Những câu hỏi lớn quanh vụ tàu ngầm Achentina mất tích
- Thứ Sáu, 24 tháng Mười Một năm 2017 04:58
- Tác Giả: RFI
Chiếc tàu ngầm San Juan trong cảng Buenos Aires, Achentina hôm 02/06/2014, sau khi được sửa chữa nâng cấp.
Ảnh quân đội Achentina cung cấp cho REUTERS
Con tàu ngầm của hải quân Achentina San Juan bị mất tích một cách bí ẩn trong vùng biển nam Đại Tây Dương từ hôm 15/11.
Đến nay đã được một tuần, các cuộc tìm kiếm con tàu và 44 thành viên thủy thủ đoàn vẫn được huy động triển khai tích cực trên quy mô rộng lớn.
Nhưng vẫn chưa có một tín hiệu sống nào về chiếc tàu ngầm.
Điểm lại một số câu hỏi xung quanh vụ mất tích tầu ngầm San Juan với giải thích của thuyền trưởng tàu ngầm Pháp Bertrand Dumoulin.
Người ta biết gì về chiếc tàu ngầm bị mất tích ?
Chiếc tàu ngầm San Juan có chiều dài 65 mét, đường kính 7 mét, cùng với các tàu Santa Cruz và Salta, nằm trong đội tàu ngầm duy nhất của hải quân Achentina.
Do Đức thiết kế chế tạo, chiếc tàu ngầm màu đen này được hạ thủy từ năm 1983. Tàu ngầm mẫu TR-1700 chạy dầu này đã qua sửa chữa trong khoảng từ năm 2007 đến 2014 với mục đích kéo dài tuổi hoạt động thêm 30 năm, AFP cho biết.
Chuyến ra khơi lần này của tàu San Juan dự kiến kéo dài 35 ngày, bắt đầu từ căn cứ Mar del Plata, thành phố nằm ở ùng đông bắc Achentina làm nhiệm vụ giám sát vùng biển ở cực nam đất nước cách đó 2000 km.
Sau vài ngày làm nhiệm vụ tàu sẽ trở về cùng với 44 thủy thủ đoàn.
San Juan lẽ ra phải trở về căn cứ ngày 20/11, nhưng đến ngày 15/11 con tàu bỗng nhiên bị mất tích sau lần liên lạc cuối cùng vào lúc 7h30 giờ địa phương.
Hôm thứ Hai vừa qua, hải quân Achentina đã tiết lộ chiếc tàu ngầm đã báo tín hiệu có sự cố « ở bộ phận bình điện do chập mạch ».
Từ đó con tàu bị mất tích không để lại tín hiệu gì.
Những giả thuyết nào hiện này đang được nghiên cứu ?
Hải quân Achentina cực kỳ thận trọng với các giả thuyết liên quan đến số phận của tàu San Juan.
Trong trường hợp bị mất liên lạc, quy trình hoạt động dự trù tàu phải nổi lên mặt nước hoặc phát tín hiệu gặp nạn.
Tàu San Juan có làm như vậy không ? Nếu có, tại sao người ta không thấy được dấu vết nào của con tàu ? Còn nếu không, tại sao quy trình báo động này không thể thực hiện ?
Liệu có phải tàu San Juan đã bị chìm dưới nam Đại Tây Dương là do sai sót vận hành, do trục trặc kỹ thuật, hay bị bị tấn công từ bên trong hoặc bên ngoài ?
Liệu có phải tàu đang nằm chết ở đâu đó trong đại dương, không thể liên lạc vì một lý do nào đó chưa biết ?
Đó là hàng loạt câu hỏi đang được các chuyên gia đặt ra mà chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Theo ông Bertran Dumoulin, thuyền trưởng tàu ngầm của hải quân Pháp, « giờ đây mọi giả thuyết đều có thể : Hoặc con tàu vẫn đang nổi trên mặt nước và nó không thể được phát hiện vì lý do biển động, hoặc tàu đang nằm dưới đáy biển và tiếp tục lê dần về phía căn cứ.
Vì người ta không biết được trục trặc tàu đã gặp phải là gì nên không thể nói được gì hơn. Trên một chiếc tàu ngầm, không thể loại trừ hết nguy hiểm cho dù tàu được trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết. »
Thuyền trưởng Dumoulin nhận định tiếp : « Trong tình huống bình thường, tàu ngầm không liên lạc khi đang ở dưới sâu.
Không giống như máy bay, không thể theo dõi tàu ngầm liên tục trong hành trình.
Thường thì cứ 2 hay 3 ngày tàu phải nổi lên mặt nước một lần để liên lạc với căn cứ.
Trong trường hợp của San Juan, tàu đã không có thao tác liên lạc này vì lý do mà ta chưa biết, các tìm kiếm tập trung vào vị trí cuối cùng của tàu mà người ta đã biết sáng hôm bị mất tích.
Tín hiệu định vị gặp nạn cũng không nhận được vì thế mà vùng tìm kiếm trở nên vô cùng mênh mông ».
Nếu tàu không bị đắm, các thủy thủ có thể trụ được trong thời gian bao lâu ?
Bắt đầu từ hôm qua, con tàu đã bước vào giai đoạn nguy kịch vì thiếu oxy, theo như thông báo của ông Enrique Balbin, phát ngôn viên hải quân Achentina.
Hôm nay đã bước vào ngày thứ 7, thời hạn có thể dẫn đến kịch bản tồi tệ nhất : Tàu bị chìm, không thể nổi lên mặt nước để lấy không khí.
Trong trường hợp bị chìm, tàu San Juan có dung lượng dưỡng khí đủ cho 44 thủy thủ trong vòng 7 ngày, 7 đêm.
Trữ lượng dưỡng khí có thể đủ cho nhiều tuần nếu tàu có thể nổi thường xuyên lên mặt nước để lấy khí.
« Nếu tàu nằm dưới đáy, để sống sót thì vỏ tàu phải còn nguyên vẹn, tức là nước không tràn được vào bên trong.
Tiếp đó, các thủy thủ phải có khí để thở.
Trên tàu có hệ thống cấp cứu sản xuất oxy đồng thời hấp thụ khí CO2.
Khả năng này cho phép duy trì được nhiều ngày. Kế đó là phải chống lại cái lạnh, thủy thủ đoàn được trang bị quần áo và chăn ấm.
Cuối cùng, tất nhiên là phải có đủ đồ ăn thức uống để tồn tại», ông Bertrand Dumoulin nói về điều kiện để các thủy thủ sống sót trong tàu.
Những phương tiện nào có thể được dùng để tìm được tàu San Juan ?
Trong giả thuyết tàu San Juan nằm dưới đáy, để định vị được, người ta sử dụng máy dò tìm sóng siêu âm.
Máy dò siêu âm là thiết bị gần giống như là radar quét trong lòng nước, nhưng phạm vi dò tìm sóng siêu âm chỉ giới hạn trong khoảng vài chục km, vì thế hiệu quả không được cao khi vùng tìm kiếm quá rộng như trường hợp tàu San Juan.
Một khi định vị được con tàu thì người ta mới có thể triển khai các chiến dịch cứu hộ.
Hiện tại, từ một tuần nay, một khối lượng phương tiện lớn đã được triển khai trong vùng nam Đại Tây Dương để tìm kiếm chiếc tàu ngầm Achentina.
Nhiều tàu chiến, máy bay rà soát khắp trong một vùng rộng 500 nghìn km2.
Đã có 14 tàu chiến, 12 máy bay và 4000 người được huy động vào cuộc tìm kiếm.
Hơn một chục nước trong đó có Đức, Brazil, Canada, Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp cũng đã tham gia vào cuộc dò tìm và sẵn sàng cho chiến dịch cứu hộ một khi tìm được dấu tích của con tàu.
(Tóm lược theo Le Figaro và AFP)
Tin mới
- Đối lập Syria cử phái đoàn hợp nhất đàm phán với Damas tại Geneve - 25/11/2017 07:02
- Liên Âu tăng cường quan hệ đối tác với 6 nước Liên Xô cũ - 24/11/2017 16:17
- Thế giới sinh viên thu nhỏ trong Ký túc xá Quốc tế Paris - 24/11/2017 16:11
- Trung Quốc muốn thắt chặt quan hệ với quân đội Miến Điện - 24/11/2017 15:50
- Trung Quốc yêu cầu Úc không can thiệp vào hồ sơ Biển Đông - 24/11/2017 15:45
- Sách trắng ngoại giao Úc: Ủng hộ Mỹ, cảnh giác với Trung Quốc - 24/11/2017 06:23
- Số phận những đệ nhất phu nhân đầu tiên của Cách Mạng Tháng Mười - 24/11/2017 05:51
- Pháp phát hành bộ tem biển đảo Việt Nam - 24/11/2017 05:37
- Putin đề xuất đàm phán giữa Damas và đối lập Syria tại Nga - 24/11/2017 05:25
- Liệu chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan sẽ có hiệu quả? - 24/11/2017 05:19
Các tin khác
- Cấm robot sát thủ, vấn đề vẫn gây tranh cãi - 22/11/2017 19:06
- Bắc Triều Tiên bị tố vi phạm hiệp định đình chiến - 22/11/2017 18:43
- Những điều ít biết về Cách Mạng Hungary 1956 - 22/11/2017 18:13
- Úc và Đông Nam Á hợp sức chống tài trợ thánh chiến - 22/11/2017 17:33
- Syria : Viễn ảnh hòa bình còn mong manh - 22/11/2017 17:21
- Bắc Triều Tiên: Mỹ đánh vào cả công ty Trung Quốc - 22/11/2017 16:57
- Sau khi đảng đối lập bị giải thể, Cam Bốt sẽ ra sao ? - 21/11/2017 23:59
- Mỹ, Nhật, Hàn gây sức ép « tối đa » với Bắc Triều Tiên - 21/11/2017 23:47
- Bắc Triều Tiên: Kim Jong Un loại bỏ nhân vật số 2 trong quân đội ? - 21/11/2017 22:49
- Trung Quốc : Một luật sư nhân quyền bị kết án 2 năm tù - 21/11/2017 22:40