Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Iran tấn công khủng bố tại Irak để bảo vệ ảnh hưởng trong khu vực

Iran khungbo

Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định không quân Iran đã oanh kích các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở phía đông Irak.REUTERS/Stringer



Ngày 03/12/2014, lần đầu tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định là trong những ngày qua, không quân Iran đã oanh kích các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở phía đông Irak, đồng thời nhắc lại rằng chính sách hiện của Washington là không phối hợp với Teheran.
 Vậy tại sao Iran lại đơn phương tấn công khủng bố ở Irak ?

Theo giới quan sát, các hoạt động này đánh dấu việc Iran, nước theo hệ phái Shia Hồi giáo, tăng cường ủng hộ mạnh mẽ về quân sự cho các đồng minh Irak và Syria để bảo vệ khu vực ảnh hưởng của mình và ngăn chặn mối đe dọa của các tổ chức thánh chiến Hồi giáo Sunite.

Trên đài truyền hình Iran al-Alam, tướng Massoud Jazayeri, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Iran, ngày 04/12, đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ủng hộ chế độ Bagdad đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
 Ông tuyên bố : « Không cần mong chờ đáp trả gì, Iran làm hết sức mình để hỗ trợ nhân dân Irak theo trách nhiệm nhân đạo và của đạo Hồi, nhằm loại trừ khủng bố ra khỏi đất nước này ».

Hồi tháng Sáu, Iran đã có phản ứng ngay từ khi bắt đầu cuộc tấn công chớp nhoáng của khủng bố, bằng cách cung cấp vũ khí cho các chiến binh Kurdistan và đưa các cố vấn quân sự sang hỗ trợ Irak.
Quân đội Iran cũng huấn luyện lực lượng dân quân Hồi giáo Shia tham gia cuộc phản công.

Khi khẳng định cuộc đấu tranh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo là công việc của người Irak, chính quyền Teheran vẫn luôn luôn bác bỏ tin nói rằng có quân đội Iran trên lãnh thổ Irak và từ chối tham gia Liên minh quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Theo Iran, liên minh này, ngoài việc tiến hành các phi vụ oanh kích không có hiệu quả, chỉ nhằm thực hiện ý đồ của phương Tây là lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bachar Al Assad, đồng minh quan trọng của Iran trong khu vực.

Thực vậy, đối với Teheran, chế độ Damas, cùng với tổ chức Herbollah tại Liban, là lực lượng chủ chốt « kháng cự » lại Nhà nước Do Thái Israel mà Iran không thừa nhận sự tồn tại.

Từ đầu tháng 10, truyền thông Iran đã đăng nhiều bức ảnh của tướng Ghassem Souleimani, lãnh đạo đơn vị tinh nhuệ Qods, thuộc Đội Cận vệ Cách mạng Hồi giáo, đứng bên cạnh các chiến binh Kurdistan Irak, các sĩ quan quân đội Irak và các tổ chức dân quân.

Tổ chức Hezbollah ở Liban, do Iran đỡ đầu, khẳng định là tướng Souleimani « dẫn đầu một nhóm chuyên gia Liban và sĩ quan Iran », đã tới Irak, ngay sau khi thành phố Mossoul rơi vào tay quân thánh chiến, ngày 10/06 và từ đó đến nay, nhóm này đóng vai trò cố vấn quân sự quan trọng.

Ngoài việc ủng hộ phe Hồi giáo Shia đang nắm quyền tại Irak, bản thân Iran còn muốn ngăn chặn mối đe dọa của lực lượng thánh chiến Hồi giáo Sunite, muốn lật đổ chế độ Hồi giáo Shia.

Một nhà ngoại giao phương Tây làm việc tại Teheran nói với AFP là « Iran lo sợ » và đã tăng cường bảo vệ đường biên giới chung với Irak, đồng thời, Teheran hứa hẹn sẽ tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo, ngay trên lãnh thổ Irak, nếu quân thánh chiến tiến gần.

Theo một nhà ngoại giao khác, Iran không thể chính thức thừa nhận đã tiến hành các phi vụ oanh kích chống khủng bố, bởi vì Teheran đã chỉ trích các cuộc oanh kích của Liên minh quốc tế là không có hiệu quả.

 Chính vì thế, Iran kịch liệt cải chính khả năng hợp tác quân sự với Mỹ, vốn là kẻ thù lịch sử của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Thế nhưng, theo nhà ngoại giao này, Irak đóng vai trò trung gian, môi giới trong quan hệ giữa Iran và Hoa Kỳ.

Iran và Irak, hai nước có đa số dân theo hệ Shia Hồi giáo, đã tái lập quan hệ ưu tiên trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ, năm 2003.

 Chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của tân Thủ tướng Irak Haidar Al Abadi là tới Iran, vào cuối tháng 10/2014.
Đối với Syria, chính quyền Teheran tìm mọi cách ngăn cản sự sụp đổ của chế độ Bachar Al Assad.

 Năm 2013, tướng Soulemani đã trấn an rằng Iran ủng hộ « Syria tới cùng », trước sự đe dọa của Hoa Kỳ, vì theo Iran, phương Tây muốn « phá vỡ mặt trận kháng chiến » mà đại diện là tổ chức Hezbollah Liban và các nhóm vũ trang Palestine, chống lại Israel.

Mặc dù cải chính tin là có quân đội Iran trên lãnh thổ Syria, nhưng Teheran thừa nhận đã gửi các cố vấn quân sự tới hỗ trợ quân đội Syria và các lực lượng thân chính quyền Damas, chống lại các tổ chức đối lập vũ trang và lực lượng thánh chiến.

Việc lực lượng Hezbollah trực tiếp tham chiến đã đóng vai trò quyết định trong việc chiếm lại các thành phố vốn nắm trong tay phe đối lập được phương Tây, Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ kỳ ủng hộ.

Mặt khác, Iran cũng tố cáo phương Tây vi phạm chủ quyền của Syria, khi tiến hành các vụ oanh kích khủng bố ở nước này.
Iran cũng tuyên bố sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Liban chống lại các lực lượng thánh chiến.

Thế nhưng, Teheran bị Liên Hiệp Quốc cấm vận vũ khí vì thực hiện chương trình hạt nhân, do vậy, Beyrouth đã quay sang nhờ Pháp.

Switch mode views: