Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-08-2013

 Báo La Croix nhìn lại lịch sử thuyền nhân Việt Nam sau năm 1975
boat people vn

Người Việt tại trại tị nạn Pulau Bidong, Malaysia. Trại này có khoảng 36.000 người tị nạn Việt Nam (08/1979).
UN Photo/John Isaac


Trong loạt bài mùa hè nói về những con tàu chở di dân đã đánh dấu lịch sử thế giới, báo La Croix hôm nay dẫn độc giả quay trở lại thời kỳ người dân Việt Nam ồ ạt vượt biên sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Tờ báo đặc biệt đề cập đến con tàu huyền thoại mang tên « Đảo ánh sáng ».

Con tàu này đã đưa hàng nghìn người Việt Nam thời bấy giờ vượt biên, chạy trốn chế độ cộng sản. Nhờ vào con tàu, hàng nghìn thuyền nhân Việt Nam đã làm lại cuộc đời. Đây là nơi dùng làm bệnh viện để chữa bệnh cho những người vượt biên. Đồng thời, con tàu còn chứng kiến nhiều giây phút trọng đại của người Việt, như một số đôi đã nên duyên vợ chồng trên chuyến tàu này.

La Croix nhắc lại lịch sử và bối cảnh của việc hàng nghìn người Việt Nam chạy trốn khỏi đất nước lúc bấy giờ. Ngày 08/11/1978, người Pháp hay tin chiếc tàu chở hàng Hai Hong chở 2 564 thuyền nhân miền Nam Việt Nam, nhưng không có một đất nước châu Á nào chấp nhận đón tiếp.

Đây chỉ là một trong nhiều con tàu khác. Vào thời kỳ đó, có hàng trăm nghìn thuyền nhân muốn rời khỏi miền Nam Việt Nam, lãnh thổ trước đây được Hoa Kỳ yểm trợ và sau đó bị chế độ cộng sản miền Bắc Việt Nam chiếm vào năm 1975.

Vài ngày sau khi Sài Gòn thất thủ, vào tháng 5/1975, 3743 người Việt Nam đầu tiên đến Hồng Kông. Để cứu giúp họ, một số trí thức Paris đã nghĩ đến việc lập ra « chiếc tàu cho người Việt Nam ». Một số đã từng ủng hộ miền Bắc trong cuộc chiến chống quân Mỹ.

Trong một bản tin thời sự trên truyền hình, nghệ sĩ Yves Montand phát biểu : « Người Việt Nam đang chết chìm, nên chúng ta phải giúp họ ». Từ đó, chiếc tàu « Đảo ánh sáng » ra đời để đến biển Đông cứu vớt người Việt.

Vào tháng 7/1979, một hội nghị được tổ chức tại Genève để bàn về số phận của những người vượt biên Việt Nam. Hội nghị này lập ra một Hiệp ước giữa Việt Nam, các nước Đông Nam Á cho tỵ nạn trong thời gian đầu và các nước cho phép định cư lâu dài. Indonesia và Philippines thành lập các trung tâm tị nạn tạm thời. Việt Nam hứa hẹn cho phép những người vượt biên có tổ chức. Các nước thứ ba sẽ tăng tốc trong việc tái định cư dân Việt Nam lâu dài.

Từ 07/1979 đến 07/1982, hơn 20 nước như Mỹ, Úc, Pháp và Canada đã tái định cư 623 800 người Đông Dương tị nạn. Về phía mình, chính quyền Việt Nam cho phép người Việt ra đi nếu họ muốn.

Trong năm 1984, có 30 000 người Việt ra đi theo dạng này. Hội nghị này tổ chức việc gửi tàu đến một số nước không tiếp nhận người tị nạn để cứu vớt họ. Trong 5 tháng đầu năm 1979, 81 tàu chuyên chở tổng cộng 4 031 người trên biển, trong đó có con tàu « Đảo ánh sáng ».

Từ năm 1975 đến năm 1990, 67 000 người Việt Nam được cứu vớt trên biển.

Thuyền trưởng con tàu « Đảo ánh sáng » nhận xét : « Người Việt Nam thật sự làm tôi bất ngờ. Có nhiều tài năng khác nhau. Họ rất có tổ chức, có phẩm cách và muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn ». Theo báo La Croix thì Hoa Kỳ là đất nước mà người dân Việt Nam muốn được đến định cư nhiều nhất.

Trung Quốc : sữa ngoại nhiễm khuẩn, các bà mẹ vỡ mộng

Hết các vụ tai tiếng sữa nội địa Trung Quốc nhiễm khuẩn, giờ đây lại đến các nhãn hiệu sữa ngoại tại Trung Quốc. Báo Le Figaro trong mục kinh tế chú ý tình hình này qua bài viết : « Một vụ bê bối sữa mới làm lung lay cả Trung Quốc ».

Tờ báo nhận định, hiện nay, các bậc cha mẹ Trung Quốc không còn biết phải tìm đến loại sữa nào. Do uy tín của sữa nội địa đã mất từ lâu, các bậc phụ huynh tìm đến các loại sữa ngoại, cho dù với giá đắt hơn, nhưng bây giờ lại đến lượt các hiệu sữa này gặp phải bê bối.

Hôm qua 07/08/2013, tổng giám đốc hãng sữa Fonterra của New Zealand đã khẳng định một số sản phẩm nhiễm vi khuẩn có thể gây chứng liệt và gây tử vong cho trẻ sơ sinh đã được thu hồi khỏi thị trường sữa. Vụ bê bối này đã bắt đầu khiến các bà mẹ lo ngại khi mua sữa ngoại.

Từ thứ hai vừa rồi, tổng giám đốc hãng sữa Fonterra, Theo Spierings đã giải thích và xin lỗi người tiêu dùng ở Bắc Kinh.

Thêm vào đó, Fonterra cùng với hai hãng sữa phương Tây khác còn bị phạt nặng vì đã nâng giá trên thị trường. Tờ báo nhận định, đây là tuần lễ đen tối của các công ty sữa ngoại. Hãng sữa Mead Johnson Nutrition của Mỹ phải trả 33 tỷ đô la.

Sự trùng hợp giữa vụ bê bối của hãng Fonterra vừa xảy ra cùng lúc với chiến dịch phạt các công ty sữa đã nâng giá sản phẩm trên thị trường, chủ yếu là các hãng ngoại quốc làm một số người nghi ngờ đây là chiến dịch của Trung Quốc nhằm làm bại hoại danh tiếng của các hãng sữa ngoại.

Thứ hai 05/08/2013, tờ Nhân dân nhật báo đã đăng nhiều bài đánh bóng lại tên tuổi các hãng sữa nội. Một giáo sư đại học phát biểu : « Đây không phải là việc thiên vị ai cả mà là vấn đề về sức khỏe cộng đồng ».

Theo nhận định của các cư dân mạng, cuộc khủng hoảng khiến không ai tin vào sữa ngoại nữa, nhưng không có nghĩa là nó vực dậy uy tín của các hãng sữa nội Trung Quốc. Một blogger nhận xét : « Fonterra đã nhìn nhận trách nhiệm của mình. Nhưng khi một công ty Trung Quốc đứng trước một vấn đề chất lượng, thì họ luôn tìm cách tránh né và không thừa nhận ».

Nhật báo động rò rỉ chất phóng xạ tại Fukushima

Sự cố rò rỉ chất phóng xạ tại Fukushima, Nhật Bản tiếp tục được báo chí Pháp hôm nay quan tâm. Báo Le Monde thông báo : « 300 tấn nước nhiễm chất phóng xạ chảy ra biển hàng ngày ». Tờ báo nhận định : « thái độ chối bỏ và che đậy của tập đoàn Tepco chỉ làm cho dân chúng thêm lo ngại ». Báo Le Figaro cũng đăng bài : « Nhật báo động rò rỉ chất phóng xạ tại Fukushima ».

Báo Libération thì dành hai trang lớn nói về đề tài này qua bài viết : « Fukushima lại trở thành đề tài trung tâm ». Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết : « Thay vì dựa vào tập đoàn Tepco, chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp ». Ông còn nói thêm là muốn đảm bảo rằng « tập đoàn điện lực Tepco quản lý một cách phù hợp việc tẩy rửa trung tâm hạt nhân ». Công việc này có lẽ sẽ phải kéo dài hơn 40 năm và tốn hết 11 tỷ đô la. Số tiền dành cho việc này vẫn chưa được công bố, nhưng nó sẽ có tác động đến ngân sách năm 2014.

Paul J.Scalise, nhà kinh tế học và chuyên gia năng lượng tại đại học Tokyo phân tích : « Ngay sau khi xảy ra sự cố Fukushima, Tepco đã nhận được khoản vay 200 tỷ yên (15,5 tỷ euro) từ 4 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, số tiền đó không đủ, vì Tepco còn phải chi tiêu cho việc nhập khẩu dầu hỏa và bồi thường cho nạn nhân của tai nạn. Để có được số tiền này, chỉ có thể tăng giá điện, mà hiện tại giá điện tại Nhật đã thuộc loại cao nhất thế giới ».

Tờ báo đặt câu hỏi : tại sao lại không nhờ thế giới trợ giúp ? Câu trả lời là Nhật xem đây là vấn đề danh dự của đất nước, theo như phân tích của Alieen Mioko Smith, giám đốc tổ chức chống hạt nhân GreenAction.

Mỹ-Nga : hơi hướng chiến tranh lạnh

Việc Nga cấp giấy tị nạn cho cựu nhân viên tư vấn Mỹ Snowden gây nhiều sóng gió cho mối quan hệ Mỹ-Nga vốn đã không êm thấm. Ngày hôm nay, báo chí đồng loạt quan tâm đến việc tổng thống Mỹ Obama hủy chuyến công du đến Nga gặp tổng thống Putin trước thềm hội nghị G20 sẽ diễn ra tại St-Pétersbourg đầu tháng 9.

Nguyên nhân, theo báo Le Figaro, là thiếu « tiến triển » trong mối quan hệ song phương giữa hai nước. Đặc biệt là quyết định của Nga cho phép Snowden tị nạn làm cho Washington thịnh nộ. Tờ báo dùng từ « thất vọng » để chỉ thái độ của Nga. Trên trang nhất báo Le Figaro chạy dòng tựa : « Tức giận, tổng thống Obama hủy cuộc gặp tổng thống Putin ».

Báo L’Humanité cũng quan tâm đến sự kiện này qua bài viết : « Snowden : Obama dỗi Putin ». Báo La Croix thì nhận định : việc tổng thống Obama hủy cuộc gặp tổng thống Putin giống như một cái tát mạnh vào chủ nhân điện Kremlin. Giữa hai nước, căng thẳng đã dâng cao trên mọi hồ sơ. Hơn nữa, những mối bất hòa gần đây nhất giữa hai nước là trên lĩnh vực kinh tế.

Washington cáo buộc Matxcơva đã không tôn trọng các cam kết từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nhưng tờ báo nhấn mạnh rằng các căng thẳng về tự do nhân quyền mới là con sóng lớn nhất trong mối quan hệ song phương. Gần đây nhất là vụ kết án nhà đối lập Navalny và luật cấm tuyên truyền đồng tính với trẻ vị thành niên.

Quốc hội Mỹ lo ngại về hậu quả của đạo luật này tại thế vận hội mùa đông vào tháng 2/2014. Một số vận động viên hay cổ động viên có thể bị bắt giữ nếu họ vô tình đề cập đến chủ đề đồng tính một cách quá thẳng thắn. Báo Libération thì nhận định thấy hơi hướng của một cuộc chiến tranh lạnh giữa Obama và Putin.

Cháy rừng tại khu vực Địa Trung Hải tăng

Trong hồ sơ môi trường, báo le Monde hôm nay quan tâm đến khí hậu và điều kiện sinh sống đang gây nên những nguy cơ cháy rừng tại khu vực Địa Trung Hải. Theo tờ báo, tại vùng Valence, thuộc Tây Ban Nha, trong vòng 40 năm qua, các vụ cháy rừng đã tăng gấp đôi và diện tích rừng bị cháy đen tăng gấp 8 lần.

Báo Le Monde cho biết mỗi mùa hè, rừng Địa Trung Hải bị cháy nghiêm trọng. Trong 5 quốc gia châu Âu bị thiệt hại, nặng nhất là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Hy Lạp, trung bình 500 000 hecta bị ngọn lửa thiêu rụi hàng năm.

Về phía Pháp, do được ưu đãi có mưa nhiều về mùa xuân, nên tương đối ít bị cháy đầu năm này, với chưa đầy 700 hecta bị cháy trong số 424 vụ.

Báo Le Monde nhận định trong các thập niên tới, nạn cháy rừng còn gia tăng hơn nữa. Có hai nguyên nhân. Thứ nhất là do khí hậu trái đất nóng lên, biểu hiện là nắng hạn kéo dài. Thứ hai là mật độ thành thị cao. Người dân bỏ nông thôn lên thành thị. Đất đai canh tác thu hẹp, đất bị bỏ hoang và sau đó thành rừng.

Tóm lại, cháy rừng gia tăng là do các nguyên nhân thay đổi khí hậu, xã hội và kinh tế. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu châu Âu (FUME) sẽ được công bố vào cuối tháng 11.

Kinh tế Pháp bị thiệt hại do thiên tai gây nên

Báo kinh tế Les Echos hôm nay cũng đặc biệt quan tâm đến thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại cho nền kinh tế Pháp qua bài viết : « Các cơn giông đánh lên kinh tế của nhiều tỉnh thành ». Theo tờ báo, sấm sét, giông gió, mưa đá đã hủy hoại hàng nghìn hecta đất trồng trọt từ 15 ngày nay.

Phía Tây Nam của Pháp, hàng nghìn hộ gia đình không có điện để xài.


Switch mode views: