Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hủy bỏ dự án Nam Hải lưu : Cuộc đọ sức mới giữa Nga và Châu Âu

Putin- Namhailu



Công du Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 1/12/2014, Tổng thống Vladimir Putin, tuyên bố Matxcơva sẽ từ bỏ dự án dẫn khí đốt Nam Hải lưu nếu như Châu Âu chống lại
REUTERS/Mikhail Klimentyev/RIA Novosti/Kremlin

Ngày 01/12/2014, ông Alexei Miller, Tổng Giám đốc Gazprom thông báo ngắn gọn là tập đoàn này từ bỏ dự án ống dẫn khí đốt Nam Hải lưu (South Stream).
Cùng ngày, đang công du Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Vladimir Putin, tuyên bố với thái độ có vẻ bất cần là Matxcơva từ bỏ dự án nếu như Châu Âu chống lại.

Ngay sau đó, Châu Âu cố gắng làm giảm nhẹ tầm quan trọng của quyết định này.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, cả hai bên, Nga và Châu Âu, đều cần đến nhau và đều thua thiệt, nếu hủy bỏ dự án.

Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina, các động thái này cho thấy Matxcơva và Bruxelles chỉ muốn thử sức, « nắn gân » nhau và có nhiều khả năng là dự án chỉ bị đình hoãn, chứ không phải là bị xóa sổ.

Mục đích của dự án Nam Hải lưu là đa dạng hóa nguồn cung ứng khí đốt từ Nga cho Châu Âu, mà không phải đi qua Ukraina.

Hiện nay, gần một nửa tổng lượng khí đốt mà Nga bán cho Châu Âu đi qua hệ thống ống dẫn Ukraina.
Theo thiết kế, hệ thống Nam Hải lưu dài 3600 km, chạy từ Nga qua Hắc Hải, tới Bulgari, Serbia, Hungary, Slovenia, rồi chạy vào Ý, Áo.

Tổng chi phí dự án lên tới 32 tỷ euro, trong đó Gazprom chiếm đa số, với sự tham gia của tập đoàn điện lực Ý ENI và tập đoàn điện lực Pháp EDF. Dự kiến ban đầu là Nam Hải lưu sẽ đi vào hoạt động từ năm 2016.

Đại diện cấp cao về đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini nói, việc Nga tuyên bố bỏ dự án cho thấy Châu Âu « cần khẩn cấp không chỉ đa dạng hóa các đường dẫn cung ứng mà cả các nguồn năng lượng ».

Nga lý giải việc hủy bỏ Nam Hải lưu vì Liên Hiệp Châu Âu phản đối, gây sức ép với các nước thành viên có đường ống dẫn chạy qua. Bruxelles nêu ra quy định mới của Châu Âu về cạnh tranh, theo đó, ngoài Gazprom, các nhà cung ứng khác phải được quyền đấu nối với hệ thống Nam Hải lưu.

Matxcơva không chấp nhận điều kiện này. Thực ra, đằng sau những lý do kỹ thuật và pháp lý, đây là cuộc đọ sức mới giữa Nga và Châu Âu về tuơng lai của Ukraina.

Lãnh đạo Gazprom cho biết có thể thay thế Nam Hải lưu bằng một hệ thống ống dẫn khác, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, với cùng công suất là 63 tỷ mét khối mỗi năm. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Euronews, ông Andras Deak, Viện Kinh tế Thế giới, thuộc Viện hàn lâm Khoa học Hungary, nhận định về hậu quả của việc từ bỏ Nam Hải lưu :

« Đương nhiên, nếu một dự án mới ra đời với hướng đi khác Nam Hải lưu, thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể thắng lớn… Dường như Nga chuyển từ chỗ phụ thuộc phải chuyển khí đốt qua Ukraina, thì nay qua Thổ Nhĩ Kỳ và điều này giúp cho Ankara có vị thế hơn trong thương lượng ».

Vẫn theo chuyên gia này, « Ủy ban Châu Âu có thể nâng cao uy tín của mình, thuyết phục Nga lùi bước, bằng cách làm rõ là việc đạt được thỏa hiệp sẽ tốt cho cả hai bên… Rõ ràng, các nước bị thua thiệt là những quốc gia Trung Âu và những nước có hệ thống ống dẫn chạy qua.

Đối với họ, từ nay đến cuối thập niên, chỉ có mỗi hệ thống ống dẫn chạy qua Ukraina ».

Quyết định hủy bỏ Nam Hải lưu làm cho các công ty Châu Âu tham gia dự án bị mất ít nhất là 2,5 tỷ euro. Bị thiệt hại nặng nhất là tập đoàn ENI của Ý, khoảng 2 tỷ euro. Các công ty khác như German Europipe của Đức mất 500 triệu, hai công ty Nhật, Marubeni-Itochu và Sumitomo, 320 triệu.

Chính vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng, dự án mới chỉ bị ngừng lại. Tới thăm Nghị viện Châu Âu, ngày 02/12 vừa qua, ông Mikhail Khodorkovski, nguyên là chủ nhân tập đoàn Ioukos Nga, bị tù đày nhiều năm do chống Putin, nói với báo chí : « Tôi rất quan tâm theo dõi dự án này và tìm hiểu qua nhiều người. Tôi không nghĩ rằng đó là quyết định cuối cùng, bởi vì các giải pháp thay thế không có ý nghĩa về mặt kinh tế ».

Một số dấu hiệu cho thấy dự án Nam Hải lưu có thể lại được triển khai trong thời gian tới. Tại Bulgari, nước đầu tiên đón tiếp hệ thống ống dẫn chạy từ Hắc Hải vào, chính quyền mới thân phương Tây sẵn sàng xem xét lại việc ký kết thỏa thuận với Nga để giải quyết các trở ngại pháp lý do Bruxelles áp đặt.

Các cuộc thương lượng với Nga vẫn được duy trì vào thứ Ba, 09/12.

Ngay cả Châu Âu, tuy hiện nay không tỏ ra sốt ruột lắm, do kinh tế trì trệ, nhu cầu nhiên liệu không cao, cũng cần đến Nam Hải lưu, ít nhất vì hai lý do : Dự án ống dẫn khí chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, nếu được thực hiện, phải mất 10 năm. Yếu tố thứ hai là khí đốt Nga bán cho Châu Âu vẫn rẻ nhất trên thị trường.
Do vậy, cả Nga và Châu Âu đều không có lợi ích gì khi chôn vùi dự án Nam Hải lưu.

 

Switch mode views: