Mẹ mày có khỏe không?
- Thứ Năm, 25 tháng Chín năm 2014 18:44
- Tác Giả: Nguyễn Thị Thêm
Trong đời sống vợ chồng có biết bao lời nói làm tan nát con tim. Làm vợ hoặc chồng mất ăn mất ngủ. Làm người vợ nước mắt tràn ra không ngăn được những đêm thao thức đau lòng. Làm người chồng mượn rượu giải buồn để thấy đời thật không còn gì tàn nhẫn, xấu xa hơn.
Tôi cũng vậy. Bốn mươi bốn năm chồng vợ. Nước mắt tôi tuôn ra nhiều lần, nhiều lúc. Khóc không phải vì vất vả gian lao hay đời sống bất công. Mà khóc vì những lời nói, cái nhìn, những cử chỉ phũ phàng cay đắng. Khóc nhưng không ai thấy, không ai biết mình đau khổ, khóc để vơi những nỗi buồn đè nặng lòng mình mà không có cách giải quyết.
Khóc trước mặt cha mẹ ư? Không bao giờ vì con đường này mình đã chọn. Trước mặt mẹ chồng ư? Không! Bà đâu có muốn. Trước mặt con cái ư? Không! Hãy để chúng thật thánh thiện bình an trong mái ấm gia đình. Vậy sao không khóc trước mặt chồng? Cũng đã có rồi và cũng đã không. Tôi yếu mềm, hiền lành coi mái gia đình là lẽ sống. Tôi không muốn gây gổ, tôi không muốn bất hòa. Đó là nhược điểm của hầu hết đàn bà Việt Nam để bảo vệ cho con cái có một đời sống gia đình ấm êm.
Biết bao mái ấm đến giờ này con cái trưởng thành, thành danh bắt đầu bằng những đêm khóc thầm của bà mẹ. Và đó là kết quả mỹ mãn để mẹ mỉm cười sung sướng đi hết cuộc đời mình.
Tôi không cố ý nói hầu hết đàn ông. Tôi không nói các anh bội bạc nhưng đàn ông thường trái tim có nhiều khe hở, có nhiều bè bạn, có nhiều cuộc chơi. Có những câu nói trong lúc giận hờn, trong cơn say hay trước mặt bạn bè .Câu nói đó đôi khi vô tình, nhưng đôi khi là những câu cố ý thật đau lòng. Đàn bà chúng tôi cũng không hầu hết là yên phận, yêu và nhịn chồng. Nhưng dù sao phụ nữ vẫn coi gia đình và con cái là lẽ sống đời mình. Người vợ luôn coi trọng người chồng vì nếu mình không tôn trọng chồng thì sự bất tương kính sẽ làm gia đình gãy đổ.
Chồng tôi là lính. Anh cưới tôi khi anh đã là lính mà là lính tác chiến nên gia đình không phải là nơi anh sống thường xuyên. Anh có một mái gia đình gắn bó sinh tử hơn là vợ. Anh có những người bạn chết sống với anh, chia sẻ những buồn vui và săn sóc anh nhiều hơn là tôi. Cho nên dưới mắt anh, tôi là một bóng mờ bên những vì sao chiến trường đồng đội.
Thế rồi vận nước đảo điên, thế cờ lật ngược, anh bị tù hơn 8 năm, khi đứa con đầu lòng vừa 5 tháng tuổi. Những người bạn tù chết sống cùng anh bên rừng Việt Bắc không phải là tôi hay con bé. Có những lúc anh gục xuống dưới bó tre nặng oằn hay trượt chân xuống vực. Người đỡ anh lên là những người cùng đói khát, bệnh tật giống anh.
Cuộc sống sau ngày được thả về là bi ai là bất mãn, khi hàng ngày hay hằng tuần hàng tháng phải trình diện chính quyền, thôn xã. Anh nhìn tôi, nhìn những người công nhân nông trường đều là Cộng Sản vì đang làm việc và lãnh lương của nhà nước. Đôi kính bị tráng màu đỏ của anh đã nhìn tất cả đời sống trong uất nghẹn, và tôi chính là người gần gũi nhất, dễ dàng nhất để anh trút giận mà không sợ bị theo dõi. Để anh nhìn cuộc đời mới sau 75 với đôi mắt tóe lửa căm thù. Anh chỉ vui và chơi với những anh em, bạn bè làm tự do và say sưa để quên đời. Để chì chiết bản thân mình và gia đình trong nỗi bi ai.
Tôi quyết phải xuất ngoại để kéo chồng tôi sống lại. Để anh có thể làm chủ gia đình và cười trở lại sau bao nhiêu năm u uất. Thế nhưng trời không chiều người. Mẹ chồng tôi quá già yếu và mang nhiều bệnh tật. Tại trong nước đã phát hiện bà bị tiểu đường nhưng không có thuốc chữa trị. Qua đây khoa học tiên tiến truy tầm ra nhiều bệnh kéo theo. Chồng tôi một lần nữa bất mãn vì không thể đem đến cho mẹ một cuộc sống sung sướng, khỏe mạnh như hàng mong muốn để đền ơn trời biển.
Đời sống, phong tục nơi đây không giống Việt Nam. Anh có cảm tưởng con cái bất phục mình và coi thường mình khi dám hỏi những điều anh không thể giải thích. Anh tức giận khi con dám đề nghị anh nên ra sân hút thuốc để con học, hay khuyên ba uống rượu ít đi. Anh tức tối khi đêm muốn ôm con ngủ mà nó tránh né và đề nghị ba nên về phòng riêng ba ngủ đi, con lớn rồi con muốn ngủ một mình. Anh đã từng mất cha khi còn rất bé chỉ 4 tuổi đầu. Anh thèm có cha ôm ngủ, anh thèm cha nựng nịu, ve vuốt thương yêu. Nhưng tại sao con anh không có cảm giác đó khi nó chưa có vợ, nó còn là con trai 14, 15 tuổi. Thì ra nó không thương anh. Nó không có tình cảm cha con đối với anh.
Những ý nghĩ sai lệch đó làm chồng tôi rơi dần vào bệnh trầm cảm. Anh càng xuống tinh thần theo từng ngày tháng bệnh của mẹ chồng tôi . Anh kê một giường bên cạnh mẹ ngủ ở đó để bầu bạn và tuyên bố, "Khi mệ chết tôi sẽ đi tu hay về VN cất chòi giữ mồ mệ."
Thế nhưng mẹ chồng tôi chưa chết, anh đã trở thành một người bị bệnh suy nhược thần kinh và bệnh Parkinson. Tôi vừa chăm mẹ chồng, vừa chăm anh với tất cả khả năng mình. Các con tôi tự lo học và chia sẻ với mẹ những khi cần giúp. Chúng chịu đựng mỗi khi ba lớn tiếng hay hờn giận vô lý. Chúng tìm trong web những gì liên hệ với bệnh của ba để giúp mẹ đối phó hay chữa trị.
Mười hai năm săn sóc chồng, tôi chưa một lần gây gổ hay lớn tiếng. Tôi thương anh vì cuộc đời anh bi ai quá. Anh là một trong những nạn nhân của chiến tranh. Chiến tranh đã cướp đi nhà cửa, đã thiêu rụi cả làng của anh, đốt cháy nhà anh. Ông bà nội anh đã cháy đen trong đống đổ nát. Chiến tranh đã đẩy anh ra khỏi làng quê, đã đưa anh vào cuộc chiến và làm một người tù bị sỉ nhục, đói khát triền miên. Ra khỏi tù anh mất cả quê hương, tương lai và chí hướng.
Tôi chỉ có thể nhìn anh thông cảm, an ủi và cho anh có một bờ vai để dựa vào đó mà nghiền ngẫm nỗi buồn. Tôi bất lực khi muốn kéo anh ra khỏi vũng lầy của trầm uất. Tôi không thể hiện hữu trong tâm linh anh để đẩy lùi những ám ảnh hay những bóng ma dĩ vãng. Tôi không thể gạt người mẹ đáng kính ra khỏi sự nhớ nhung của anh. Không thể gặp mặt những người bạn lính vô hình để khuyên họ cho anh về với thực tế, với vợ con. Tôi chỉ có thể ở bên anh để săn sóc. Để xoa bóp những mỏi mê thể xác. Nấu cho anh những thức ăn bổ dưỡng, lau nước miếng cho anh dù anh gạt phắt tay tôi ra. Hoặc nắm tay ân cần mọi lúc. Dìu anh lên thang lầu hay săn sóc khi anh cần giải quyết việc vệ sinh.
Tôi cám ơn đất nước này đã cho tôi điều kiện để sống một cách no ấm mà toàn tâm, toàn ý làm nhiệm vụ của mình.
Hôm qua con gái chở tôi đi bác sĩ mắt. Cháu phải đem chồng tôi và hai đứa con theo luôn. Khi tôi vào văn phòng bác sĩ, cả nhà phải ngồi ở hành lang để đợi. Khi tôi bước ra cháu ngoại nhìn thấy và nói:
- Bà ngoại ra rồi kìa.
Tôi lại vào restroom kế bên văn phòng trước khi ra xe. Chồng tôi thoáng thấy tôi rồi thấy một bà Mỹ trắng ra cửa. Ông buông tay con gái và chạy theo bà ta. Con tôi kéo lại nói không phải má. Nhưng ông gạt phắt tay con gái và đi ra cửa. Hai đứa cháu cản lại cũng bị ông hất mạnh và đánh vào tay. Bốn người đứng chèn ngay cửa tự động không ai ra vô được. Không cách nào lôi ông vào và cũng không thể để ông chạy đi.
Tôi từ cửa phòng vệ sinh bước ra, cháu la lớn:
- Ông ngoại! Bà ngoại nè! Đây mới là bà ngoại mình mà.
Ông chồng tội nghiệp của tôi nở một nụ cười và đi về phía tôi nhường chỗ cho khách ra vô.
Tôi dìu chồng ra xe mà thương anh quá.
Hôm nay, khi tôi ngồi bóp tay, chân cho chồng, anh hỏi tôi một câu mà tôi cảm động thật nhiều:
- Mẹ mày có khỏe không?
Ôi! câu nói "Mẹ Mày" thân thương mà từ lâu tôi không được nghe. Một câu hỏi thật tỉnh táo cho tôi mừng quá đỗi. Tôi trả lời với chồng:
- Tui khỏe lắm. Còn Ba mày như thế nào?
Anh trả lời tôi:
- Tôi cũng khỏe, cũng mệt và…
rồi những tiếng sau lùng bùng trong cổ tôi chẳng nghe được gì hết
Nhưng thôi! cũng đủ lắm rồi, cũng đủ cho tôi vui vì biết anh tỉnh táo, có nghĩ đến mình. Cũng biết rằng tôi rất mệt khi săn sóc anh.
Một câu hỏi và ánh mắt khác ngày thường làm cho tôi vui nhiều lắm.Tôi biết nếu tôi không đủ sức khỏe để ở bên anh, hoặc tôi mất trước anh thì các con tôi đành đưa ba vào viện dưỡng lão bởi vì chăm sóc một người già bệnh như anh không phải là chuyện dễ dàng. Các cháu còn phải đi làm, còn con cái, tất bật trả nợ nhà và mọi tiện nghi đời sống.
Viện dưỡng lão không phải là nơi xấu, đó là mái nhà của những người già sống cuối đời. Nhưng dù điều kiện có tốt đẹp đến đâu cũng thiếu một thứ rất thiêng liêng và cần thiết. Đó là tình yêu thương gia đình, tiếng cười con cháu và bàn tay nhăn nheo gắn bó của người phối ngẫu.
‘Mẹ mày có khỏe không?’ Ông ơi! câu hỏi ngọt ngào này của ông làm tôi vui biết mấy.
Tôi khỏe lắm ông à! Tôi sẽ nắm tay ông, cùng ông đi cho hết đoạn đường trần gian. Bên bờ tử sinh mình cùng nhau vượt dốc.
Ráng lên nghe ông. Vui lên nghe ông. Tui đang bên ông với hai bàn tay một nụ cười. Bàn tay để ân cần chăm sóc và nụ cười thương yêu của một người vợ thủy chung.
Related news items:
Tin mới
- Má Hai - 27/09/2014 17:12
- Thầy tôi - 27/09/2014 16:56
- Vết tàn nhang ẩn hình - 27/09/2014 16:44
- Chim bay về biển - 27/09/2014 16:39
- Hồi ký của một người Hà Nội - 27/09/2014 15:54
- Đêm nô lệ - 27/09/2014 15:34
- Chuyển Kiếp - 21/09/2014 16:37
- Bắt Rượu - 21/09/2014 16:28
- Vợ hiền - 21/09/2014 16:10
- Con người lớn dần lên - 21/09/2014 15:55
Các tin khác
- Hôn thú - Hôn không thú - 21/09/2014 15:34
- Hoa Đào Năm Ấy - 21/09/2014 15:28
- Cánh Chim Cuối Trời - 21/09/2014 15:20
- Hạt tự do - 21/09/2014 00:48
- Trường Đời: Học Làm Chồng - 16/09/2014 03:54
- Hạnh phúc xót xa - 16/09/2014 03:49
- Đi Thăm Nước Mỹ - 16/09/2014 03:45
- Ba "Giang Hồ" - 16/09/2014 03:37
- Xót Xa - 06/09/2014 20:07
- Trái đất vẫn quay - 06/09/2014 20:02