Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Phượng Hoàng Đất

phuong hoang datCho tới bây giờ tôi cũng chưa biết người ta độn da thú rừng bằng vật liệu gì để trưng bày và bán trong các cửa hiệu. Những chú gấu nhỏ may bằng vải nhồi bông thì tôi biết vì lúc nhỏ tôi đã có dịp tháo chúng ra xem, nhưng đấy là thú nhỏ dùng làm đồ chơi cho trẻ con, còn nai hổ gấu lấy bông đâu để nhồi cho đủ? Tôi đoán họ lấy rơm hoặc trấu nhồi vào để cho chúng đứng lên được, nhăn nanh múa vuốt giống như hồi còn sống để doạ nạt thiên hạ. Nhưng có người lại nói lầy giẻ rách để độn. Hình ảnh này thực kỳ dị khiến cho tôi phải chú ý. Lúc đầu tôi định viêt “Con chim phượng hoàng độn giẻ rách”để đẩy cái tính tương phản lên cao hơn nữa làm cho câu chuyện thêm phần sinh động, như nhà văn nào đó căn dặn hãy lấy cái đen đặt cạnh cái trắng. Sau khi viết xong, đọc lên tôi thây viết như thế nhẫn tâm quá. Tôi không nỡ và cũng không được quyền. Dù sao ông ấy và gia đình ông ta vẫn là ân nhân của tôi. Cho đến nay sau rất nhiều năm, mỗi lần nghĩ đến họ tôi vẫn còn thấy ấm áp tình người nhất là sự việc lại diễn ra vào những năm khó khăn nhất của đời tôi. Dưới mái nhà này và nhất là dưới cái bóng mát uy quyền của ông tôi đã có những năm tháng vui vẻ dễ chịu. Trong những năm đó nếu không có sự nâng đỡ của ông không biết đời tôi sẽ trôi nổi tới đâu hay vẫn còn bị bỏ quên ở cái ngôi trường miền núi trong xó xỉnh kia ?


Cuối cùng tôi chọn tên “PHƯỢNG HOÀNG ĐẤT”. Ở Tây nguyên có một loài chim mang tên này. Chúng to bằng con quạ, lông màu xanh đậm hơi ngả sang màu xám đen. Loài chim này có một điểm đặc biệt là mỏ rất to, hơi cong, màu vàng ngà, cái mỏ chúng to một cách kỳ dị. Không biết thiên nhiên tạo ra cái mỏ quá khổ này để làm gì? Có phải đây là của sự tiến hóa hay không và có phải nhờ cái mỏ này mà chúng được tồn tại? Có nơi người địa phương gọi chúng là chim hồng hoàng hay cao các, nhưng số đông gọi là chim phượng hoàng đất .


Mặc dù học hành vào loại xuất sắc, nhưng chật vật lắm tôi mới thi đỗ vào trường sư phạm và cũng khó khăn lắm người ta mới cho tôi tốt nghiệp. Học cùng lớp nhưng số điểm thi tốt nghiệp của tôi gần gấp đôi người thuộc diện ưu tiên bởi tôi đứng cuối cái bực thang phong thần này. Lúc mới ra trường người ta điều tôi về dạy tại một trường tiểu học miền núi. Họ nói lên đó chịu kham khổ thử thách một thời gian “để thấm nhuần ý thức lao động” sau này sẽ chuyển về miền xuôi. Tôi tin vào lời hứa này và xách gói lên đưòng. Lúc đó tôi là cô gái hai mươi tuổi, dân thành thị chính hiệu, cả đời tôi chưa rời mái ấm gia đình. Tôi mới thấy núi rừng xa xa chứ chưa đặt chân tới đó bao giờ, nay bỗng chốc bị đưa vào chốn sơn lâm cùng cốc dạy mấy đứa trẻ con của những gia đình kinh tế mới và người dân tộc . Nghĩ tới gian đoạn này tôi vẫn còn hãi hùng, tôi tự phục mình đã vượt qua ba năm thử thách ở cái chốn dễ sợ như thế . Trường của tôi là một mái tranh xiêu vẹo với chừng hai mưới đứa học sinh nghèo nàn, rách rưới, đen đủi, đi học theo mùa, được cái chúng rất ngoan ngoãn và thương yêu cô giáo,.


Tôi dạy chúng ba niên khoá, theo lời hứa tôi làm đơn xin chuyển công tác. Thời đó còn trẻ tôi tin vào lời hứa và lòng tốt của mọi người, nhất là những người trong ngành giáo dục là cấp trên của tôi. Tôi viết rất nhiều đơn với lời lẽ thống thiết gởi về phòng giáo dục huyện. Những tờ đơn đó giống như viết trên lá chì ném xuống biển, nó chìm lỉm chẳng âm vang nào. Tôi bắt đầu tức giận. Tôi gởi thẳng đơn về sở. Lần này có chuyển động, một thứ hồi âm thực bất ngờ. Tôi nhận được công văn khiển trách lời lẽ nặng nề vì đã phạm cái tội tày trời là gởi đơn vượt cấp, coi thường nguyên tắc, vô tổ chức… Tôi thất vọng hoàn toàn về cái ngành và tư cách của những người mà tuổi tác và trình độ thuộc hàng cha chú và thầy của tôi.


Đang khi lúng túng và buồn bã đó, tôi gặp được ông. Ông xuất hiện đúng như vị cứu tinh. Nhân một chuyến thăm miền núi ông cùng với đoàn tuỳ tùng hàng chụi người, có cả báo chí bất ngờ ghé thăm trường tôi. Việc thăm trường hoàn toàn không nằm trong chương trình chuyến đi này. Hình như lúc đoàn xe bóng lộn đi ngang qua ông nhìn thấy mái trường quá tội nghiệp và ông cũng muốn tỏ cho mọi người biết rằng ông rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục cho em miền núi. Trước khi về ông ta có kêu tôi tới hỏi han, nhân đó tôi nêu nguyện vọng được về miền xuôi vì tôi đã dạy ở đây ba năm và đang mắc bệnh sốt rét kinh niên. Ông nói : “Được!”. Ông đi rồi tôi chẳng tin tí nào về lời hứa chóng vánh dễ dàng ấy cả. Tôi an phận lo dạy dỗ bầy trẻ con tội nghiệp này. Không ngờ chỉ mới tuần lễ sau đã có người đến thay tôi và tôi không những được về huyện mà còn được điều về ngay thành phố công tác tại phòng giáo dục. Sau này tôi mới biết việc chuyển tôi về thành phố đối với ông dễ như búng một con kiến. Lúc đó thực tình tôi không hiểu do đâu ông chọn tôi để ban ân huệ. Cũng như mọi cô gái đẹp khác tôi tưởng ông chú ý tới ngoại hình gợi cảm của tôi, sau tôi mới biết nghĩ như thế là lầm, là oan cho ông. Về việc này ông là người rất đáng khâm phục. Sống bên ông tôi lại còn biết được thêm nhiều đức tính của ông, ông rất thanh liêm, công bằng, thương người, tôn trọng lời hứa… ông thuộc vào thế hệ những người mang đầy lý tưởng cao đẹp, chưa bị trào lưu xã hội làm cho quá quắt như nhiều người mà tôi gặp gỡ sau này. Về sau tôi mới hiểu lờ mờ về cái thâm ý chiến lược của ông. Ông chọn tôi chỉ vì tôi là kẻ vô danh tiểu tốt. Ông cần một con người như thế và cần để làm gì, sau này tôi mới rõ.
Người như tôichẳng có công việc gì làm ở phòng giáo dục thành phố. Tôi lẩn quẩn ở cơ quan, hết giờ thì về. Lúc này công việc chính của tôi là đến nhà ông kèm cho hai đứa con ông học. Nhờ cái uy của ông tôi dần dần lơ là công tác mà chẳng ai dám động đến. Cả tháng tôi mới đến cơ quan một lần chỉ để lãnh lương. Ông có bốn đứa con, hai người đồng tuổi tôi và hai đứa bé đang học cấp một. Chúng nó rất mến tôi và chúng nó rất dễ thương. Lần hồi chúng kéo tôi ở lại. Ban đầu là một buổi, sau cả ngày, sau dần dần ăn ngủ luôn tại nhà ông. Đến lúc này sự hiện diện thường xuyên của tôi tại nhà ông là chuyện bình thường. Nhà ông là ngôi biệt thự của ông tướng nguỵ thời trước, nhà rất rộng, nhiều phòng cho nên không lo chỗ ở, còn chuyện cơm nước thì tha hồ, ở đây không biết đến tiêu chuẩn tem phiếu là gì. Tôi quí mến mọi người trong gia đình này và họ cũng thương mến tôi, đây là thứ tình cảm chân thật. Tôi là đứa con gái siêng năng, thích việc nội trợ, nhất là thích đi chợ mua sắm. Sau giải phóng tôi chẳng có điều kiện đi dạo phố mua sắm, mấy cô gái như tôi xem chuyện đi sắm sửa đồ đạc trong gia đình là một thú vui. Ban đầu ông bà nhờ tôi một vài việc nhỏ, sau thấy tôi sành việc nội trợ chợ búa sắm sửa nên giao tôi nhiêu công việc khác. Tôi từ tư cách người gia sư chuyển sang cái thứ người quản lý không chính thức. Ông bà tin tôi, giao tiền cho tôi như con cháu. Trong một thời gian rất ngắn, nhờ sự tận tâm và trung tín tôi đã có được sự tin yêu của cả hai ông bà.
Sống yên ổn như thế một thời gian thì cái gốc gác con nhà tiểu tư sản trí thức của tôi bị bại lộ. Tôi tưởng thôi thế là đi đời. Tôi sẽ bị đuổi ra khỏi cái chỗ sung sướng an nhàn này. Tôi nghĩ người như ông đã nhập tâm cái ý thức phân biệt giai cấp, ông làm sao chấp nhận được một người không thuộc “thành phần cơ bản” như tôi ở trong nhà ? Ông cũng sợ người ta dị nghị chức? Đôi khi tôi tính thưa với ông về việc này rồi xin đi chỗ khác nhưng sự việc lại một lần nữa diễn ra ngoài dự tưởng của tôi. Không những tôi không bị đuổi mà hình như còn được trọng dụng hơn trước. Ông bà nghĩ tôi là người sành cuộc sống của hạng thượng lưu trí thức quyền quý trước đây, ông bà lại còn biết lúc trước tôi có học trường Pháp nên càng tin tưởng giao cho tôi nhiều công việc quan trọng .


Ông nói xa gần với tôi về chất lượng cuộc sống. Tôi không hiểu rõ “chất lượng cuộc sống” là cái gì, sau thì ông đề cập với tôi chuyện phải đổi mới, phải làm cái mà có thể gọi là cuộc thay đổi toàn diện và sâu sắc về hình thức và nội dung nếp sinh hoạt trong gia đình này. Tôi hiểu và tôi bắt đầu khởi sự “cuộc cách mạng” từ phòng khách. Nhà ông luôn luôn có khách từ những người tới cầu cạnh, đàn em và những người ăn cánh với ông. Vậy thì phòng khách của ông không thể trang hoàng như những nhà bình thường được. Tôi thay hết màn cửa, lọ căm hoa và những thứ bày biện khác. Tôi rụt rè đưa ý kiến thay tấm hình ông trước đây mang dép lốp, đội nón cối, ốm o xanh xao vì bệnh sốt rét và ngủ hầm bằng tấm hình màu mới chụp gần đây hồng hào bệ vệ. Ông tán thành ngay. Bày trí xong, ông khen: “thực đúng phong cách Pháp!”. Sau này tôi được biết thêm rằng ông rất thích văn hoá Pháp mặc dù ông chỉ biết nước Pháp một cách lờ mờ.


Ông bà giao cho tôi thêm phần ánh sáng với âm nhạc. Tôi đi cửa hàng quốc doanh mua một mớ băng nhạc thuộc loại có những bài hát như :Ai nhanh tay vót bằng tay em… tôi tưởng ông thích không ngờ mới mở ra ông bảo dẹp. Ông nói :“Chọn nhạc chất lượng hơn!”. Tôi không biết nhạc chất lượng là nhạc gì. Tôi ra chợ mua đủ thứ từ nhạc cổ điển, tới nhạc Rock nặng. Từ đó những băng nhạc kháng chiến, nhạc dân ca ba miền,nhạc cải lương đều bị đem đi xoá dể thu nhạc hiện đại. Thông qua việc này tôi hoàn toàn khâm phục những nhà khoa học đã chế tạo ra loại băng từ. Nó hoàn toàn “trung tính”, nó chấp nhận mọi khuynh hướng, thu cái mới tức là xoá cái cũ, xoá thu bao nhiêu lần cũng được, thực là tiện lợi. Tôi thầm nghĩ giá mà đầu óc con người cũng giống như băng từ?


Xong phòng khách tới mục trang phục. Trước tiên tôi phải làm công tác tư tưởng để bà chịu vĩnh biệt mấy cái quần đen mốc mốc cố hữu. Tôi đi chợ mua lụa mỏng về may đồ bộ cho bà. Cuối cùng tôi cũng đưa bà lên giường với ông trong bộ đồ ngủ mỏng như mạng nhện. Đây là một thành công to tát của tôi. Bà cũng bắt đầu tha thướt trong nhà với mấy cái robe sang trọng. Bây giờ trông bà bớt vẻ quê mùa. Đối với mấy cô cậu tron nhà nhờ đầu óc trẻ trung nên dễ hơn. Tôi hướng dẫn họ ăn mặc từ cổ điển sang tân cổ điển tới hiện đại. Ông cũng tin vào khiếu thẫm mỹ của tôi. Ông cho tôi được phép góp ý vào cách ăn mặc của ông . Tôi mua tặng ông cà vạt, khăn tay màu sắc trẻ trung, ông rất thích. Từ đó hình bóng cái áo cổ cao bốn túi nặng nề, đôi dép lốp với chiếc nón cối oanh liệt một thời không còn “tồn tại” trong ngôi nhà sang trọng này. Cho đến nỗi mấy cái hình đen trắng ông bà chụp ngày trước đã đóng khung rồi bà cũng đem đi cất nơi đâu.


Được biết ngày trước tôi có học trường Tây, ông hỏi :“Cháu có biết khiêu vũ không ?”. Tôi đáp có, ông nói :“Cháu chỉ cho chú thím vài bước cơ bản, cháu biết chú thường đi nước ngoài, thím cũng cần để dự tiếp tân. Thời buổi này không biết khiêu vũ không được, đây là một nét đặc trưng của văn hoá Tây phương. Chú và thím có cái khó hơn người khác là không thể đi học như những người bình thường”. Thế là tôi trở thành vũ sư. Khuya lại tôi đóng cửa phòng dạy hai ông bà. Bà cũng đã hơn bốn mươi, tới tuổi phát phì nên bước đi nặng nề, còn ông gốc gác quê mùa đi đứng như gỗ, thật khó dạy cho hai người này có những bước uyển chuyển được. Cuối cùng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi lại có thêm việc để làm. Cả hai ông bà học tiếng Anh. Như thế ban ngày tôi là thầy cho con, tối lại làm thầy cho cha mẹ. Ông bà nói giọng đặc sệt quê, lại lớn tuổi cho nên uốn giọng uốn lưỡi cho cả hai thực là việc gian nan. Lại thêm hai người trăm công ngàn việc đầu óc họ phân tán, học trước quên sau. Tôi thấy học ngoại ngữ như kiểu này biết đời nào xong. Nhưng ông bà đã muốn thì tôi cứ phải làm.


Tôi là người thích ăn ngon. Mấy năm qua làm gì có tiền để đi nhà hàng nên tôi khởi xướng cuộc cách mạng ăn uống trong ngôi nhà này và được mọi người “nhất trí cao”. Tôi mua sách dạy nấu ăn về nhà nấu món tây món Tàu. Ngon hay không tôi chẳng biết vì tôi đã được ăn những món này bao giờ, được cái những món tôi nấu cả nhà khen ngon. Đến lúc này ông mới nhận xét và kết luận về cả một hệ thống giáo dục thông qua khả năng của tôi. Ông nói :“ Phải công nhận nền giáo dục trước đây là phong phú…” Từ đó nhà này hoá thành một nơi sang trọng. Buổi sáng chị người làm, áo quần tươm tất, khúm núm nhận cái mơ nuy (thực đơn) bà giao rồi đi chợ. Trên bàn ăn trải khăn trắng tinh toàn thứ cao lương mỹ vị. Mấy món ăn dân tộc thuần tuý như cá kho, rau muống luộc, nước mắm không còn lai vãng tới chốn này.


Tôi có may mắn được nghe ông nói một đôi lần. Mỗi lần ông lên diễn đàn thường có có cả ngàn con người ngồi yên lặng kính cẩn lắng nghe. Ông nói xong có người lên thay mặt thính giả tán tụng . Ông nói hay thực, nghe ông nói tôi cứ tưởng ông phải là thầy của thầy tôi. Thế nhưng sau tôi biết những bài này là do thư ký và các chuyên viên viết cho ông. Còn khi chính ông viết thì bất chấp môn chính tả, ông cũng chẳng cần tới môn ngữ pháp. Tôi vẫn cứ lập luận để bênh vực cho ông . Tôi nghĩ đã ở cương vị cao thì có quyền vượt qua những tiểu tiết. Với lại cả cuộc đời của ông đã cống hiến cho sự nghiệp chung, thời gian đâu đi học mấy cái môn lẩm cẩm chính tả với ngữ pháp? Tôi thực sự thương tâm khi thấy ông loay hoay, chật vật khổ sở với cây bút trên tay và tờ giấy trước mặt. Ông nói thao thao bất tuyệt nhưng lại tỏ ra vô cùng nghèo nàn lúng túng trước trang giấy. Về sau tôi nhận thấy hình như lớp người như ông đều thế cả. Họ được tạo ra trong một môi trường, hoàn cảnh, có quy tắc thống nhất chặt chẽ, trong một khuôn mẫu chung.


Tôi không hiểu trong công tác uy tín của ông dạo gần đây ra sao ? Nhưng loáng thoáng qua những câu chuyện tôi nghe khách khứa trao đổi với nhau thì uy thế của ông ngày càng cao. Ưu điểm nổi bật nhất của ông được mọi người đánh giá cao là “thoáng” đầu óc không bị xơ xứng, nhanh chóng nắm bắt cái mới. Tôi công nhận điều này. Cuộc thay đổi trong gia đình là bằng chứng hùng hồn về việc “nắm bắt cái mới”. Có điều muốn sống sang trọng như giới thượng lưu quyền quí trưởng giả cần phải có thời gian thì mới “nhuần nhuyễn” được. Muốn tạo được cái gọi là truyền thống có khi phải cần tới mấy đời! Tiếp thu nhanh quá nó sống sượng như trái cây chín ép .


Cuộc đời tôi không thể mãi mãi gắn bó với ông. Tôi phải rời chốn êm ấm này để lập thân. Ngày tôi đến cho tới lúc tôi đi tôi vẫn giữ được cảm tình tốt đẹp đối với gia đình này. Đây là một cuộc cộng sinh hoàn hảo …


***

Đến nay tôi vẫn không hiểu vì sao người ta lại đặt tên chim là phượng hoàng đất? Phượng hoàng là loài chim của truyền thuyết, loài chim linh thiêng, loài chim kỳ vọng của con người về những điều không thể tồn tại trong cảnh đời thực. Chim phượng hoàng sống trên chín từng mây, người ta lại đi thêm chi cái chữ “đất” vào để lôi tuột nó xuống đất đen một cách oái oăm thế này ?

Switch mode views: