Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-12-2013

 Nhật Bản không bỏ rơi nông dân trồng lúa

Japon agriculture



Chuẩn bị cấy lúa tại một trang trại ở Takashima, Nhật Bản
Reuters / Yuriko Nakao


Hình ảnh những biển người biểu tình tại Kiev và Bangkok chống lại các chính quyền ở Ukraina và Thái Lan tràn ngập các tờ báo Paris trong ngày.

Đương nhiên, các báo Pháp không quên cuộc tuần hành trên đường phố Paris hôm qua 01/12/2013, theo kêu gọi của Mặt trận cánh tả, để đòi chính phủ hủy biện pháp tăng thuế TVA.

Nhưng trước hết, xin điểm qua một bài viết ngắn trên nhật báo kinh tế Les Echos « Tokyo không bỏ rơi các nhà sản xuất gạo », theo đó, Tokyo vẫn duy trì các biện pháp trợ cấp cho nông dân trồng lúa. Đây là một chính sách hết sức tốn kém mà các đối tác thương mại của Nhật Bản và phần lớn dân chúng trên xứ hoa anh đào muốn chính quyền xét lại.

Ý thức được về tính phi lý và bất cập của chính sách trợ giá lúa, gạo, nội các của Thủ tướng Abe chủ trương cải tổ sâu rộng hồ sơ này.

Nhưng cuối tuần qua Tokyo đã « gài số de », đơn giản là vì cảnh bảo thủ đang cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe « có mối quan hệ gần gũi » với thành phần nông dân trồng lúa.

Theo các con số được tờ báo trích dẫn, hàng năm dân Nhật phải đóng thuế gần 1,2 tỷ đô la để đài thọ cho chương trình trợ giá gạo.

Do nhu cầu tiêu thụ gạo trên thị trường giảm mạnh trong nửa thế kỷ qua, chính phủ trợ cấp đến 1500 đô la/hecta cho nông gia để họ giảm bớt diện tích trồng lúa. Bên cạnh đó, vì muốn tránh để ngành trồng lúa trên xứ hoa anh đào bị mai một, Nhật Bản đánh thuế đến gần 800 % mỗi ký gạo nhập từ nước ngoài.

Tất cả các vòng đàm phán thương mại với Nhật Bản đều bị hồ sơ nông nghiệp- hay nói chính xác hơn là lúa gạo – gây trở ngại.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Arami nhìn nhận « đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP với Mỹ đang rất căng » vì hồ sơ nông nghiệp.

Cũng Les Echos lưu ý, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO khai mạc hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 9 vào ngày mai (03/12/2013) tại Bali-Indonesia.

Nông nghiệp sẽ là một trong ba hồ sơ chính và gai góc nhất được các bên thảo luận.

Thái Bình Dương không thái bình

Xã luận trên trang nhất của Le Monde dành để nói về Thái Bình Dương : Một vùng biển chẳng chút yên bình.

Thời sự những ngày qua cho thấy « Châu Á Thái Bình Dương đang là tâm chấn của những căng thẳng chiến lược ».

Một bên là Trung Quốc không còn che dấu tham vọng đối với khu vực. Còn bên kia là nước Mỹ của ông Obama, không bỏ lỡ cơ hội để khẳng định chiến lược xoay trục về Châu Á. Ở giữa hai ông khổng lồ đó là những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam, Philippines, Indonesia.

Trước những đòi hỏi chủ quyền, những tham vọng của Trung Quốc, những quốc gia này đang « nấp đằng sau lá chắn của Hoa Kỳ ».

Le Monde đi xa hơn khi đưa ra phân tích : Tình hình tại khu vực càng thêm gay cấn khi biết rằng, tinh thần dân tộc chủ nghĩa rất cao tại tất cả các quốc gia trong vùng Châu Á Thái Bình Dương. Tinh thần đó xuất phát từ quá khứ lịch sử hay những hiềm khích kinh tế hiện tại.

Bắc Kinh không ngần ngại khai thác tinh thần bài Nhật trong dư luận. Trong khi đó tại Tokyo, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe không còn úp mở về những mục tiêu quốc phòng. Các nước trong vùng đều đang nâng cao khả năng quân sự.

Tác giả bài báo kết luận : Châu Á Thái Bình Dương chưa bao giờ thực sự sang trang thời kỳ chiến tranh lạnh (…) Ngành ngoại giao Mỹ sẽ phải hết sức khéo léo tránh để căng thẳng hiện nay xấu đi thêm.

Còn về phần Châu Âu, sẽ là một sai lầm nếu như Lục địa Già phó mặc cho ba cường quốc kinh tế của thế giới muốn làm gì thì làm trên vùng biển Thái Bình Dương.

Thái Lan, những mối hận cũ lại được khơi dậy

Vẫn về Châu Á, Libération dành hai trang báo để nói về phong trào nổi dậy tại Thái Lan. La Croix nhận xét : Thái Lan là một quốc gia bị chia rẽ sâu đậm, chỉ cần một chút thôi là cũng đủ để châm ngòi cho một cuộc nổi dậy.

Trong bài viết « Những mối hận cũ được khơi dậy ở Bangkok », thông tín viên của tờ báo, Arnaud Dubus, nhắc lại từ khi chế độ quân chủ tuyệt đối tại Thái Lan bị xóa bỏ vào năm 1932, quốc gia Đông Nam Á này đã trải qua 18 cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính.

Quân đội luôn đóng một vai trò trọng yếu trong tất cả các cuộc thay ngôi đổi chủ đó. Cũng Libération tập trung nói về nhân vật Yingluck Shinawatra, nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan : « Gần hai năm rưỡi sau khi lên cầm quyền, bà Yingluck bị đẩy vào cơn hỗn loạn ».

Cái bóng của người anh trai, là Thủ tướng bị lật đổ Thaksin, đè nặng lên tương lai và sự nghiệp của bà Yingluck. Bà bị tố cáo « nặn ra » luật ân xá để mở đường cho ông Thaksin trở về Thái Lan. Dự luật này là nguyên nhân đẩy Thái Lan một lần nữa cận kề khủng hoảng chính trị.

Bà Yingluck thua người anh Thaksin đến 18 tuổi, nhưng quan hệ của hai người này rất mật thiết.

Theo tiết lộ của Libération, trước khi lao vào các hoạt động chính trị, bà Yingluck từng điều hành nhiều chi nhánh của tập đoàn viễn thông do ông Thaksin nắm giữ.

Năm 2011, khi bà Yingluck ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng, lập tức bà bị chụp mũ là « con rối » của Thaksin. Có người thậm chí còn cho rằng bà lên lãnh đạo đất nước chẳng qua là để dọn đường cho ông anh Thaksin hồi hương, thu xếp cho ông này được ân xá và qua đó thu về lại được tài sản 1 tỷ euro đã bị tịch thu.

Ukraina, đường phố đòi Tổng thống từ chức

Từ một cuộc biểu tình này đến một cuộc xuống đường khác. Hàng chục ngàn người Ukraina tiếp tục thách thức chính quyền.

Báo La Croix cho rằng « tương lai của chính phủ Ukraina do đường phố định đoạt ».

Tờ L'Humanité chơi chữ với hàng tựa : « Matxcơva không bật đèn xanh cho Ukraina xích lại gần Liên Hiệp Châu Âu, Kiev vượt đèn vàng ».

Tờ báo cảnh cáo trước nguy cơ không ký được hiệp ước đối tác với Bruxelles, Ukraina lại rơi vào một cuộc cách mạng Màu Cam như năm 2004.

Le Figaro đăng ảnh một người biểu tình Ukraina quỳ gối, giơ hai tay lên trời. Trước mặt, là một hàng cảnh sát mặc đồng phục đen, đầu đội mũ sắt bảo hiểm.

Bức ảnh nhằm minh họa cho tính ôn hòa của phong trào nổi dậy ở Ukraina, cho dù người biểu tình vào hôm qua đã chiếm đóng tòa đô chính Kiev.

Le Figaro nhắc lại cuộc đọ sức giữa đường phố và chính quyền Ukraina đã rộ hẳn lên sau Thượng đỉnh Vilnius, hôm 28/11/2013 khi chính quyền Kiev vào giờ chót từ chối ký kết hiệp ước đối tác với Liên Hiệp Châu Âu.

Thủ tướng Ukraina thản nhiên thông báo là Kiev chuẩn bị tăng cường hợp tác với Nga. Phản ứng của chính quyền đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong quần chúng, muốn Ukraina xích lại gần với Liên Hiệp Châu Âu.

Tiếp theo đó, cảnh sát đã thẳng tay đàn áp người biểu tình vào sáng sớm ngày 29/11/2013. Hành động thô bạo đó lại càng như đổ thêm dầu vào lửa. Bất chấp lệnh cấm tập hợp, dân chúng ở thủ đô Kiev vẫn tuần hành.

Vấn đề đặt ra là ngay cả các chuyên gia về Ukraina cũng chưa biết phong trào xuống đường của người dân Ukrania sẽ đi về đâu, cho nên trước mắt cả Bruxelles lẫn Matxcơva cùng rất kín tiếng. Tờ Libération tỏ ra thực tế khi nêu lên câu hỏi : Đối lập Ukraina quyết tâm lật đổ chính quyền và kêu gọi tổng đình công.

Thế nhưng trong một đất nước đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế liệu lời kêu gọi đó có được hưởng ứng rộng rãi hay không ? Đó lại là một chuyện khác.

Hàng triệu người « nô lệ » Pakistan

Lao động khổ sai dù đã bị cấm trên giấy tờ, nhưng vẫn là một thực tế đối với hơn 4 triệu người lao động Pakistan. Đây là chủ đề được La Croix quan tâm trong bài báo mang hàng tựa « Hàng triệu người nô lệ Pakistan ».

Tại quốc gia Nam Á nay vẫn có tới 4 triệu rưỡi « nô lệ », làm việc ngày đêm ở các nhà máy hay trên ruộng đồng.

Phóng viên của tờ báo có dịp trò truyện với Khimo, một người đàn ông quãng 30. Khimo làm việc 18 giời mỗi ngày, thỉnh thoảng còn phải làm luôn ca đêm. Anh và gia đình bán sức lao động cho điền chủ, nhưng cả đời vẫn không đủ no, nợ nần vẫn chồng chất.

Theo lời Chủ tịch Ủy ban nhân quyền Pakistan, có những truờng hợp trẻ em bị bắt làm nô lệ để trả nợ cho mẹ cha. Vào lúc mà cộng động quốc tế kỷ niệm ngày giải phóng nô lệ, thì tại Pakistan vẫn còn có tới hai triệu người bị cưỡng bức lao động.

Theo các nhà hoạt động nhân quyền, con số này trên thực tế cao hơn rất nhiều. Tổ chức phi chính phủ BLLFP đưa ra con số 4,5 triệu « nô lệ » Pakistan làm việc trong các nhà máy sản xuất gạch, ngói. Công nhân không tránh khỏi các làn roi tra tấn của giới chủ.


Switch mode views: