Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Syria : Viễn ảnh hòa bình còn mong manh

syria-chemicalweapons 1

Đại sứ Nga tại LHQ ngày 17/11/2017 đã bỏ phiếu chống việc triển hạn điều tra về vũ khí hóa học ở Syria.
Reuters

Sau khi trực tiếp nâng đở đồng minh Bachar al Assad tiêu diệt đối lập võ trang, đẩy lùi quân thánh chiến Deach, tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa lên tuyến đầu.

 Chuẩn bị giai đoạn hậu Daech, Matxcơva tìm cách khai thác chiến thắng quân sự làm thế thượng phong trên mặt trận ngoại giao.

Trong ba ngày 20, 21 và 22/11, tổng thống Nga Vladimir Putin xung trận như một nhà đạo diễn ngoại giao.

 Sau khi tiếp tổng thống Syria , Bachar al-Assad hôm thứ hai tại Sotchi, điện đàm với tổng thống Mỹ một giờ đồng hồ hôm thứ ba, trưa nay, cũng tại khu nghĩ mát bên bờ Hắc Hải, tổng thống Nga hội đàm tay ba với đồng nhiệm Iran Hassan Rohani và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan về tương lai của Syria.

Trong thế cờ tay ba này, tức ba nước bảo trợ vòng đàm phán Astana (Kazakhstan), Nga và Iran là đồng minh của Damas, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đối lập Syria, còn Tây phương bị Nga gạt ra ngoài.

Trên thực tế, Vladimir Putin gây áp lực với các quân cờ lớn nhỏ. Theo thông tín viên của Le Monde Isabell Mandraud, ngay khi gặp đồng minh Bachar al-Assad, tổng thống Nga nói thẳng « còn lâu lắm mới có thể diệt hết khủng bố ».
 Nhưng « hợp tác quân sự giữa chúng ta đã kết thúc » và phải tăng tốc tìm giải pháp chính trị « lâu dài » cho cuộc chiến đã làm 330.000 người chết từ năm 2011.

Mặt trận ngoại giao chủ động của Putin

Ba năm sau khi đưa quân sang Syria trợ sức cho Damas, tổng thống Nga bước qua giai đoạn mới tìm một giải pháp hoà bình, nhưng không phải trong nỗ lực tay ba ở Astana.
Putin nhắm vào điểm hẹn Genève ngày 28/11, với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Nga phải đổi trục bởi hai lý do : thứ nhất, sáng kiến của điện Kremlin thành lập một tập hợp quy tụ phe chính quyền và đối lập Syria đã không đi đến đâu, trong khi các nhóm đối lập, kể cả « nhóm Maxcơva », được xem là mềm mỏng với Damas, kéo về Ryad với sự điều hợp của Ả Rập Xê Út .

Hội nghị Ryad, do Mỹ khuyến khích, diễn ra trong ngày hôm nay 22/11/2017, vào lúc lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ họp tại Sotchi.
Thứ hai, là Ankara và Paris tỏ dấu hiệu không khoan nhượng về số phận của nhà độc tài Bachar al-Assad, buộc Putin phải hành động.

Trước áp lực của Putin, đòi Damas phải tỏ thiện chí đối thoại, tổng thống Syria có một yêu cầu « không có yếu tố bên ngoài can thiệp vào ».
Tổng thống Nga chỉ trả lời ngắn gọn : "Tốt , tôi hài lòng khi thấy ông sẵn sàng hợp tác với những người muốn hoà bình".

Theo AFP, chủ nhân điện Kremlin cũng gây sức ép với Ả Rập Xê Út trước hoà đàm Genève 28/11, và quá đó, tác động đến đối lập Syria.
Nhiều nhân vật đối lập thuộc xu hướng cứng rắn, trong đó có ông Riad Hijab, điều hợp phái đoàn đàm phán của đối lập, thông báo từ chức hoặc không được mời tham dự.

Một nhà đối lập xin dấu tên nói với AFP : Ả Rập Xê Út, cho dù hết mình ủng hộ đối lập Syria, cũng phải dung hoà quyền lợi của mình trong quan hệ với Nga và Mỹ.
Về phần Washington, trong cuộc gặp gỡ giữa Trump và Putin ngày 11/11 vừa qua tại Việt Nam, bên lề APEC, hai bên thông báo « không có giải pháp quân sự » cho Syria.
Hai nước Mỹ-Nga « ủng hộ một giải pháp chính trị qua tiến trình đàm phán Genève ».

Hoà bình xa xôi cũng vì Nga ?

Tuy nhiên, không có gì bảo đảm là hoà bình sẽ đến với Syria sau sáu năm xung đột mà mọi loại vũ khí đã được đem ra sử dụng, kể cả hơi ngạt .
Theo AFP, thỏa hiệp Trump-Putin đã bị vỡ tan vì « bất đồng diễn giải » và đấu khẩu tại Liên Hiệp Quốc 10 ngày trước hoà đàm Genève.

Điểm nhạy cảm gây bất đồng là « vùng xuống thang chiến sự » :
Mỹ nói là Nga cam kết buộc quân tình nguyện Iran và Hezbollah-Liban rời xa biên giới Israel, còn Nga thì bảo Mỹ không hiểu gì.
Kế đến là Nga hai lần dùng quyền phủ quyết bác bỏ đề nghị của Mỹ triển hạn nhiệm vụ của chuyên gia quốc tế điều tra vũ khí hóa học ở Syria.

Bình luận về thái độ của Nga, Wall Street nhận định : "Sáu năm chiến tranh cho chúng ta thấy là chỉ có thực tế chiến trường mới định đoạt các yếu tố đưa đến hoà bình trong tương lai. Thế mà Putin đang chiến thắng".

Căng thẳng lên đến mức mà đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc Nikki Haley phải tuyên bố : "Nước Nga đã chứng tỏ không biết giữ chữ tín và không đáng tin cậy trong tiến trình tìm giải pháp chính trị cho Syria."

Switch mode views: