Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nam-Bắc Hàn: Chiến tranh, hay chuẩn bị chiến tranh?


NAM HÀN (NV) - Ngay sau khi Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 7 tháng 3 biểu quyết đồng thuận một loạt những biện pháp cấm vận mới để trừng phạt Bắc Hàn về việc thử nghiệm nguyên tử vi phạm công ước quốc tế, nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un phản ứng bằng cách ra lệnh triển khai quân đội tới vùng biên giới đình chiến với Nam Hàn để chuẩn bị chiến tranh.

NorthKorea thisat

 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Bắc Hàn đến thăm một đơn vị quân đội ở biên giới Tây Nam, dùng viễn kính quan sát đảo Tayeonphyong của Nam Hàn, hôm Thứ Năm 7 tháng 3, 2013. Hình do thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn phổ biến. (Hình: KNS/AFP/Getty Images)

 

Thể hiện thêm thái độ thách thức, Kim chọn một địa điểm có ý nghĩa nhạy cảm để công khai ban lệnh cho quân đội. Ðó là căn cứ quân sự đối diện qua eo biển với đảo Yeonpyeong năm 2010 Bắc Hàn đã pháo kích chết 4 người và bị thương 19 người.
Ngoài ra, Kim ngưng đường liên lạc “nóng” Bắc-Nam, có mục đích làm dịu căng thẳng trong những trường hợp xảy ra khủng hoảng bất ngờ, và đồng thời tuyên bố hủy bỏ nhiều cam kết bất xâm phạm trước đây giữa hai bên.

Mặc dầu vậy, hầu hết các quan sát viên am hiểu tình thế đều tin rằng khó có thể tin là Bắc Hàn sẽ phát động chiến tranh.

Nam Hàn được sự bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ và một lực lượng quân đội Hoa Kỳ vẫn đồn trú tại đây từ 60 năm trước khi thỏa hiệp ngừng bắn Bắc-Nam được ký kết năm 1953.
Quân lực 1.2 triệu của Bắc Hàn chưa phải là ưu thế tuyệt đối trong cuộc đụng độ với quân đội Nam Hàn và Hoa Kỳ có trang bị vũ khí hiện đại hơn.

Nếu Bắc Hàn dùng đến vũ khí nguyên tử, điều mà các giới tình báo hoài nghi về khả năng, họ sẽ chắc chắn thua thiệt.

Tuy nhiên bà Park Geun-hye, tân tổng thống Nam Hàn, vẫn mô tả tình thế là “rất nghiêm trọng” và cam kết sẽ “ứng phó mạnh mẽ trước sự khiêu khích của Bắc Hàn”.

Daniel Pinkston thuộc nhóm nghiên cứu Khủng Hoảng Quốc Tế ở Seoul cho rằng mục tiêu của Bắc Hàn không phải là chiến tranh mà chỉ muốn áp lực Hoa Kỳ và các quốc gia khác rút lại việc cấm vận. Nhưng theo ông vẫn có một rủi ro đáng lo ngại là đụng độ có thể bất ngờ xảy ra ngoài dự tính do cả hai bên đều gia tăng mức độ báo động.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm Thứ Sáu lên tiếng kêu gọi hai bên Bắc Hàn và Nam Hàn bình tĩnh và kềm chế tránh leo thang căng thẳng bằng hành động cũng như bằng lời lẽ.

Tuy vậy từ lâu đã thấy rằng trong thực tế Trung Quốc dù là nước đồng minh duy nhất, không có ảnh hưởng nhiều với Bắc Hàn như người ta vẫn nghĩ.

Ðiều này không lạ vì Bắc Hàn ở vào thế cô lập hoàn toàn với cộng đồng quốc tế và chắc chắn họ muốn đòi hỏi ở nước đồng minh duy nhất nhiều hơn những gì mà Trung Quốc chỉ dành cho họ có giới hạn.
Như vậy Bắc Hàn có thể có nhiều bất mãn với nước đồng minh vĩ đại mà họ không thể nào tin cậy, nhưng đồng thời không thể từ bỏ.

Chương trình phát triển nguyên tử của Bắc Hàn là một sự kiện phiền phức cho Trung Quốc.
Một mặt, Trung Quốc không thể đồng tình vì đi ngược với công ước quốc tế mà Trung Quốc đã thỏa thuận.
Mặt khác, nếu Bắc Hàn trở thành một nước có vũ khí nguyên tử thì không phải là đe dọa cho Trung Quốc, nhưng có thể khiến các quốc gia khác như Nhật Bản, Nam Hàn phát triển nguyên tử, hoặc ít nhất sẽ làm cho khu vực Ðông Bắc Á Châu trở nên bất ổn và đó không phải là lợi ích gì với Trung Quốc.

Nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn vừa được toàn thể 15 nước thành viên Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đồng thuận, đã được Hoa Kỳ soạn thảo và thương lượng với Trung Quốc qua ba tuần lễ.

Phản ứng của Bắc Hàn đối với nghị quyết, trên bề mặt là sự chống Hoa Kỳ và Nam Hàn, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự bất mãn và chống đối Trung Quốc.
Bằng thủ đoạn chính trị, đó là lời cảnh cáo Trung Quốc rằng Bắc Hàn sẽ có thể đi ra ngoài quỹ đạo của Trung Quốc nếu không được những hỗ trợ khác để bù đắp.
 Và khi quốc gia cô lập nhất thế giới này đã rời khỏi nước đồng minh vĩ đại của họ thì bắt buộc phải tìm kiếm những mối quan hệ khác. Ðấy là điều Trung Quốc không mong muốn nhưng cũng rất khó khăn để tìm ra giải pháp thỏa đáng cho mình.

Cũng nên thấy là trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Nam Hàn không phải là đối tượng hay cứu cánh của Bắc Hàn, chỉ là phương tiện mà Bắc Hàn sử dụng cho những mục tiêu khác.

Quân lực Bắc Hàn mới đây đã đe dọa sẽ phá bỏ thỏa hiệp đình chiến nếu cuộc tập trận chung giữa quân đội Nam Hàn và quân đội Hoa Kỳ được tiến hành vào ngày Thứ Hai sắp tới.

Hai miền Bắc Hàn-Nam Hàn chưa bao giờ ký hiệp ước hòa bình và với thỏa hiệp đình chiến 1953, trên nguyên tắc không thể coi là chiến tranh đã chấm dứt. Dù khó tin là Bắc Hàn mở cuộc chiến tranh, nhưng với một chế độ hoàn toàn khép kín suốt hơn nửa thế kỷ qua và trong quá khứ đã có không ít những động thái bất ngờ, thì nếu sắp tới đây chuyện gì lớn nhỏ xảy tới cũng không nên ngạc nhiên.
Sự chuẩn bị sẵn sàng của Nam Hàn và Hoa Kỳ trong lúc này là hợp lý. (H.C.)

Switch mode views: