Obama hủy cuộc gặp Putin : Chấn động ngoại giao Nga-Mỹ
- Thứ Năm, 08 tháng Tám năm 2013 21:01
- Tác Giả: Trọng Thành
Tổng thống Mỹ Barack Obama (T) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 ở Lough Erne tại Enniskillen, Bắc Ailen hồi tháng 06/2013.
REUTERS/Kevin Lamarque/Files
Cuộc hội kiến giữa Barack Obama và Vladimir Putin bên lề thượng đỉnh G20, tại St-Petersbourg, sẽ không diễn ra đầu tháng tới như dự kiến đưa ra vào tháng 6.
Hôm qua, Nhà Trắng chính thức ra thông báo về việc này, sau nhiều tuần để ngỏ một khả năng như vậy. Bên cạnh bất đồng trên nhiều hồ sơ, chính vụ Snowden – sau khi Matxcơva quyết định cấp giấy tỵ nạn tạm thời ngày 01/08 -, khiến quan hệ song phương Nga – Mỹ trở nên đặc biệt căng thẳng.
Việc Mỹ hủy bỏ hội kiến cấp nguyên thủ là điều chưa từng xẩy ra trong quan hệ song phương kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Việc Nga cấp quy chế tỵ nạn cho cựu nhân viên tư vấn an ninh Mỹ Edward Snowden, mà Hoa Kỳ yêu cầu dẫn độ, là giọt nước làm tràn ly.
Việc ông Snowden – người tố cáo hệ thống nghe trộm quy mô lớn của các cơ quan tình báo Mỹ - bị kẹt lại ở một sân bay Nga từ 23/06 gây ra căng thẳng ngoại giao kéo dài trong quan hệ Mỹ-Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn tối thứ ba, 06/08, tổng thống Mỹ Obama đã chỉ trích tổng thống Nga Putin làm sống lại không khí của thời Chiến tranh lạnh, sau nhiều động thái không hữu nghị đối với Hoa Kỳ trong thời gian gần đây.
Thông tín viên Jean-Louis Pourtet từ Washington, cho biết :
" Điện Kremlin đã quyết định không đếm xỉa đến việc Washington liên tục yêu cầu trục xuất Snowden.
Tại Quốc hội Hoa Kỳ và trên truyền thông, nhiều người yêu cầu Obama tỏ thái độ với Putin với việc từ chối không gặp tổng thống Nga trước thượng đỉnh G20 tại St-Petersbourg, cho dù tổng thống Mỹ vẫn tham dự thượng đỉnh này.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney, đã giải thích một cách ngoại giao rằng việc hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Matxcơva là do không có tiến bộ trong các vấn đề song phương, như kiểm soát vũ khí, thương mại và nhân quyền.
Tuy nhiên, ông Jay Carney cũng nói thêm là ‘‘quyết định gây thất vọng’’ của Nga dành quy chế tỵ nạn cho Edward Snowden cũng có một vai trò trong quyết định này.
Quyết định của Washington hủy bỏ cuộc hội kiến là một ví dụ cho thấy sự va chạm giữa hai con người có tính cách mạnh mẽ, lại chẳng ưa thích nhau mấy.
Quyết định này cũng cho thấy, tổng thống Obama đã trở nên từng trải hơn và bắt đầu nhận ra rằng mong muốn chìa tay ra hợp tác với tất cả các đối thủ của nước Mỹ của ông - khi mới nhậm chức nhiệm kỳ đầu năm 2008 – đã mang lại cho ông nhiều thiệt hại hơn dự kiến."
Các lợi ích chung bất chấp mâu thuẫn
Dù sao Nga và Mỹ đều có thái độ thực tế. Chính vì vậy, bất chấp tuyên bố khác thường về việc hủy bỏ cuộc gặp Obama-Putin.
Hợp tác vẫn tiếp tục, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ngày mai, theo người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước sẽ gặp nhau tại Washington, để thảo luận về một loạt vấn đề như Syrie, Iran, Afghanistan và hiệp định mới về giải trừ vũ khí hạt nhân ».
Giải thích về việc hủy bỏ chuyến đi của tổng thống Obama, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết :
« Các điều kiện đã không được hội đủ để có thể đạt được tiến triển trong các vấn đề chủ yếu trong khuôn khổ của một cuộc gặp thượng đỉnh.
Một cuộc gặp như vậy không mang tính tích cực vào thời điểm này. Tuy nhiên, rất cần duy trì một cuộc đối thoại thường xuyên (giữa Mỹ) với Nga, liên quan đến các chủ đề mà chúng ta đồng ý với nhau và những chủ đề mà chúng ta không thống nhất ».
Ngay sau khi Nhà Trắng thông báo hủy bỏ cuộc hội kiến, điện Kremlin đã bày tỏ « nỗi thất vọng » qua phát biểu của ông Iouri Ouchakov, cố vấn ngoại giao của tổng thống Nga.
Cố vấn của tổng thống Nga đưa ra nhận định : « Vấn đề này cho thấy Hoa Kỳ không sẵn sàng làm việc với Nga một cách bình đẳng », cụ thể ông nêu ra việc « [t]rong nhiều năm trời, Hoa Kỳ từ chối ký hiệp định dẫn độ song phương với Nga ».
Tuy nhiên, cố vấn ngoại giao của điện Kremlin vẫn nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Mỹ và lời mời tổng thống Mỹ tới Nga vẫn còn nguyên giá trị.
Riêng trong công luận Nga, tường trình của thông tín viên Anastasia Becchio từ Matxcơva cho thấy, quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh có thể mở ra một giai đoạn tế nhị trong quan hệ giữa hai nước.
Tin mới
- Tập đoàn Tepco bắt đầu bơm nước ngầm nhiễm xạ - 11/08/2013 00:50
- Lần đầu tiên tàu Trung Quốc đi châu Âu bằng ngả Bắc Cực - 11/08/2013 00:43
- New Delhi sắp thử tàu ngầm nguyên tử đầu tiên - 11/08/2013 00:35
- Phá vỡ đường dây đưa người Hoa nhập cư lậu - 11/08/2013 00:27
- Đảng lập 7 đoàn kiểm tra tham nhũng : Đấu đá nội bộ đang diễn ra tại Việt Nam? - 11/08/2013 00:02
- Mỹ duy trì cấm vận đá quý Miến Điện - 09/08/2013 21:05
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-08-2013 - 09/08/2013 20:19
- Tham vọng kiểm soát Thái Bình Dương của Bắc Kinh làm Á châu dậy sóng - 09/08/2013 19:41
- Mở hội ăn uống giữa kỳ Ramadan - 08/08/2013 21:20
- Yemen phá vỡ kế hoạch khủng bố quy mô của Al Qaida - 08/08/2013 21:09
Các tin khác
- Anh-Tây Ban Nha: Tranh chấp lãnh thổ leo thang - 08/08/2013 20:50
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-08-2013 - 08/08/2013 18:52
- Việt Nam : Thêm một phóng viên điều tra tham nhũng bị bắt - 08/08/2013 16:57
- Vốn ODA cho Việt Nam vay bị ăn bớt đến 40% - 08/08/2013 05:39
- Mỹ cân nhắc bỏ cấm vận võ khí với Việt Nam - 08/08/2013 01:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-08-2013 - 08/08/2013 00:44
- Dầu tràn làm chính quyền Thái điêu đứng - 07/08/2013 22:23
- Tiến triển quá trình phong Chân phước cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận - 07/08/2013 16:39
- Tử hình bằng thuốc độc lần đầu tiên tại Việt Nam - 07/08/2013 16:32
- Washington kêu gọi kiều dân Mỹ rời khỏi Yemen - 06/08/2013 22:35