Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tháng Tư, vẫn còn đó nỗi buồn

01 linh 6
Tháng 4/1975… tháng 4/2014, thời gian 39 năm cũng đủ cho một nữa đời người qua đi, nhưng có đủ làm lành lặn một vết thương lòng âm ỉ suốt 39 năm ?!

Tôi vẫn nhớ như in sáng ngày 30/4, lúc nghe trên radio ông Minh đã đầu hàng, ba tôi lắc đầu buồn bã “thôi rồi mình mất nước!”. Anh hai tôi lúc đó là một quân nhân của quân đội VNCH, anh đang có mặt tại nhà vì mấy hôm trước đó anh từ đơn vị ở Bình Dương đi công tác ghé qua thăm nhà rồi bị kẹt ở lại luôn, không về đơn vị được vì lệnh giới nghiêm 24/24. Anh hai tôi vẫn còn bộ đồ lính mặc lúc về nhà, trên áo có số 5 và huy hiệu pháo binh, và một cây súng cá nhân anh. Ba tôi kêu tất cả các chị em tôi, có cả chị dâu và hai con gái nhỏ, mọi người lên gác trên hết; chỉ còn ba và anh hai ở nhà dưới, đóng cửa gỗ, kéo luôn cái cửa sắt bên trong. Ba nói nếu tụi nó vào nhà kiếm chuyện thì trước hết cũng đổi mạng với ba rồi mới làm gì được, ba nhất quyết “ tử thủ” với “ tụi giặc nầy”. Anh hai cũng đồng tình với ba, anh nói với 6 viên đạn trong khẩu súng ngắn, anh cũng thí mạng với vài tên muốn xông vào nhà. Giọng nói của ba chợt nhỏ lại, tôi nghe hình như có chút nghèn nghẹn “ cùng quá cả nhà mình..” rồi ba im lặng lắc đầu bỏ dỡ câu kết, nhưng cũng đủ cho chúng tôi kịp hiểu ngụ ý trong câu nói của ba. Thằng em kế tôi tuổi thanh niên mới lớn, nó rất hăng hái, đòi xuống nhà đứng cạnh ba và anh hai tôi “phòng khi cần tiếp sức” (nó nói như thế), nhưng ba tôi không cho , sợ tính nó nông nỗi thì hỏng việc, nó đành ngồi yên một chỗ mà mặt nó có vẻ ấm ức lắm. Còn lại các chị em gái chúng tôi ngồi chụm lại với nhau, chị dâu tôi luôn miệng trấn an dỗ dành hai đứa con gái, tụi nó mới 6,7 tuổi mới bắt đầu đi học, còn ngây thơ quá có biết gì sóng gió đang xảy ra bên ngoài cánh cửa sắt căn nhà chúng đang ở. Chị ba tôi lúc đó đang là công chức của chính quyền VNCH, chị cũng lo lắng cho số phận của mình không biết sẽ ra sao, có được yên thân trong chính quyền mới của những kẻ thắng cuộc. Chị kế tôi vừa tốt nghiệp trường Dược, còn tôi cũng mới xong Sư phạm 2 năm đang chờ phân công nhiệm sở, thằng em trai đã xong lớp 12 chờ thi tú tài, đứa em gái kế út học lớp 11, thằng em út còn nhỏ, chưa hiểu nỗi chuyện gì đang xảy ra, chỉ biết ngồi co ro bên các chị. Gia đình tôi lúc đó nếu không có sự kiện 30/4 thì cuộc sống cũng tương đối sung túc đầy đủ, chỉ thiếu mẹ tôi đã từ trần giữa năm 74.


Trở lại câu chuyện ngày 30/4, trong lúc đám con gái đang rầu rĩ ngồi khóc buồn bã, thì ba và anh hai vẻ mặt thật khẩn trương, hé cửa nghe ngóng tình hình trong xóm nhà tôi đang ở. Con đường hẻm trước nhà rầm rập tiếng chân người chạy tới chạy lui, tiếng nói chuyện ồn ào, thỉnh thoảng nghe có tiếng người kêu la lớn giọng. Cả ngày hôm đó ba tôi không cho chúng tôi ra ngoài, gia đình tôi như cắt đứt mọi liên hệ với thế giới bên ngoài, chỉ biết tin tức qua chiếc radio trong nhà.Tôi còn nhớ trong lúc hổn loạn đó, ông nhạc sĩ TCS có lên đài hát bài “Nối vòng tay lớn” kêu gọi mọi người đoàn kết lại với nhau.. .Radio còn phát thông tin yêu cầu sinh viên các trường đại học vào trường trình diện lại sớm nhất. Qua một đêm có vẻ “mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh”, sáng hôm sau, ngày 1 tháng 5, chị tôi và tôi xin phép ba vào trường xem thế nào, sau khi hứa sẽ về ngay khi biết được thông tin mới của trường. Tôi lại leo lên chiếc xe đạp mini quen thuộc mỗi ngày là phương tiện đến trường của tôi. Chỉ mới có một ngày không hít thở khí trời mà tôi tưởng như lâu lắm rồi chưa được ra ngoài. Đường phố có vẻ gì như xa lạ trước mắt tôi, vẫn con đường Phan đình Phùng một chiều quen thuộc tôi đi qua mỗi ngày, tới Lý Thái Tổ quẹo trái đi vòng bùng binh Cộng Hòa, đi thẳng trên đại lộ Cộng Hòa, ngang qua trường Pétrus Ký, tới Đại học Khoa học, Đại học Sư phạm, tới ngã ba Đại lộ Thành Thái quẹo phải là ngôi trường Sư phạm Sài gòn than quen suốt 2 năm học vừa qua. Tôi chạy xe vào trường với một tâm trạng ngỗn ngang bối rối, trường học vắng hoe, các dãy lớp đóng cửa lạnh ngắt, nỗi yên lặng bất thường như báo hiệu có một sự thay đỗi nào to lớn lắm sắp xảy ra. Tôi bước xuống, dắt xe đi vòng quanh sân trường, không thấy khuôn mặt nào quen thuộc của bạn cùng lớp; thỉnh thoảng cũng có một vài bạn khác lớp đi ngang qua tôi rồi bước vội đi. Tôi thấy có một cái gì dâng lên trong lòng khó tả, như thất vọng, như buồn bã, như chán nản, như nghẹn ngào… thật khó phân tích lúc đó.

Hình như có tờ giấy trên tấm bảng thông tin của trường “yêu cầu các giáo sinh tạm thời trở về địa phương mình cư ngụ, trình diện với chính quyền địa phương nhận công tác nơi đây và tiếp tục theo dõi thông báo mới của trường..”. Tôi thẩn thờ đạp xe về nhà, ra khỏi cổng trường ngoái đầu nhìn lại lần nữa ngôi trường mới hôm qua còn rất thân quen mà giờ sao thấy có vẻ xa lạ ngỡ ngàng , như lịch sử đã sang trang, cũng như lá cờ VNCH trên cột cờ cao mỗi sáng thứ hai đầu tuần cả trường xếp hàng nghiêm chỉnh dưới cột cờ hiên ngang hát quốc ca Việt-Nam; giờ trên đỉnh cột cờ ai đó đã thay bằng một lá cờ xa lạ khác mà tôi chưa hề thấy và biết, lá cờ thay đổi cả vận mệnh của một quốc gia, lá cờ báo tử cả bao nhiêu triệu sinh mạng con người…


Thời gian dài sau đó là cả một chuỗi dài thảm kịch đã xảy đến cho gia đình tôi, bao nhiêu là mất mát, chia lìa, chết chóc… ôi! thật đúng là “thương hải biến vi tang điền!”. Gia đình tôi sau ngày 30/4 cũng chia lìa mất mát, anh hai tôi bị tập trung cải tạo hơn 8 năm mới được tha về, anh bị đưa ra tận miền biên giới phía Bắc. Người vợ hiền yêu dấu đã một lòng chung thủy sắt son chờ chồng; chị lo buôn bán cực khổ vừa nuôi nấng dạy dỗ hai đứa con gái còn quá thơ dại, vừa tằn tiện gói ghém gửi đồ thăm nuôi chồng. Tội nghiệp chị dâu tôi, chị vướng phải căn bệnh quái ác mà không dám chạy chữa, phần vì gia đình khó khăn,( vì lúc còn đi lính anh hai tôi phải theo đơn vị hành quân hoài, vì anh thuộc đơn vị pháo binh phải đi theo yểm trợ cho bộ binh; mỗi lần anh đổi đi là vợ con cũng đi theo luôn, ở trại gia binh; anh không phải là “lính kiểng” để gia đình được hưởng nhờ sung sướng). Một lý do nữa là chị dâu tôi sợ bệnh sẽ phát nhanh nếu đụng đến, chị sợ bỏ hai con dại giữa đường đời thì tội cho chúng quá. Chị kéo dài cuộc sống cho tới lúc anh hai tôi về , hai năm sau thì bệnh phát nhanh không chạy chữa kịp nữa, chị nhắm mắt mãn nguyện ra đi trong vòng tay thương tiếc của chồng và hai con, chị mất lúc còn quá trẻ chỉ hơn 40. Còn chị ba tôi và anh rễ thì đi “kinh tế mới tự túc” vì ba tôi không muốn anh chị bị chính quyền địa phương ép buộc đi đến chỗ “khỉ ho cò gáy”. Gia đình tôi mỗi người đi một ngã, chị tư bị đỗi xuống tận một trạm Y tế ở tận xa xôi của tỉnh Minh hải, mấy năm sau đó gia đình chị đi vượt biên anh rễ đi trước thoát được tới nơi bình yên; còn lại chị tôi và hai con gái nhỏ đi sau, tàu chìm, cả ba mẹ con bỏ xác trên biển cả mênh mông. Phần tôi đi dạy học xa ở một trường tiểu học vùng ven biển Phan rang, từ trường học phải đi bộ hơn một cây số mới ra tới đường lộ có xe chạy.

Nhà tôi ở Sài gòn còn lại đứa em gái và thằng em trai út còn đi học, thằng em trai kế tôi thi rớt kỳ tốt nghiệp lớp 12, còn long bong ở nhà chưa biết phải làm gì thì cũng bị tên công an khu vực đưa đi “cải tạo lao động” tận ngoài Tuy Hòa, gần chỗ trại tù nhốt mấy người trở về trên chiếc tàu Việt-Nam Thương Tín Em trai tôi bị giữ đến 4 năm mới được thả về. Thằng em út nghỉ hè cuối năm cấp 2, lên rẫy phụ với anh chị tập tành trồng trọt; nó đi tắm suối bị hụt chân té đập mặt xuống đá ngầm dưới đáy, em tôi chết thảm ở tuổi 15. Ba tôi sau những nỗi đau thương tang tóc mất mát của gia đình, ông mang tâm trạng của một kẻ bất-đắc-chí, khó thích ứng với chế độ mới, cùng những thảm trạng của gia đình liên tiếp xảy ra đã làm ông gục ngã, sức khoẻ ngày càng suy sụp, cuối cùng rồi ông cũng xuôi tay nằm xuống, để khỏi kéo dài thêm cuộc sống trong một xã hội dẫy đầy bất công thù hận của chế độ cộng sản vô nhân. Thảm trạng nầy không chỉ riêng mình gia đình tôi gặp phải, mà hầu như mỗi gia đình của miền Nam Việt Nam đều có xảy ra nghịch cảnh nầy, đâu có ai muốn làm kẻ lưu vong, phải bỏ nước ra đi, đâu có ai muốn chọn một cái chết đau đớn, nhục nhã trên biển cả hay trong rừng rậm hoang vu, đâu có ai muốn nghe hay nhìn thấy bao mái đầu xanh thơ ngây vô tội chết dập dùi trên sóng biển mênh mông, đâu có ai muốn làm ma đất khách, và còn nhiều cái đâu có ai nữa…

Mấy chục năm qua làm kẻ tạm dung nơi xứ người, thế hệ đầu tiên bỏ nước ra đi những ngày trước hay ngay sau 30/4, không ít người đã ngậm ngùi ôm mối hận vong quốc xuống mồ. Thế hệ hiện tại trưởng thành hay sinh ra ở Hoa kỳ, nói được chút ít tiếng Việt, có chút nhận thức về nguồn gốc của mình; họ được gia đình kể lại cái nguyên nhân tại sao họ lại có mặt trên đất nước Hoa kỳ nầy, tại sao ông cha họ chịu kiếp tù đày khổ sở chốn rừng sâu núi thẳm, có người đã bỏ xác nơi xa xôi đó, phải chăng tất cả chỉ vì muốn gìn giữ lá cờ vàng ba sọc đỏ, biểu hiện của hồn thiêng sông núi; một mai ông bà cha mẹ của họ mất đi thì thế hệ nầy có lẽ sẽ không còn biết chút gì về nguồn gốc của mình nữa, cái từ “ Việt-Nam-Cộng-Hòa” chắc sẽ xa lạ với họ biết bao, chắc cũng sẽ không có trong tự điển cho họ tra nghĩa của những từ nầy là gì, nói chi đến lòng ái quốc, nói chi đến ngày phục quốc, ngày trở về quê hương. Vẫn biết ở hải ngoại còn rất nhiều tấm lòng nhiệt huyết, nhiều tấm lòng tha thiết muốn khôi phục lại một quốc-gia “Việt-Nam-Cộng-Hòa” như xưa, vẫn mang hoài bão một ngày không xa nữa tuổi trẻ yêu nước hải ngoại sẽ mang cả những “Little Saigon” trên khắp nước Mỹ trở về “Big Saigon” dấu yêu, và cả một rừng cờ vàng ba sọc đỏ sẽ lại phất phới tung bay trên khắp nước Việt-Nam, tung bay trên cột cờ của cổ thành Quảng Trị, với những câu hát nung lòng ái-quốc “Cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua…”, nhưng ngày ấy biết đến bao giờ, một câu hỏi mà chưa có câu trả lời…

tuong dai VietMy

Buổi sáng chủ nhật cuối tháng tư, chạy xe ngoài khu phố “Little Sai gon”, chợt thấy một hàng cờ vàng ba sọc đỏ trong gió bay phất phới cạnh lá cờ Hoa kỳ, thấy chạnh lòng bồi hồi xúc động, một nỗi nghẹn ngào nào dâng lên trong lòng, tưởng như mình đang đứng giữa trung tâm Sàigòn, con đường thống nhất trước Dinh Độc Lập rợp cờ vàng trong ngày Quân lực 19/6; như mình đang chen chân trong đoàn người đứng hai bên đường xem cuộc diễn hành của quân lực Việt-Nam-Cộng-Hòa. Chiều tối hôm qua Cộng Đồng người Việt ở Nam Cali đã trang trọng tổ chức ngày tưởng niệm Quốc-hận 30/4 tại khu Tượng Đài Chiến-Sĩ Việt-Mỹ, 39 năm qua rồi mà cứ tưởng như mới ngày hôm qua, cứ thấy lòng đau nhói trong thân phận của một kẻ vong quốc, rồi những thước phim hồi tưởng lại hình ảnh hỗn loạn trong ngày mất nước 30/4 ở Sàigòn lần lượt hiện ra trong ký ức, mình thấy mắt chợt cay cay, hình ảnh buổi lễ đang diễn tiến trước mắt bỗng nhoè đi, mới biết mình vừa khóc…

Thai Anh 2
Tháng tư, cũng mới ghé thăm Việt Dũng, mời VD ly cà phê điểm tâm mỗi sáng, mang cho VD tờ báo tiếng Việt mới ra trong ngày, thắp cho VD mấy nén nhang cho ấm lòng người dưới mộ; ngồi thủ thỉ kể vài mẫu chuyện thường ngày, mùa quốc hận năm nay trong hàng ngũ của các chiến sĩ quốc gia VNCH đã vắng đi một khuôn mặt quen thuộc bao năm qua đã chung vai sát cánh với những người cùng chí hướng bảo vệ màu cờ Việt-Nam-Cộng-Hòa, mong tinh thần “Việt-Dũng” vẫn tỏa sáng cho thế hệ còn lại tiếp nối con đường chính nghĩa mà VD đã đi cho tới cuối cuộc đời.


Tháng tư, vào thăm khu “Tượng Đài Thuyền Nhân”, thắp nén hương vòng quanh các bia đá khắc tên những người đã bỏ mình trên biển cả mênh mông, trong rừng rậm xa xôi hoang vắng, những oan hồn chết tức tưởi trong cuộc chạy trốn chế độ cộng sản vô nhân. Những pho tượng giữa hồ nước thời gian qua vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt, những tên tuổi khắc trên các bia đá dù sau nầy có phai mòn với mưa gió, nhưng không ai phủ nhận được đó là những chứng tích trung thực nhất, hiển nhiên nhất làm tài liệu chính xác nhất cho những người biên chép lịch sử sau nầy.


Tháng tư, đối với người Việt-Nam ở khắp nơi trên thế giới, những người đã bỏ nước ra đi sau ngày 30/4, sau ngày miền Nam Việt-Nam đã bị bức tử, bản đồ Việt-Nam-Cộng-Hòa đã bị xóa trên bản đồ thế giới; nhưng vĩnh viễn hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ linh thiêng của miền Nam Việt-Nam vẫn muôn đời sống mãi trong lòng của muôn triệu trái tim Việt-Nam vẫn luôn mơ ước một ngày mai tươi sáng trở về lại quê hương dấu yêu, sẽ mang cả “Little Saigon với rừng cờ vàng ba sọc đỏ “ trở về thay thế cái thành phố đang bị đổi tên từ 39 năm nay. Cho nên mỗi lần tháng tư, trong ta vẫn còn đó nỗi buồn, nhưng ta cũng vẫn cứ “ mơ một ngày nào trên quê hương không còn cộng thù… VN là Việt-Nam kiêu hùng. “ (*) ( câu kết của bài hát Em vẫn mơ).

 

Switch mode views: