ông không còn bất mãn nữa. Ông đã được tự động lên cấp cố trung sĩ. Ông chẳng cần ai khiếu nại nữa.

Switch mode views: