Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bóng Tháp

Tháp Bánh Ích
Đây là thành Đồ Bàn. Tháp trước mặt là tháp Cảnh Tiên hay còn gọi là Tháp Đồng đấy
Không thể ngờ một ngày tôi lại có mặt giữa ba ngọn tháp buồn thiên cổ để cảm nhận thế nào là dấu vết của Điêu Tàn trong thơ Chế Lan Viên. Có lẽ tôi may mắn hơn nhà thơ họ Chế, bởi vì ông chỉ nhìn tháp mà làm thơ, còn tôi, tôi sống với tháp, tôi ngủ trong lòng tháp, tôi được tháp che chở bảo bọc mà chắc chắn trong thời bình, tôi khó có thể có được cơ hội.

Đó là đồi Bà Gi, còn gọi là Tháp Bánh Ích,  hậu cứ của đại đội 405 thám kích thuộc sư đoàn 22 BB, gồm một chùm ba ngọn.  Phía đông dưới triền đồi  là Tu Viện Nguyên Thiều, kế là Bộ Tư Lênh Sư đoàn 22 BB.  Phía Bắc là An Nhơn, Đập Đá. Phía Tây là cầu Bà Gi. Trên tháp có thể nhìn cả một vùng Tuy Phước, Gò Bồi, An Nhơn, và một dòng sông Côn uốn dưới chân đồi.  Theo như người địa phương cho biết, ngọn tháp cao nhất là tháp Vàng. Ngọn ở lưng chừng đồi là tháp Bạc. Và ngọn ở dưới thấp nhất là tháp Đồng. Tháp Vàng là nơi đặt đài radar của quân dội Mỹ. Tháp Đồng là kho chứa đạn dược của đơn vị tôi. Chỉ có tháp Bạc là trống trải, nằm ngay ở bên sân doanh trại, ngay ở cổng gác của đơn vị.

Thật không thể ngờ có một ngày tôi lại nương nhờ dưới bóng ba ngọn tháp này. Có lẽ chúng là mái nhà của tôi cũng nên. Tôi đã nương dưới bóng tháp ấy suốt gần 4  năm (tháng 9-1966 - tháng 7 -1970) .Bốn năm phải là quá quen thuộc, quá gần gũi. Bốn  năm, tháp đã chứng kiến  những ngày chúng tôi xuống đồi, lên đồi, những lần hành quân xa, những buổi trở về, thấy bóng tháp ẩn hiện từ xa, để biết mình đã về lại mái nhà xưa. Tháp không còn là những tầng gạch cũ gắn chặt ngàn năm một cách vô tri nữa. Mà đối với tôi, chúng có linh hồn. Chúng thiêng liêng. Chúng không phải là là một dấu vết của sự hưng phế của một triều đại,  một cơ đồ, nhưng chúng là một cõi mồ của lịch sử. Mà có lẽ, đâu đó, trong đêm,  gió hú than là lời hú than ai oán của một dân tộc bị diệt vong...

Cái ý niệm về tôn giáo siêu hình càng mạnh, khi mắt tôi chứng kiến cảnh sét đánh ngay vào ngọn tháp Vàng. Nghe nói, có  người lính Mỹ bị thương hay chết.  Có lẽ họ mang ô uế vào tháp chăng. Ngoài ra, những người lính thâm niên trong đơn vị  vẫn hay kể là  trước đây, cứ mỗi lần ông dơn vị trưởng mang gái lên đồi qua đêm , thì thế nào, sau đó, đơn vị  cũng gặp rủi không ít thì nhiều.

Từ sự tin tưởng có tính cách tôn giáo ấy, cứ mỗi lần đơn vị xuống đồi để làm những chuyến tăng phái, hay đột kích, tiếp viện, hay thám sát, tôi vẫn đứng dưới tháp mà cầu nguyện. Như ngày nào tôi đã lên tháp Bà, ở Nha Trang để cầu khẩn cho mẹ tôi khỏi bị khổ nữa.,

Chính vì nỗi tin tưởng ấy, tôi không thể chấp nhận việc mang ô uế đến với tháp. Là người lính, tôi không thể làm gì hơn. Nhưng  là nhà văn, thì tôi có quyền. Tôi đã viết  truyện Bóng Tháp, lấy từ chất liệu sét đánh lên đài ra đa như là một sự trừng phạt của đấng quyền năng. Truyện đăng hai kỳ trên Bách Khoa. Sở kiểm duyệt đã kết tội bài viết có lợi cho địch là bêu xấu quân đội đồng minh. Chỉ tội nghiệp cho ông Lê Ngộ Châu, phải khổ lắm, mới mang được về tòa soạn vài trăm tập và bôi đen một phần của bài văn.
(Có điều hết sức ngạc nhiên là thư viện Cornell đã có hai số báo BK này, với toàn bài không bị cắt xén)

oOo

Tôi vẫn còn nhớ, hình như vào khoảng năm 1969 thì phải, Bắc quân  mang một lực lượng cấp tiểu đoàn tấn công vào thị trấn Đập Đá, cách đồi Bà Gi khoảng vài cây số về phía Bắc. Trong trận này, binh chủng thám kích được sự tiếp trợ của sư đoàn Mãnh hổ Đại Hàn đã tạo một chiến thắng lớn.

Lính phe Bắc chết nằm la liệt ở ruộng đồng gần Đập Đá. Đến nỗi sau trận đánh, xe ủi của quân đội Đại Hàn  đã phải đào nguyên cả cái hố lớn và sâu để lấp chôn xác họ. Tôi nghe nói trên cả trăm người chết.

Và hố này gần một tháp chàm gần khu vực giao tranh.

Có  hai người hạ sĩ quan mới ra trường đã tử trận. Một cái tang đau cho gia đình thám kích.

Chuyện đào hố chôn xác người đã làm trí óc tôi lóe lên một đề tài về một sự tái diễn của lịch sử. Và cái nhân quả trong triết lý nhà Phật.

Nhưng chưa có dịp để hoàn thành ý nghĩ này.

Đợi đến  một lần dừng quân chờ xe sư đoàn đến rước về hậu cứ, tôi mới thật sự kê giấy để viết dưới ánh đèn pin quân đội. Đêm ấy, chúng tôi nghỉ chân bên một ngọn tháp sau một cuộc hành quân gian khổ. Điêu Tàn của dân Hời bây giờ nhường lại Điêu tàn của dân tộc tôi.  Đây là truyện thứ hai tôi viết về tháp, với tựa đề Đêm Chiêm Thành.

Đêm Chiêm Thành

Chúng tôi đã bắt đầu đốt lên những bếp lửa đầu tiên của một đêm về muộn.

Sau một ngày lội đến quỵ cả gối, tắm mình trong một dòng sông hẹp và sâu, vượt qua những xóm làng hoang vu không một bóng người, và thèm ghê gớm một chỗ nằm, một giếng nước mát, một ngọn đèn dầu, và một bữa cơm nóng sốt, bây giờ chúng tôi lại ngồi ở đây, trước ngọn cổ tháp. Lệnh cho biết, lát nữa, một đoàn xe của tiểu khu – đơn vị mà chúng tôi tăng phái – sẽ đến đón những đứa con của chiến trường trở về. Tin trên, được truyền từ một người lính truyền tin của bộ chỉ huy, đã như một tín hiệu rực rĐ nhất, vui mừng nhất. Không ai bảo ai, ngả lưng trên nền đất cỏ, tháo ba lô và súng đạn trên mình, và tụm năm, tụm ba, đốt thuốc, ngồi vây quanh những bếp lửa hồng.
Chiều đã tan biến từ lúc nào, bây giờ màn đêm đã dần buông, bằng một đôi cánh mỏng nhẹ. Hơi gió đã nghe thở xào xạc. Một vì sao đã hiện lên trên đỉnh tháp, xa vắng như con mắt tình nhân. Những gợn mây hồng ở cuối chân trời vẫn le lói chút đỉnh để kéo chút hơi ngày. Và đâu đây là tiếng vạc cầm canh đã vang lên từ cánh đồng ngập nước. Lạnh quá đi. Một người lính đã thốt lên và run rẩy. Nước bùn, nước sông, pha lẫn mồ hôi của một ngày đã còn dầm dề trên những bộ quần áo trận. Đó là kết quả của một ngày mệt mỏi và đầy căng thẳng. Buổi sáng với tuyến xuất phát từ chiếc cầu Bình Khê, và đền thờ của vua Tây Sơn, và buổi tối là ngọn tháp Chàm này. Từ tuyến xuất phát, chúng tôi được lệnh cùng một đơn vị bạn, tiếp tục lục soát một chiều dài non hai chục cây số. Chúng tôi phải chiếm lần lượt những ngôi làng bỏ hoang, và có thể, di tản một số dân còn lại về vùng an ninh. Chúng tôi đã vô sự. Điều này, chắc làm mấy ông sĩ quan cao cấp không bằng lòng tí nào. Nhưng đối với chúng tôi, chúng tôi chỉ mong như thế. Vô sự, hai chữ ấy như một sức hấp dẫn mãnh liệt. Đời chiến binh chỉ mong bao nhiêu. Nhưng mấy ai thoát được trên trăm ngàn cuộc ra quân. Vì thế, lần dừng quân chiều nay, có lẽ chúng tôi là những kẻ sung sướng nhất. Một người đã huýt sáo nho nhỏ. Một người cố lục dưới đáy ba lô, tìm gói lương khô cuối cùng để chống cơn đói. Một người đang cởi áo hơ trên ngọn lửa. Trong thinh không màu sậm tối, những cánh dơi từ trong lòng tháp vụt bay ra, lượn vờn trên đầu đám quân. Những tiếng reo giòn của lửa thật êm ái. Và chúng tôi mong vô cùng được nghe lại tiếng xe mười bánh bên đường. Người lính già thì mong chờ về gặp đàn cháu nội ngoại, hay hớp rượu thuốc. Người lính trẻ thì mong gặp người yêu trông đợi. Còn tôi, thú thật, thèm được chắp đôi cánh của một loài ó bay về thành phố. Rồi một góc tối trong một quán cà phê, đầy âm nhạc, đầy bạn hữu, đầy những sợi khói nồng nàn, lãng đãng của ngày thanh xuân. Rồi rượu, đàn bà... Tôi đang dệt những cơn mơ rực rĐ ấy trong một buổi tối đầy bình an này.

oOo

Một tiếng nói đã cất lên giữa những đứa con ăn sương nằm đất: “Đây là thành Đồ Bàn. Tháp trước mặt là tháp Cảnh Tiên hay còn gọi là Tháp Đồng đấy”.

Một giọng nói khác phụ vào: “Thì ra bọn mình đang đóng đô trên kinh đô Chiêm Thành “. “Vâng, tháp này là nơi mà vua Chế bồng Nga đóng đô. Tôi nghe một ông già trong vùng kể lại, đây là nơi vua Trần đã một lần chiếm đóng và tàn phá khủng khiếp …”

Tôi vẫn nằm dựa lưng vào ba lô, lắng nghe những lời trao đổi. Giọng nói buồn buồn của người lính ngồi bên cạnh đã làm tôi xúc động. Thì ra, bãi cỏ xanh mướt này, từng là một bãi chiến trường. Tôi đã đọc trong sách vở mô tả lại trận đánh ghê khiếp trong lần vua Trần viễn chinh. Vua Trần Duệ Tông đã bị phơi xác khi tìm cách thúc đoàn quân chiếm thành Đồ Bàn. Rồi những cuộc viễn chinh sau đó, sau khi vua Chế Bồng Nga qua đời, đã mỗi lúc mỗi xô đuổi người Chiêm Thành chạy về phía Nam. Thành Đồ Bàn bị thất thủ. Kinh đô Chiêm bị thiêu hủy. Giờ đây là những phế tích đau buồn bằng mấy ngọn tháp cô quạnh trong dòng vô tình của lịch sử. Chúng như biểu tượng một thời của đền đài cung điện, của xe ngựa dập dìu. Chúng có mặt như là những hồn ma cô đơn nhất.

Một người bạn đã xin tôi một điếu thuốc lá đen. Tôi cười: bao thuốc xanh của tôi đã bị ướt nhão nhoẹt khi lội qua sông. Gió đã bắt đầu lạnh hơn. Những ngọn lửa đã bắt đầu yếu dần. Trăng đã lên cao, nằm lẻ loi trên một chòm cây khẳng khiu. Tiếng vạc lại nổi lên, đều đều từ phía đồng ruộng. Tôi vẫn nằm yên, lưng dựa vào ba lô, và tâm hồn tôi trải rộng như bóng đêm đang phủ. Có tiếng chửi thề: “Bộ xe để đưa rước ông bà lớn, các cô các cậu lớn hết sao bây giờ vẫn chưa thấy ló mặt đến”. Một giọng khác phụ họa: “Chắc mấy tay bán hết xăng rồi, giờ này xe nằm ụ”. Rồi tiếng ho khan nổi lên trong hàng quân, cùng tiếng cười la từ phía ban chỉ huy. Có lẽ, trong tâm trí của mỗi đứa con chiến trường đều hiển hiện những ngọn đèn thân yêu nhất của mình. Và vô tình giữa cõi trăng sáng trong vắt, tôi bỗng nhận ra một tấm bảng nổi lên trên một gò đất xanh um. Tôi đến nơi và đọc: “Mồ chôn tập thể địch quân”. Tôi hỏi người bạn, nguyên là dân địa phương. Anh ta trả lời: “Mồ chôn của cả tiểu đoàn V.C đấy. Cậu không nhớ lần bọn chúng về đánh Đập Đá, bị vây tứ phía, không còn để lọt một trự sao?” “Vâng, tôi nhớ ra rồi. Đại Hàn nằm phía Bắc. Phía Đông Nam là mình. Phía Tây là trung đoàn. Vòng vây càng lúc càng siết chặt. Địch không một ai chạy thoát. Trận đánh suốt cả tuần. Nhưng tôi không thể ngờ, tại sao họ lại đào ngay tại đây để chôn xác người. Bi thiết quá” “Tại sao là bi thiết. Thì chôn ở đâu bây giờ? Cả trăm mạng” “Tôi muốn nói cái oan khiên của lịch sử. Mấy trăm năm trước, bao nhiêu người chắc đã chết tại nơi này. Và mấy trăm năm sau, lại thêm bao nhiêu xác người khác nữa nằm tiếp thêm... Họ đòi nợ nhau. Và cuối cùng Bắc Nam Chiêm Thành cùng nằm chung dưới một gò huyệt”.

Giữa lúc ấy, từ phía xa, mờ ẩn một ánh đèn bão. ánh đèn càng lúc càng tiến lại gần phía chúng tôi. Chừng như người mang đèn không hề biết sự có mặt của đám con chiến trường. Giọng quát của người lính canh: “Ai đó đứng lại !” Ngọn đèn đứng yên. Tiếng nói mất còn trong sợ hãi vọng lại: “Tôi đây, xin các ông tha cho tôi, bởi tôi không biết...” Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, tôi thấy lờ mờ hình dáng của một bà lão. Tiếng cằn nhằn của người lính tiếp tục vang lên: “Bà già quả gan thật. Bà không biết giờ này giới nghiêm hay sao? Một mình bà lại đến khu vực này. Bà đi tiếp tế cho VC hay sao?” “Bẩm ông, tôi già rồi” “Bộ già không phải là VC sao?” Tôi đến bên bà lão. Bây giờ tôi mới thấy rõ hơn. Tóc bà bạc phơ. Gương mặt nhăn nhúm lại. Tôi bắt gặp bà mang một gói vải. Tôi nói lính lục soát. Kinh nghiệm cho chúng tôi biết đa số những người dân trong vùng đều có chồng con nhảy núi, và đêm đêm họ hay mang đồ tiếp tế. Có thể là thuốc tây, áo quần, hay lương khô. Người lính mở gói đồ. Một bó nhang, giấy vàng bạc, một nải chuối... Chỉ có bấy nhiêu. Tim tôi chợt nhói. Vâng, tôi đã hiểu. Hiểu hơn ai hết, vì chính mẹ tôi cũng từng làm như vậy trong những đêm xa xưa, sau khi anh tôi vượt sông cái. Bà đã dám lặn lội đến bãi chiến để thắp nén nhang, đốt vàng bạc, với niềm tin là hương hồn của người chết được siêu thoát, không còn phải kêu gào thảm thiết giữa đàn âm binh chết trận. Tôi hỏi bà lão: “Chắc ngoại có thân nhân chết và bị chôn dập dưới hố phải không?” Bà lão ú ớ. Tôi nói tiếp: “Cháu không làm khó dễ gì ngoại đâu. Bởi mẹ cháu cũng thế, hầu hết những người mẹ có con chết trận đều như thế.” Bà lão tự nhiên òa khóc: “Đêm nay rằm tôi không thể để nó lạnh lẽo dưới đất. Tôi mong nó lên hưởng chút hương đèn...” “Dạ, ngoại nói đúng. Khi chết rồi ai cũng như ai, không còn là ngụy cũng không còn là VC, không còn Bắc không còn Nam. Thưa ngoại, xin ngoại cho con một cây nhang, để con cùng cầu cho anh ấy, nghe ngoại.” Tôi nói mà lòng tôi ràn rụa.

Switch mode views: