Thân phận vợ của một tù "cải tạo"
- Thứ Tư, 12 tháng Tư năm 2017 08:59
- Tác Giả: Thanh Minh
1. Duyên phận
Tôi sanh năm 1929 tại huyện Bãi Xàu, tỉnh Sóc Trăng, Miền Nam Việt Nam.
Ba tôi làm công chức tại Ty Bưu Điện của huyện lÿ Bãi Xàu. Thuở đó, dân ta quen gọi chức vụ của ba tôi là “thầy thông Nhà dây thép”. Ba má tôi sanh được sáu đứa con. Tôi là gái thứ hai, nhưng dân Miền nam quen gọi là “thứ ba”. Tôi theo học Trường Sơ học Bãi Xàu. Thời kì đó, nước Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp và hầu hết các môn học đều giảng dạy bằng tiếng Pháp.
Năm 1941, sau khi đậu bằng Sơ học (Certificat d’études primaires), tôi đi Sài Gòn dự thi vào “Collège des jeunes filles indigènes”. Về sau trường nầy được đổi tên là Trường Trung Học Gia Long. Thời may, tôi thi đậu. Thêm một điều may nữa là sau đó ba tôi được điều động lên làm việc tại Sở Bưu điện Sài Gòn. Thế là, cả gia đình chúng tôi dọn lên cư trú tại thành phố Sài Gòn.
Lúc tôi 16 tuổi, một bước ngoặt đau buồn ập đến cuộc đời của tôi. Ba tôi qua đời vì bịnh lao phổi. Trước khi nhắm mắt, ba tôi xin người chị ruột của ba tôi, mà tôi gọi là cô Sáu, đem tôi về nuôi, để có thể tiếp tục việc học hành, lý do là gia đình chúng tôi rất nghèo. Số là, cô tôi có một người con trai duy nhứt, lúc đó là chủ một hãng kem đánh răng lớn ở Sài Gòn. Đó là Hãng kem Perlon, đối diện chợ An Đông, đường An Dương Vương, quận 5, Sài Gòn. Ông Huỳnh Văn Xin, Tổng Giám đốc hãng, chính là anh họ của tôi. Người Miền Nam gọi là “anh cô cậu”, tức là tôi gọi má của anh Xin là “cô”, và anh Xin gọi ba tôi là “cậu”.
Tôi xin nghỉ học và vô làm việc trong văn phòng hãng Perlon. Tôi vừa là nhân viên của hãng, vừa là thân quyến của chủ hãng, cho nên được mọi công nhân trong hãng nể vì. Tôi phụ trách giữ sổ sách xuất nhập kho nguyên liệu và sản phẩm hoàn thành.
Một thời gian sau, hãng tuyển một nhân viên mới với nhiệm vụ là kế toán trưởng (chef comptable). Anh nầy tên là Thạch, 21 tuổi, lớn hơn tôi 5 tuổi, có dáng dấp như một thư sinh, tánh tình hiền lành, khép kín. Chúng tôi làm chung gần ba năm. Sau đó, chúng tôi đã kết hôn, với sự đồng ý của hai bên gia đình đàng trai và đàng gái.
Theo quan niệm duy tâm, qua câu nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, có phải chăng, anh Thạch và tôi đã có duyên nợ từ kiếp trước? Tôi chỉ biết là, trước kia tôi vốn là một cô gái đồng quê, ở một tỉnh lẻ hẻo lánh, khỉ ho cò gáy. Nếu tôi không có “số” di cư lên Sài Gòn hoa lệ, thì làm sao mà tôi gặp được anh Thạch, một cư dân của Sài Gòn, chưa hề bước chân đến tỉnh lẻ, quê hương của tôi?
Sau ngày kết hôn, tôi về làm dâu nhà anh Thạch, ở Tân Định, quận 1, Sài Gòn. Một thời gian sau, chúng tôi ra riêng, thuê lại một tiệm tạp hóa có hiệu là “Vũ Lai”, đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng) đối diện chợ Tân Định, thành phố Sài Gòn. Nhờ thuận vợ thuận chồng và chí thú làm ăn, đầu năm 1952, chúng tôi tậu được một căn phố tại đường Lê Quang Định, gần chợ Bà Chiểu, Gia Định. Nhờ có điều kiện thuận lợi, tôi đem hai đứa em của tôi, một gái và một trai, về ở chung, nuôi chúng nó ăn học. Lúc đó, ba chị em chúng tôi đều mồ côi, cả cha lẫn mẹ.
Lúc đầu chúng tôi buôn bán nhỏ, chỉ mong kiếm sống, độ nhựt qua ngày. Về sau nhờ tích lũy vốn liếng và phát triển cơ sở, chúng tôi nhập cảng dây đàn Argentine từ nước Pháp, phân phối độc quyền trên lãnh thổ Đông Pháp (Indochine Francaise), gồm cả ba nước Việt Nam, Cao Miên và Lào.
Đang làm ăn trôi chảy, tháng 12 năm 1952, chồng tôi được lịnh động viên vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, khóa 2. Chúng tôi đành phải chấm dứt việc kinh doanh, đóng cửa tiệm tạp hóa và ngưng nhập cảng dây đàn. Sau 22 năm phục vụ trong quân đội, năm 1974 đến tuổi hưu, chồng tôi được giải ngũ, với cấp bực “Trung Tá Trừ Bị”. Theo qui chế của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thời đó, nếu là trung tá, tuổi trên 49, mà chưa thăng cấp đại tá, đương nhiên phải giải ngũ. Tiện dịp, hãng kem Perlon của anh tôi đang cần nhân viên, chồng tôi trở lại làm việc tại hãng này. Làm được khoảng một năm thì xảy ra biến cố 30-4-1975.
2. Làm đơn xin đi tù
Lúc ấy, tuy chồng tôi là thường dân 100%, nhưng gốc là nhà binh chánh hiệu. Cho nên chồng tôi rất lo âu. Cuối tháng 5 năm 1975, Việt Cộng ra thông cáo kêu gọi “sĩ quan ngụy” phải đi “trình diện đăng ký”. Ngày 11-6-1975, báo “Sài Gòn Giải Phóng” số 31 đăng thông cáo, qui định tất cả “sĩ quan ngụy” phải trình diện đi “học tập cải tạo”. Bảng “Hướng dẫn cho sĩ quan đi học tập trung” đăng trên báo, nguyên văn như sau:
“Mỗi người đến địa điểm học tập cải tạo phải mang theo:
- 1 tháng ăn bằng tiền, mỗi ngày: 300đ x 30ngày = 9.000 đồng.
- 1 ngày 0,7kg gạo, mỗi kí lô bằng: 220đ x 21 kí = 4.600 đồng.
Tổng cộng bằng = 13,610 đồng.
- Ngày tập trung đầu tiên, từng người phải mang theo thực phẩm khô để ăn ngày hôm đó, ngày thứ hai nhà thầu phục vụ cơm nước.”
Hầu hết mọi người đều tin là chỉ phải đi “học” 30 ngày mà thôi và đinh ninh, khi “mãn khóa” sẽ được trở về làm ăn với tư cách là một “công dân chân chính”, theo lời hứa của tập đoàn Việt Cộng gian xảo và tráo trở.
Chồng tôi đưa đơn lên Ban giám đốc Hãng kem Perlon, xin tạm nghỉ việc một tháng, để đi “học tập cải tạo” theo lịnh của Cộng Sản Việt Nam.
Kết quả thảm thương là phần đông sĩ quan quân đội Miền Nam đều bị sập vào cái bẩy do bọn mafia Việt Cộng đã dụng ý ngụy trang với lời lẽ đường mật, gọi là “chính sách khoan hồng”, để tóm gọn những người mà trong thâm tâm họ xem như là kẻ thù không đội trời chung của chúng.
3. Giải ngũ rồi vẫn bị đi tù
Sau ngày chồng tôi đi trình diện “đi học” tại trường Trung Học Don Bosco, quận Gò Vấp, Gia Định được khoảng hai tuần thì nhựt báo “Sài Gòn Giải Phóng” đăng thông cáo bổ túc, cho biết những sĩ quan chế độ cũ, nếu đã giải ngũ trước ngày 30-4-1975 thì được miễn trình diện đi “học tập cải tạo” mà chỉ đi “học tập tại chỗ” trong vòng một tuần (?) mà thôi.
Tôi mừng quá, đến trường Don Bosco, Gò Vấp, xin gặp chồng tôi, nói anh ấy cầm tờ báo, đến văn phòng thủ trưởng, xin được trở về nhà, để theo khóa học tại địa phương. Tôi có đem theo tờ “chứng chỉ giải ngũ” của chồng tôi để làm bằng chứng là chồng tôi đã giải ngũ ngày 31-3-1974, tức là trước ngày 30-4-1975 trên 1 năm.
Tên cán bộ cầm tờ báo vào trình thủ trưởng của y. Một chập sau, anh ta trở ra, phán một câu “xanh dờn”: “Lãnh đạo nói, trình diện học tập là tốt, lỡ đi rồi thì nên đi luôn, cho thông suốt chính sách nhà nước. Trước sau gì cũng sẽ được ra trại mà.” Tôi nghe nói, bủn rủn tay chân. Hy vọng chồng được tha cho về nhà bổng chốc tan tành như mây khói”.
4. Không mất nhà nhờ tấm lòng nhân ái
Trong thời gian chồng tôi ở tù, ở nhà hai mẹ con tôi sống thui thủi. Con của chúng tôi lúc đó được 11 tuổi. Nhà ba từng lầu, rộng thênh thang khiến tôi cảm thấy cô đơn và lo sợ đủ chuyện.
Đứa em trai kế của tôi, tên Huỳnh Tương Đương, đại úy binh chủng Thiết Giáp cũng đã đi tù “cải tạo” như chồng tôi. Gia đình cậu em nầy gồm hai vợ chồng và tám đứa con, trong suốt thời gian tại ngũ, vì chưa có tiền tậu nhà riêng, nên phải cư trú tại các trại gia binh. Sau ngày 30-4-1975, họa vô đơn chí, vợ của Đương bị bạo bịnh và qua đời. Vì không có nhà cửa cố định, nên tám đứa con sống lây lất tại một gian nhà cất dựng tạm bợ trên lề đường tại Đồng Ông cộ, quận Bình Thạnh, Gia Định.
Nghĩ tình ruột thịt, tôi đem tám đứa cháu, gọi tôi bằng cô, mồ côi mẹ trong lúc cha thì đi tù, về cho tá túc tại nhà tôi. Tôi nào có biết trước được là, về sau tôi gặp một điều may hiếm có trên đời. Điều may đó là: Trong chiến dịch Việt Cộng “cướp” nhà của những nhà tư sản Miền Nam, tôi đã thoát nạn trong đường tơ kẻ tóc. Bọn cán bộ địa phương đến đo diện tích tất cả nhà tư nhân “ngụy” trong phường khóm. Luật lệ của chúng là: Nếu diện tích lớn hơn tiêu chuẩn ấn định so với số người trong “hộ khẩu” (tờ khai gia đình) thì Việt Cộng sẽ áp dụng hai biện pháp như sau: Một là Việt Cộng sẽ ghép cho cán bộ Cộng Sản vào ở chung nhà với mình. Hai là, chúng sẽ tịch thu nhà của mình và cấp cho một căn nhà khác nhỏ hơn. Hú hồn! Nhờ số người trong nhà tôi tăng từ hai lên mười người, cho nên nhà tôi không bị Việt Cộng tịch thu.
5. Không mất nhà nhờ không phải là tư sản
Nhà tôi ở mặt tiền đường Lê Quang Định, Gia Định. Vào thời điểm 30-4-1975, chúng tôi đang khai thác một tiệm tạp hóa ngay tại nhà. Sau ngày Miền Nam lọt vào tay Cộng Sản, thị trường thương mãi tại Sài Gòn bị tê liệt. Sài Gòn có một bộ mặt tiêu điều, quang cảnh gây cảm giác hoang tàn, trông giống như một thành phố “chết”. Các cơ sở thương mãi của tư doanh (nhà xuất nhập cảng, ngân hàng, nhà hàng, khách sạn, rạp hát, tiệm buôn...) đóng cửa im lìm. Vì ảnh hưởng dây chuyền, các tiểu thương như chúng tôi cũng bị vạ lây. Hàng mua vô không có, lấy gì để bán? Mỗi ngày mở cửa hàng suốt ngày ngồi “ngáp ruồi” sao?
Tôi đến phường xin trả môn bài, để đóng cửa tiệm một cách chánh thức, hợp lệ và hợp pháp. Phường không chấp thuận nhưng không nêu lý do và bảo phải tiếp tục mở cửa tiệm buôn bán bình thường. Sao kỳ vậy? Quyết định vô lý nầy khiến tôi thắc mắc, không hiểu nổi thâm ý của Cộng Sản. Tôi nghĩ, thông thường, việc xin môn bài buôn bán là chuyện khó, vì phải có một số điều kiện. Trái lại, việc nghỉ bán, đóng cửa tiệm là quyền của thương gia.
Tuy cán bộ phường không chấp nhận trả môn bài, tôi nhứt quyết dẹp tiệm. Qua ngày hôm sau, tôi đóng cửa tiệm. Về hàng hóa còn tồn động, tôi dự trử để xài lần hồi. Cả tủ kệ dùng để chưng hàng hóa, một phần đem cho bà con lối xóm, một phần đem vô nhà kho cho khuất mắt bọn cán bộ phường. Phía trước thì trang trí lại, có xa lông tiếp khách, có bàn ăn. Độ một tháng sau, Cộng sản phát động chiến dịch “đánh tư sản”. Các tiệm buôn lớn nhỏ đều bị liệt kê vào danh sách “tư sản mại bản”. Chủ nhân và cả gia đình được lịnh phải ra đi và nạp nhà lại cho phường “quản lý”. Ai không chấp hành lịnh sẽ bị bắt giam như kẻ tù tội. Trong lúc đó, nhà của chúng tôi được xem như nhà ở, không thuộc diện tự sản, nên không hề hấn gì.
Cũng cần nói thêm, dưới chế độ cộng sản, tất cả các hình thức hoạt động kinh tế và thương mãi đều do Nhà nước điều khiển và quản trị. Đó là chánh sách “kinh tế chỉ huy” của cộng sản. Nói cách khác, các nhà tư sản hoạt động trong nền “kinh tế thị trường” (tức là thị trường tự do của các nước tư bản) là kẻ thù mà cộng sản phải tiêu diệt.
Tại khu phố chúng tôi gần chợ Bà Chiểu, vài đại thương gia có tiếng tăm là nạn nhân của chiến dịch “đánh tư sản”. Toàn bộ gia đình của những nhà tư sản đều bị trục xuất ra khỏi nhà:
1/ Ông Tám Yến, chủ nhân một tiệm cầm đồ (vàng, nữ trang).
2/ Ông Lê Văn năm, chủ tiệm Mỹ Hương, bán loại thực phẩm cao cấp.
3/ Ông bà chủ tiệm MIMI, hành nghề uốn tóc.
Tại thành phố Sài Gòn, hầu hết các nhà tỉ phú đều bị “cướp” tài sản và họ phải bỏ chạy ra hải ngoại. Xin kể vài vị tiểu biểu:
1/ Ông Huỳnh Văn Xin, giám đốc hãng kem Perlon.
2/ Ông Nguyễn Tấn Đời, giám đốc Tín Nghĩa Ngân Hàng.
3/ Ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách và nhà xuất bản Khai Trí.
Lúc đó, tôi mới vỡ lẽ, hiểu rõ lý do mà trước kia đơn xin trả môn bài của tôi không được cộng sản chấp thuận.
6. Bán đồ gia dụng để sanh tồn
Lúc còn trẻ, tôi thường nghe ông bà khuyên bảo: “ở không hoài, ăn mãi thì núi cũng lỡ”. Từ ngày Việt Cộng cướp Miền Nam, tôi thấp thỏm lo âu. Chồng tôi đã đi tù còn tôi thì không có nghề ngỗng gì hết. Buôn bán thì bị cấm đoán, bây giờ phải làm gì để sống đây? Cũng như hầu hết bà con lối xóm, tôi đành bóp bụng, đem đồ đạc trong nhà, thứ gì bán được, lần hồi bán đi, để kiếm chén cơm. Chén bát, son chảo, lò ga, tủ lạnh, đồng hồ đeo tay, đồ nữ trang... từ từ đội nón ra đi. Vừa bán vừa cảm thấy xót xa, đau đớn, thương tiếc mấy thứ tư trang mà trước kia mình đã nưng niu, giữ gìn với một tình cảm yêu quí.
7. Luật rừng
Năm 1955, lúc làm ăn buôn bán, chúng tôi có sắm một chiếc xe hơi cũ, kiểu du lịch (từ ngữ Miền Bắc gọi là xe con) hiệu volkswagen, để làm phương tiện đi chuyển và chở hàng hóa. Nhờ nhà rộng rãi, gồm ba căn phố, chúng tôi dành riêng phần diện tích phía trước của một căn, làm ga-ra, cất chiếc xe vào nhà.
Thời kỳ đó, nước ta còn nghèo, rất ít người sắm xe hơi, cho nên những ông chủ địa ốc, xây cất nhà cho thuê, không hề dự trù diện tích riêng cho xe hơi (parking).
Sau ngày 30-4-1975, công an khu vực của phường đi kiểm tra từng nhà để làm "hộ khẩu" (sổ gia đình), thấy vài ba người ở xóm tôi có để xe hơi trong nhà. Bọn chúng phán ngay một chỉ thị trong “bộ luật rừng” của chúng: “Nhân dân hiện nay, nhiều người không có nhà ở, thế mà “chị” lại để xe trong nhà. Tất cả xe ô-tô của tư nhân phải đem lên phường giao lại cho nhà nước quản lý. Kỳ hạn vài hôm, cá nhân nào không thi hành, phường sẽ cho người đến tịch thu”.
Bà con lối xóm có xe hơi phản ứng mỗi người một cách để đối phó với “luật rừng” của cộng sản. Có hai vị chủ xe tình nguyện xin vào làm việc tại phường với nhiệm vụ là tài xế cho hợp tác xã và cho phường mượn luôn chiếc xe của mình. Phường thấy có lợi nên ưng thuận. Một vị khác đem xe gời thân quyến đã đi theo “cách mạng” (tức cộng sản) giữ giùm. Một vị có sáng kiến rất độc đáo. Ông ấy đội xe lên, tháo gỡ bốn bánh xe và luôn cả bình điện, đem đi gởi nhà bà con ở nơi khác. Cán Bộ đến khám nhà, thấy xe không sử dụng được, đành phải bỏ đi. Riêng tôi, phận đàn bà thua kém, không biết ứng phó cách nào cho thích đáng, đành phải nhờ người giới thiệu, đem bán rẻ cho một anh cán bộ. Thà không có xe đi mà có một ít tiền xài, chớ dại gì đem giao cho phường quản lý, kể như mất toi luôn.
8. Đan mây tre tại nhà
Trong chánh sách cai trị của Việt Cộng, họ luôn luôn chủ trương thể thức sản xuất tập thể. Tất cả người dân làm bất cứ ngành nghề lớn nhỏ gì cũng phải vào nghiệp đoàn. Mục tiêu của họ là kiểm soát lợi tức (từ cộng sản gọi là thu nhập) của từng người dân. ở nông thôn, làm vườn, làm ruộng phải vào tập thể. ở thành thị, làm nghề hớt tóc, chạy xe ôm cũng phải vào nghiệp đoàn. Cộng sản muốn nắm hầu bao của mọi người. Nói nôm na là, cộng sản không muốn cho người dân giàu lên để trở thành nhà tư bản. Đây là chánh sách bần cùng hóa nhân dân của cộng sản Việt Nam. Dân càng nghèo thì cộng sản càng dễ dàng xỏ mũi và sai khiến.
Với chủ trương sản xuất tập thể nói trên, phường tại địa phương tôi thành lập một “tổ hợp sản xuất mây tre” và bắt buộc tất cả vợ của sĩ quan bị bắt đi tù phải gia nhập vào tổ hợp nầy. Trong xóm, tôi là người tương đối khá giả, có nhà rộng rãi mà ít người ở, cho nên phường cho cán bộ đến gặp tôi, nói là “tạm mượn mặt bằng” để cho chị em người dân thấp cổ bé miệng, khó mà từ chối. Với lại, mình giúp cho phường mượn địa điểm, biết đâu chừng sau nầy, mình có cần việc gì, họ có thể dễ dãi với mình chăng. Do đó, bất đắc dĩ, tôi phải ưng thuận.
Sau đó, phường lo tất cả mọi việc, cho người đi mua mây tre tại các vùng quê như là Bà Điểm, Hóc Môn, đem về dự trử tại nhà tôi, cho cán bộ chuyên nghiệp đến huấn luyện chị em trong tổ hợp cách thức đan giỏ. Phường cũng tự lo đem đi bán hàng hóa sản xuất được. Cuối cùng, họ đem tiền phân phát trả công cho chị em, tùy theo số lượng sản xuất của từng người. Họ ban phát bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, chứ không ai dám hỏi tình hình chi thu ra sao. Tôi nghĩ, đây là một sự bốc lột sức lao động tinh vi của chế độ cộng sản.
9. Áp lực đi vùng kinh tế mới
Một thời gian sau, có lịnh bắt buộc “dân ngụy” đi các “vùng kinh tế mới”. Tức là đi khai phá các vùng đất hoang vu trở thành đất đai sử dụng được vào sản xuất để phát triển đất nước. Đây là một mánh khóe của Việt Cộng để diệt tư sản. Một mũi tên nhắm vào hai mục tiêu. Một là đuổi “ngụy” ra khỏi thành phố để tịch thu nhà cửa, hai là để đày đọa và bần cùng hóa dân Miền Nam, mà Việt Cộng cho là kẻ thù truyền kiếp của bọn chúng.
Công an khu vực đến từng nhà khuyến dụ: “Vợ sĩ quan nào có chồng đã đi “cải tạo” nay nếu tự nguyện đi “kinh tế mới” thì “cách mạng” sẽ thả chồng về. Tôi liều mạng trả lời: “Thả chồng tôi về thì tôi sẽ đi liền. Tôi ốm yếu như vầy, đang ở với thằng con 11 tuổi, nay đi “kinh tế mới” làm được việc gì để sống đây?” Kết quả là số đông trong phường không hưởng ứng lời kêu gọi của cán bộ. Thấy sự việc rỉ tai khó thuyết phục, phường ra thông báo, bắt buộc tất cả vợ sĩ quan “ngụy” phải lên phường họp để “đăng ký” đi vùng kinh tế mới. Vợ sĩ quan, ai cũng ngán và sợ cộng sản, nên tất cả đều đi họp rồi tùy cơ ứng biến, chớ không ai dám ở nhà.
Tại phòng họp, tên đại úy công an chủ tọa trình bài mục đích “tốt đẹp” của "vùng kinh tế mớ"i và yêu cầu, gần như bắt buộc, mọi người phải lên bàn chủ tọa, ký tên vào mẫu giấy để sẵn trên bàn là đồng ý đi “kinh tế mới” thì nhà nước sẽ cứu xét thả chồng về ngay. Tên công an nhấn mạnh thêm: “Nhà nước nói gì, nhân dân phải thi hành, không được trả giá”. Ý muốn nói là nhân dân không được đặt điều kiện. Một số vợ sĩ quan nghe nói ngọt, cả tin vào lời đường mật của Việt Cộng, lần lượt đi lên bàn của tên chủ tọa, ký tên đồng ý đi.
Riêng tôi, không hiểu sao tôi dám liều lĩnh, rủ vài chị bạn cùng xóm, chẳng những không lên ký tên mà còn lặng lẽ bỏ ra về. Mấy tên công an, gác cửa phòng họp, chận lại và hỏi: “Mấy chị ký tên chưa mà ra về vậy?
“ Tôi dứt khoát trả lời: “Thả chồng tôi về tới nhà thì tôi sẽ đi ngay”. Tôi vừa nói vừa kéo tay mấy chị bạn rảo bước đi nhanh. Bọn công an giữ trật tự nhìn chúng tôi, không phản ứng. Tôi nghĩ bụng, nếu mình cứng cỏi thì họ để yên, bằng không nếu mình yếu thế thì họ sẽ lấn tới.
Kết cuộc, một số đông gia đình đi kinh tế mới, sống lầm than nhiều năm tháng mà người chồng gia trưởng vẫn biệt tăm biệt tích. Trong lúc đó, nhà của mình bị Việt Cộng tịch thu và cấp cho cán bộ đến cư trú. Đây là một cú lừa ngoạn mục mà Việt Cộng đã thành công “vượt chỉ tiêu”, sau khi đã tóm gọn hầu hết sĩ quan “ngụy” vào cái rọ cải tạo.
10. Em tôi ở Pháp
Khi mới đi tù, chồng tôi bị giam tại trại Long Giao, tỉnh Long Khánh. Nửa năm sau, được chuyển về trại Tân Hiệp (cũng gọi là Suối Máu), tỉnh Biên Hòa. Sau đó, được chuyển ra Bắc Việt, lần lượt giam tại hai trại Hoàng Liên Sơn và Vĩnh Phú.
Ngày vô tù thì có, trái lại ngày mãn tù thì mù tịt. Trong những tháng năm chồng tôi ở tù, tinh thần tôi suy sụp trầm trọng, ngày đêm chỉ biết vái van, cầu Trời, khẩn Phật cho chồng tôi sớm được ra tù.
Trong lúc tinh thần sa sút, tôi được thơ của cậu em trai, Huỳnh Sĩ Nguyên, định cư tại Pháp từ năm 1976, đang giữ chức vụ Chánh văn phòng của Tổng trưởng Thông tin trong chánh phủ Pháp. Em tôi khuyên tôi nên gởi giấy tờ hộ tịch của tôi và đứa con, để làm thủ tục bảo lãnh qua Pháp. Cậu em lý luận: “Anh Ba (tức chồng tôi) ở tù cộng sản, mình đâu có biết ngày nào được thả, với lại chị làm sao sống nổi với tụi cộng sản được! Tụi nó toàn xài luật rừng” Tôi viết thơ hồi âm, từ chối ngay, không chút lưỡng lự. Tôi nghĩ, chồng mình đang bị hoạn nạn, mình nỡ lòng nào mưu tìm sự sung sướng cho riêng mình.
11. Một mối tình đơn phương
Năm 1979, lúc chồng tôi ở tù được bốn năm, một hôm, anh Thành, một người bạn học ngày xưa cùng trường tiểu học ở Sóc Trăng, đến nhà tôi cho biết một tin, làm tôi hết sức sững sờ. Số là, hồi tôi còn ở tuổi học trò ở quê nhà, có anh bạn học cùng lớp, tên Nhẫn, đã thầm yêu tôi nhưng chỉ giữ kín trong lòng. Sau biến cố năm 1945, Nhẫn đi theo kháng chiến chống Pháp, nay mang quân hàm Thiếu tá Việt Cộng và đang phục vụ tại Sóc Trăng. Nay, sau trên 30 năm mất liên lạc, Nhẫn đã nhờ Thành, đang cư trú tại Sài Gòn, thăm dò xem tình trạng gia cảnh của tôi để thực hiện mối tình đơn phương năm xưa mà Nhẫn vẫn còn ôm ấp trong lòng.
Hôm đó, sau khi nghe Thành trình bày mục đích của cuộc gặp gỡ, không chút lưỡng lự, tôi trả lời ngay: “Thành về nói lại với Nhẫn là anh ấy nên kiếm vợ, làm ăn với người ta. Còn tôi thì nay đã có chồng con. Chồng tôi đang ngồi tù tận ngoài Bắc và tôi đang chuẩn bị đi thăm nuôi đây. Tối với Nhẫn chẳng có duyên nợ gì hết, xin đừng trông mong hảo huyền nữa”.
Trong thâm tâm, tôi đã có một ý nghĩ dứt khoát. Vợ chồng tôi đã ăn ở với nhau ba chục năm nay, tình nghĩa thắm thiết. Vừa rồi, em ruột tôi tự nguyện bảo lãnh tôi đi Pháp, tôi đã từ chối. Nay, làm sao tôi có thể chia tay với một người chồng đã từng sóng chung rất đầm ấm để đi lấy chồng khác. Theo truyền thống gia giáo từ ngàn xưa, con gái Việt phải chính chuyên, một lòng chung thủy, một chồng một vợ mà thôi.
12. Suýt bị lường gạt
Sau khi chồng tôi được chuyển ra các trại giam ở Bắc Việt khoảng bốn năm, một hôm có một phụ nữ Miền Bắc đến nhà tôi, tự giới thiệu y là một cán bộ đang phục vụ tại trại cải tạo Vĩnh Phú, nơi chồng tôi đang “học tập”. Y nói tiếp là, chồng tôi nhờ y thị, nếu có đi công tác vào thành phố Hồ Chí Minh thì giúp giùm đến nhà tôi, bảo tôi gởi ra anh ấy một cái đồng hồ đeo tay, một vài bộ quần áo ấm, và chút ít tiền, tùy theo khả năng. Y nói thêm, nếu có sẵn thì tốt, bằng không thì cho biết hôm nào có, cô ta sẽ trở lại nhận để đem ra Bắc giao lại cho chồng tôi.
Tôi nghĩ, đúng cô ta là cán bộ phục vụ tại trại mà chồng tôi đang bị giam cho nên mới biết rõ tên họ và địa chỉ của chồng tôi ở Sài Gòn. Tuy nhiên, tôi vẫn bán tín bán nghi. Có thật chồng tôi có nhờ vả cô ta điều mà cô trình bày không? Điểm nầy đáng nghi ngờ. Rất may, tôi chợt nhớ lại, xưa kia, trong thời gian chồng tôi vào quân đội, phục vụ ở xa nhà, chồng tôi thường dặn dò: “Nếu anh có cần gì thì anh viết thơ đàng hoàng. Em phải cẩn thận, xem tuồng chữ và chữ ký. Để đề phòng những người lạm dụng lòng tin, làm những việc không tốt”. Nhờ vậy, tôi từ chối khéo: “Chồng tôi có viết cho tôi một lá thơ nào không?” Cô cán bộ sừng sộ, nói như gây gổ: “Chị không tin tôi là cán bộ tại trại mà anh ấy đang học tập sao?” Tôi điềm đạm đáp: “Tôi tin cô, nhưng tôi cần có vài giòng chữ của chồng tôi để làm bằng cớ”.
Cô cán bộ phân bua om sòm, lối xóm ra xem rất đông. Tôi vẫn giữ lập trường, im lặng, không trả lời. Một chập sau, cô ta bẻn lẻn bỏ đi.
Về sau, được biết lối xóm ở phường tôi, có vài người, có con đi “cải tạo” ở Bắc, đã bị cán bộ đến nhà lừa đảo, tương tợ như cô cán bộ đến gặp tôi.
13. Đi thăm nuôi
Cuối năm 1979, trong lúc chồng tôi đang bị giam tại trại Vĩnh Phú, Bắc Việt, tôi “được phép làm đơn” xin thăm nuôi. Làm đơn xin thăm nuôi, phải chờ có thông báo, không phải lúc nào muốn nộp đơn là được chấp nhận. Ngày nhận được giấy phép cho đi thăm nuôi, tôi quá đổi vui mừng. Nhưng vừa mừng lại vừa lo. Lúc đó, trong nhà đâu còn tiền. Mấy năm vừa qua, tôi đã bán sạch bách tất cả của nổi, tức là đồ đạc và tư trang trong nhà để sống tới nay. May quá, chúng tôi một ít của chìm. tức là chúng tôi đang là sở hữu chủ ba căn phố. Tôi đành bấm vụng, bán bớt một căn cho người hàng xóm, để có tiền đi thăm nuôi.
Tôi đi với đứa con trai và rủ hai chị bạn lối xóm cùng đi. Hai chị nầy có chồng ở tù cùng một trại với chồng tôi. Đi xe lửa xuyên Việt từ Sài Gòn ra Hà Nội mất hết ba ngày hai đêm. Xe lửa chật như nêm, tôi phải ngủ ngồi trên chiếc băng gổ, còn thằng con thì trải bạ, nằm ngủ trên sàn xe. Con tôi, năm đó 15 tuổi, mua vé loại giảm giá cho trẻ em. Khi lên xe, tên công an giữ an ninh, thấy vóc dáng con tôi cao lớn, hỏi con tôi mấy tuổi. Tôi nói, nó 15 tuổi. Tên nầy nghĩ rằng, tôi khai gian tuổi để mua vé giá rẻ dành cho trẻ em. Anh ta sừng sộ, bảo trình “chứng minh nhân dân” để kiểm chứng.
Đến Hà Nội lúc chiều tối, chúng tôi thuê phòng trọ, ngủ một đêm. Sáng hôm sau, tôi đi chợ mua bánh chưng và trái cây tươi, để phụ thêm thực phẩm đem từ Sài Gòn như sữa hộp, cá chà bông, mấm ruốc xào, muối đậu phộng...
Lạ nước lạ cái, không biết chợ búa ở đâu, chúng tôi gọi xe xích lô chở đi. Chú xa phu chở tôi và đứa con, nói một hơi, làm cho tôi ngạc nhiên. Anh ấy nói: “Tôi thấy mấy bà, biết ngay là người Sài Gòn ra đây để thăm mấy ông đi “cải tạo”. ở trong đó, sao mấy ông dở quá? Tụi nầy ở Bắc trông mong mấy ông ấy ra giải phóng Bắc Việt. Thế mà nay có chuyện ngược đời. Thương hại cho mấy ông ấy!” Tôi làm thinh, không biết trả lời thế nào đây.
Chồng tôi bị giam ở trại Vĩnh Phú/K5, ở mạn Bắc Hà Nội. Nghe nói, đi bộ từ Hà Nội đến trại phải mất một ngày trời. Năm đó, tôi 50 tuổi, già yếu nhưng luôn tâm niệm là phải cố gắng. Tôi thuê xe ba gác, chở cái rương sắt đựng thức ăn, quần áo, thuốc men. Anh phu xe đi trước, tôi và thằng con lẻo đẻo theo sau. Đến trại thì trời đã xế chiều. Chúng tôi được phép ngủ đêm lại tại một gian nhà tranh dành riêng cho khách thăm nuôi.
Sáng hôm sau, chúng tôi được hướng dẫn đến phòng thăm nuôi. Tôi trình giấy phép. Cán bộ cầm giấy tờ lên văn phòng. Một chập sau trở lại, cho biết là, chồng tôi đã chuyển đi K1 gần một tháng rồi. Lúc tôi làm đơn xin đi thăm thì chồng tôi còn ở K5. Tôi bàng hoàng, choáng váng, đứng không vững, như muốn té quÿ xuống đất. Cán bộ cho biết, trại K1, nơi chồng tôi đang bị giam, ở cách trại K5 khoảng 10 cây số.
Tôi lại phải thuê xe ba gác, cùng với thàng con lội bộ thêm nửa ngày, đến xế chiều mới tới K1. Lại ngủ thêm một đêm thứ hai tại nhà khách lạnh lẽo. Sáng hôm sau, chúng tôi được hướng dẫn đến phòng thăm nuôi. Tại đây đã có mặt vài anh cán bộ. Nhờ chiều hôm trước, khi vừa đến trại, tôi đã có trình giấy phép thăm nuôi, nên sáng hôm đó, chồng tôi được miễn xuất trại đi lao động và được hướng dẫn đến phòng thăm nuôi để gặp chúng tôi.
Trong phòng, có một bàn gỗ dài cỡ ba thước và 2 cái băng dài. Anh cán bộ ra dấu, bảo tôi và đứa con ngồi một bên và chồng tôi ngồi đối diện. Có nghĩa là hai vợ chồng không được ngồi cạnh nhau. Còn anh cán bộ thì ngồi bên phía chồng tôi để theo dõi cuộc nói chuyện.
Chúng tôi biết ý, chỉ hỏi thăm về sức khỏe, chỉ nói chuyện liên quan đến gia đình mà thôi. Đâu dám nói chuyện gì khác, rủi bị cán bộ đuổi về sớm thì mang họa. Tôi giao cho chồng tôi cái rương sắt nhỏ, đựng đủ thứ thức ăn và đồ dùng. Tôi dặn chồng tôi, có cần gì thì viết thơ cho biết.
Sau gần năm năm đi tù, chồng tôi thay đổi quá nhiều. Thân hình ốm nhom, nước da đen đúa, mặt mày bơ thờ. Trông tội nghiệp quá. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra, tôi vội lấy khăn lau. Tôi cố cắn răng, cầm cho khỏi hóc nấc lên. Trời ơi! Sao tôi bị đày đọa, bị bắt phải chịu cảnh sống khốn khổ quá vậy?
Nói chuyện sơ sơ, khoảng nửa giờ thì tên cán bộ nói đã hết giờ qui định rồi. Tôi nói lới chia tay mà nước mắt ràn rụa. Tôi cảm thấy đau nhói trong tim, muốn la lên kêu Trời cho đỡ đau khổ.
Trên đường về Hà Nội, chúng tôi sử dụng nhiều phương tiện di chuyển: đi bộ, đi thuyền và đi xe lửa. Đến Hà Nội, chúng tôi thuê phòng trọ ngủ đêm. Sáng hôm sau, đi xe lửa xuyên Việt về Sài Gòn.
14. Suýt bị lường gạt lần thử hai
Thăm chồng về được vài tháng, một hôm có một thanh niên đến nhà tôi, cũng tự xưng là cán bộ tại trại Vĩnh Phú. Cũng giống như cô cán bộ đến nhà tôi lần trước, anh ta nói, chồng tôi nhờ anh ấy, trong dịp đi công tác vào Nam, đến nhắn bảo tôi tiếp tế thực phẩm, quần áo và tiền bạc.
Tôi biết ngay là anh cán bộ này nói dối. Là vì, trong chuyến thăm chồng tôi vừa rồi, tôi đã tiếp tế đầy đủ những thứ mà anh ta vừa mới nói. Tuy nhiên, với bản chất ôn hòa, tôi không muốn tranh cãi với người dưng nước lã làm chi. Có thể, cả đời mình, chỉ gặp họ một lần mà thôi. Tôi từ chối khéo: “Cám ơn anh rất nhiều, đã chịu khó đến nhà tôi. Nhưng tôi sắp sửa đi thăm nuôi chồng tôi cho nên không dám làm phiền anh”. Thế là tôi đã thoát nạn lần thứ nhì. Nếu dễ tin thì đã bị lường gạt.
15. Ngày trở về
Buổi tối, ngày 30-4-1980, tôi và đứa con đang ngồi ăn cơm, thì chồng tôi bước vô nhà. Trông chồng tôi gầy ốm, đen đúa, quần áo lếch thếch, lưng đeo ba lô. Đâu còn phong độ của thời huy hoàng ngày xưa. Tôi sững sờ, đánh rơi đủa chén, líu lưỡi, không nói nên lời.
Chồng tôi cho biết, anh ấy đã được trả tự do vài ngày trước đây. Ra trại Vĩnh Phú, anh ấy về Hà Nội, ngủ ngoài trời một đêm tại sân ga xe lửa. Ngay khi tới Hà Nội, anh ấy đã đến bưu điện, gởi điện tín báo tin mừng, một ngày trước lên xe lửa về Na. Xe chạy từ Hà Nội vô Sài Gòn mất thêm hai ngày nữa. Thế mà, điện tín lại đi chậm hơn xe lửa. Do đó, sự xuất hiện của chồng tôi đã đem lại cho tôi một sự mừng rỡ, một hạnh phúc bất ngờ, tưởng chỉ có trong giấc mơ mà thôi.
Tôi đề nghị hai đứa ra phố ăn cơm tiệm để mừng ngày thoát cảnh tù đày. Chồng tôi nói: “Thôi! Ăn cơm tù nhiều năm quen rồi, bây giờ có ăn cơm nguội cũng sướng như tiên rồi”. Đúng là bị méo mó nghề nghiệp ở tù.
Lúc ấy, tiếng nhạc cát-xết nhà bên cạnh vọng sang văng vẳng:
“Em vẫn chờ khi nào anh về,
Dù cho bao năm bao tháng lê thê.
Xuân tới, hè sang rồi thu lạnh lùng
Vẫn bền lòng một nỗi nhớ nhung.”
Related news items:
Tin mới
- Mẹ Đã Đi Rồi! - 07/05/2017 04:01
- Người con gái sông Hương - 07/05/2017 03:37
- Chiếc xe thổ mộ - 07/05/2017 03:25
- Người Lính Không Có Số Quân - 01/05/2017 04:36
- Người cựu chiến binh già - 01/05/2017 04:31
- Xã hội sau 1975: Lương thiện là xa xỉ - 22/04/2017 15:30
- 30-4 – Chuyện Giải Buồn: Tờ Hộ Khẩu - 22/04/2017 15:23
- Những tháng ngày không quên! - 15/04/2017 23:50
- Tình cũ - 15/04/2017 23:43
- Đại bàng gẫy cánh tháng Tư - 08/04/2017 16:04
Các tin khác
- Xuyên qua màn đêm - 08/04/2017 15:49
- Tháng Tư, Tìm Người Mất Xác - 01/04/2017 14:54
- Chuyện 30-4: Vợ chồng điệp viên - 01/04/2017 14:35
- Một đời dang dở - 26/03/2017 04:14
- Mùa xuân không còn nữa - 26/03/2017 04:10
- Sabrina - 26/03/2017 04:06
- Truyện con chim bìm bịp - 19/03/2017 15:59
- Sau tiếng chuông chùa - 19/03/2017 15:54
- Bạn già - 19/03/2017 15:50
- Phượng Hoàng Đất - 12/03/2017 19:34