Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-12-2013

 Bruxelles phải quan tâm đến ước vọng Châu Âu của dân Ukraina

Ukraina -Bruxelles


REUTERS/Gleb Garanich


Hai chủ đề thời sự quốc tế được theo dõi và bình luận rộng rãi là tình hình căng thẳng ở Ukraina và Thái Lan, với các cuộc biểu tình rầm rộ đòi chính phủ từ chức. Ukraina được chú ý trước tiên, với nguyên nhân biểu tình liên quan đến Châu Âu : Tổng thống Ukraina không ký hiệp định liên kết với Châu Âu như mong đợi.

Le Monde trong hàng tựa đầu ngay trang nhất nói đến sự kiện người Ukraina nổi dậy, với ảnh chụp đám đông biểu tình và một trong những gương mặt nổi bật của phong trào, cựu vô địch quyền anh Vitali Klitschko, nay đã trở thành dân biểu.

Ở trang trong Le Monde rằng người biểu tình đang làm chính quyền Ukraina chao đảo.

Libération, trong hàng tựa trang đầu nhận thấy : « Thiếu vắng Châu Âu, Ukraina tràn bờ ». Nhìn lại phong trào vận động đấu tranh không suy giảm mấy ngày qua, và thái độ cương quyết của người biểu tình, Libération cho là đối với họ, Tổng thống Ukraina ra đi là điều không thể tránh khỏi.

Báo Le Figaro cũng cùng nhận định, thấy là phong trào chống đối đang kiên quyết lên hơn, người biểu tình bao vây chính quyền muốn dứt khoát buộc tổng thống từ chức. Đối với Le Figaro, cơn ác mộng của Tổng thống Ianoukovitch đang trở thành hiện thực

Trong bài xã luận trang nhất, báo Le Monde đánh giá là Châu Âu phải can thiệp để hỗ trợ cho nguyện vọng dân chủ ở Kiev.

Tờ báo như muốn giải thích nhận định của mình khi cho là « những biểu lộ yêu mến Liên Hiệp Châu Âu khá hiếm hoi cho nên đáng để người ta quan tâm ».

Châu Âu bị cuốn vào những vấn đê như nợ công, tăng trưởng..., đã quên đi là mình vẫn có sức thu hút mạnh mẽ đối với những nước không có một Nhà nước pháp quyền. Châu Âu còn là biểu tượng của hy vọng tự do, dân chủ và tính hiện đại. Và đó, theo tờ báo, là thông điệp mà hàng chục ngàn người biểu tinh ở thủ đô và các thành phố Ukraina gởi đến cho Châu Âu.

Nhưng Châu Âu có thể làm gì ? Le Monde cho là không thể cứu vãn kinh tế Ukraina, không thể lật đổ chinh quyền, nhưng Châu Âu phải duy trì đối thoại, tiếp tục đề nghị hiệp định liên kết và nhất là, khẳng định mạnh mẽ sự ủng hộ nguyện vọng đến với Châu Âu của dân chúng Ukraina.

Trong bài xã luận tựa đề « Ước vọng Châu Âu », báo La Croix cũng có nhận định tương tự. Tờ báo nhận thấy 9 năm sau cách mạng Màu cam, Ukraina lại một lần nữa bị chia rẽ nghiêm trọng, phản ảnh sự chia cắt về mặt lịch sử và văn hóa của nước này : Miền Đông, nơi dân chúng có quan hệ mật thiết với Nga, còn miền Tây, vùng lãnh thổ từng là của Ba Lan, hay Áo-Hung, cũng như các thành phố thường cùng nhịp đập với các láng giềng Trung Âu.

Từ khi Liên Xô tan rã, Ukraina vẫn bị dằng co với hai di sản mà đất nước không tài nào hợp nhất được.

Dĩ nhiên, theo La Croix, chính người Ukraina phải tim ra chìa khóa và hành đông một cách ôn hòa, tránh khiêu khích, nhưng Châu Âu có thể giúp họ.

Châu Âu phải hậu thuẫn cho những lực lượng thân Châu Âu, nhưng cũng phải nhận ra các mối lo ngại của các thành phần thân Nga để có đáp án.

La Croix còn đề nghị Châu Âu ‘trau chuốt’ hơn nữa chiến lược đối với điện Kremly, vốn vẫn còn suy nghĩ như thời chiến tranh lạnh.

La Croix kết luận : Nếu Châu Âu muốn mở rộng ảnh hưởng của mình, thì không nên chờ đợi là Matxcơva sẽ tử tế nhường chỗ một cách êm thắm.

Thái Lan : Lãnh đạo biểu tình muốn được ăn cả, ngã về không ?

Một tình hình căng thẳng khác được báo giới Pháp chú tâm theo dõi hôm nay, cũng là biểu tình đòi chính phủ từ chức, nhưng ở Thái Lan.

Le Monde ghi nhận trước tiên là quân đội có vẻ không muốn can thiệp. Trong phong trào chống đối chính phủ mà người xuống đường gọi là ‘chế độ Thaksin’, đã khuấy động Bangkok từ nhiều ngày qua, hai tờ La Croix và Le Figaro chú ý đến gương mặt lãnh đạo phong trào : Suthep Thaugsuban, một cựu dân biểu đảng Dân chủ, đã rời khỏi đảng để xuống đường đấu tranh, lật đổ ‘chế độ Thaksin’.

Tuy nhiên, La Croix cho đây là một nhà hùng biện mà thâm ý vẫn chưa thấy rõ. Có điều là nhân vật này tỏ ra rất liều lĩnh.

Hôm qua ông lại bị lệnh truy bắt về tội ‘nổi dậy’, có thể bị án tử hình hay tù chung thân. Ông đã bị truy tố tuần qua trong vụ chiếm bộ Tài chính nhưng tỏ ra không nao núng, vẫn dẫn đầu các vụ xuống đường.

Le Figaro nhìn thấy ông Suthep đang ‘đánh cuộc một cách nguy hiểm’, tựa trang quốc tế. Theo tờ báo, người anh hùng mới của tầng lớp trí thức Thái đang ‘chơi‘ số phận của mình trong những giờ sắp tới.

Theo tờ báo, nhân vật 64 tuổi – có sức thu hút mạnh mẽ đám đông với tài hùng biện - đang sống những giờ phút huy hoàng và cũng đang chơi ván bài được ăn cả ngã về không.

Theo phân tích của tờ báo, Suthep là người miền Nam Thái Lan, tôn sùng nhà vua, đã trở nên người đấu tranh cho tầng lớp ưu tú thủ đô và các thành phố lớn Thái Lan, đang bị lép vế trước những biến đổi kinh tế xã hội và trước sự kiện nông dân miền Đông Bắc Thái Lan bước vào đấu trường chính trị.

Ông Suthep, trong mắt phóng viên của tác giả bài báo, là người kiên quyết, mạnh bạo hơn cựu thủ tướng Abhisit.

Để đạt mục tiêu buộc em gái ông Thaksin – nữ thủ tướng Yingluck từ chức - ông Suthep đang cố đẩy chính phủ phạm sai lầm. Ông Suthep cố gây phản ứng mạnh của cảnh sát dẫn đến can thiệp của quân đội.

Có điều theo nhận định của tờ báo, chính quyền Thái đã rút bài học của can thiệp của quân đội năm 2010, giải tán biểu tình phe Áo đỏ làm 90 người chết.

Để không rơi vào bẫy của Suthep, Thủ tướng Ỵingluck đã ra chỉ thị nghiêm ngặt cho cảnh sát phải tự kềm chế và quân đội, trong tình trạng chia rẽ không muốn can thiệp.

Le Figaro nhận thấy thời gian đối với ông Suthep khá gấp rút, người xuống đường có nguy cơ nản chí.

Ông Suthep muốn đạt kết quả trước ngày 5/12, ngày sinh nhật của quốc vương Thái, một ngày đặt dưới sự đoàn kết quốc gia, thời điểm có thể phá vỡ động lực phong trào đấu tranh.

Le Figaro kết luận là một mình ở ‘chiến tuyến’, nhà hùng biện Suthep đang ‘đánh cuộc’ trên vận mệnh của mình.

Những kẻ mạnh trong đảng Dân Chủ đang theo dõi : nếu ông thắng họ sẽ hưởng lợi, trường hợp ngược lại, thì họ sẽ giữ khoảng cách với người thua cuộc.

Thái Lan : Khủng hoảng tác hại đến đầu tư

Báo Les Echos thì nêu bật là khủng hoảng chính trị không giảm bớt ở Thái Lan, nhưng quan tâm đến tác động kinh tế tài chính.

Tờ báo nói đến dấu hiệu ‘tiêu cực’ đối các nhà đầu tư.

Theo Les Echos các nhà đầu tư thường so sánh : Lũ lụt năm 2011 tác hại đến GDP Thái Lan nhiều hơn là các vụ xuống đường năm 2010. Nhưng nhìn kỹ, khủng hoảng chính trị hiện nay có nguy cơ làm suy yếu một đất nước đang mất sức cạnh tranh so với các láng giềng, đứng đầu là Việt Nam.

Tờ báo cho là dù Thái Lan đã có một chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nhưng đã không giải quyết các vấn đề cơ bản : hệ thống giáo dục yếu, và nhất là hầu như thiếu nỗ lực trong nghiên cứu và phát triển.

Les Echos cho là Thái Lan đã đón đầu tư ồ ạt trong lãnh vực lắp ráp xe hơi, Bangkok chuyển mình thành một Detroit của vùng Đông Nam Á.

Tuy nhiên nước này cũng đứng trước nguy cơ là trong vài năm nữa thôi, các xưởng lắp ráp này sẽ di dời sang các nước Châu Á khác, chi phí hạ hơn và hoạt động cũng tốt như thế. Các nhà đầu tư còn đi tìm một nơi ổn định hơn về phương diện chính trị.

Còn trong lãnh vực du lịch, nguồn lợi tức lớn của Thái Lan, thì nước này sẽ dần dần bị Cam Bốt và nhất là Miến Điện - ngày càng thu hút nhiều du khách - qua mặt.

Trung Quốc : Bí quyết để không có bạn

Cũng về Châu Á nhưng liên quan đến Trung Quốc, nếu Le Figaro chú ý đến việc Trung Quốc phóng phi thuyền thám hiểm mặt trăng, thì Le Monde chú ý đến tính keo kiệt của Trung Quốc qua bài viết của Sylvie Kauffman, dưới tựa đề : « Làm thế nào để không có bạn. »

Tác giả bài báo nêu nhận xét hóm hỉnh là sau cơn bão Haiyan, đề nghị giúp đỡ của Trung Quốc rất là đặc biệt, đặc biệt do tính cách keo kiệt.

Bài viết bắt đầu bằng nhận xét, ai cũng biết là trong lúc khốn cùng, gặp tai họa thì người ta mới nhận ra ai là bạn. Điều này thì cứ hỏi người Philippines.

Theo Le Monde, cơn bão Haiyan, ngày 08/11, không chỉ đã tàn phá mọi thứ trên đường đi của bão, làm hơn 5.000 người thiệt mạng, gần 4 triệu người bị di dời, mà nó còn là một bài học về địa chính trị thiên tai.

Nói cách khác, đây là công cuộc trợ giúp nhân đạo quốc tế, nhìn trên phương diện đóng góp nhanh chậm, phương thức giúp đỡ ra sao và mức độ trợ giúp. Những điều này phơi bày rõ các va chạm chiến lược ở Châu Á, và Trung Quốc, cường quốc đang lên, đã phơi bày một bộ mặt không tốt đẹp chút nào.

Không kể cộng động người Philippines ở hải ngoại đã ngay từ giờ phút đầu đã phát động công cuộc trợ giúp, Hoa Kỳ cùng với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ, đều loan báo đóng góp ngay và nhiều - 20 triệu đô la.

Mỹ còn huy động cả hàng không mẫu hạm George Washington – vì phải cứu hộ bằng đường biển.

Nối tiếp theo Mỹ là Anh Quốc và Úc. Anh cũng huy động hàng không mẫu hạm, Nhật cũng mau chóng đóng góp 30 triệu đô la, và cử 1.000 quân lính trên 3 chiếc tàu có trực thăng, mang theo lương thực, thuốc men đến cứu hộ ở những nơi khó đến. Đây là điều rất đặc biệt, hiếm thấy từ sau Thế chiến thứ hai.

Phản ứng đầu tiên của Trung Quốc cũng rất đặc biệt, đặc biệt vì tính chất keo kiệt, bủn xỉn : Bắc Kinh thông báo đóng góp 100.000 đô la. Không những bị chỉ trích ở ngoài, Chính quyền Trung Quốc còn bị chỉ trích cả bên trong nước.

Le Monde trích dẫn Hoàn cầu Thời Báo, đã phải lên tiếng cho rằng một cường quốc phải có trách nhiệm giúp đỡ một láng giềng bị thiên tai cho dù đó là nước bạn hay không.

Cuối cùng Trung Quốc đã phải thông báo trợ giúp khẩn cấp Philippines 1,6 triệu đô la và gởi chiếc tàu bệnh viện duy nhất của mình tham gia cứu trợ.

Theo bài báo, dĩ nhiên Trung Quốc không có kinh nghiệm và thiết bị cứu hộ nhân đạo như Mỹ chẳng hạn, nhưng hậu ý chính trị của Bắc Kinh quá rõ.

Hình ảnh còn đọng lại là phản ứng keo kiệt, nhỏ nhen lúc ban đầu, trong lúc mà Nhật đã ghi được một điểm. Ông Tập Cận Bình sẽ phải rút kinh nghiêm của sự kiện này.


Switch mode views: