Một Kẻ Lịch Lãm
- Thứ Sáu, 08 tháng Hai năm 2019 08:23
- Tác Giả: Nguyễn Vương Miện (dịch)
Nguyên tác: The Man Who Understood Women (A.H.Z. Carra)
Bốn đứa chúng tôi đang ngồi ăn trưa với nhau, và sôi nổi thảo luận về vấn đề phụ nữ. Hai thằng Whately, Barker, và tôi đồng ý là dù Tiến Sĩ Kinsey, nhà động vật, kiêm tình dục học, có nói gì chăng nữa, phụ nữ vẫn là những sinh vật bí ẩn, rất khó cho nam giới hiểu được. Để chứng minh vấn đề này, Whately đưa chuyện của vợ nó ra nói, rồi đến thằng Barker và tôi cũng đem những mẩu chuyện liên quan đến vợ mình ra để chứng minh.
Như thường lệ, thằng Milliken không đồng ý. Nó vốn còn độc thân và là một kịch tác gia. Khi chúng tôi nhao nhao lên phản đối bảo nó không biết gì mà cũng nói, thằng Milliken cứ phớt lờ đi, rồi đủng đỉnh phán:
‘Lỗi lầm của tụi mày như các đức phu quân là tụi mày bị những lời phát biểu của vợ mình làm mê hoặc. Theo kinh nghiệm của tao – ây, cứ để tao nói hết cái đã – nếu một thằng đàn ông cứ nghe và làm theo những gì con mụ đàn bà nói, thì đời hắn kể như tàn. Tuy nhiên, người ta có thể hiểu rõ được cử chỉ, thái độ và sự suy nghĩ của một phụ nữ chỉ bằng cách quan sát cô nàng.’
Thằng Barker chụp một mẩu bánh mì ném vào người nó, nhưng thằng Milliken cứ tỉnh bơ, và tiếp tục phán:
‘Cứ nhìn vẻ bề ngoài của một phụ nữ là biết ngay, trăm bận đúng cả trăm. Cái bề ngoài có thể cho người ta biết người đàn bà đó đang làm gì và cũng có thể tiên đoán cô nàng sắp làm gì. Nghĩa là đối với một kẻ lịch lãm, vẻ bề ngoài sẽ tiết lộ tất cả những gì sâu kín nhất liên quan đến người đàn bà đó.’
Thằng Whately không bỏ lỡ cơ hội để tấn công:
‘Như mày ấy à?’
Milliken điềm tĩnh gật đầu:
‘Đúng thế. Như tao vậy. Tao không lấy gì làm lạ khi các bậc trượng phu đây xem phụ nữ như những sinh vật huyền bí. Chúng mày lấy các bà vợ thông minh, sáng suốt hơn mình. Nhưng đối với một kẻ có óc quan sát tỉ mỉ, có sự suy nghĩ chín chắn và sử dụng trực giác, những ý nghĩ sâu kín của một phụ nữ sẽ được bật mí, thậm chí trước cả khi cô ả mở miệng nói nữa.’
Thằng Barker càm ràm:
‘Nói lúc nào mà chẳng dễ.’
‘Tao không chỉ nói xuông đâu. Tụi mày còn nhớ con bé Kate Loring, đấng anh thư trong vở kịch vừa rồi của tao không?’
Tôi buột miệng phang:
‘Ý mày muốn nói đến vở kịch mới trình diễn vừa đến tuần thứ hai đã bị dẹp rồi ấy à?’
Tôi nghĩ, đối với thằng Milliken thì mình không nên quá tế nhị.
‘Vấn đề đang thảo luận đây không dính dáng gì đến vở kịch cả. Bất cứ ai xem vở kịch này đều đoan chắc rằng tao đã biết rõ một phụ nữ như cô nàng Kate Loring vào một thời điểm nào đó trong đời mình. Bởi vì tao hiểu cô nàng, cảm nhận được những suy nghĩ của cô nàng, lột tả được bản chất sâu kín của cô nàng. Sự thật thì không phải kịch bản do tao sáng tác quá tồi mà vở kịch bị thất bại. Nếu tên giám đốc sản xuất Hogan đừng có mà…’
Thằng Whately vốn là một luật sư, cắt ngang:
‘Ê, đừng nói sang vấn đề khác chứ!’
‘Được rồi. Nói đúng ra tao chưa hề gặp một phụ nữ nào như cô nàng Kate Loring cả. Tao chỉ nhìn thấy cô ả có một lần thôi … Ngồi cách tao khoảng ba thước gì đó, trong một quán rượu. Tao nghiên cứu cô ả chừng vài phút, và sau đó tao biết rõ quá khứ, tương lai và cả cuộc đời của cô ả… Còn rõ hơn là cô ả biết về chính mình nữa.’
Barker ngắt lời:
‘Mày dám nói là chỉ cần nhìn bề ngoài của bất cứ phụ nữ nào đó là có thể suy đoán ra những sự thật về đời tư của người ấy à?’
Với vẻ nhẫn nại, thằng Milliken tuyên bố:
‘Thì từ nãy đến giờ tao chỉ muốn nói với tụi mày nhiêu đó thôi. Tao không dám nói là tao có khả năng thiên phú độc đáo. Bằng sự tập luyện, tất cả tụi mày đều có thể đạt được khả năng đó. Ngay cả thằng Bob cả đọi đây này, nếu chịu khó bỏ thời gian ra để tập luyện và với sự giúp đỡ của cả nhóm, có lẽ nó cũng có thể đạt tới một trình độ nào đó.’
Thằng Barker có vẻ nóng nảy:
‘Cho một thí dụ đi! Thí dụ như cô nàng vừa mới bước vào trong quán kia kìa. Ở bàn thứ ba với cái tên cao nghều đó. Cô nàng trông ngộ đấy chứ? Mày cho tụi tao biết, mày biết gì về cô nàng đó?’
Thằng Milliken ngắm nghía người đàn bà thằng Barker vừa đề cập đến chừng vài phút. Cả cô nàng lẫn gã đàn ông đi chung với nàng đều không hay biết gì cả. Hai người dường như đang thảo luận về cái thực đơn, và cho nhau biết mình định gọi món gì. Sau cùng, thằng Milliken buột miệng nói:
‘Thôi được rồi. Cô nàng quả là một đối tượng hấp dẫn – một phụ nữ khác thường. Tao sẽ dẫn dắt tụi mày qua các tiến trình phân tích cá tính từng bước một để tụi mày nắm vững, không bỏ sót bất cứ chi tiết nào. Nhờ đó mà tụi mày sẽ hiểu phương pháp nhận xét, phân tích của tao như thế nào.’
Nói xong, nó gọi thêm ly bia nữa, trước khi tiếp tục:
‘Cô ả đó rất thông minh và là một người quả quyết. Cô nàng chưa có gia đình. Dù rằng trước đây cô ả là người giàu có, nhưng hiện đang gặp khó khăn về mặt tài chánh. Vất vả đấy nhé. Tiền bạc hiện là vấn đề chính yếu đối với cô nàng…’
Nó đưa tay lên chặn lại khi thấy chúng tôi há miệng định phản đối.
‘Khoan đã. Cô nàng thương cái gã đàn ông kia. Và ngược lại, y cũng yêu cô nàng. Y cũng không có tiền bạc, hay của cải gì cả. Nhìn này, ở tuổi ba mươi ba, hay ba mươi bốn gì đó mà cô nàng trông vẫn còn rất hấp dẫn đấy chứ nhỉ? Tuy nhiên, nàng có cảm tưởng như cơ hội để có một đời sống sung túc đang theo triều nước mà đi. Và cô nàng đang có dự định lấy một gã đàn ông khác, hết sức giàu có.’
Thằng Barker buột miệng nói:
‘Thôi ông nội, xạo vừa vừa thôi!’
Milliken tỉnh bơ:
‘Tao chưa nói hết mà. Cách đây khoảng mấy ngày, cô nàng vừa từ ngoại quốc trở về sau khi ở đó một thời gian dài. Cô nàng đi du lịch vùng Địa Trung Hải – có lẽ là Bắc Phi, đúng ra là vùng Algiers. Có lẽ cô nàng đã gặp cái người mà sắp tới đây cô nàng định lấy trong chuyến đi này.’
Thằng Whately nhìn tôi, nhún vai, như muốn nhảy vào chận họng. Dường như đoán được ý định đó, thằng Milliken nghiêm mặt, mỉm cười:
‘Tao biết tụi mày không tin tao. Nhưng để tao nói cho tụi mày nghe chuyện khác nhé. Người yêu chân thật của cô nàng, kẻ đang ngồi cùng bàn với cô nàng kia, chưa biết gì về ý định của kẻ ngồi đối diện mình cả. Nhưng sớm muộn gì … có lẽ ngay trong bữa ăn trưa này – cô nàng cũng sẽ tiết lộ cho chàng biết ý định của mình. Cô nàng chắc chắn sẽ phải làm chuyện này dù nó sẽ gây tổn thương cho sự tự trọng của mình. Vì tiền bạc – như tao đã nói – hiện là động lực chính yếu của đời nàng. Cô nàng sẽ hy sinh mọi thứ để đổi lấy sự bảo đảm về mặt tài chánh.’
Chúng tôi nhìn người đàn bà, trong khi Milliken hạ giọng nói:
‘Thậm chí trong lúc đang cười nói vui vẻ với kẻ ngồi đối diện mình, trong đầu cô nàng vẫn phải suy tính làm cách nào tốt nhất để đặt vấn đề. Nếu tụi mình ngồi đây cho đến khi kết thúc chắc chắn mình sẽ được chứng kiến một bi kịch: sự đổ vỡ của tình yêu vì nghèo khổ.’
Nó ngừng nói để những điều vừa được phát biểu thấm sâu hơn, và cũng để thở. Sau một thoáng im lặng, Whately gằn giọng nói:
‘Chứng minh đi!’
Milliken từ tốn:
‘Nói về sự thông minh. Để ý đến cái trán cao, rộng, và đôi mắt to, mở lớn, đầy tinh anh – khi cô nàng phát biểu điều gì dường như tất cả cử chỉ, dáng điệu và cặp mắt đều nói, nhưng không khi nào quá đáng. Những điểm vừa kể thể hiện một khối óc minh mẫn. Cũng như cặp lông mày, cái miệng mím chặt, và cái cằm cương nghị, tất cả đều biểu thị một cá tính quả quyết.’
Nhận xét này coi bộ hợp lý – hoặc giả khả dĩ có thể đúng – do đó, chúng tôi không nhào vào chặn họng nó.
‘Cứ nhìn bàn tay, bàn chân, cổ chân, cổ tay của cô nàng. Nhỏ nhắn, thanh tú, xương cốt rắn chắc, nhưng không lộ liễu, tứ chi tròn trịa… Để ý đến mái tóc mềm mại, điệu bộ đoan trang, thanh thoát, nhưng đầy tự tin. Đó là biểu hiện của một người xuất thân từ một gia đình có giáo dục mà tụi mày cần phải ghi nhận.’
Whately bỉu môi:
‘Có gì đáng nói đâu? Chính tao cũng đoán được cô nàng thuộc loại thông minh và gia đình có chút danh giá.’
Milliken trả lời:
‘Tốt. Mày đi đúng đường rồi đó. Thế nhưng, làm cách nào mày đoán được là gia đình cô ta trước đây thuộc loại khá giả?’
Whately trả lời với giọng láu lỉnh:
‘Thì cũng giống như mày đang làm đó.’
Milliken mỉm cười:
‘Nếu vậy thì ngó kỹ quần áo cô nàng đang mặc trên người đi. Đúng mốt. Đắt tiền. Cái mũ đó, cái áo đó, đôi giày đó, tất cả đều được mua ở Ba Lê.’
‘Làm sao mày biết được rõ thế?’
Tôi vặn hỏi. Milliken trông có vẻ đau đớn như thể tôi đã ngu xuẩn hỏi một câu quá ngốc nghếch:
‘Nó quá rõ ràng…’ Giả sử lúc đó mà nó nói thêm: ‘Ông bạn Watson ạ’, có lẽ tôi đã đạp cho nó mấy cái, nhưng không hiểu sao nó lại khôn khéo ngừng đúng lúc…
‘Cái áo kia là bằng chứng. Loại vải dùng để may nó không phải dệt ở nội địa, rồi cứ nhìn cái lối may ráp tay áo vào thân áo, và lối bóp chung quanh eo để làm nổi bộ ngực một cách kín đáo. Chỉ có hai nhà thời trang nổi tiếng thế giới đó là Balenciaga của Tây Ban Nha, và Molyeux của Ăng Lê mới đủ khả năng may như thế thôi. Còn cái mũ cô nàng đang đội nữa, chắc chắn được mua từ một cửa tiệm thời trang trên đường Faubourg St Honoré ở Ba Lê. Ngay cả những tiệm làm nón danh tiếng nhất của Hoa Kỳ cũng chưa đạt đến trình độ tuyệt hảo như thế. Đôi giày cũng vậy, chắc chắn là của Pháp. Các nhà vẽ kiểu giày của Hoa Kỳ chưa ý thức̣ được tầm quan trọng của hai đường cong ở mặt trong bàn chân.’
Cả ba đứa chúng tôi đều cảm thấy mình chưa đủ trình độ để phản đối những điểm Milliken nêu ra. Chỉ có thằng Whately đặt câu hỏi:
‘Nếu quần áo của cô nàng được mua ở Ba Lê, thì điều đó chứng tỏ là cô nàng phải giàu có lắm chứ?’
Milliken mỉm cười:
‘À! Chính ở điểm này mấy tay mơ, ít kinh nghiệm thường nghĩ sai. Thay vì nghiên cứu kỹ những chi tiết hệ trọng, mày đã vội vã đi đến kết luận. Dĩ nhiên là quần áo của cô nàng thuộc loại đắt tiền – tao đã chẳng nói thế là gì? Nhưng, nghe đây này, quần áo đó không còn mới nữa. Nhìn thật kỹ đi, tụi mày sẽ nhìn thấy các đường chỉ trên tay cái áo khoác kia. Chúng căng phồng lên có nghĩa là cái áo đã được mặc nhiều lần. Và đôi giày kia, dù trông rất thanh nhã, nhưng mình vẫn nhìn thấy các vết nứt. Cái xách tay thuộc loại rẻ tiền và chắc chắn là đã lỗi thời. Không có một phụ nữ nào muốn pha trộn những món trang phục đắt tiền, trang nhã, với một cái xách tay rẻ tiền nếu họ có đủ khả năng mua một cái xách tay hợp thời trang hơn. Do đó, mình có thể suy diễn như thế nào nhỉ? Khi mua quần áo, thường cô nàng mua những món hàng có tên hiệu đắt tiền, nhưng chỉ sắm vài bộ thôi. Thường là vào những lúc cô nàng có đủ khả năng để mua những thứ đắt tiền. Hiện giờ vì thiếu tiền, nhưng cô nàng vẫn cố thưởng thức những món đó.’
Whately kịch liệt phản đối:
‘Bố khỉ, mày chỉ giỏi đoán mò. Quần áo chưa hẳn đã thể hiện được sở thích hay thị hiếu của cô nàng. Chưa chắc là cô nàng đã chọn những thứ đó. Có lẽ ai đó đã mua tặng cô ta.’
‘Whately, mày cóc chịu suy nghĩ gì cả. Nhìn cái khuôn mặt quý phái, đài các kia kìa, đó không phải bộ mặt của một cô đày tớ, một kẻ nghèo khó để chấp nhận mặc đồ cũ của người khác thải ra.’
Whately vẫn chưa chịu phục:
‘Hừ, có lẽ một tên đàn ông nào đó…’
‘Ý mày muốn nói, cô nàng là tình nhân, là vợ bé, vợ mọn của một anh già lỏng gân, xúc ốc nào đó chứ gì?’
‘Sao lại không? Có những mẫu phụ nữ như vậy – hoặc giả mày chưa nghe ai nói đến vấn đề này, phải không?’
‘Ý mày muốn nói là cô ả đã đi theo một thằng cốt đột nào đó vào một tiệm thời trang, rồi để cho thằng ngốc kia chọn quần áo cho mình chứ gì? Trời ơi, đây có phải là bộ óc thấu suốt các vấn đề pháp lý phức tạp đang ở trong tư thế hoạt động không? Cố dùng cái đầu một chút đi em! Việc không chịu nhổ lông mày, và việc sử dụng phấn son một cách kín đáo, có cho mày thấy đây là một mẫu phụ nữ hoàn toàn lệ thuộc vào đầu óc tưởng tượng của nam giới để tồn tại không? Loại phụ nữ chịu làm vợ nhỏ, vợ hai của các anh già đã hết gân, nhưng vẫn còn luyến tiếc thuở vàng son, sẽ chọn lối ăn mặc diêm dúa và phấn son lòe loẹt để hấp dẫn các anh già mắt đã kèm nhèm, răng đã rụng ráo trọi. Mẫu phụ nữ đó không cưỡng được việc phô bày cái bề ngoài, với đường cong quá lộ liễu và màu sắc sặc sỡ. Nhưng thưa quý đàn anh, người đàn bà này thì không. Quả không còn nghi ngờ gì nữa lối phục sức như vậy là của một phụ nữ có cái ‘gu’ đắt tiền và lựa chọn để làm cho chính mình hài lòng, chứ không thèm làm hài lòng ai khác cả.’
Whately hắng giọng, mặt lộ rõ sự chiến bại, nhưng rồi quyết định không nói gì thêm. Tôi lao vào vòng chiến: ‘Mày vẫn chưa thuyết phục được tao là cô nàng thuộc loại nghèo, chỉ vì lúc này cô ả đang mặc một cái áo đầm và cái áo khoác đã cũ…’
‘Còn nhiều bằng cớ khác nữa chứ. Tao khẩn khoản yêu cầu tụi mày nhìn mái tóc của cô nàng kia kìa, thấy nó mọc chìa ra dưới cái mũ không? Rõ ràng màu tóc tự nhiên của cô ả là màu nâu – và màu này không phù hợp với khuôn mặt và màu da của cô nàng. Nếu màu tóc ấy nhạt hơn một chút, nghĩa là màu hung, thì quả là tuyệt vời – chắc chắn cô nàng phải biết điều đó. Hơn thế nữa, cứ nhìn kiểu tóc của cô nàng thì biết. Cái búi tó cột ra đằng sau gáy không thể làm tăng vẻ đẹp khuôn mặt của cô nàng. Chắc chắn cô nàng sẽ không để tóc kiểu đó, nếu có đủ tiền đi làm tóc ở một tiệm uốn tóc thuộc loại đắt tiền.’
Tôi phải công nhận thằng Milliken nói rất chí lý. Quả thật mái tóc của cô nàng cho thấy kẻ có mái tóc đang ở vào tình trạng tài chánh eo hẹp. Thế nhưng tôi vẫn cãi chày, cãi cối:
‘Dù vậy chăng nữa, vấn đề tiền bạc chưa hẳn là một ám ảnh đối với cô nàng như là mày đã tuyên bố.’
‘Thế thì mày đã không thèm để ý đến vẻ mặt của cô ả. Hồi nãy, khi cái bà mập mạp ăn mặc hơi quá đáng từ ngoài bước vào, nếu mày nhìn thấy đối tượng của mình mím chặt môi khi nhìn cái áo khoác bằng da mèo rừng đắt tiền bà kia đang mặc trên người, có lẽ mày sẽ hiểu ý tao muốn nói gì khi bảo cô nàng bị ám ảnh bởi tiền bạc. Cô ả ghen tị cái gì, nếu không phải là cái áo bằng da thú đáng giá năm ngàn đô kia? Trước mặt ta là một người điềm tĩnh, hết sức tự chủ và kiêu hãnh. Một khi cô nàng để cho sự ghen tị bộc lộ rõ trên vẻ mặt, thì tụi mày phải hiểu là nỗi ám ảnh về tiền bạc đã hằn sâu trong tâm khảm của nàng rồi.’
Barker bỗng nhảy vào:
‘Ô kê, cứ coi như là mày đúng đi, nhưng tao muốn biết làm cách nào mày có thể suy diễn ra chuyện tình cảm của cô nàng?’
Milliken gật đầu:
‘Tụi mày có nhìn kỹ gã đàn ông đi theo nàng trước khi y ngồi xuống không? Một gã đẹp trai, rộng lượng, vẻ mặt sáng sủa. Không phải là kẻ thủ lợi. Cứ nhìn bàn tay của y kia kìa – mạnh mẽ, các ngón tay xương xẩu. Bàn tay của một nghệ sĩ – có lẽ là của một nhạc sĩ, hoặc giả của một họa sĩ. Nhưng không phải là một kẻ đã ‘thành công’. Anh ta đã gần 40 – ở cái tuổi mà những người đã thành công thường để lộ ra trên nét mặt. Nhưng ánh mắt của anh ta có vẻ lo lắng, quần áo anh ta mặc trên người thuộc loại rẻ tiền, loại bán sẵn ở chợ trời.’
‘Làm cách nào mày biết được y mặc loại quần áo loại bán sẵn?’ tôi hỏi nó, trong lúc suy nghĩ đến bộ quần áo mình đang mặc đã được thằng Milliken mô tả như ‘loại bán sẵn ở chợ trời’.
‘Chỉ cần nhìn cái vai áo là đủ biết. Những nếp nhăn trên các đường chỉ là biểu hiện của các sản phẩm được sản xuất hàng loạt sau khi chúng đã được sử dụng một thời gian. Anh chàng đó thuộc loại nghèo kiết xác, sống nhờ vào bộ đồ đó.’
Thằng Whately nhìn xoi mói:
‘Thế thì y làm gì mà có tiền đưa cô nàng vào một quán ăn thuộc loại này?’
‘À, đấy là điểm then chốt. Tại sao mà y lại dám liều mạng đưa nàng vào một quán ăn sang trọng như thế này? Y làm như thế chỉ vì yêu cô nàng – đặc biệt nếu đây là buổi gặp gỡ đầu tiên sau nhiều năm xa cách. Thế nhưng tụi mày có để ý là cô nàng không chịu gọi món cốc-tai không? Đồng thời có thấy là gã đàn ông kia cố nài ép cô nàng không? Sự suy diễn quả thật quá rõ ràng. Cô nàng thích món cốc-tai, anh chàng này rất biết ý, nhưng cô nàng không muốn y tiêu hết số tiền khó kiếm còn lại trong túi. Và món ăn cô nàng gọi – ravioli. Bột không là bột, ăn rất chóng no, nhưng bảo đảm là rẻ rề. Như thế chưa quá rõ là chàng không đủ tiền để trả một bữa ăn trưa thịnh soạn là gì?’
Barker vẫn ngoan cố:
‘Mày nói cô nàng yêu y? Có phải chỉ vì cô nàng không chịu uống cốc-tai, mà lại gọi món ravioli rẻ tiền kia không?’
Thằng Milliken lắc đầu qua lại, điệu nghệ như một diễn viên thượng thặng:
‘Đôi của mắt nàng, Barker, cứ nhìn đôi mắt của nàng đi! Chắc chắn trước đây mày đã từng nhìn thấy tình yêu tỏa ra từ ánh mắt của phụ nữ chứ? Vẻ âu yếm trong nụ cười của nàng cho mình thấy thứ tình cảm đó. Và, y cũng yêu nàng nữa. Đã hai lần chàng ta kín đáo sờ tay nàng. Ánh mắt của gã kia không bao giờ rời khuôn mặt của nàng. Thế không phải yêu thì là gì?’
Thằng Barker có vẻ nhún nhường:
‘Có lẽ mày nói đúng đấy.’
‘Chắc chắn là tao phải đúng rồi, chứ còn có lẽ, có liếc gì nữa.’
Thằng Whately buột miệng nói:
‘Thế nhưng còn cái gã kia – cái tên giàu có ấy, y xuất hiện ở giai đoạn nào? Và làm thế nào mà mày biết được là cô nàng mới ở ngoại quốc về?’
Milliken đủng đỉnh nói:
‘Bắt đầu bằng màu da của cô ả; nhìn cái nước da rám nắng kia kìa! Cô nàng ở đâu mà có nước da như thế, nhất là bây giờ là cuối tháng Mười Một?’
Tôi đưa giả thuyết:
‘Đèn nhật đăng, sunlamps chứ còn gì nữa.’
‘Vô lý. Những người dùng loại đèn này thường xuyên, chung quanh mắt thường có quầng nhợt nhạt, vì họ dùng kính để bảo vệ mắt. Ai cũng nhìn thấy cô nàng có nước da rám nắng thật sự chứ không phải nắng nhân tạo.’
‘Thế cô nàng từ Florida về à?’, thằng Barker dọ hỏi.
‘Vào mùa này ấy à? Khó tin lắm. Ngoài ra, cứ nhìn dáng điệu của nàng thì biết. Cô ta người gốc Ăng-lô Sắc-xông, da trắng chính gốc, nhưng lại sử dụng tay và vai hơi nhiều. Mình có thể suy diễn là cô nàng nhặt được thói quen này từ dân Địa Trung Hải, tương tự như đa số phụ nữ Hoa Kỳ vẫn thường làm. Thế nhưng chưa hết. Tụi mày có nhìn thấy hai cái vòng bằng bạc nặng nề đeo ở cổ tay với những đường nét khắc họa lạ lùng không?’
Người đàn bà và kẻ đối diện nàng quá chăm chú vào việc thảo luận nên không để ý đến việc bọn tôi đang kín đáo ngắm nghía họ. Tôi hỏi với giọng hiếu kỳ:
‘Hai cái vòng đó có gì lạ đâu?’
‘Những cái vòng loại này chỉ có thể mua được ở Bắc Phi. Những nét khắc họa hết sức đặc thù đối với các sản phẩm của vùng này. Mà nó cũng không rẻ đâu nhé – nó không phải là loại sản phẩm được làm để đáp ứng với thị hiếu của đám du khách kẹo kiệt đâu. Mấy viên ngọc màu xanh kia là loại đá hiếm sa-phia. Tao đã từng thấy những thứ như vậy ở Marrakesh – ở đó có những cửa hàng chỉ bán những loại sản phẩm đặc biệt như vậy.’
Thằng Whately vẫn cố cù nhày:
‘Có lẽ ai đó mới ở vùng này về mua tặng cô nàng.’
Milliken kiên nhẫn giải thích:
‘Một cái thì có lẽ còn được, nhưng hai cái thì phải xét lại? Ngoài ra, tụi mày để ý sẽ thấy hai cái vòng có những chi tiết khắc họa khác nhau không? Thế nhưng cả hai đều phù hợp với cái áo đầm nàng đang mặc trên người. Đem hai thứ cộng lại, tụi mày rút ra được kết luận gì? Giả thuyết thứ nhất, để mua cho mình hai cái vòng đắt tiền này, trong lúc cô nàng cần một cái xách tay mới, cho thấy không mấy hợp lý. Giả thuyết thứ nhì, một người bạn nào đó cẩn thận lựa chọn để mua cho cô nàng hai cái vòng cùng một loại như thế kia, coi bộ không ổn. Cộng thêm với làn da rám nắng, tụi mày sẽ thấy được cái gì nào? Cô nàng đi rảo các khu phố ở Marrakesh, có thể là ở Algiers, với một người bạn. Cô nàng nhìn thấy hai cái vòng kia trong tủ kính, lấp lánh dưới nắng mặt trời, bèn dừng lại để ngắm nghía. Không một phụ nữ nào có thể dằn được những thúc giục muốn bước vào tiệm để thử hỏi giá.’
Nó ngừng một chút để cho các chi tiết thấm dần vào đầu óc bọn tôi, rồi tiếp tục với điệu bộ của một nhà tiên tri:
‘Thử tưởng tượng cô nàng nhìn thấy mấy cái vòng, muốn lắm, nhưng nhìn thấy giá tiền thì dội lại. Cuối cùng, không tránh được sự cám dỗ, nên cô nàng mua một chiếc, ít đắt hơn. Có nghĩa là sẽ không mua cái xách tay mà nàng thực sự cần – nhưng sự cám dỗ quá mãnh liệt, vả lại cái vòng đeo vào rất hợp với cái áo đầm. Đến lúc đó thì người bạn kia chỉ vào cái vòng có gắn đá sa-phia và cố nài nỉ xin mua tặng cô nàng. Tụi mày nắm vững vấn đề chưa?’
Tôi lập tức phản đối:
‘Toàn là do trí tưởng tượng.’
Thằng Whately gầm gừ trong cuống họng như muốn ăn thua, nhưng thằng Milliken đã bệ vệ phán:
‘Không tưởng tượng chút nào cả. Tao chấp nhận là tao đã dùng trực giác để tái tạo khung cảnh kể trên, thay vì sử dụng những bằng chứng cụ thể. Thế nhưng, nó có thể giải thích sự kiện hết sức rõ ràng – nó hợp lý hơn bất cứ giả thuyết nào tụi mày đưa ra.’
Tôi kịch liệt phản đối:
‘Nhưng giả thuyết của mày có vẻ lủng củng, thiếu đồng nhất. Nếu cô nàng nghèo thì làm thế nào lại có tiền để du lịch Âu châu và Bắc Phi?’
‘Ông bạn quá đỗi ngu dốt của tôi ơi,’ Milliken nhìn tôi như thể nó đang đeo cái kính một tròng vậy. Phải nói có nhiều lúc nó cứ nghĩ mình là Đức Ông Peter Wimsey, nhà thám tử tài ba xuất chúng trong các tác phẩm của nhà văn Dorothy L. Sayers vậy. ‘Nhiều người tuy chẳng giàu có gì, nhưng vẫn cố gắng du lịch sang Âu châu chơi cho biết. Họ dành dụm, hay nhận được chút hồi môn, hoặc giả họ vừa trúng giải chuyến đi, hoặc có người bà con nào đó giàu có bỏ tiền ra cho đi. Nhưng để tao nói cho tụi mày nghe, cô nàng mới từ ngoại quốc về.’
Tôi hỏi:
‘Làm sao mày biết được chính xác như vậy?’
‘Một lần nữa, đây là do sự tổng hợp các dữ kiện. Mấy tuần nay trời kéo mây, không có nắng, và da nàng cũng chưa nhả hết nắng. Quan trọng hơn nữa là cứ nhìn khi cô nàng nói. Trào tuôn, trôi chảy. Nhìn vẻ sống động của kẻ ngồi trước mặt cô nàng như đáp ứng với câu chuyện đang được kể, không khí chung quanh họ đầy vẻ sôi nổi. Đây rõ ràng là buổi gặp gỡ đầu tiên của hai người sau thời gian dài xa cách. Nhưng tụi mày có thể tưởng tượng được rằng hai người đang yêu nhau cứ để mặc cho thời gian trôi đi một cách không cần thiết trước khi quyết định gặp nhau không? Cô nàng vừa mới về lại đây, chỉ mới đây thôi. Có thể cô nàng trở về Hoa Kỳ bằng máy bay, nhưng tao đoán là cô nàng đã về đây bằng chiếc Liberté, chiếc du thuyền vừa với vào cảng hôm qua. Phụ nữ đẹp thường thích đi du lịch bằng du thuyền.’
‘Nhưng, tao vẫn chưa hiểu rõ sự hiện hữu của người đàn ông kia. Theo tao thì mày thêm thắt người này vào, nhưng không có nguyên nhân rõ ràng.’
‘Một phụ nữ duyên dáng trong chuyến đi du lịch ở ngoại quốc, mà mày không nhìn thấy sự hiện diện của một người đàn ông nào trong bức tranh này à? Tại sao, vì mày không thể ngăn cản đám đàn ông bu theo nàng! Đặc biệt là trên một chiếc du thuyền, mà lại là du thuyền của Pháp nữa. Trên đường đến Ba Lê trên chiếc du thuyền, trong vòng hai ngày cô nàng đã có cơ hội gặp cả tỉ đàn ông thuộc loại đam mê. Và người đàn ông được nàng chọn trong trường hợp này, chắc chắn phải là dân Pháp. Ở đây, lối lập luận của tao có vẻ hơi yếu, tao phải thú nhận điều đó. Tao dựa vào giá trị của hai cái vòng, và sự kiện chúng được mua ở Algiers. Một chàng người Pháp có lẽ đã khuyến khích nàng du hành qua đó. Nhưng tao không muốn nhấn mạnh điểm này. Tao chỉ muốn nói trong bức tranh có sự hiện hữu của một gã đàn ông, và y rất giàu có, và vì thế mà nàng quyết định sẽ kết hôn với y.’
Với giọng mỉa mai, Whately hỏi:
‘Mày còn gì nữa không?’
‘Thế tụi mày không tin tao hả? Như vậy tao nghĩ mày đã không để ý đến cái nhẫn nàng đeo trên ngón thứ ba của bàn tay phải. Không, mày sẽ không nhìn thấy nữa, vì cô nàng đã xoay cái mặt đá vào trong. Đó là viên ngọc bích rất đẹp, trị giá có lẽ cũng vài ngàn đô la. Cái người đàn ông đang nói chuyện với nàng cứ tò mò nhìn nó hoài; có lẽ vừa tò mò mà cũng vừa lo ngại, chính vì thế mà lúc này cô nàng đang cố tình dấu nó dưới gầm bàn. Cô nàng có vẻ bồn chồn, cứ lấy ngón tay xoay xoay cái nhẫn hoài.’
Whately cau mày:
‘Thế thì đã sao?’
Milliken thở dài:
‘Ôi, sao mày chậm tiêu thế? Mày không thấy à? Kẻ đối diện cô nàng quá tự ái để hỏi nàng về cái nhẫn đó. Nhưng chắc chắn y chưa bao giờ nhìn thấy cái nhẫn này. Mình sẽ phải kết luận thế nào? Cô nàng đã có cái nhẫn trong chuyến đi vừa rồi. Nàng mua nó ở đâu? Dĩ nhiên là cô nàng làm sao có tiền để mua cái nhẫn quá đắt tiền đó. Nhưng đó đúng là loại nhẫn mà một gã giàu có với sự hiểu biết về thời trang sẽ mua cho người đàn bà mà y yêu tha thiết – và một người đàn bà như cô nàng đang ngồi ở bàn kia chỉ chấp nhận món quà như thế từ người đàn ông mà nàng sẽ lấy làm chồng.’
Barker hỏi:
‘Nhưng tại sao nàng lại đeo cái nhẫn trên bàn tay phải?’
‘Thế thì mày nên đặt câu hỏi là tại sao?’
Khi thấy Barker có vẻ hoang mang, Milliken bèn giảng tiếp:
‘Chỉ vì cô nàng không muốn nói huỵch toẹt cái chuyện mình đã đính hôn và sắp sửa lấy một người khác với một người nàng thật sự yêu mến. Đó là cái người giờ đây đang ngồi đối diện nàng. Giờ này, nàng đang muốn tiết lộ cho chàng biết bằng một cách nào đó ít gây đau đớn cho chàng nhất. Đó là lối giải thích hợp lý nhất về cử chỉ và thái độ của nàng.’
Tôi vặn hỏi:
‘Thế thì tại sao cô ả lại đeo cái nhẫn vào làm gì?’
‘Thế sự nhậy cảm của mày bỏ đâu mất rồi? Cô nàng không muốn lừa dối người đàn ông đó, mà cũng không muốn làm anh ta cảm thấy bẽ bàng. Có lẽ giờ này mày đã ý thức được là cô nàng tế nhị biết là chừng nào. Nàng để cho chàng tự suy diễn, chuẩn bị cho chàng các câu hỏi, để khi đến giờ cần phải tuyên bố quyết định của mình nó sẽ không tạo cho chàng sự kinh ngạc đột ngột như một tiếng sét vậy. Mày có thấy cái vẻ dịu dàng trong ánh mắt của nàng không? Ngay cả khi nàng khéo léo né tránh cái nhìn của chàng, trong đó người ta cũng thấy thoáng có sự đau đớn. Và bây giờ tụi mày thử suy nghĩ xem: vấn đề gì đã thúc đẩy nàng đi đến quyết định bỏ người mình yêu dấu để theo một tên đàn ông khác? Bọn mình đã biết câu trả lời rồi. Cô nàng cần có tiền, cô nàng ước muốn có tiền. Đó là cái yếu điểm của một con người đúng ra thuộc loại quý phái. Đối với cô nàng, hạnh phúc mà thiếu cái khoản tiền là điều không thể tưởng tượng nổi.’
Khi tuyên bố những điều kể trên, thái độ của Milliken hết sức nghiêm trang, vẻ mặt nó căng thẳng, mắt nó tối xầm lại. Nó tiếp tục nói: ‘Nàng sắp sửa báo cho chàng biết đây – có lẽ mình không phải chờ lâu hơn nữa. Có lẽ sau khi người hầu bàn đem cà phê ra. Nàng không muốn kéo dài sự đau đớn do sự căng thẳng vì chờ đợi, hoặc do mặc cảm tủi hổ của nàng. Nhưng không thể tránh được! Vào thời điểm này, tình yêu đối với nàng không quan trọng bằng một cuộc sống đầy đủ, an toàn. Đấy đời sống đầy vật chất hiện nay biến con người thành những người như thế đấy. Và đó là điều nàng đang suy nghĩ vào lúc này, đằng sau cái bộ mặt vui vẻ, hớn hở của nàng có che dấu những suy tư thầm kín.’
Ba đứa chúng tôi không nói gì cả. Một hồi sau, tiếng thằng Milliken lại dõng dạc trổi lên:
‘Đây nhé, bốn đứa chúng mình là những kẻ lạ đối với người đàn bà kia. Thế mà, chỉ cần qua sự quan sát, một chút trải nghiệm, mình đã khám phá được những bí ẩn đời cô nàng. Chúng mình hé nhìn được cái bi kịch của đời nàng vào lúc nó lên đến cùng tột của sự đau khổ. Mình hiểu rõ được quá khứ và hiện tại của cô nàng. Mình có thể đoán được cái tương lai tươi sáng, nhưng đầy khó khăn và sự hối hận của cô nàng. Mình hiểu được những động cơ thúc đẩy đưa cô nàng đến hành động sắp tới. Và làm cách nào mà mình đạt được kết quả này? Như tao đã tuyên bố ngay từ lúc đầu: chỉ bằng cách nghiên cứu kỹ các cử chỉ, hành động của cô nàng.’
Thằng Barker xen vào:
‘Chúa tôi, thú thật, vấn đề mày phân tích có vẻ hợp lý đấy.’
Thằng Whately vẫn còn cay cú:
‘Tao cũng công nhận là … mày đã giải quyết được một vụ hết sức phức tạp̣.’
Tôi thêm:
‘Có lẽ những điều mày nói mang một chút giá trị nào đó…’
Thằng Milliken liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi thình lình đứng bật dậy:
‘Tốt lắm, tao phải đi gấp. Tụi mày chịu khó trả tiền dùm, được chứ?’ Chưa nói hết lời nó đã nhanh nhẹn vù ra khỏi quán ăn.
Dĩ nhiên là bọn tôi không màng gì chuyện này. Đối với ba đứa thì thằng Millken xứng đáng được đãi một bữa ăn trưa. Ít ra, ba đứa chúng tôi cũng học được một bài học quý báu, để đời. Bọn tôi ngồi im, suy nghĩ về vấn đề làm thế nào để áp dụng những kinh nghiệm thằng Milliken vừa truyền lại. Nếu chỉ bằng sự quan sát và phân tích chúng tôi có thể nhìn thủng được những bí ẩn sâu kín nhất trong tâm hồn vợ mình, thì chắc chắn chúng tôi sẽ tự tạo được cho mình một quyền uy vô hạn trong việc đối phó với các bà.
Bọn tôi trả tiền, rồi đứng dậy, bước ra. Khi đi ngang qua cái bàn hai người, đã là đề tài thảo luận của chúng tôi, đang ngồi, ba đứa tôi nghe lóm được một mẩu đối thoại của họ. Người đàn bà nói:
‘Sáng nay sau khi anh ra khỏi nhà, thằng Dickie đã hỏi một câu hết sức dễ thương: “Mẹ, thế tại sao ba lại phải đi…”’
Nhưng chúng tôi không nghe hết được đoạn chót.
Tôi quay lại nhìn ngón tay thứ ba trên bàn tay trái của cô nàng, và rõ ràng có bằng chứng trước đây đã có cái nhẫn cưới được đeo ở ngón tay này, nay chỉ còn để lại một vết lờ mờ trên làn da. Tôi đoán có lẽ cô nàng đã tháo chiếc nhẫn ra vì một lý do nào đó.
***
Lần tới khi thằng khốn kiếp Milliken ăn trưa với bọn tôi, chắc chắn nó sẽ phải móc tiền túi ra trả. Đúng là đồ xảo quyệt!
Related news items:
Tin mới
- Người đàn bà sau cuộc chiến - 21/04/2019 02:35
- Vợ Lính thời Chinh chiến... - 14/04/2019 00:37
- Mây Tóc - 14/04/2019 00:23
- Đại gia ở Mỹ - 24/02/2019 15:51
- Tôi đi lính - 23/02/2019 23:41
- Chị Mè - 16/02/2019 16:32
- Mỵ - 16/02/2019 16:13
- Mùa Xuân Lọt Qua Kẽ Hở - 12/02/2019 04:23
- Dáng xưa - 12/02/2019 04:16
- Chiếc Hôn - 11/02/2019 16:52
Các tin khác
- Về Việt Nam Ăn Tết - 04/02/2019 16:19
- Chút Tâm Tình Những Ngày Cuối Năm - 01/02/2019 03:29
- CÓ ĐÊM NÀO BUỒN BẰNG ĐÊM BA MƯƠI - 26/01/2019 18:04
- Trai Năm Thê Bảy Thiếp! - 26/01/2019 18:00
- Hương Xuân Man Mác Đó Đây - 26/01/2019 17:54
- Dấu tay kỷ niệm - 22/01/2019 17:06
- Hoa Cúc Trắng - 22/01/2019 17:01
- Thương anh “cán ngố” - 21/01/2019 17:41
- Con Cọp Yêu Quý Của Tôi - 14/01/2019 03:36
- Ước Vọng Cuối Đời Người - 06/01/2019 16:40