Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chút Tâm Tình Những Ngày Cuối Năm

huong xuan

Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.


***

Tôi không nhớ đã thấy người nhạc sĩ già ấy từ lúc nào, hình như cũng lâu lắm rồi, dễ chừng đã ba, bốn năm nay. Tôi đoán tuổi ông có lẽ khoảng quá 70 một chút.

Từ lần đầu thấy ông đến bây giờ, lúc nào ông cũng ngồi duy nhất một chỗ, trước hàng hiên của một tiệm bán món ănViệt Nam, như một loại tiệm fast food của Mỹ, bên mình ông có cây đàn mandolin và chiếc kèn harmonica. Có thể tôi sẽ ít chú ý đến ông nếu tôi không thấy hai vật ông cầm trên tay, vì tôi có nhiều kỷ niệm với hai nhạc cụ đó, nhất là chiếc kèn harmonica.

Hồi nhỏ ở Việt Nam, thằng em kế tôi rất mê thổi harmonica, nó không đi học trường lớp nhạc nào hết, chỉ tập tài tử ở nhà thổi bản nhạc nào nó thích; có lần nghe nó thổi bài Donna Donna, điệu buồn mà nghe réo rắt hay quá, tôi nghe riết đâm ghiền, cứ thấy nó cầm kèn là năn nỉ nó thổi bài Donna trước cho tôi nghe rồi hãy thổi bài khác, thấy tôi thích quá nó kêu tôi ráng tập thổi nó sẽ dạy; Mà nào tôi có tập được gì đâu, chẳng rành một nốt nhạc, hơí lại ngắn, tập mãi chẳng tiến bộ chút nào, thằng em đâm nản không dạy nữa, thế là chị cứ tiếp tục năn nỉ em thổi cho nghe.

Một kỷ niệm đáng nhớ nữa về kèn harmonica là lúc bắt đầu vào lớp đệ thất, tôi có qua ở nhà người dì em ruột kế mẹ, dì tôi không có gia đình ở một mình làm thợ may nên thương tôi như con; tôi ở đấy học 7 năm trung học ở một trường dòng các Ma Soeur gần nhà dì.

Trong xóm nhà dì có một ông nhạc sĩ thổi kèn harmonica hay lắm, tôi đi ngang nhà ông nghe tiếng kèn hoài, ông hay thổi bài Hạ trắng, tiếng kèn réo rắt trầm bổng cao vút tuyệt vời. Sau nầy tôi mới biết ông chính là nhạc sĩ Tòng Sơn, chuyên thổi harmonica danh tiếng cả nước, sự kiện ông vừa thổi kèn vừa ăn chuối thường được nhắc tới trong giới nhạc sĩ Việt Nam cho đến bây giờ.

Hiện nay chắc nhạc sĩ Tòng Sơn đã cao tuổi rồi tôi được biết hình như ông vẫn còn nhớ nghề thỉnh thoảng vẫn đi trình diễn tài tử thôi chứ không thường xuyên như hồi còn trẻ. có lần thấy quãng cáo ở khu Bolsa ông có qua Mỹ trình diễn nữa.

Còn về cây đàn mandolin, hồi còn đi học có cô bạn chung lớp đã tốt nghiệp trường nhạc Sai gòn về đàn mandolin, lúc cuối năm lớp tổ chức liên hoan lúc nào cũng có tiếng đàn của cô tham gia, cô đàn không ngưng tay vì trong lớp bạn nào cũng thay phiên yêu cầu cô đàn hết bài này đến bài khác. Tôi nhớ tôi đã yêu cầu bài Domino, bài này mà chơi mandolin thật đúng điệu, âm thanh thánh thót cao vút vang lên hút hồn người nghe. Cô bạn thuộc rất nhiều bài, dù mệt nhưng cô vẫn đàn theo đề nghị cuả các bạn. Cô bạn dễ thương cuả tôi hiện định cư ở Canada, thỉnh thoảng nói chuyện với nhau tôi vẫn nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ này với nỗi bùi ngùi luyến tiếc tuổi học trò đáng yêu hồi đó.

Trở lại với người nhạc sĩ già tôi đã gặp nhiều lần ở phố Bolsa, ông ông nhạc sĩ cứ lặng lẽ hết đàn rồi thổi kèn, những bản nhạc tiền chiến Việt Nam , hay những bài ngoại quốc nổi tiếng xa xưa ;tôi chưa nghe ông nói một tiếng nào, nên tôi không đoán được ông là người miền nào của Việt Nam. Trước mặt ông có để một cái nón lật bề lõm lên trên , mọi người đi qua đi lại ai có lòng thì bỏ tiền vào đấy, tôi cũng bắt chước mọi người bỏ tiền vào nón mỗi lần đi ngang qua chỗ ông ngồi, lần nào tôi cũng thấy ông gật đầu cám ơn trong khi tay tiếp tục đàn hay miệng tiếp tục thổi harmonica nhưng vẫn lặng lẽ không nói một tiếng nào. Thường tôi chỉ ghé qua khu chợ Việt Nam nầy vào buổi sáng nên không biết ông nhạc sĩ ngồi đấy đến mấy giờ.Có lúc tôi cũng thắc mắc là ông không có gia đình con cháu gì sao mà phải mưu sinh bằng cung đàn tiếng nhạc của mình ở lề đường, ở hàng hiên của các tiệm quán bình dân mà lẽ ra ông phải được trình diễn trên sân khấu để tài nghệ của ông được mọi người trân trọng thưởng thức.


Người ở khu Bolsa gọi bà là bà Tư bán báo. Bà bán các tờ báo tiếng Việt xuất bản hàng ngày hay hàng tuần, không biết làm sao bà lại sở hữu được chiếc xe mà các bà nội trợ mỗi khi vào chợ mua hàng chất lên xe.

Lần nào có dịp vào khu chợ nầy, nếu là buổi sáng, tôi hay ghé mua báo của bà Tư, dù trong chợ hay tiệm liquor gần đó có bán báo Việt Nam, có lẽ vì tôi, cũng như khách qua lại muốn mua ủng hộ khi thấy một bà già đáng lẽ ở tuổi nầy đã sống an vui đoàn tụ với con cháu, chớ có lý đâu bà phải cực khổ hàng ngày đứng còng lưng bán từng tờ báo kiếm sống qua ngày.

Có buổi sáng đi làm sớm tôi ghé ngang chỗ bà để xe bán báo, định mua mấy tờ báo Việt mới đầu ngày, vì ông xã tôi có thói quen chiều đi làm về hay đọc báo trong khi chờ bữa cơm tối. Tôi ngừng xe ngó quanh quất không thấy bà Tư bán báo đâu, mà chợ và tiệm liquor còn sớm quá chưa mở cửa, tôi định nổ máy chạy đi thì nghe có tiếng gọi “cô ơi cô..”, tôi đảo mắt nhìn mãi mới thấy bà Tư đang ngồi khuất giữa hai chiếc xe đậu ngoài parking, tay bà vẫy tôi lia lịa. Tôi đến gần hỏi lý do thì bà cho biết bị bảo vệ của khu phố thương mại không cho bán, chắc do sự khiếu nại của các tiệm bị mất khách mua báo. Mấy ngày gần Tết bà Tư cũng có bán báo Xuân hay lịch năm mới, tôi cũng ghé mua để ủng hộ cho bà. Có vài lần bận tôi không ghé mua báo, hôm sau gặp bà tôi hỏi mua lại báo ngày hôm trước, chỉ khi nào bà hết báo cũ thì thôi, chứ nếu còn bao giờ bà cũng biếu cho tôi không lấy tiền dù tôi cố trả …

Bẵng đi một thời gian dài tôi không đi ngang khu Bolsa vì không tiện đường đi làm, tôi chỉ ghé mua báo ở chỗ nào có bán trên đường đi, và tôi cũng quên mất bà Tư bán báo. Cho tới một ngày, chắc cũng hơn một năm rồi, tôi đọc báo thấy hình bà Tư và một bài dài mấy kỳ báo nói về bà do một nữ phóng viên của tờ báo viết. Càng đọc tôi càng thấy xúc động về cuộc đời của bà Tư.

Theo bài viết thì bà chỉ có hai mẹ con ở Mỹ, người con trai cũng trên ba mươi, chưa có gia đình sống với bà suốt bao nhiêu năm, gia cảnh hai mẹ con thiếu thốn chật vật; nhưng có một điều không ai có thể ngờ được là tiền bà bán báo hàng ngày, bà dành dụm lâu lâu gom lại gửi về Việt Nam làm từ thiện, giúp trẻ em nghèo, người già neo đơn khốn khổ.

Tác giả bài viết kể cô đã có dịp tìm gặp chính người con trai của bà mới biết mọi chuyện về bà mà đưa lên báo. Cuối cùng bà mang bệnh ung thư gan quá nặng nên đã từ trần.

Đám tang bà thật nghèo nàn thiếu thốn đến nỗi không có được một cái quan tài rẻ nhất để quàn, lòng hảo tâm của con người cũng có giới hạn, nên lúc đem thiêu, thân xác bà đựợc cho vào một áo quan bằng giấy carton rẻ tiền nhất. Sau đó người con trai đem gửi tro cốt của mẹ ở một ngôi chùa nhỏ, cô phóng viên tường thuật lại sau khi mọi việc đã xong xuôi.

Lần đó tôi đã xúc động khóc khi đọc bài báo, tự trách mình sao không biết chuyện sớm hơn, để có chút gì thực tế tiếp sức với gia đình bà, hay ít nhất cũng đến thắp một nén hương cho ấm lòng người quá cố, dù sao tôi cũng từng nói chuyện vài lần và hay mua báo cuả bà mà, một kiếp người sao khốn khổ quá! Bây giờ mỗi lần ghé khu Bolsa mua báo tôi vẫn thấy bồi hồi nhớ hình ảnh bà Tư đứng còng lưng bên xe báo mời khách qua lại!

. . .


Ở một khu chợ Việt Nam khác, cũng gần khu Bolsa, một lần ghé đi chợ tại đây, lúc từ trong chợ bước ra, tôi thấy có hai ông bà, có lẽ họ là hai vợ chồng, bán bánh tét ngay đó. Có một điều hơi lạ là cả hai đều bị tật cả, người vợ đứng bán, chống nạng hai bên, bà mượn chiếc xe cuả chợ chất thùng bánh lên đó, người chồng ngồi trên chiếc xe lăn hơi khuất xa vợ một chút.

Ba mẹ tôi gốc người ở miền tây nên thích ăn bánh tét lắm, hồi tôi còn nhỏ ở Việt nam, mỗi năm đến tết nguyên đán mẹ tôi hay gói một ít bánh tét nhỏ để trong nhà ăn mấy ngày tết, vì thế tôi thích ăn bánh tét từ nhỏ. Sau này qua Mỹ, khi đi ngang qua khu chợ Việt Nam nào thấy ai bán bánh tét là tôi ghé qua nhìn, có khi mua vài cái về ăn thử. Lần này thấy hai ông bà bán bánh tét tôi cũng ghé qua, hai vợ chồng cũng chưa già lắm, chắc chỉ lớn hơn tôi một vài tuổi thôi, cả hai đều nói giọng người miền tây.

Thấy người vợ nói chuyện vui vẻ, nét mặt hiền hậu, sau khi mua bánh, tôi nán lại trò chuyện với cả hai. Qua câu chuyện trao đổi, tội được biết hai vợ chồng chỉ mới qua Mỹ gần hai năm, do em gái cuả người vợ bảo lãnh, hai người con cuả họ đã trên 21 tuổi nên không đủ điều kiện đi cùng cha mẹ.

Tôi còn được biết hai ông bà đã mang tật từ nhỏ, chị phải chống hai nạng mới đi lại được, còn anh ngồi xe là phương tiện di chuyển duy nhất ở Việt Nam đã mấy chục năm nay , vì thế hai anh chị đi lại thật khó khăn vô cùng.

Vì thời gian có mặt ở Mỹ chưa đủ lâu để được hưởng những sự giúp đỡ toàn phần cuả chính phủ, nên hai anh chị phải vất vả tìm cách tự sinh sống, không thể nhờ cậy hoàn toàn vào người em gái đã bảo lãnh họ, vì hai người cũng đang ở một phòng trong nhà của gia đình cô em gái.

Người vợ biết gói bánh tét từ lúc còn ở Việt Nam, bây giờ qua Mỹ, họ nghĩ đến việc gói bánh tét đem bán ở các chợ người Việt cuối tuần, chỉ có việc này là khả thi nhất đối với tình trạng bệnh tật cuả hai vợ chồng. Người chủ chợ mà hai vợ chồng đến bán bánh chắc cũng thông cảm cho hoàn cảnh đặc biệt đó, nên không thấy ông bảo vệ ngăn cản họ bán như mấy người khác.

Ca ûhai ông bà nói chuyện thành thật lắm, tôi biết thêm chút về tình trạng bệnh tật của họ, một trong hai người bệnh tật đã là một sự khó khăn cho người kia, vậy mà cả hai vợ chồng đều cùng tật nguyền cả thì có bất công cho họ không? cuộc đời con người sao lắm trớ trêu!

Gia đình tôi ba người có thói quen cùng nhau đi bộ mấy vòng quanh khu nhà tôi ở mỗi buổi chiều mùa hè sau bữa cơm. Nhiều lần đi tới góc đường dẫn vào khu nhà dưỡng lão gần đấy, tôi hay gặp một bà cụ già dáng đi lom khom chống gậy chậm chạp bước. Chiều nào đi bộ cũng gặp nên tôi lân la đến gần đi chung với cụ để làm quen. Cụ cho biết cụ đã 90 tuổi, ở một mình trong nhà dưỡng lão nói trên, con cái bận đi làm mỗi ngày, nhà không có ai giúp cụ, nên con gửi cụ vào viện, cuối tuần mới đến thăm hay đón cụ về nhà chơi, rồi chiều chủ nhật lại đưa cụ vào.

Cụ nói chuyện với tôi xem ra đầu óc còn minh mẫn lắm, cụ kể cụ ông mất lâu rồi, bà đã ở vậy nuôi các con ăn học thành danh, rồi dựng vợ gả chồng cho các con đàng hoàng. Cụ nói chuyện không tỏ vẻ gì trách móc con cái đã đưa cụ vào viện dưỡng lão, mà còn có vẻ rất cảm thông với nỗi khó khăn của các con vì không lo được cho mẹ lúc về già.

Có lần cụ còn dắt tôi về phòng của cụ ở khu dưỡng lão. Thấy phòng cụ chỉ có một giường, tôi hỏi bộ cụ chỉ ở một mình không buồn sao? Cụ nói cụ quen một mình rồi không sợ gì hết, có chuyện gì bấm chuông gọi nhân viên trực. Cụ nói các con cụ cũng muốn làm vui lòng mẹ nên mỗi đứa phụ thêm tiền trả chi phí để giữ phòng một mình cho mẹ. Tôi đã có vài lần đến thăm và nói chuyện với cụ, bà rất vui mỗi lần thấy tôi đến, bà kể rất nhiều chuyện về cuộc đời bà cho tôi nghe.

Rồi mùa đông đến buổi tối trời lạnh sớm nên tôi không đi bộ nữa, có lẽ cụ bà cũng được lưu ý người già không nên ra ngoài khi trời lạnh, nên tôi không gặp cụ nữa.

Một thời gian sau tôi có ghé qua viện dưỡng lão định thăm cụ thì mọi người nói cụ không còn ở đây lâu rồi, không biết con cái đưa cụ về nhà hay cụ đã trăm tuổi già dứt xong gánh nợ trần ai!


Từ lâu tôi có góp mặt vào Hội của những người bệnh Alzheimer’s, chi nhánh Việt Nam. Hội tổ chức sinh hoạt mỗi tháng từ 10 đến 12 giờ vào buổi sáng ngày thứ năm của tuần lễ thứ nhì trong tháng. Hội viên toàn là những ông bà lớn tuổi có thân nhân, hoặc vợ hoặc chồng hoặc cha mẹ bệnh, chỉ có tôi duy nhất là đến hội có một mình, vậy mà tôi thích như thế.

Những câu chuyện được nghe kể về các người bệnh, có khi ngây ngô bật cười, nhưng cũng có lúc cảm động đến chảy nước mắt. Một bác gái tuổi đã bước qua gần con số 8, đã nuôi chồng bệnh mười mấy năm rồi năm rồi, vậy mà lần nào gặp, tôi thấy bác luôn vui vẻ cười nói, trông còn rất trẻ so với số tuổi của bác, không thấy bác than van chán nản với việc chăm sóc người bệnh lâu như thế, nhất là cái bệnh “lẫn trí”, đòi hỏi người nuôi bệnh phải hết sức kiên nhẫn dịu dàng.

Bác nói phải chăm chút cho chồng như một đứa trẻ, lo từng miếng ăn giấc ngủ, rồi chơi đùa với chồng như trẻ lên ba. Bác kể có lúc bác đùa gọi ông là “Hoàng đế” và xưng là “Hoàng Hậu” với ông, thế là mặt mày ông vui vẻ hẳn lên, lấy làm sung sướng lắm. Có lúc thấy vợ cực khổ lo vệ sinh cho ông, ông cảm động vuốt má vợ nói “tội nghiệp hoàng hậu quá”, làm bác gái cảm động rơi nước mắt. Bác “hoàng đế” có thể kể vanh vách mạch lạc nguyên nhân đã gây ra căn bệnh lẫn của bác, khiến người nghe hoàn toàn không thấy bác bệnh chút nào; nếu không có bác gái sau đó đính chính rằng ngay cả bác cũng không biết tại sao ông lại có thể nghĩ ra được một câu chuyện có đầu đuôi tình tiết hợp lý và kể lại cho người khác nghe một cách thông suốt như vậy; trong khi sự thật là ông bị tai nạn xe trúng đầu, sau khi bình phục thì trí nhớ của ông kém hẳn đi, ông quên nhiều chuyện lắm.

Mấy năm trước mỗi tháng đến sinh hoạt hai bác còn đi chung, bác trai ăn mặc rất lịch sự, lúc nào cũng tươm tất bộ veste, đội mũ tây, ngó bác đẹp lão ra phết, gặp ai bác cũng chào rất lịch sự, thỉnh thoảng còn pha thêm vài tiếng “tây’’trong câu nói, tôi đoán chắc lúc còn trẻ đi làm bác giỏi ngoại ngữ lắm đây.

Bây giờ thì chỉ có bác gái đến mỗi tháng thôi, bác trai đã được nhận vào ‘’Day care’’mỗi ngày rồi, và sẽ về nhà lại vào buổi chiều, tối ngủ ở nhà, sáng hôm sau có xe đến nhà đón bác đi, chiều lại đưa về. Nhờ vậy bác gái có thời gian nghỉ ngơi trong ngày, mới có sức khoẻ để tối lại tiếp tục lo cho bác trai nữa, phải thật sự ở trong cùng hoàn cảnh mới thông cảm với nhau được.

Có trường hợp một chị tuổi mới ngoài năm mươi, nhưng đã nuôi chồng bệnh Alzheimer’s từ hơn 7, 8 năm rồi. Mới đây chồng chị đã mất, nhưng chị vẫn tiếp tục duy trì đi sinh hoạt với Hội mỗi tháng sau thời gian chị vắng mặt vì anh mất. Hôm gặp lại chị mọi người mới biết tin buồn nầy, ai cũng bùi ngùi thương cảm, chị kể lại chuyện mà mắt chị đỏ hoe khiến mọi người ngồi nghe đầy cảm kích, nỗi ngậm ngùi lan toả khắp gian phòng, có người cũng đã lau vội mắt khi nghĩ đến đấy cũng có thể là hoàn cảnh cuả chính mình trong thời gian tới lúc nào đó.

Lại có một cô dáng người cao thon thả, khuôn mặt đẹp đẽ thanh tú, đến chỉ có một mình, cô nói đi theo hai vợ chồng bạn, tiếng Huế cô nói nghe rất êm tai. Bác gái bạn cô nói nhỏ với mọi người là hình như đầu óc của cô cũng có vấn đề thoảng nhớ thoảng quên, nên bà bạn muốn rủ cô theo cùng sinh hoạt mong ngăn ngừa căn bệnh mới phát hiện trong cô.

Bác cho biết cô rất thích hát và hát hay lắm, thế là cả phòng nhao lên yêu cầu cô hát. Cô không ngần ngại hát ngay một bài nhạc tiền chiến; nhưng mới hát nửa chừng cô im bặt nói quên mất rồi, người nghe cũng thông cảm với cô; Nhưng rồi cô chợt cất tiếng hát một bài khác. Thế đấy triệu chứng không được bình thường về trí óc của một con người.

Một bác trai chăm sóc vợ cũng đã lâu năm, mỗi tháng hai vợ chồng cùng có mặt, bác gái rất ít khi nào nói chuyện, ai hỏi cũng chỉ mỉm cười. Bác trai chăm chút đút vợ ăn, rồi lau mặt sạch sẽ cho vợ khi ăn xong, vuốt tóc vợ suông sẻ. Tôi thấy rất cảm phục bác khi nhìn thấy bác chăm sóc vợ chu đáo như thế, nếu không phát xuất từ tình thương yêu vợ đậm đà thì thật khó khăn lắm cho một người đàn ông khi phải làm những việc đó!

Cô phụ trách Hội thật tốt, tháng nào Cô cũng nghĩ ra một đề tài để trong buổi sinh hoạt nêu lên cho mọi người cùng góp ý, tạo cơ hội cho người bệnh vận động trí nhớ của mình. Ngoài ra Cô còn mang chút quà, một ít món ăn nhẹ nhàng cho các bác cùng ăn uống vui chơi thoải mái với nhau trong hai giờ đồng hồ, và có những thông tin mới về y tế cô cũng phổ biến cho mọi người biết.

Tôi vốn thích những buổi sinh hoạt có ý nghĩa nầy nên mỗi tháng dù bận tôi cũng cố thu xếp thì giờ đi sinh hoạt với Hội, vậy mà tôi đến với Hội cũng được bốn năm rồi, bốn năm với nhiều thay đổi.

Một bác bệnh lẫn mà gia đình nhờ tôi đến giúp lo cho bác mỗi ngày, săn sóc cho tới gần bốn năm thì bác mất, tôi có mặt trong đám tang đưa bác đến nơi hoả táng, sau đó gia đình gửi tro cốt vào chùa, thỉnh thoảng tôi đến chuà thắp nén hương tưởng nhớ. Hàng tháng đến sinh hoạt với Hội, tôi đi một mình, có vài người thắc mắc khi thấy tôi không đi chung với người bệnh, bản thân tôi cũng không bị bệnh, cớ sao tôi lại chịu khó đến với Hội như vậy? Tôi chỉ lắc đầu mỉm cười, cứ “đến hẹn lại lên” chứ tôi biết trả lời sao bây giờ!

Mỗi tháng đến Hội, tôi gặp thêm vài khuôn mặt mới, nhưng đồng thời lại thấy vắng đi vài người cũ, cuộc đời thật vô thường sắc sắc không không!

Mỗi lần gần tới những ngày lễ hội lớn, cô phụ trách đã cẩn thận email hay gọi điện thoại nhắc nhở các hội viên trước vài ngày. Cô muốn buổi họp mặt sẽ đông đủ các gương mặt quen thuộc của Hội, như buổi họp mặt tháng 12, trước ngày Christmas, coi như là buổi sinh hoạt cuối năm dương lịch.

Mới đây hôm 10 tháng 1 là buổi tất niên âm lịch của nhóm, buổi họp mặt hôm ấy thật vui và cảm động, hầu hết các ông là người bệnh; các bà vợ đã chăm chút miếng ăn cho các ông chồng thật chu đáo, phần ẩm thực do các hội viên tự nguyện đóng góp rất dồi dào; có chụp ảnh lưu niệm; cuối cùng trước khi chia tay mọi người vui vẻ chia nhau “to go” phần thức ăn còn lại mang về cho các bác vui, gọi là chút lộc cuối năm, mọi người chúc nhau sức khoẻ, may mắn, bình an trong năm mới sắp đến, lưu luyến chia tay hẹn tháng sau gặp lại, hôm đó là một buổi gặp gỡ ý nghĩa và đáng ghi nhớ.

. . .

Ngày 25 Tết, đối với các gia đình Việt Nam là ngày đi cúng mộ thân nhân đã qua đời. Vào ngày nầy hồi đó, lúc còn ở Việt Nam, tôi và em gái thường mang hoa quả trái cây vào chùa đốt nhang cho ba mẹ tôi và các thân nhân có gửi các hũ cốt trong chùa. Chúng tôi lau chùi các bình đựng tro cốt, tôi chưng bình hoa vạn thọ trên bàn, lúc còn sống mẹ tôi thích hoa này lắm. Rồi chị em chúng tôi đốt nhang tưởng nhớ các người đã khuất.

Khi tôi rời Việt Nam, việc thờ cúng ba mẹ nhờ chị tôi còn ở lại nhà lo lắng dùm. Ngày 30 tết, tôi gọi về chúc tết khi các gia đình tụ họp bên mâm cơm đón ông bà về ăn tết. Còn ở Mỹ, ngày tết Việt Nam, nhất là khu tôi ở, gọi là thủ-đô tị nạn của người Việt, ngày tết cũng nhộn nhịp không thiếu một thứ gì giống như ở Việt Nam, nên người ta mới gọi là khu “Sàigòn nhỏ”, cũng chợ hoa, bánh mứt, trái cây, nhang đèn, ngũ quả cầu, dừa, đủ , xoài, sung…, ngoài phố Bolsa cờ vàng ba sọc đỏ phất phới bay trong nắng xuân ấm áp, bao nhiêu năm ly hương, người Việt vẫn không quên tập tục ngày Tết cổ truyền.

Buổi chiều 30, đi về ngang khu phố Bolsa, trời đã sẩm tối, mọi người qua lại có vẻ vội vã mua sắm thêm để kịp về nhà cúng giao thừa đón năm mới, tôi quẹo một vòng trong parking của khu tiệm Việt Nam, thoảng nghe có tiếng harmonica cao vút giữa tiếng ồn ào của phố đông người qua lại.

Tôi tìm chỗ đậu xe xa tít sát lề đường rồi bước vào hàng hiên trước chợ, hình ảnh quen thuộc của ông nhạc sĩ già ngồi như say mê thổi không để ý đến người qua kẻ lại, ông thổi bài “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao. Tôi cúi người để tiền vào chiếc nón trước mặt ông rồi bước đi thật nhẹ, không dám làm bận tâm người nhạc sĩ đang chăm chú với bài nhạc. Tôi thầm nghĩ không biết giờ nào ông mới trở về nhà khi trời chiều cuối năm đã dần tối, hay là ông không có được một mái ấm trú chân trong đêm nay trước giờ phút giao mùa đến.

Tôi lái xe về nhà, lòng vương chút bồi hồi khi nhớ đến hình ảnh người nhạc sĩ già ngồi cô đơn lặng lẽ với chiếc harmonica của mình mong được chút lòng hảo tâm của người qua lại. Tôi bật máy CD trong xe, thoảng vang bản nhạc “Xuân muộn” tôi rất thích nghe mỗi dịp xuân về, qua giọng hát nhẹ nhàng buồn man mác cuả cố ca sĩ Hà Thanh:


“… Chiều ba mươi tết ta còn gì cho nhau,

lại thêm xuân nữa rơi nhẹ vào mái đầu,

chân bước trong đêm tàn ngõ vắng,

giao thừa xuân muộn và không vui,

có người đón xuân quên cười. “


(Cuối năm Mậu-Tuất 2018)

Thái Anh QNA

Switch mode views: