Con người lớn dần lên
- Thứ Sáu, 26 tháng Chín năm 2014 18:52
- Tác Giả: Quý Thể
Con trai tôi mới mười lăm tuổi đã cao bằng cha nó. Chồng tôi vui lắm và kiêu hãnh vì có đứa con cao ráo nhưng cũng bực mình vì áo quần giày dép của ông nó thường lấy mặc, dùng xong chẳng chịu giặt giũ móc lên như cũ để cho cha nó phải lôi ra hàng đống cho tôi với con chị nó giặt. Có lẽ nó còn cao hơn cả nhà tôi, thước sáu là ít. Quần tây tôi may cho nó hồi đầu niên học phủ gót, mới nửa năm đã, nói như nó: “Chó táp không tới!” rồi đòi may lứa quần áo khác.
Phần tôi cũng bực mình không kém. Con Chi năm nay mới mười bảy tuổi đã cao và to hơn tôi. Mỗi khi tôi đi đâu trang điểm xong mặc áo dài mang guốc cao gót đứng trước tủ gương soi, tôi thấy nó đứng sau lưng giúp tôi chải tóc, nó đi chân đất mà còn cao hơn tôi mang guốc cao gót, chải tóc bồng. Con này chẳng khác gì thằng em . Chỉ có mấy chiếc áo dài của tôi là nó tha không xỏ tay, chắc cô ta cũng đã thử mặc vào nhưng không lọt vì tay áo dài may chật theo khổ người tôi, còn mọi thứ áo quần khác nó xem như là của nó. Tôi bực mình nhất là mấy đôi giày da của tôi nó cố nông bàn chân vào làm giản ra cả.
Lúc đầu vợ chồng tôi không hiểu do đâu trẻ con thời này lớn chóng quá. Về sau nhờ trải qua kinh nghiệm sống những năm sau giải phóng, chúng tôi đã hiểu một cách hết sức sâu sắc vì sao con người thời đại lớn dần lên nhanh chóng đến thế.
***
Sau cơn hồ hỡi do sự kiện long trời lở đất đánh thắng Mỹ, một siêu cường quốc, thống nhất nước nhà, giang sơn thu về một mối. Ai cũng nghĩ từ nay về sau mọi việc đều sẽ dễ dàng giải quyết. Không ngờ tiếp đến là một giai đoạn dài đằng đẳng đầy những cam go. Vào thời mà cái gì cũng hiếm, cái gì cũng hạn chế, cái gì cũng làm đơn, cái gì cũng xếp hàng, thì cuộc sống của gia đình tôi tuột dốc thảm hại. Chúng tôi công chức chế độ cũ, không có nghề nghiệp, không thu nhập, chẳng có của chìm của nổi. Chúng tôi chỉ còn cách bán dần đồ đạc trong nhà để sống. Thuở đó tôi chưa bao giờ dám đặt ra cho mình câu hỏi: Bán hết rồi lấy gì mà sống? Số tiền có được ít ỏi chúng tôi phải sống theo cách mà chồng tôi gọi là “Trạng thái tiềm sinh” . Nghĩa là sống cầm chừng. Giống như hạt lúa rơi rụng ngoài đồng sau mùa gặt tìm về lỗ nẻ chui vào sống lây lất chờ cơn mưa đầu mùa để nẩy mầm.
Thời gian này chồng tôi cũng sống theo kiểu tiềm sinh. Ông ít nói, suốt ngày ở trên gác, không tiếp ai, không đi đâu, không chuyện trò với ai, có nói thì vẫn theo cách hài hước, mỉa mai, chế riễu. Suốt ngày ông nhà tôi đọc sách báo cũ, đọc đi đọc lại nhiều lần. Ông không hề đọc sách báo mới. Ông “dị ứng” với văn chương mới. Có ai hỏi ông ôn tồn nói: “Mình cố gắng sửa chữa cái khẩu vị nhưng thấy vẫn chưa hợp”.
Hết thứ để bán, cuối cùng tôi phải tấn công vào cái tủ sách yêu quí của ông. Tội nghiệp, bao nhiêu sách báo góp nhặt một đời đem chất đầy trong ba cái giỏ rách. Tôi hỏi người mua sách, mụ ta nói: “ Phải chi được giấy bao xi măng mua về bán cho những người dán bao bì thì có giá, còn thứ sách báo nầy chỉ bán để xé ra gói xôi! ” Bán hết sách tới bán cái tủ. Lúc này nhà tôi trống hoác, chẳng còn bàn ghế tủ giường, tối lại quét sạch, cả nhà nằm đất. Trong cảnh này ông chồng tôi cũng tìm ra được một điểm tích cực: “Các con có thể đem bóng vào đá trong nhà, không sợ đụng chạm đổ bể gì nữa, mỗi lần quét dọn cũng dễ”.
Tôi tưởng gia đình mình sẽ bị chôn vùi trong cuộc sống tối tăm không có lối thốt mịt mùng mãi mãi. Thế rồi biến cố xảy ra. Không biết là may hay rủi.
Một hôm có người đàn ông mặc áo quần bộ đội bước vào nhà. Người này rụt rè hỏi:
- Thưa đây có phải nhà ông Phạm Ngọc Toàn, trước là thẩm phán chế độ cũ không?
Tôi thầm than “ Thôi chết rồi. Ông Việt Cọng này điều tra đâu mà biết rõ lý lịch chồng tôi đến thế. Gia đình mình chưa đủ khổ hay sao? Tai hoạ gì xảy ra nữa đây ?”
- Thưa ông đúng rồi. Xin lỗi ông là …
Người đàn ông tỏ ra vô cùng mừng rỡ:
- Chị Soa đây phải không ? Trời ơi bao nhiêu năm…
Lúc nầy chồng tôi cũng vừa đi vào, la to:
- A chú Tuân !
Hai người ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi, lệ ngắn lệ dài. Tôi chưa thấy cuộc hội ngộ nào cảm động như hai anh em họ gặp nhau sau hai mươi năm xa cách. Chồng tôi toan quay ra giới thiệu. Tôi nói. Em biết cả rồi. Đây là chú Tuân, người mà đã nhiều lần anh nói chuyện với em và các con. Đúng là một cái khuôn đúc ra, hai anh em như hai giọt nước, chỉ có một già một trẻ. Một trắng một đen. Chồng tôi thứ hai, chú Tuân thứ tám, hơn thua nhau đến mười tuổi. Còn trắng với đen thì tại nghề nghiệp hai người. Chắc ngoài đó chú làm việc gì kham khổ lắm.
Từ ngày có chú về ở chung, gia đình tôi thấy yên tâm hơn, không còn phập phồng chuyện địa phương doạ nay đi cải tạo, mai đi kinh tế mới. Tôi để ý thấy những gia đình miền nam như gia đình tôi có cùng một suy nghĩ là rất an tâm khi có người thân từ bắc vào. Ai cũng xem đó là một lá bùa hộ mệnh, “chỗ dựa chính trị” vũng chải. Ngẫm lại thật là ngây thơ…Ngày xưa chồng tôi thường đem chuyện ông chú này ra nói. Chuyện ông em nghịch ngợm, có tài bắn ná cao su, học rất giỏi, năm nào cũng được phần thưởng. Chú Tuân đi tập kết anh em mất lin lạc, không biết chú làm vương làm tướng gì ở ngòai Bắc mà bọn an ninh trong này theo dõi chồng tôi rất nhiều năm, lý lịch chính trị của ông rất xấu làm việc có tốt cách mấy cũng không được tin tưởng, tăng lương lên chức. Nhưng nhà tôi không bao giờ trách em mà còn ngầm kiêu hãnh. Ông thường nói, nó đi theo lý tưởng của nó. Với lại trong gia đình phải có người bên này kẻ bên kia, lỡ có gì còn nhờ cậy. Có điều ông nghĩ em ông, một thanh niên ưu tú, xuất sắc thì sống dưới chế độ nào cũng vươn lên cao, ăn trên ngồi trước. Về sau khi biết được ông em mình ra bắc tập kết mấy mươi năm khi về cũng chỉ là anh công nhân quèn, ông rất thất vọng.
Mấy ngày đầu hai anh em tha hồ hàn huyên trò chuyện, nhất là trong những bữa cơm. Thế nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chính trong những bữa cơm và quanh những câu chuyện vô tình đụng chạm tới vấn đề chính trị và thế là nổ ra tranh luận. Chồng tôi vốn tính nóng nảy, hiếu thắng, không tế nhị chút nào. Có lần không kềm chế được đã nói với ông em :“ Cậu đừng tưởng trong Nam ai ai cũng dốt. Như tôi đây dù không phải dân chuyên hoạt động chính trị, tôi chỉ học luật thôi mà còn phải đọc mòn cuốn Tư bản luận, sách gối đầu giừơng của ông tổ Cọng Sản. Tôi hiểu chủ nghĩa xã hội còn hơn quý vị ngoài đó. Trong này người ta học hành kỹ lưỡng khó khăn mà nói theo cách quý vị ngòai đó là “ chính qui ” hơn nhiều…”
Chú Tuân tuy nhỏ tuổi nhưng tính điềm đạm, chẳng muốn hơn thua với ông anh ngang ngạnh mà chú biết tính tình rất rõ từ những ngày cả hai còn niên thiếu. Chú lảng tránh tranh luận, nói sang đề tài những năm thơ ấu sống dưới mái nhà cha mẹ, toàn là những kỷ niệm đẹp. Những ngày sau hình như anh em họ lảng tránh nhau. Chú gần gũi với tôi nhiều hơn. Tôi cố hoà giải, mối bất đồng huynh đệ. Chú đừng trách ông anh của chú, ổng nóng như Trương Phi nhưng tâm địa tốt vô cùng. Chú cười, nói, tôi còn lạ gì tính khí ông anh tôi. Từ bé ổng đã tự cao tự đại, coi trời bằng vung rồi. Nói năng thì không chịu nhường ai nửa lời.
Hiềm khích nhỏ nhưng bắt nguồn từ ý thức hệ, một điều vô cùng hệ trọng đối với người đàn ông, khiến cả hai đâm ra dè dặt lạnh nhạt, không được hồn nhiên nồng nàn như buổi đầu. Những ngày sau thì cuộc trò chuyện lại càng nhạt nhẽo gượng gạo hơn, và hiếm hơn. Thời gian này tôi lén chồng tôi nhờ chú Tuân một việc mà tôi cho là nhỏ đối với chú. Tôi tưởng mọi người tập kết trở về đều có thế lực. Tiếng nói của họ mạnh lắm. Tôi nhờ chú xin cho thằng Khâm con trai bà Dì tôi đi binh nhì bị bắt lính đang cải tạo được trở về sớm. Không ngờ chú trả lời:
- Em chịu. em chỉ là một thằng thợ quèn, tư cách gì mà can thiệp cho chaú nó trở về. Với lại em thấy cũng nên để cho cháu cải tạo thời gian. Nó tiến bộ, không cần xin người ta cũng cho về. Hay là chị làm cái đơn nói rõ hòan cảnh gửi xem sao?
Bây giờ chính tôi cũng chán chú. Một việc cỏn con thế mà không chịu giúp gia đình. Đi theo cách mạng mấy mươi năm hy sinh xương máu làm gì?
Có lần chồng tơi nói cho tôi nghe ý nghĩ của ông về ông em theo cách mạng. Ông nói, tưởng ra ngoài ấy nó làm ông gì, ai ngờ, một người họ Phạm Ngọc, con cháu danh gia vọng tộc lại đi làm anh công nhân, còn hy vọng nhờ cậy gì được. Thế mà trong này mình đặt bao nhiêu hy vọng nó ở bên kia làm rạng rỡ gia tộc. Theo tôi ý nghĩ đó thật đúng. Gia đình Phạm Ngọc là một gia tộc danh tiếng to lớn. Nhiều thế hệ qua người trong họ này học hành đổ đạt bằng cấp cao, ra đời giữ những cương vị quan trọng dù là phục vụ trong chế độ chính trị nào. Tóm lại cả nhà tôi lâu nay dù sướng khổ vẫn lặng lẽ kiêu hãnh về giòng giống, bảo sao không thất vọng về “Ông chú tập kết”, anh thợ hạng bét này ?
Một hôm Chú đem công việc nhà của tôi ra bàn với tôi. Tôi thấy việc chú đề cập khó khăn cho chú quá, nhất là trong lúc hai anh em đang không thuận, nay chú lại tính chạm vô tự ái của nhà tôi một lần nữa, tôi sợ nổ ra tranh chấp lớn. Dự định của chú là phá vườn hồng trồng khoai sắn cứu đói. Chú nói: Sau chiến tranh, không phải tất cả đều thuận lợi, đất nước tan hoang, nhiều năm sau mơi hàn gắn được vết thương chiến tranh. Bao nhiêu khó khăn tồn tại, nhân dân sẽ còn trải qua thử thách gian khổ trong nhiều năm nữa. Nhất là phải đối phó vấn đề trước mắt là cái ăn. Anh chị có mảnh đất cạnh nhà, nơi vườn hồng đó, để nay mai em giúp anh chị tăng gia sản xuất, vỡ đất ra trồng khoai sắn cưú đói…
Vườn hồng nhà tôi đẹp có tiếng. Chồng tôi đã bỏ ra biết bao công sức tiền bạc để sưu tầm những giống hồng quí. Chồng tôi chăm sóc khu vườn hồng kỹ lưỡng lắm. Buổi sáng ông ta có cái thú tay cầm kéo cắt tỉa, tay cầm cốc trà nóng ra vườn từ hồi còn mờ đất. Thú chơi này ngẫm ra không còn thích hợp trong thời buổi này nữa. Vườn hồng cái hình ảnh trưởng giả tàn tạ cuối cùng này cũng nên bị xoá đi. Cái ăn quan trọng hơn. Nhìn thấy cảnh ông em xắn tay áo sỗ sàng nhổ bỏ không chút thương tiếc mấy gốc hồng Elizabeth, Boléro, Mascara, Ariana, Inter Florant… lên cắm vào đó mấy cái hom sắn, mấy dây khoai lang, chắc nhà tôi xót xa lắm !
Sau khi hòan thành công việc trồng mấy luống khoai sắn, chăm sóc cho chúng và chỉ dẫn cho hai cháu chăm sóc, chú Tuân từ giả chúng tôi, chú về bắc. Trong những năm gian khổ đó ông chú tập kết đến phá vườn hồng, trồng khoai sắn rồi đi là một sự kiện lớn của gia đình tôi.
Về sau, hình ảnh chiều chiều đứa con gái tôi ốm yếu xanh xao bưng cái rổ rách ra hái đọt khoai, cắt nhánh dền gai cho mẹ luộc. Khoai lang bị hái lá nhiều quá lại không vun vồng cho nên chỉ có rễ mà chẳng có củ. Còn sắn cũng không hơn gì. Trồng vội, ăn vội, củ của nó chỉ bằng ngón tay, khi luộc lên trông như cây đèn bạch lạp vì chưa có tinh bột. Nhưng dù sao có còn hơn không. Đúng là sắn khoai cứu đói.
Thịt trứng sữa trở nên những từ xa lạ không có trong ngôn ngữ hàng ngày. Ăn uống kham khổ quá làm cho chất sữa người mẹ nghèo đi. Tôi thấy mình không đủ sữa cho con bú, đứa bé vẫn cứ èo uột. Sau này tôi biết thiếu dinh dưỡng làm cho hệ miễn nhiễm yếu đi, trẻ con đau hết bệnh này tới bệnh khác. Tôi sợ sự thiếu ăn ảnh hưởng tới trí tuệ các con, chúng nó sẽ trở nên những đứa bé đần độn. Nhưng biết làm sao đây? Làm sao mà một nước có tới 80% dân số hoạt động trong ngành nông nghiệp lại thiếu ăn? Tại sao nước người ta chỉ có 2-3% dân làm nông nghiệp đã đủ ăn còn thừa ra xuất khẩu? Có phải phong trào hợp tác hoá trong nông nghiệp là thứ trái cây chín ép, không có chút hương vị?
Tôi không thể khoanh tay chờ đợi phép lạ. Tôi phải hành động. Tôi bắt chước người ta tăng gia sản xuất. Tôi nuôi gà. Mấy con gà phần chết dịch, phần mất trộm. Tôi nuôi heo. Vì thiếu kinh nghiệm nên mua phải con heo người ta nuôi mãi mà nó không lớn. Họ dùng kềm bấm răng, tắm rửa sạch sẽ da thịt trông hồng hào rồi đem ra chợ bán giả làm heo con mới lẻ mẹ. Tôi mua về nuôi thêm ba tháng nữa, cho ăn rất tốn kém, song khi bán bằng với giá lúc mua! Thực là những cuộc thí nghiệm tai hại. Thấy tôi buồn chồng tôi lại an ủi: “Đó là những thất bại cần thiết”
Sau này tôi nghiệm ra rằng đất nước này cũng rất giống với gia đình tôi, cũng đang dò dẫm tìm kiếm con đường đi tới phồn vinh, cũng đã có những lúc lạc hướng, cũng có những thất bại, những thất bại rất cần thiết như gia đình tôi.
Năm 86 lần đầu tiên tôi nghe “đổi mới tư duy”. Đi đâu cũng nghe tới câu này. Tôi hỏi, chồng tôi giảng: “Là thay đổi cách suy nghĩ”. Tôi nói: “Chỉ thay đổi cách suy nghĩ thì làm sao cải thiện được tình hình?”. Chồng tôi cười:
- Mọi sự đều bắt đầu bằng cái suy nghĩ.
Tôi nói mỉa:
- Bổn cũ soạn lại chứ gì?
Chồng tôi ôn tồn:
- Khoan phê phán, để xem thử “người ta” làm ra sao đã.
Chồng tôi là một trí thức. Tuy lúc đầu có bất đồng quan điểm về cách thức quản lý kinh tế, quản lý xã hội song ông vẫn giữ được phẩm chất công bình chính trực của người trí thức. Ông có cười cợt, có phê phán nhưng không bao giờ tỏ ra hằn học thô lỗ như nhiều người khác.
Rồi tôi nghe thêm câu “kinh tế nhiều thành phần”. Tôi mừng vì trước đây có lúc buổi sáng tôi nấu nồi xôi đặt bán ở hiên nhà. Có người tới ôn tồn khuyên nên dẹp đi vì Nhà nước không chấp nhận thành phần kinh tế tư doanh ! Tôi nghe Nhà nước ban hành luật đầu tư nước ngoài. Tôi mỉa mai: “Có điên mới bỏ tiền vào đầu tư ở đây”. Thế nhưng tôi lại nghe đài, đài nước ngoài chứ đài trong nước tôi chưa tin, nói hết nước này đến nước khác tới đầu tư. Tôi tự hỏi : không lẽ họ điên cả sao?
Ôi, về sau tôi mới thấy mấy sự kiện kia quan trọng ra làm sao tới cuộc sống của gia đình tôi. Nó không phải lý thuyết suông hay khẩu hiệu viễn vông, nó ảnh hưởng nhanh chóng, trực tiếp và triệt để tới nồi cơm của tôi. Trong khi chúng tôi chế riễu lạnh nhạt với thời cuộc thì cuộc sống lại chuyển mình đi lên. Cuộc sống vốn chẳng lắm lời, nó tự mình lặng lẽ tiến dần về phía trước. Dĩ nhiên từ đêm tối không thể có ngay một bình minh sáng lạn. Cuộc sống như một bức tranh chuyển gam nhiều lần, nhiều màu, cuối cùng mới có màu hồng bình minh. Lại phải có những bước dò dẫm chệch choạc, những lỗi lầm, những đau đớn của cơn sốt vỡ da nhưng nói chung con tàu đã đúng hướng. Con tàu khởi hành chậm chạp nhưng bây giờ thì chúng tôi tin vào gia tốc của nó.
Lâu nay tôi sống ở thành phố nhưng giống như người khách lạ từ xa đến. Nhiều năm qua tôi không ra phố về đêm. Đêm nay tám giờ tôi mới có dịp đi trên con đường Thống Nhất. Con đường này là cái phong vũ biểu để đo sự phồn vinh và sức sống của thành phố Nha Trang. Mười năm đầu sau ngày giải phóng nó buồn rầu ảm đạm, đúng là con đường chết, hết cả sinh khí. Hai bên đường nhà dân đóng cửa suốt ngày. Một vài nơi lấy làm thương nghiệp quốc doanh trở nên cũ kỹ nghèo nàn nhanh chóng. Tối hôm đó tôi ngỡ ngàng không nhìn ra con đường cũ. Hai bên đường la liệt cửa hàng, đèn đuốc sáng trưng. Hàng hóa sang trọng đủ thứ bày tràn xuống lề đường. Tôi tự trách mình lạc hậu. Thiên hạ giàu nhanh như thế này mà mình không hay cứ sống thui thủi nghèo nàn kiểu cũ. Tôi lại thắc mắc: Tiền đâu người ta làm giàu chóng thế? Sau này thì tôi hiểu cái kinh tế thị trường ra làm sao. Trước đây tôi chủ quan xem thường quá bởi cứ nghĩ cái kinh tế thị trường nó có cả mấy trăm năm rồi, lạ gì với dân chúng miền nam này . Nó đâu phải phép màu mà để đặt niềm tin vào đó? Chồng tôi giảng: Dĩ nhiên sự thành công to tát phải do nhiều yếu tố, nhưng cơ bản, quan trọng và khác trước hơn hết là ngày nay bảy mươi triệu dân được phép làm kinh tế.
Rồi thì chính tôi cũng giàu lên. Tôi chẳng nhanh nhẹn tài cán gì, tôi có được một số tiền lớn là một sự hoàn toàn bất ngờ. Thời gian này cả thành phố chuyển động ầm ầm trong cơn sốt xây dựng, xây dựng dẫn theo cơn sốt đất. Mảnh đất cạnh nhà tôi trước đây chú Tuân phá hoa đi trồng khoai sắn cứu đói nay đầy cỏ dại có người tới đề nghị mua với cái giá bất ngờ, tơi bán đi một nửa. Nhờ đó mà tôi có được cái cửa hàng bán mỹ phẩm. Chồng tôi giỏi ngoại ngữ, trước đây tôi tưởng cái khả năng thuộc vào loại xa xỉ này chẳng còn dùng vào việc gì, ai ngờ bây giờ nó cũng hoá ra tiền, mà lại còn nhiều nữa. Ông dịch sách, dạy học. Bây giờ tôi mới tin cuộc sống cuối cùng đã trả lại mọi giá trị đích thực.
Thương chồng tôi thuê thợ về đóng lại lại cái tủ sách bằng gỗ cẩm lai rất đẹp. Ông bắt đầu sưu tầm sách, lần này ông đọc sách công bình và tỉnh táo không hơn không có thiên kiến về chính trị, văn hóa, văn nghệ như trước. Ông tìm đọc rất nhiều. Đọc xong ông kết: “Văn chương mấy năm gần đây xem được”. Tôi biết người như ông nhận xét thế đã là một lời quá khen rồi.
Và rồi chú Tuân đột ngột quay về. Tôi thấy ông mang theo rất nhiều cành hồng. Hai anh em lại gặp nhau. Chú Tuân mở lời:
-Trước đây chắc em phá vườn hồng anh giận lắm. Chuyến này em trở lại đền cho anh vườn hồng. Em sưu tầm được khá nhiều giống hồng quí hiếm miền bắc, cả hồng Đà Lạt. Khi nào cây ra hoa em tin anh vừa ý lắm.
Rồi chú nói: “ Cái gì cũng có thời của nó. Hồi trước, khi cả nước còn nhiều khó khăn, mình không thể sống phong lưu. Đó là thời của khoai lang khoai mì cứu đói. Bây giờ gian khổ đã qua, mình cũng không thể sống kham khổ mãi được. Đây là thời kì để trồng hoa…
Ông chú nhắc đi nhắc lại câu: “ Bây giờ mới là thời kỳ để trồng hoa !”
Vườn hồng nhà tôi lại xanh tốt. Bao nhiêu thứ hồng quí lại toả hương góp sắc cho đời. Chiều chiều nhà tôi ra vườn ngắm hoa uống rượu làm thơ
Có một điều thật kỳ dị. Khi nhà tôi hỏi Chú được bao nhiêu tuổi đảng? Chú Tuân cười rất tươi, nói một cách rất tự nhiên. Sao bây giờ anh mới hỏi câu then chốt đó ? Ông nhà tôi nói, lúc ấy còn e ngại không muốn hỏi, vì tôi nghĩ có thể đó là điều bí mật cấm kị khó nói chăng? Chú nói. Thưa anh không, được đứng trong hàng ngũ đảng là một điều vinh dự tột cùng. Song thú thật với anh chị. Em chưa được hưởng vinh dự đó. Em chỉ mới là cảm tình đàng. Còn phải phấn đấu chán…Chồng tôi kinh ngạc thốt lên “ Thế à? Vào đảng khó thế sao?” Chú Tuân, thưa anh khó mà không khó đối với người quyết tâm… Đây thực là một điều bất ngờ cho cả gia đình tôi.
Từ đó chồng tôi không còn nhìn ông em với cặp mắt nghi kị và thất vọng nữa. Và ông cũng thay đổi hẳn lối sống. Ông không còn buồn rầu lặng lẽ như thời kỳ sống “tiềm sinh” nữa, chỉ có điều thỉnh thoảng ông lại nói: “Tiếc quá, mất mười lăm năm đẹp nhất trong đời”. Tôi bắt chước Tề Thiên Đại Thánh nói: “Trời đất còn chưa hoàn hảo huống chi con người” – rồi tôi ngâm – “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!” . Nhà tôi lại đầy khách khứa và đầy tiếng cười.
***
Tôi nhớ đêm qua hình như có mưa, trong mơ tôi nghe tiếng mưa rơi, giấc mơ dài êm đềm và dễ chịu lắm. Lúc tỉnh dậy tôi không còn nhớ mình mơ những gì, chỉ nhớ đó là một giấc mơ rất di lúc đầu buồn sau vui. Thức dậy rồi niềm vui còn lảng vảng chưa tan. Ngoài cửa gương một buổi sáng màu tro dịu dàng lan toả. Tôi nghe tiếng kéo tỉa cành ngoài vườn hồng, chồng tôi đã thức. Ông vẫn còn giữ thói quen dậy sớm tay cầm kéo tay bưng tách trà nóng ra vườn. Tôi ra theo ngồi xuống cạnh ông. Hơi ấm của chồng truyền sang. Hạnh phúc tuổi già hiếm hoi nhưng đằm thắm. Chúng tô có chung niềm tự hào về những đứa con. Đêm qua mưa, sáng nay lá trong vườn sạch, mới ra và xanh hơn. Chung quanh chúng tôi một mùi hương lan toả mỏng và nhẹ như tơ nhện. Tôi cảm thấy có thể đưa tay ra nắm được mùi hương. Tôi để ý thấy buổi sáng trời lạnh đứng gió, không khí quánh lại hương thơm và tiếng động nghe rõ hơn. Cuối tháng âm lịch, con nước dâng sớm. Nước biển màu xanh pha lục theo cửa sông tràn vào. Mọi con thuyền lớn bé dâng lên, thuỷ triều đẩy chúng trôi về phía thượng nguồn. Tôi chợt nhớ câu “nước lên – thuyền lên”. Những con thuyền lớn nhỏ, kể cả bèo bọt rơm rác đều hưởng chung một thứ diễm phúc.
Mấy năm nay chồng tôi đã bỏ được thói quen hài hước mỉa mai chê bai những điều ông không bằng lòng về cuộc sống. Tôi hỏi ông về các con. Lần này tôi thấy ông nói như nhà thơ:
- Con người lớn dần lên cùng với đất nước.
Lúc này đã sáng hẳn, mặt trời lên, ánh sáng hào phóng chia đều cho ngàn vạn giọt sương long lanh trên lá.
Related news items:
Tin mới
- Rửa tay - 27/09/2014 17:19
- Má Hai - 27/09/2014 17:12
- Thầy tôi - 27/09/2014 16:56
- Vết tàn nhang ẩn hình - 27/09/2014 16:44
- Chim bay về biển - 27/09/2014 16:39
- Hồi ký của một người Hà Nội - 27/09/2014 15:54
- Đêm nô lệ - 27/09/2014 15:34
- Chuyển Kiếp - 21/09/2014 16:37
- Bắt Rượu - 21/09/2014 16:28
- Vợ hiền - 21/09/2014 16:10
Các tin khác
- Mẹ mày có khỏe không? - 21/09/2014 15:47
- Hôn thú - Hôn không thú - 21/09/2014 15:34
- Hoa Đào Năm Ấy - 21/09/2014 15:28
- Cánh Chim Cuối Trời - 21/09/2014 15:20
- Hạt tự do - 21/09/2014 00:48
- Trường Đời: Học Làm Chồng - 16/09/2014 03:54
- Hạnh phúc xót xa - 16/09/2014 03:49
- Đi Thăm Nước Mỹ - 16/09/2014 03:45
- Ba "Giang Hồ" - 16/09/2014 03:37
- Xót Xa - 06/09/2014 20:07