Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-12-2013
- Thứ Hai, 02 tháng Mười Hai năm 2013 00:27
- Tác Giả: Lê Phước
Ấn Độ có thể trở thành đối trọng với Trung Quốc ?
DR
Tại Nam Á, bên cạnh Trung Quốc còn có một cường quốc tiềm năng khác đang nổi lên, đó là Ấn Độ.
Hiện tại, dân số Ấn Độ xếp thứ hai thế giới. Ấn Độ lại là nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Và cũng có thể trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Thế nhưng, liệu Ấn Độ có vượt được Trung Quốc để trở thành đệ nhất cường quốc khu vực hay không ?
Báo Le Monde dành đặc san cuối năm góp phần giải đáp câu hỏi này với hình ảnh một con hổ lớn trên trang nhất, kèm theo dòng tựa : « Ấn Độ thức dậy ».
Đặc san dày 100 trang, bao gồm nhiều bài viết về Ấn Độ với ba hồ sơ chính : 1) Tiềm năng trở thành cường quốc của Ấn Độ ; 2) Một số thế mạnh kinh tế của Ấn Độ và 3) Những căng thẳng xã hội tiềm tàng trong xã hội Ấn Độ.
Bài đáng chú ý nhất trong loạt hồ sơ này, mang tên « Trước thềm các cường quốc », ngụ ý rằng Ấn Độ đang tiến sát đến vị trí trở thành cường quốc khu vực.
Tờ báo lược lại quá trình cải cách kinh tế bắt đầu từ năm 1991 của Ấn Độ. Trong những năm 2000, tăng trưởng Ấn Độ luôn ở mức 8%.
Hiện tại, trong đà chựng lại của kinh tế thế giới, tăng trưởng của Ấn Độ chỉ còn 4,4%.
Thế nhưng, Le Monde cho rằng, dù thấp nhưng sự tăng trưởng rất chắc chắn.
Trên bình diện quốc tế, Ấn Độ cũng đang có thể trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một khi định chế này mở rộng…
Dù vậy, Le Monde nhận định, con đường trỗi dậy của Ấn Độ đã và đang gặp trở ngại, mà trở ngại này lại đến từ anh bạn láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Tờ báo cho biết, Trung Quốc từ lâu đã ý thức được sự lớn mạnh của Ấn Độ nên đã tăng cường biện pháp đối phó, trong đó tập trung vào ba điểm chính :
1) Trung Quốc củng cố quan hệ với Pakistan, mà Pakistan cũng là nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ và là « kẻ thủ truyền kiếp » của Ấn Độ ;
2) Tăng cường hoạt động quân sự tại khu vực ranh giới tranh chấp với Ấn Độ để thăm dò phản ứng của New Delhi ;
3) Thiết lập các cơ sở quân sự dọc theo Ấn Độ Dương để bao vây Ấn Độ.
Để minh chứng, tờ báo dành hai trang lớn đăng bản đồ về những cơ sở quân sự mà Bắc Kinh thiết lập trên Ấn Độ Dương.
Bàn về tiềm lực quốc phòng của Ấn Độ, Le Monde cho biết, nước này cũng tăng cường hiện đại hóa quân đội. Trong giai đoạn 2008-2012, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Thế nhưng, đầu tư quân sự của Ấn Độ đã chậm lại do sự chậm lại của nền kinh tế : Tỷ lệ chi tiêu dành cho quân sự của Ấn Độ giai đoạn 2011-2012 tăng 11,6%, giai đoạn 2012-2013 tăng 17,6%, giai đoạn 2013-2014 ước tính chỉ tăng có 5,31%.
Ngân sách dành cho quân sự giai đoạn 2013-2014 của Ấn Độ là 37,4 tỷ đô la. Tuy nhiên, để đưa Ấn Độ lên tương xứng với tham vọng trở thành cường quốc trong điều kiện hiện tại, thì tổng chi cho quân sự của nước này ước tính có thể lên đến 200 tỷ đô la.
Chưa kể là những trang thiết bị quân sự mà Ấn Độ mua trong thời gian qua không phải là để tăng thêm số lượng mà chỉ để thay hoặc sửa chữa những thiết bị quân dụng cũ kĩ của nước này. Le Monde kết luận : đó là « sự hiện đại hóa quân đội không chắc chắn ».
Trung Quốc : hai nhân vật ẩn mình ?
Nhìn sang Trung Quốc, tuần san Le Nouvel Observateur có bài đề cập đến hai nhân vật quan trọng ẩn mình nhưng rất có ảnh hưởng đến công cuộc cải cách tại Trung Quốc.
Hai nhân vật này không nổi tiếng đình đám, nhưng là những nhà cố vấn nặng ký tại Trung Quốc, nhất là dưới thời Tập Cận Bình. Điểm đáng chú ý là hai nhân vật này lại có lập trường trái ngược nhau, và được ông Tập Cận Bình trọng dụng hết cả hai.
Nhân vật thứ nhất là ông Lưu Hạc (Liu He), 62 tuổi, là một chuyên gia kinh tế từng học tại Đại học Havard.
Lưu Hạc là người có đầu óc đổi mới, ông cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc nên thoát ra vòng ràng buộc của doanh nghiệp nhà nước và nên dựa vào các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, đồng thời kích thích tiêu dùng.
Nhân vật thứ hai là ông Vương Hồ Ninh, 57 tuổi, là người có lập trường cứng rắn. Ông đưa ra chủ trương : « Quyền lực mạnh và chủ nghĩa dân tộc » để phát triển đất nước. Tờ báo cho biết, ông là người góp phần to lớn cho việc nhà cầm quyền Trung Quốc đưa ra các khẩu hiệu như : « Xã hội hài hòa » dưới thời Hồ Cẩm Đào, « Giấc mơ Trung Hoa » dưới thời Tập Cận Bình.
Tờ báo kết luận : Như vậy, ông Tập Cận Bình đã tìm được « bộ đôi cố vấn », và vấn đề còn lại là chờ xem liệu những công thức hay khẩu hiệu có cứu được một hệ thống đang yếu dần bởi sự chia rẽ sâu sắc.
Bão Philippines : chính quyền muốn đổ lỗi hoàn toàn cho thiên nhiên ?
Nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 12/2013 đăng bài đáng chú ý liên quan đến siêu bão Haiyan vừa gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của tại Philippines.
Bài viết chạy tựa : « Philippines, những thủ phạm quá dễ dãi ».
Tờ báo cho rằng nhà cầm quyền Philippines đã quá dễ dãi khi đổ hết tội lỗi của cơn bão Haiyan cho « thiên nhiên, những người hung dữ và những người nghèo ».
Nhà cầm quyền Philippines cho rằng, việc nước này hứng chịu ngày càng nhiều cơn bão kinh hoàng như Haiyan là do hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, tức là do thiên nhiên.
Còn « Những người hung dữ » là muốn ám chỉ đến những tổ chức phá rừng trái phép, dẫn đến hậu quả là làm sạt lỡ đất và làm trầm trọng thêm các cơn lũ.
Nhà cầm quyền và các phương tiện truyền thông Philippines cũng kết tội « Những người nghèo » vì cho rằng, họ đã bất chấp cảnh báo của nhà chức trách để đến sinh sống tại những vùng có nhiều nguy cơ bão lũ và sạt lở đất, họ đến sống ở những khu vực sườn núi và chặt phá cây rừng làm rẫy dẫn đến hiện tượng đồi trọc...
Thế nhưng, Le Monde Diplomatique cho rằng, lập luận như trên là thiếu chính xác. Thứ nhất về hiện tượng nóng lên của trái đất, tờ báo cho hay, theo số liệu có được từ khi Philippines thoát khỏi chế độ thuộc địa của Tây Ban Nha đến nay, thì gió lốc, bão lũ, động đất, núi lửa phun và sóng thần trong hiện tại không hề nhiều hơn hồi giai đoạn cuối thế kỷ 19.
Về những kẻ phá rừng, tờ báo cho rằng, nạn phá rừng phi pháp tràn lan tại Philippines phải kể đến một phần trách nhiệm của chính quyền.
Còn nói về những người nghèo khổ bất chấp cảnh báo sống ở vùng nguy hiểm, thì tờ báo cho rằng, họ bất chấp là vì họ quá nghèo, cái ăn cái mặc đã thúc bách họ làm như vậy. Và sự nghèo khổ này một phần là do sự phân chia tài sản xã hội không đồng đều tại Philippines.
Tờ báo dẫn ra số liệu cho biết : Hiện tại, 10% gia tộc giàu có tại nước này kiểm soát đến 33,9% tài sản xã hội, trong khi đó 10% những người nghèo nhất chỉ kiểm soát có 2,4% tài sản xã hội.
Cũng liên quan đến cơn bão Haiyan, phụ trang cuối tuần báo Le Monde dành 10 trang đăng 10 bức ảnh của một nhiếp ảnh gia gốc Việt Lâm Đức Hiền.
Những bức ảnh này được thực hiện sau cơn bão khoảng hai tuần tại nơi bị thiệt hại nặng nề nhất là khu vực thành phô Tacloban. Những bức ảnh cho thấy người Philippines sống sót sau cơn bão đang cố gắng tiếp tục sống trong hoang cảnh đổ nát tan hoang.
"Bất công khí hậu"
Cũng liên quan đến thiên tai, tuần san Courrier International số ra tuần này dành trang nhất chạy tựa : « Thời đại của thiên tai ».
Tờ báo trích dịch báo chí của nhiều nước như Ấn Độ, Anh, Mỹ… với trọng tâm nhấn mạnh rằng : Hiện tượng trái đất nóng lên không phải là nguyên nhân duy nhất làm trầm trọng thêm thiên tai trên thế giới ; và rằng : đến hiện tại, các nhà khoa học cũng chưa chứng minh được rõ ràng về mối liên hệ giữa thiên tai và hiện tượng trái đất nóng lên.
Dù vậy, Courrier International cho hay, thập niên vừa qua các cơn bão kỉ lục đã ồ ạt ập đến.
Tờ báo nhắc lại, từ năm 2004, khắp các vùng trên thế giới đã biết đến những cơn bão có sức gió kinh hoàng trên 200 km/h.
Như hồi năm 2006, ở miền bắc nước Úc, đã xảy ra cơn bão có sức gió lên đến 290 m/h. Và cơn bão Haiyan vừa qua tại Philippines được xem là cơn bão mạnh nhất với sức gió trên 300km/h.
Courrier International nhận định, thật sự có một sự « bất công về khí hậu » giữa các nước. Tức là, các nước chịu hậu quả nặng nề nhất của thiên tai lại không phải là những nước thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất.
Trong khi đó, sự bất công này là đang nằm trong sự « thờ ơ » của các nước giàu - những nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất.
Sắp tới, chắc chắn bão lũ trên thế giới sẽ nghiêm trọng hơn. Trong bối cảnh đó, Courrier International cho rằng : dù hiện tại chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục về mối liên quan giữa biến đổi khí hậu và sự trầm trọng của thiên tai, nhưng đã đến lúc các nước trên thế giới đặt nhiều sự quan tâm hơn cho vấn đề này.
Hồ sơ hạt nhân Iran : ai thắng ai thua ?
Ngày 24/11 vừa qua, 6 cường quốc Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức đã ký với Iran một thỏa thuận về hồ sơ hạt nhân Iran theo đó, Iran phải giảm tỷ lệ làm giàu uranium xuống mức dưới 5% và chấp nhận sự giám sát quốc tế, đổi lại các cường quốc phương Tây sẽ nới lỏng các biện pháp bao vây kinh tế và chính trị. Thỏa thuận nói trên thu hút nhiều sự quan tâm của các tạp chí Pháp.
« Sự đánh cược của tổng thống Obama trên hồ sơ Iran », đó là tựa đề bài thời luận đăng trên tuần san L’Express.
Bài viết cho rằng, đối với Mỹ, thỏa thuận vừa qua, dù là tạm thời, có thể làm thay đổi chiến lược của Washington tại khu vực Trung Đông.
Tờ báo cho rằng, tổng thống Obama đã biết nắm lấy thời cơ để thúc đẩy thỏa thuận này. Thời cơ đó là chính vào lúc nền kinh tế Iran đang gặp khó khăn do bị bao vây với mức lạm phát lên đến 40%. Và chính trong bối cảnh này, chính quyền Iran phải xem xét đạt được thỏa thuận « một cách vội vã » với phương Tây.
Trong khi đó, nếu thỏa thuận không đạt được, thì chắc chắn sẽ giúp cho tiếng nói của phe cứng rắn bài phương Tây tại Iran thêm mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng có thể góp phần làm thay đổi chiến lược của Iran trên chiến trường Syria.
Thỏa thuận nói trên đã làm dấy lên phản đối mạnh mẽ của phía Israel. Thủ tướng Israel Banyamin Netanyahu đã gọi thỏa thuận là « một sai lầm lịch sử ».
Chính quyền Obama cũng có ý thử phản ứng của một số nước khác trong khu vực, trong đó quan trọng hơn hết là của Ả Rập Xê Úc. Và còn phản ứng của những nước khác nữa mà phép thử Obama đang chờ đợi như là một « sự đánh cược » mà bà viết chạy tựa.
Đối với tuần san Courrier Intertional thì « sự đánh cược » của tổng thống Obama đã thành công.
Tờ báo trích dịch bài của tờ New York Times nhận định rằng, thỏa thuận nói trên với Iran dù tạm thời (chỉ có công dụng 6 tháng), nhưng « là một thỏa thuận mang tính lịch sử ».
Thời báo New York nhắc lại, Mỹ đã cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Iran hơn 30 năm nay, và thỏa thuận đã là cơ hội để hai nước xích lại gần nhau.
Chưa hết, đối với tổng thống Obama, thỏa thuận này rất có lợi : Uy tín tổng thống Obama trong nước đang xuống thấp nhất là do hồ sơ bảo hiểm xã hội Obamacare, vì thế với thỏa thuận này, tổng thống Obama muốn lái dư luận Mỹ về các hồ sơ ngoại giao.
Hơn nữa, đối với Mỹ, thỏa thuận sẽ khiến cho Mỹ có những bước đi mới tại khu vực Trung Đông.
Nhóm Hezbollah chiến đấu trên lãnh thổ Syria ủng hộ chính quyền Assad là do Iran hỗ trợ, vì thế với thỏa thuận nói trên và với ý muốn xoa dịu với phương Tây, chính quyền Iran có thể sẽ xem xét lại việc này. Thứ đến, Iran có thể sẽ giúp Mỹ đạt được thỏa thuận với các lực lượng Taliban tại Afghanistan.
Nguyệt san Le Monde Diplomatique cũng chia sẻ quan điểm này trong bài xã luận mang tên « Sự tan băng ».
Tờ báo cho rằng, sau 30 năm đối đầu trực tiếp, thỏa thuận là cơ hội để Mỹ và Iran sưởi ấm quan hệ song phương.
Le Monde Diplomatique cũng cho rằng, sự giảm căng thẳng trong quan hệ Iran-Mỹ sẽ có thể đóng góp vào tiến trình giải quyết các cuộc xung đột tại Syria và Afghanistan.
Đối với Israel, Courrier International trích dịch bài viết của nhật báo Ha’Aretz tại Tel-Aviv với dòng nhận định : « Thủ tướng Netanyahu đã thua cuộc ».
Tờ báo cho rằng, thủ tướng Israel luôn muốn phương Tây có biện pháp mạnh với Iran như đối với Libya, và Israel đã không ít lần hăm dọa không kích Iran.
Thế nhưng, mong muốn này đã thất bại do Iran đã ký được thỏa thuận hạt nhân với 6 cường quốc. Và dù rất giận dữ, nhưng theo tờ báo, thì Israel cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt để tiếp tục giữ mối quan hệ đồng minh với Mỹ.
Nhận định về Israel, Le Monde Diplomatique trong bài xã luận đăng trên trang nhất cũng có ý chỉ trích nước này. Bài xã luận cho rằng, 11 năm sau ngày mà cựu tổng thống Mỹ George Bush tiến hành « cuộc Thập Tự Chinh » tấn công cái gọi là « Trục Ma Quỷ », thì Trung Đông lâm cảnh bất ổn, Irak điêu tàn, một phần Châu Phi rơi vào tay của các lực lượng Hồi Giáo cực đoan…
Trong bối cảnh đó, tờ báo nhấn mạnh : « Giống như một kẻ cuồng tín, chính phủ Israel cứ bám víu vào cái khung cảnh điêu tàn đó. Israel cùng với những nước đồng ý chí là Ả Rập Xê Úc và các tiểu vương quốc thuộc nhánh Hồi Giáo Sunni ở Vùng Vịnh, cứ muốn nước Iran do nhánh Hồi Giáo Chia lãnh đạo phải bị cô lập và bị loại ra khỏi thị trường dầu hỏa ».
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-12-2013 - 04/12/2013 01:30
- Sửa đổi Hiến Pháp Việt Nam : Human Rights Watch tiếc một "cơ hội bị bỏ lỡ" - 04/12/2013 01:18
- Người biểu tình Ukraina chặn lối vào tòa nhà chính phủ - 03/12/2013 00:39
- Báo cáo viên LHQ kêu gọi tự do ngôn luận ở Việt Nam - 03/12/2013 00:09
- Thủ tướng Thái Lan bác bỏ yêu sách buộc từ chức - 02/12/2013 20:34
- Vũ khí : Trọng tâm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt - 02/12/2013 20:18
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-12-2013 - 02/12/2013 20:05
- VN xây chùa Khmer ở HN vì tôn trọng tự do tín ngưỡng? - 02/12/2013 03:28
- Trang mạng Obamacare đến hạn phải hoàn chỉnh - 02/12/2013 01:39
- Ngày Thế giới chống Sida : 16 triệu bệnh nhân thiếu thuốc - 02/12/2013 00:57
Các tin khác
- Ấn Độ: Tên lửa đẩy vệ tinh thăm dò Sao Hỏa rời quỹ đạo trái đất - 02/12/2013 00:15
- Chiến thuật lấy nhu thắng cương của Thủ tướng Thái Lan liệu có thành công? - 02/12/2013 00:07
- Nhật nhờ LHQ phân giải về "vùng phòng không" Trung Quốc - 01/12/2013 23:57
- Quân đội Ai Cập chuẩn bị bám trụ lâu dài - 01/12/2013 04:02
- Mỹ hủy vũ khí hóa học Syria trên biển - 01/12/2013 03:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-11-2013 - 30/11/2013 18:40
- Bình Nhưỡng khởi động lại việc xây dựng tại địa điểm phóng hỏa tiễn - 30/11/2013 18:29
- Mỹ-Nhật tiếp tục các phi vụ trên vùng phòng không Trung Quốc - 30/11/2013 18:20
- Nạn thiếu ăn, suy dinh dưỡng vẫn lan rộng tại Bắc Triều Tiên - 30/11/2013 00:25
- Chiến đấu cơ Trung Quốc tuần tiễu vùng phòng không - 30/11/2013 00:19