Cuối Bờ Xa Cách
- Thứ Bảy, 15 tháng Mười Một năm 2014 19:20
- Tác Giả: Trần Hoài Thư
Photo : Có thể bạn chưa biết? Hầu hết các sĩ quan cao cấp trong QLVNCH trực tiếp tham gia trận chiến An Lộc 1972 đều tử trận hay bị bắt làm tù binh trong cuộc chiến: 1. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng - Anh hùng tử thủ An Lộc, Tư lệnh sư đoàn 5 bộ binh, kiêm tư lệnh mặt trận tiền phương An Lộc. Ông tuẫn tiết vào ngày 30/04/1975 sau khi Sài Gòn sụp đổ, bằng cách dùng súng lục bắn vào tim tự sát, tại văn phòng Tư lệnh phó bộ chỉ huy của Quân đoàn 4. 2. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ - Tư lệnh phó sư đoàn 5 bộ binh, kiêm phó tư lệnh mặt trận tiền phương An Lộc - Người đã dùng súng M72 bắn cháy chiếc T54 đầu tiên của QĐNDVN ở An Lộc. Ông tuẫn tiết vào ngày 30/04/1975, bằng cách dùng khẩu Beretta 6.35 bắn vào đầu tự sát ở bộ tư lệnh sư đoàn 5 tại Lai Khê. 3. Đại tá Trương Hữu Đức - Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 5 Thiết giáp VNCH. Ông tử trận ngày 13/4/1972 tại An Lộc, do bị đạn pháo QGPMN bắn trúng trực thăng. 4. Đại tá Hồ Ngọc Cẩn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 15 bộ sinh sư 9 VNCH. Ông bị bắt ngày 30/04/1975 vì không chịu buông súng đầu hàng và bị tòa án binh xử tử ngày 14/08/1975 tại sân vận động Cần Thơ. 5. Đại tá Lý Đức Quân - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 sư 5 bộ binh. Ông bị tử trận không lâu sau khi trận chiến An Lộc kết thúc do trực thăng bị trúng đạn pháo phòng không của QGPMN. 6. Đại tá Mạch Văn Trường - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 sư 5 bộ binh. Ông bị bắt ngày 30/04/1975 khi đang giữ chức vụ Tư lệnh sư đoàn 21 bộ binh với quân hàm Chuẩn tướng. 7. Đại tá Phan Văn Huấn - Liên đoàn trưởng Liên đoàn 81 BCND, ông bị bắt ngày 30/04/1975. Khi đang giữ chức vụ chỉ huy trưởng Lữ đoàn 81 BCND.
Cho tới bây giờ, tôi mới thấy rằng tôi là một tên bất nhân nhất thế gian. Một tên vô tâm độc ác. Không, anh đừng vội ngạc nhiên. Cũng đừng thắc mắc tại sao tôi lại tự sỉ vả tôi như thế. Cho dù từ trước tới nay, tôi chưa dám giết một côn trùng, sợ máu như sợ một thứ gì ghê gớm. Hãy bình tâm, cho tôi thú tội. Dù sao đi nữa, anh là kể đến với tôi chiều nay, buồn cùng nỗi buồn to lớn của tôi, thương hại cùng nỗi cô đơn khủng khiếp của tôi. Anh hãy để tôi được quyền coi anh là một vị linh mục, và tôi sẽ quì xuống để nói ra những gì đã dần mòn cắn rứt con tim tôi suốt mấy năm trời. Tôi đang bị cái hình phạt khủng khiếp ấy bủa xuống, như một ám ảnh tàn khốc nhất của kiếp người. Càng lúc càng độc hại. Ừ trước khi thổ lộ, xin mời anh uống thêm một cốc rượu nữa. Và cho phép tôi cùng nâng ly. Tâm hồn tôi yếu đuối lắm. Nếu không có chất men độc địa này, chắc tôi không đủ can đảm thú tội đâu. Tôi xin anh hiểu mà thương tôi…À, anh thấy gì không? Mua thu đang trở về. Trời ngập gió heo may. Đường ngập lá vàng. Mặt trời màu tái xanh bệnh hoạn . Cảnh trời cũng lây cả một màu bệnh hoạn, đến tận đáy lòng mình. Cây ngô đồng đã đổi màu xanh thành vàng chết, và kìa, lá vàng từng trận rơi xuống như chia buồn cũng cõi thế…
Hình ảnh ấy đã làm chết điếng hồn tôi. Ở đó, có một chút gì của thoi thóp, của run rẩy, của sương khói, của bệnh hoạn, và của ngăn cách. Hình ảnh ấy đã nhắc nhở tôi những kỷ niệm, những hình bóng. Thật vậy, từ lâu tôi yêu những cái gì quá đỗi mỏng manh, như môt làn hương gió. Không hiểu sao, tôi lại yêu đến độ thê thiết như vậy, Nhất là đàn bà. Tôi yêu hạng người có dáng gầy như liễu, có bờ ngực bệnh hoạn, có một cái gì toát ra một vẻ thánh thiện, hay không thực tựa chừng một ảo ảnh…
Có lẽ vì những kỷ niệm xưa cũ. Từ ấu thơ, tôi sống như một vì sao côi cút, và trong xã hội, tôi chẳng khác một con chó ghẻ không hơn không kém. Tôi đã có những đêm bỏ nhà bỏ cửa trốn đi, ngủ nhờ ở vỉa hè thành phố, tôi đã có những ngày đói khát theo lũ bé đánh giày nương tựa. Tôi chưa biết thế nào là môt người mẹ như trăm ngàn đứa bé trên quả địa cầu này đã biết. Nhưng, tôi thề rằng tôi có cô hiệu trưởng của trường cô nhi để tìm đến những lúc tủi thân tột cùng. Đôi mắt của cô trời ơi, khi khép lại, để cầu nguyện thì chẳng khác một đức Thánh mẫu. Cái dáng gầy hao của cô, trong buổi sớm mai, từ văn phòng đến ngôi giáo đường, thì chẳng khác một hình bóng vô cùng thánh khiết, nhất là vào những sáng sương mù dày đặc, thì lại càng đẹp đến não nùng. Lúc ấy, trí óc bé nhỏ của tôi, hình dung ra một bà Tiên. Chính cô là một bà Tiên trở về để an ủi, vỗ về lũ trẻ mồ côi bất hạnh. Chính đôi mắt cô là cả một biển bao dung, và hình ảnh cô là cả một hình ảnh của từ bi độ lượng. Hình ảnh ấy, như một cơn mơ. Đến và đi như một làn hương quí. Quả vậy, tôi còn nhớ như in, hình ảnh ấy đến với tôi trong khi tôi nổi sốt. Tôi chỉ thấy lờ mờ gương mặt dịu hiền, đôi mắt ngoan đạo. Tôi chỉ thấy mập mờ cái dáng mềm yếu, rất là mỏng manh rất là xa vắng, như chừng tan loãng ra ngay. Và đó là lần đầu tiên tôi được nếm thế nào là hạnh phúc. Đó là lần đầu tiên tôi được bắt gặp hình ảnh một người mẹ hiền. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi nhỏ xuống má những giọt lệ vì sung sướng quá.
Để rồi từ đó, hình ảnh của cô hiệu trưởng trở nên thân mật với tuổi thơ. Tôi bắt đầu thấy mình nhớ nhung, cũng như thèm khát được nhìn hình ảnh của cô. Có nhiều đêm, tôi lẻn trốn ra ngoài phòng, tìm đến nhà của cô – gần đó, và nép người dưới vườn hoa rậm rạp để nhìn cô đánh đàn dương cầm. Tôi muốn chết trân trước mái tóc dài óng ả chảy suốt cả bờ vai xuống tận nền. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại thích như vậy. Tuổi thơ của tôi thật kỳ lạ. Nhưng nếu sống trong hoàn cảnh của tôi, người ta mới hiểu và tha thứ.
Có lẽ, trong những ngày dài như cả thế kỷ trong viện mồ côi, cuộc sống của tôi chỉ thấm nhập bởi những bài kinh thánh, bởi những lời cầu nguyện, bởi những ước mơ xa vời. Nhất là trong nỗi bất hạnh, tủi thân của một vì sao lạc loài, tôi không còn biết gì hơn là ngưỡng vọng một hình ảnh rất dịu dàng mà gần gũi, rất thánh khiết mà bao dung như cô hiệu trưởng. Ở người cô, dường như toát ra một cái gì tuyệt dịu mà tôi không làm sao diễn tả được. Không biết, đó là cái đẹp không? Không biết đó là đức thánh mẫu không? Mà sao tôi mãi mãi bị cái hình bóng của cô theo đuổi hớp hồn. Mà sao, tôi chỉ yêu thích mỗi một hình bóng ấy. Một hình bóng như sương như khói, bệnh hoạn xanh xao, một hình bóng không bị ô nhiễm bởi cuộc thế.
Và năm 20 tuổi, tôi bắt gặp hình bóng ấy qua một người con gái ngoan đạo. Nàng tên là Liên Hạ. Dĩ nhiên là tôi yêu nàng rất tha thiết. Dĩ nhiên đối với tôi, nàng là tất cả. Tôi đã từng bỏ công lặn lội theo nàng hàng giờ, từ ngôi trường nữ trung học, hay từ ngôi nhà của nàng, đến tận nhà thờ thành phố. Tôi đã từng núp đằng sau cánh cổng giáo đường, ôm ngực ôm tim nhìn ngóng nàng đang quì gối trước bục thờ Chúa Hài đồng. Tôi đã từng bị gương mặt thanh tú, đôi mắt vô lượng, bờ ngực gầy, cái dáng mong manh ấy làm chết điếng, bỏ ăn, bỏ ngủ. Nhưng tôi thề tôi không nghĩ đễn nỗi ô trọc, đến thân xác. Tôi chỉ nghĩ nàng là một thần tượng cao cả của tôi một ngôi vị miên viễn tuyệt vời nhất của tôi. Nhất là trong bầu không khí vừa âm u, vừa thần linh dưới vòm nhã nhạc thánh ca ấy. Ở đó, chan hòa một bầu trời vô lượng, vô biên, mà nàng, quì gối cúi đầu, viền mi khép trĩu, áo lụa thanh khiết như hình ảnh cô hiệu trưởng. Khi ấy, con tim tôi được xoa dịu lại và tâm hồn tôi tràn ngập một tình cảm vô cùng trong sạch. Tôi yêu nàng trong kính nể. Tôi nghĩ đến nàng trong tâm tư trinh trắng của tôi. Ở nàng là một con người khác, không phải con người trần tục. Nàng chính là cõi mộng, cõi chiêm bao, mà tôi gởi gắm vào, nương nhờ đến trong dòng sông lênh đênh tuổi trẻ.
Trời ơi, tôi không thẻ nào quên được những chiều nàng đi lễ. Ngôi giáo đường ở bên cạnh bờ biển, bên cạnh ngôi nhà tôi nương nhờ với chức dạy kèm trẻ. Và khi tiếng chuông nhà thờ được ông lão kéo đổ từng hồi, thì tôi như một nhấp được một cốc rươu hành phúc nhất. Tôi chạy ra ngoài cổng, rồi đứng dưới hàng dương trước giáo đường. Tôi dấu con tim hồi hộp cùng cực để đợi chờ nàng bước qua. Gió lộng, biển xanh và áo trắng của nàng ẩn hiện như nàng yêu dấu. Tôi thề là tôi không hề liên tưởng đến sự dục vọng của xác thịt, cho dù, gió biển đã làm tà áo của nàng bay phất phới, và nắng chiều soi những đường nét thân thể của nàng. Tôi chỉ thấy ở dáng người nàng được tỏa ra một cái gì cao cả quá, hiền lành quá, tinh khiết quá. Như bờ ngực gầy của nàng, như bước chân nhỏ nhắn của nàng…
Và từ nỗi đam mê ấy, tôi bắt đầu làm thơ, vẽ tranh. Tôi đã làm những bài thơ đầu tiên nói về Liên Hạ, nói về một người con gái như sương như khói chẳng hạn:
Em qua đời tôi,
bằng thánh ca trong giờ lễ đạo
bằng đôi mắt như một ma soeur
bằng bước đi không còn vướng bụi
bằng tiếng chuông chiều vang vọng ba ngôi.
Thơ tôi còn non. Nhưng tôi vẫn tiếp tục làm cả trăm bài bằng một nỗi say mê kỳ lạ. Nhan đề cho tập thơ đầu tiên là Liên Hạ, và tôi vẽ một lô phụ bản, toàn là hình ảnh một người con gái, thật cao, thật mỏng, ngực thật lép, với mái tóc buông xóng xõa xuống hai gọt chân trần. Hơn nữa, tôi cho nàng bay lên không trung, như chạm vào một cõi chim muông, sương mù, những ngọn đèn cầy… Trên mỗi một phụ bản, tôi vẫn thường trích ra những câu thơ hay mà tôi góp nhặt được. Chẳng hạn hai câu thơ sau đây:
Em đi dáng mỏng như là gió
phơi tuổi vàng ta trên ngọn cây…
( Thơ Hoàng gỗ Quí)
Đó tình yêu của tôi là thế. Bây giờ, tôi có thể thú thật đây là cơn mộng du không hơn không kém. Bởi vì, ngày ấy, tôi sống hoàn toàn bằng một cơn mộng. Tôi không dám xa vào thực tế. Tôi không dám thổ lộ tình yêu.
Nhưng thực tế là một cái gì khủng khiếp. Đó là một đêm không trăng, khi tôi một mình ra bờ biển trước nhà. Thường thường, mỗi đêm tôi vẫn có thói quen lang thang như thế. Bởi tôi muốn thoát khỏi căn nhà âm u tù tội mà tôi phải chịu giam mình bởi nhu cầu cơm áo. Bởi tôi coi cõi tịnh lieu vĩ đại của biển cả là một nơi để tôi suy nghĩ, và sáng tạo. Nhưng, một đêm , ừ một đêm thật tàn nhẫn, tôi đã bắt bặp cái hình ảnh mà tôi cho lầ thánh thiện, trinh khiết là ma soeur ấy đang làm những gì mà loài người trần tục vẫn làm. Tôi đã sững sờ chôn chân trên mặt cát. Trước mắt, nàng và ai đó. Hai người đang bấu víu nhau. Trong khi tiếng sóng vang động cả cõi đêm như thể nhịp đập của con tim tôi. Và tôi đã chạy như một tên cuồng. Tôi chạy trong bầu trời gầm thét, và trên đầu tôi dễ chừng có tiếng sét đánh xuống. Phải, thực tế. Cơn mộng. Tôi đã thấy hai bờ vực đó, và hiểu được tê tái những gì mà tôi đã rồ dại lao mình vào. Cho dù, tôi vẫn tự nói với chính tôi nghe: Không, không thể được Liên Hạ không thể hèn mạt, ghê tởm như thế được. Nhưng lập tức cái bóng đen kia lóe sáng với hai thân thể. Và tôi cứ chạy, chạy mải miết. Ảo tượng, cơn mộng du của tuổi trẻ của tôi đã chết từ đêm đó.
Kể từ đó, tôi không đến như thường lệ. Vị Linh mục ngạc nhên trước sự thay đổi này. Ông ra gặp tôi ở bờ biển, trong một buổi chiều biển động. Ông hỏi:
- Cha nhận thấy dạo này con không đến nhà thờ.
Tôi trả lời bướng bỉnh:
- Con không đến bởi vì con không thích.
Vị linh mục nhìn tôi, nửa ngạc niên, nửa sợ hãi như thể tôi là một kẻ điên. Sau đó, ông nói:
- Con cho phép Cha đi dạo với con?
Nhìn ông, tôi cảm thấy ân hận. Và chúng tôi bước trên bờ cát ướt. Sóng biển gào thét, ào vào bờ xa hơn mọi khi. Bãi biển vắng lặng đến rợn người. Bầu trời một màu mây ảm đạm, với những chớp sáng lóe lên đều khắp, gầm gừ trong tiếng động của biển. Tôi nhìn những cặn bã còn sót lại trên cát trắng, miệng muốn nôn.
Vị linh mục gợi câu hỏi đầu tiên:
- Cha đoán không lầm là con vừa trải qua một câu chuyện đau buồn?
Tôi không trả lời.
Ông nắm vai tôi:
- Cha là người của Giáo hội, là vị Cha tinh thần của các con. Con hãy nói cho Cha biết. Con nên nhớ rằng, Chúa có mặt khắp mọi nơi, mọi người.
Tôi cắn môi mới khỏi bật khóc:
- Cha có bao giờ thấy giấc mơ của Cha bị sụp đổ? Cha có nghĩ rằng trên bãi cát trắng phau này, sau khi nước biển rút đã để lại bao nhiêu cặn bã. Cha có hiểu…
Vị Linh mục ngắt ngang lời tôi nói.
- Con hãy bình tĩnh lại.
Tôi nắm bàn tay Cha:
- Cha có ở trường hợp, hoàn cảnh như con Cha mới hiểu. Con sinh ra trong viện Mồ Côi. Con lớn lên trong cảnh tù tội, và bây giờ con là nạn nhân của xã hội. Con không tin điều thiện ở con người. Con chỉ thấy một loài người cấu xé, giành giựt, lấy nỗi đau đớn của kẻ khác là một trò vui. Con chỉ thấy giống cái, giống đực…
Tôi hét lên và bỏ chạy. Trong khi đó tiếng nói của vị Linh mục đuổi theo sau, khi mất khi còn trong tiếng sóng biển gào thét:
- Chúa phù hộ cho con. Rồi con sẽ trở về với Chúa…
Có lẽ tôi điên đến nơi. Tuổi trẻ có những giây phút mê cuồng rồ dại. Tuy nhiên là nỗi mê cuồng rồ dại hữu lý. Bởi vì chính hắn là nạn nhân. Bởi vì hắn không biết nương tựa vào đâu nữa. Anh hãy tha thứ cho tuổi trẻ của tôi. Cũng như Chúa hãy tha thứ cho sự phạm thượng này. Chúa cũng hiểu trên quả địa cầu này, Chúa không ban ơn trọn vẹn.
Và cũng chính sự mê cuồng, thất vọng tái tê mà tôi ghê tởm tất cả. Tôi bắt đầu dẹp bỏ cơn mộng, niềm tin để sống một nếp sống cuồng loạn, Tôi đã uống rượu đập ly, tôi đã lăn xả vào các thân thể nóng hổi đàn bà. Nhất là loại đàn bà có hình dáng mảnh mai, gầy ốm. Trong trí não của tôi luôn luôn dục dã tiếng nói trả thù. Tôi hành hạ, đày đọa. Tôi chẳng khác một tên cuồng bạo. Nhưng định mệnh lại không buông tha tôi. Vài năm sau, tôi lại quen người con gái thứ hai. Nàng giống Liên Hạ như đúc. Có nghĩa là bờ ngực gầy, dáng người mong manh như cành liễu. Có nghĩa là ở người nàng toát ra một nỗi bệnh hoạn âm u. Thoạt đầu, những lá thư trao đổi, rồi dần dà đưa đến chỗ hẹn hò. Tôi đã giăng cãi bẫy mà nàng không hay. Và tôi xin mấy ngày phép để trở về thành phố. Nàng đứng đợi tôi ở sân bay. Tôi huyên thuyên mời mọc nàng vào từng quán tối. Tôi khẩn cầu nàng bỏ học bỏ hành. Trong tâm tưởng của tôi bây giờ là phải hưởng thụ trong mấy ngày phép. Và ngày cuối cùng, tôi mời nàng đi thật xa, về ngọn đồi hiu quạnh. Nàng ngần ngừ, nhưng sau đó, khi thấy đôi mắt van lơn của tôi, nàng cầm lòng không đậu, bằng lòng. Và chúng tôi ra đi. Tôi còn nhớ rõ buổi sáng mùa thu ấy, ngọn đồi mang một màu vàng úa bởi những cơn mưa lá vàng rơi rụng. Tôi còn nhớ, dưới chân đồi biển cả xanh biếc một màu và những cơn sóng bạc đầu vỗ mạnh vào bờ đá, với những tiếng gào thét hung dữ. Tôi vẫn còn nhớ là nàng bé nhỏ, bệnh hoạn nương cậy vào tôi khi trèo lên các sườn đá cheo leo. Tuy vây đôi mắt nàng long lanh một màu hạnh phúc. Nàng cười nói huyên thuyên như con sáo nhỏ. Nàng kể về những ngày, những đêm nhớ nhung thê thiết. Nàng nhắc đến con đường từ nhà ra bưu điện, một bóng hình nàng cô độc giữa một hàng sao cúi đầu, vàng úa. Chính trong những lá thơ nàng gởi nàng vẫn viết về con đường ấy. Con đường bệnh hoạn như cuộc đời của nàng: bệnh hoạn liên miên. Và không hiểu sao nàng lại yêu nó đến ngây ngất. Lời nàng dịu dàng bên tôi, và tôi nghe bằng một tâm trạng cay đắng. Tôi liên tưởng đến cái đêm trên bãi biển. Tôi nhớ lại cơn mộng du tuổi trẻ với kết cuộc là phũ phàng, thất vọng ê chề. Và tôi nhắm mắt. Tôi cũng không hiểu nổi cõi lòng của tôi nữa. Tôi dịu dàng bảo nàng ngồi dưới một gốc cây phong. Tôi dịu dàng bảo nàng hát. Và nàng vừa nhặt một chiếc lá chết vừa cất tiếng hát. Bài hát về mùa thu, về số phận mong manh của những chiếc lá cuối mùa. Tiếng hát của nàng cũng đầy nước mắt trong khi trên cao, lá từng chiếc từng chiếc rụng xuống như mưa, và tiếng gió thổi xao xuyến một lúc… Quả là tiếng hát kỳ diệu. Nó cất lên bằng cả một con tim yếu đuối. Nó tỏa ra bằng nước mắt bệnh hoạn. Và nàng đã hát bằng tất cả nỗi lòng tha thiết nhất, Mùa thu. Thu đi cho lá vàng bay. Tại sao nàng nức nở. Tại sao bờ vai yếu mềm của nàng run rẩy tội tình. Tại sao bờ ngực của nàng thoi thóp. Nàng đã trao trọn vẹn tâm sự thầm kín nhất, u ẩn nhất cho ai. Cho tôi hay cho Trời Cao. Cho Định mệnh. Phải, tôi biết, sau này, nàng đã trao cho Định mệnh. Bởi vì, vô tình tôi thấy nàng mang theo trong chiếc sắc tay học trò những viên thuốc trợ tim màu hồng, mà nàng vẫn dùng như suốt đời con gái. Tôi cựa tim đau đớn. Tôi sợ cũng nên. Nhìn nàng tôi thấy má tái xanh. Tôi thương nàng quá. Rõ ràng lúc này là lúc tôi cảm thấy nàng vô tội. Tôi nhìn lên trời cao. Màu lá vàng ngợp ngàn. Màu mây trắng mong manh sương khói. Và tiếng biển gào thét vang động dưới đồi. Bỗng dưng tôi thấy lại bộ áo đen tuyền của vị linh mục. Trong tiếng gió, tiếng sóng có cả lời réo gọi của vị Cha xứ:
- Cầu Chúa phù hộ con. Rồi con sẽ trở về với Chúa…
Tôi mới thấy một điều là trên đầu tôi Chúa hiển hiện. Bằng cõi lòng bao la, khoan dung và tha thứ. Trên quả đất này, Chúa luôn luôn mở rộng vòng tay, ban xuống những ơn mưa móc. Cho mỗi mùa một vẻ đẹp. Cho con tim con người tình yêu. Cho lá vàng rơi rụng, cho mây trời thôi trôi về biển khơi. Cho tôi một người con gái. Không hiểu sao, tôi ôm choàng lấy nàng, và hôn như mưa trên tóc nàng, má nàng, môi nàng. Tôi hôn như hôn một thứ tuổi trẻ ngọc ngà nhất mà từ lâu tôi đã đánh mất. Đó là lúc tôi vừa nếm được hương vị của ái tình và vừa thổ lộ niềm ân hận, tạ lỗi. Nhưng hỡi ơi, nàng đã ngất xỉu rồi. Cái hôn lần đầu, sự luyến ái lần đầu trong đời người con gái bệnh hoạn đã làm nàng trở bệnh. Căn bệnh tim của nàng lại tái phát vì sự xúc động. Trời ơi, tôi ôm nàng trong vòng tay của tôi, hốt hoảng cực độ. Tôi lay nàng, tôi nắn nót, xoa bóp nàng. Nhưng nàng vẫn còn nằm yên đấy, má tái xanh và ngực thập thò yếu ớt. Sau đó, nhớ lại vài kinh nghiệm ở chiến trường, tôi bắt đầu làm vài động tác hô hấp nhân tạo, và lấy chai dầu thoa khắp thân thể. Lúc này là lúc tôi yêu nàng cực độ. Lúc này là lúc tôi khám phá được hạnh phúc cũng như tình yêu. Nhưng cũng lúc này, tôi biết tôi sợ. Vì, cơn mộng du của tôi đã hóa ra một cơn mộng du đẫm đầy nước mắt. Như người con gái đang ngất xỉu trên đám lá vàng khô này.
oOo
Để rồi từ đó, tôi tự cắn răng không dám liên lạc với nàng nữa. Tôi biết tôi không xứng đáng với tình yêu của nàng. Tôi biết, với cuốc sống trận mạc của tôi chỉ làm nàng hãi sợ, nhuốm bệnh thêm lên. Vì, tưởng tượng mỗi đêm, nàng nghe tin từ đài phát thanh báo về một mặt trận lớn có tôi tham dự thì nàng sẽ như thế nào? Cũng như đọc một bản tin trên tờ báo, hay một lời phân ưu nhỏ mọn thì nàng sẽ như thế nào. Điều đó; ai cũng biết. Bởi thế, tôi cắn răng chấm dứt mối tình đang độ nồng cháy nhất của đời tôi. Khi từ giã thành phố, nàng bảo nàng không đưa, và tôi cũng khuyên nàng như vậy vì sợ nàng lại chịu thêm một nỗi xúc động mới. Nhưng ngày cuối cùng, ngồi trên xe ca, tôi lại thấy nàng đứng ở ngã tư, nhìn tôi trong khi chiếc xe lăn bánh. Nàng mặc áo vàng, tựa như màu úa trên ngọn đồi vĩnh cửu. Sau đó, nàng vừa chạy vừa bưng mặt khóc. Còn, tôi thì nhào ra cửa xe, giữ chặt lan can xe mà cay con mắt. Xe càng lúc càng xa dần. Bánh xe nhẹ nhàng, lăn như nhịp điệu của một bài hát. Người đi qua đời tôi. Người đi qua đời tôi. Là chia biệt. Người áo vàng xa khuất. Thành phố từ giã. Còn lại một mình tôi. Người đi qua đời tôi, bằng xót xa, bằng đắng cay… bằng tất cả tấm lòng trinh trắng, nhưng tôi không bao giờ nếu giữ nổi….
oOo
Rồi một ngày mùa thu năm sau, tôi được phép trở về thành phố cũ. Tình yêu bão bùng ngày trước bây giờ nhường lại cho một tâm trạng bâng khuâng, tiếc nuối. Tôi trở về, để nghe tin nàng đã chết vì một trận đau tim kinh khủng. Đó là điều nàng vẫn hay kể trong những lá thư gởi cho tôi trước đây. Và điều ấy đã đến thật sự. Bạn tôi lại kể thêm, là sau khi tôi đi khỏi, nàng càng lúc càng vàng võ, càng sợ người đời. Chừng như nàng có một mặc cảm phạm tội. Nhưng tôi biết, chính nàng là nạn nhân của tôi. Chính tôi đã mang cho nàng cái vết thương dậy thì. Chính tôi đã tập cho nàng làm chinh phụ. Trời ơi, tôi không thể ngờ được. Nàng đã chết. Lần trở về, có tôi thất thểu trên ngọn đồi Thu, có tôi một mình trên mỏm đồi cao, nhìn về phương trời, trong khi lá thu rơi rụng như mưa và mây trắng vẫn bay qua không hề dừng lại. Một đám mây trắng thật tinh khiết dịu dàng trôi thật thấp, thật thấp, rồi vô tình trôi qua không luyến tiếc, không xót thương. Chỉ có trong tiếng gió là tiếng hát về mùa thu. Về mùa bệnh hoạn. Tiếng hát vĩnh cửu của người con gái Đà nẵng…
Related news items:
Tin mới
- Tôi giải phóng tôi - 09/06/2015 14:34
- Giấc Mộng Kinh Hoàng - 01/06/2015 14:27
- Rửa tay - 04/05/2015 14:26
- Chờ Mong Tờ Điện Tín - 20/04/2015 14:31
- Thời Thế, Thiện, Ác, và... Con Người - 20/04/2015 14:27
- Tâm sự người vợ H.O. - 30/03/2015 14:39
- Cuối Đường! - 30/03/2015 14:34
- Bắc Kỳ - 23/03/2015 14:42
- Nhớ một mùa Xuân - 16/03/2015 15:11
- Những mảnh vụn mùa xuân - 26/02/2015 15:48
Các tin khác
- Có một thời để nhớ - 25/10/2014 03:25
- Phóng sanh - 19/08/2014 17:24
- Thằng ăn hại - 13/08/2014 14:55
- Tháng bảy ngát mùa hoa yêu thương - 13/08/2014 14:47
- Vu-Lan nhớ Mẹ - 09/08/2014 14:17
- Bông hồng cho Mẹ - 08/08/2014 15:11
- Mùa Vu Lan - 08/08/2014 15:06
- Giọt lệ màu hồng - 08/08/2014 14:53
- Và tôi cúi đầu im lặng… - 22/07/2014 14:24
- Mưa như thấm đất - 22/07/2014 14:13