Việt Nam đang lúng túng trong vụ Trịnh Xuân Thanh
- Thứ Tư, 27 tháng Chín năm 2017 02:18
- Tác Giả: RFA
Màn hình TV chiếu hình ông Trịnh Xuân Thanh trên VTV ở Hà Nội hôm 4/8/2017
AFP
Ngày 22 tháng 9 vừa qua, Bộ Ngoại giao Đức ra thông báo mới cho biết sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vì Việt Nam đã không đáp ứng được yêu cầu của Đức sau khi bắt cóc cựu quan chức Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh hồi cuối tháng 7 vừa qua.
Đức đồng thời cũng trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao mới của Việt Nam vì có liên quan đến vụ việc.
Hành động mới từ phía chính phủ Đức đang đặt Việt Nam vào một tình thế khó trong việc giải quyết vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thể trao trả Trịnh Xuân Thanh hay không và nếu có thì bằng cách nào?
Tạm dừng quan hệ đối tác với Đức có tác động gì lên Việt Nam?
Vụ chính phủ Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một quan chức chính phủ bị truy nã vì cáo buộc tội tham nhũng, tại ngay trên đất Đức đang khiến cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng mà đỉnh điểm gần đây nhất là thông báo tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được Bộ Ngoại giao Đức đưa ra hôm 22 tháng 9.
Trong thông báo này, Bộ Ngoại giao Đức ghi rõ ‘vì lý do cho tới nay phía Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi cũng như không thừa nhận việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin nên chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp tiếp theo’.
Thông báo viết rõ phía Đức đã thông báo cho phía Việt Nam quyết định tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược và trục xuất thêm một cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.
Ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra hôm 23 tháng 7 tại thủ đô Berlin, ngày 2/8 Bộ Ngoại giao Đức đã ra thông cáo lên án hành động này, gọi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Đức, đồng thời trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam được cho là có liên quan đến vụ bắt cóc này.
Phía Việt Nam sau đó vào hôm 3/8 đã lên tiếng phản đối tuyên bố của chính phủ Đức và cho biết Trịnh Xuân Thanh đã tự ra đầu thú theo thông báo của Bộ Công an hôm 31 tháng 7.
Về tuyên bố mới của chính phủ Đức, nhà ngoại giao kỳ cựu đã từng có thời ở Việt Nam, David Brown nhận xét với đài Á Châu Tự Do qua email như sau:
Việc chính phủ Đức thông báo tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam chỉ mang tính hình thức.
Đức vẫn nói là tiếp tục duy trì quan hệ bình thường với Việt Nam nhưng chỉ không trao cho Việt Nam các đối xử đặc biệt.
Nếu nước Đức nói rõ là sẽ trì hoãn thanh toán các khoản tiền đã hứa cho Việt Nam thì hành động này của Đức sẽ còn hơn cả tính biểu tượng.
Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011. Hợp tác giữa hai nước được triển khai trên nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội….
Đức hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam vào Đức đạt giá trị gần 6 tỷ đô la.
Đức hiện cũng là nhà viện trợ ODA lớn và thương xuyên cho Việt nam.
Từ năm 1990 đến nay Đức đã dành cho Việt Nam khoảng 2 tỷ đô la viện trợ ODA. Đức cũng cam kết dành cho Việt Nam 600 triệu euro ODA trong giai đoạn từ 2015 đến 2017.
Nhận định về quyết định mới của chính phủ Đức để trừng phạt Việt Nam, giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc cho rằng động thái này còn hơn cả tính biểu tượng.
Tôi không nghĩ nó chỉ mang tính biểu tượng…. sắp tới sẽ có một loạt những thời hạn cho một loạt các chương trình trợ giúp giữa chính phủ Đức với Việt Nam và những trao đổi.
Việt Nam đã được cảnh báo bởi phía Đức và được yêu cầu là phải gửi trả lại Trịnh Xuân Thanh và nếu Việt Nam từ chối thì trong danh sách của Đức có những thỏa thuận và trao đổi đến lúc phải ký tiếp thì những chương trình đó có thể bị ảnh hưởng, và thậm chí là cả Hiệp định tự do thương mại FTA nữa mặc dù hiệp định này phải có sự đồng ý của quốc hội của tất cả các nước EU.
Ngoài ra theo giáo sư Carl Thayer, việc Việt Nam không đáp ứng yêu cầu từ phía Đức cũng ảnh hưởng đến cơ hội dành được chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 vì sẽ không dành được sự ủng hộ của Đức.
Tuy nhiên giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng phía Đức sẽ không làm quá mức để chấm dứt toàn bộ quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Tôi nghĩ chiến lược của là Đức sẽ làm không có gì quá lớn và quá nhanh ngay lập tức để sau đó họ không thể rút lại được hay xoay sở được.
Nhưng rõ ràng là trong toàn bộ quan hệ hai nước thì có nhiều những thỏa thuận sẽ sắp hết hạn hoặc cần ký tiếp hoặc có những chương trình đã định trong tương lai thì Đức có thể xóa.
Nhưng phía Đức sẽ phải cân nhắc từng cái một để cho phía Việt Nam thấy được cái giá phải trả.
Tất nhiên là họ không chấm dứt quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Nhưng vào lúc này thì quá khó để Việt Nam đưa ông ta lên máy bay trở về Đức và thừa nhận mình sai. – GS. Carl Thayer
Lối thoát nào cho Việt Nam?
Sau khi vụ bắt cóc xảy ra, phía Đức đã tiến hành điều tra và sau đó bắt giữ một nghi phạm người Đức gốc Việt được cho là thuê và lái chiếc xe chở nhóm mật vụ Việt Nam đến bắt Trịnh Xuân Thanh.
Phía Đức cũng đưa ra các yêu cầu về áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế.
Tuy nhiên theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức hôm 22 tháng 9, cho đến lúc này phía Việt Nam vẫn không xác nhận là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức và cũng không xin lỗi hay cam kết sẽ không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của Đức đang đặt Việt Nam vào một tình thế khó trong việc giải quyết vụ Trịnh Xuân Thanh, vì trả Trịnh Xuân Thanh về Đức thì mất mặt mà không trả thì cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn này nếu Việt Nam không có phản ứng tích cực thì những giới hạn mà Đức đưa ra sẽ tiếp tục cho đến khi trường hợp Trịnh Xuân Thanh được giải quyết. Tôi không biết là họ sẽ giải quyết thế nào nhưng có những ám chỉ rằng ông ta (Trịnh Xuân Thanh) sẽ khai ra những quan chức khác và sau đó ông ta sẽ không bị trừng phạt nặng nề vì đã hợp tác.
Đó là một cách. Và một khi ông ta không còn chịu các cáo buộc hình sự thì Việt Nam có thể cho ông ta rời đất nước và họ có thể báo với Đức.
Nhưng vào lúc này thì quá khó để Việt Nam đưa ông ta lên máy bay trở về Đức và thừa nhận mình sai.
Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, phía Đức cũng nói đến yêu cầu Việt Nam phải khẳng định sẽ xử lý những người có trách nhiệm trong vụ bắt cóc.
Tuy nhiên đến giờ phút này Việt Nam chưa có thông tin chính thức đã hay sẽ xử lý bất cứ người nào có liên quan vì Việt Nam vẫn công khai nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú.
Vì vậy, theo giáo sư Carl Thayer, khả năng Việt Nam trừng phạt bất cứ ai liên quan đến vụ bắt cóc như yêu cầu của Đức là rất khó xảy ra.
Mặt khác điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt nam phải tự nguyện trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức, điều mà Việt Nam hiện không muốn.
Tin mới
- Ân Xá Quốc Tế lo ngại Interpol bị Trung Quốc thao túng - 29/09/2017 16:53
- Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc với trọng tâm là Bắc Triều Tiên - 28/09/2017 20:19
- Trung Quốc cố chiêu dụ các nước ASEAN - 28/09/2017 20:03
- Tướng Mỹ: Quốc gia đe dọa Mỹ nhất không phải là Triều Tiên - 28/09/2017 02:58
- Venezuela: Đối lập từ chối đàm phán với chính phủ - 28/09/2017 02:34
- Bruxelles hoan nghênh kế hoạch cải tổ châu Âu của tổng thống Pháp - 28/09/2017 02:27
- Thái Lan kết án cựu thủ tướng Yingluck 5 năm tù - 28/09/2017 02:19
- Ngoại trưởng Mỹ, Cuba trao đổi “thẳng thắn” các vụ tấn công thính giác - 28/09/2017 01:54
- Mỹ: Donald Trump hứa "giải quyết" khủng hoảng Bắc Triều Tiên - 27/09/2017 19:08
- Cam Bốt : Lãnh đạo đối lập Kem Sokha bị từ chối tại ngoại hầu tra - 27/09/2017 04:24
Các tin khác
- Trung Quốc không được tự tiện bắt tội phạm trên đất Úc - 26/09/2017 23:27
- Macron trình bày kế hoạch " tái thiết" châu Âu - 26/09/2017 19:09
- Venezuela bác bỏ sắc lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ - 26/09/2017 18:10
- Trung Quốc phạt nặng những trang Web lớn - 26/09/2017 15:53
- Hội Đồng Bảo An chuẩn bị họp về hồ sơ Rohingya - 26/09/2017 14:17
- Irak : Kurdistan căng thẳng chờ kết quả trưng cầu dân ý về độc lập - 26/09/2017 14:10
- Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ tuyên chiến, Washington phủ nhận - 26/09/2017 14:02
- Đức đình chỉ đối tác chiến lược: Liệu Tổng Bí thư có để cho Thủ tướng Phúc ngồi yên? - 26/09/2017 03:33
- Kurdistan trưng cầu dân ý bất chấp áp lực - 25/09/2017 22:21
- Catalunya đòi độc lập, tiềm ẩn một tiền lệ nguy hiểm cho châu Âu - 25/09/2017 22:13