Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bắc Kinh sợ tin đồn tràn lan đe dọa cải cách quân đội

china-military-protests 2


Cựu chiến binh Trung Quốc biểu tình trước cửa trụ sở bộ Quốc Phòng, Bắc Kinh, 11/10/2016
REUTERS/Thomas Peter

Tiếp theo vụ hàng trăm cựu quân nhân biểu tình đòi quyền lợi tại Bắc Kinh, hôm thứ Ba 11/10/2016, buộc chính quyền phải đưa ra nhiều hứa hẹn để trấn an, hôm nay 14/10, báo Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc có bài viết lên án tình trạng tin đồn tràn lan đe dọa « tiến trình cải cách » trong quân đội, vừa khởi sự theo chủ trương của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Reuters, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc khẳng định tin đồn về các cải cách trong quân đội đang tràn ngập các mạng xã hội, với đủ loại thông tin « hoang đường và không có cơ sở » về nguy cơ « quân nhân xuất ngũ có thể bị cắt giảm hưu bổng », khiến nhiều quân nhân « mất tỉnh táo », không còn phân biệt được thực giả.

Theo báo Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, « các thế lực đối kháng » sử dụng các biện pháp như vậy để « gieo rắc hỗn loạn » nhằm cản trở cải cách, tuy nhiên không chỉ rõ đây là các thế lực nào.

Cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc cũng khuyến cáo binh sĩ không được tin vào tin đồn, mà chỉ tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống trong quân đội.

Chính quyền Tập Cận Bình vừa khởi sự cuộc cải cách được coi là chưa từng thấy trong quân đội Trung Quốc, dự kiến sẽ kéo dài năm năm, mà một trong các mục tiêu chủ yếu là gia tăng sức mạnh can thiệp của hải quân và không quân Trung Quốc bên ngoài biên giới, đặt trọng tâm vào các vũ khí hiện đại.
Để có tiền cho cải cách, Bắc Kinh quyết định cắt giảm 300.000 binh sĩ, chiếm 13% quân số của quân đội Trung Quốc, đồng thời với việc thanh trừng nhiều lãnh đạo cao cấp, bị cáo buộc tham nhũng, lũng đoạn.

Đợt cắt giảm quân số lớn này khiến nhiều quân nhân lo ngại bị chính quyền bỏ rơi, đúng vào lúc kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn đầy bất trắc sau hơn hai thập niên tăng trưởng không ngừng.

Nhiều quân nhân giải ngũ, ít được đào tạo, gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc làm và thích nghi với đời sống xã hội.
Trong những năm vừa qua, trên khắp đất nước Trung Quốc đã có hàng chục ngàn cựu quân nhân biểu tình để đòi hỏi quyền lợi và phản đối các quan chức tham nhũng.

Cựu chiến binh lên án chính quyền tham nhũng

Trở lại với cuộc biểu tình chưa từng thấy của giới cựu chiến binh hôm thứ Ba, 11/10/2016, trước cửa trụ sở bộ Quốc Phòng Trung Quốc, với cả ngàn người tham gia (10.000 người theo AFP), thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh đã tiếp xúc được với một người trong số bị « bỏ rơi » này.

Nỗi sợ bị gạt ra bền lề của các quân nhân trong hiện tại đã tìm được đồng cảm của rất nhiều cựu chiến binh từng bị bạc đãi trong suốt hàng chục năm qua.
« Ngày các cựu quân nhân biểu tình, ông Dương đã muốn đến tận nơi tham gia cùng với đồng đội của mình nhưng vô hiệu, cảnh sát đã dùng võ lực đuổi ông ra xa.

Ông kể lại : ‘‘ Tôi nhập ngũ năm 1976, làm cán bộ hành chính trong đơn vị. Khi tôi rời quân đội, chính tôi phải tự tìm lấy công việc làm.
Trước đây thì người ta dành việc làm cho cựu quân nhân trong các nhà máy của Nhà Nước, nhưng sau khi Trung Quốc mở cửa, nhiều nhà máy đã đóng cửa và nhiều cựu chiến binh bị lâm vào cảnh thất nghiệp, phải sống nhờ vào con cái.
Hoàn cảnh của chúng tôi đã gây sốc đối với nhiều thanh niên mới nhập ngũ ’’.

Người cựu quân nhân 59 tuổi này không chỉ trích những cải cách mà chính quyền trung ương thực hiện, mà còn tố cáo các chính quyền địa phương tham nhũng, luôn ưu tiên cho người thân trước khi cung cấp việc làm cho những cựu chiến binh.

‘‘Chúng tôi đã đáp lại lời kêu gọi của quân đội để bảo vệ tổ quốc. Trong số chúng tôi có những người thương phế binh.
 Nhưng ngày nay đất nước đã bỏ rơi chúng tôi, đã phản bội chúng tôi. Nhưng ai cũng phải ăn để sống, chúng tôi cần tiền trợ cấp, cần bảo hiểm y tế.
Tôi hối hận là đã đáp lời kêu gọi của quân đội, chúng tôi là những người bị bỏ quên của quân đội. Chính quyền không hề cho tôi một đồng xu nào cả’’.

Người cựu quân nhân tuyệt vọng này đã xin giấu tên và ông đã không sai.
Không lâu sau khi chúng tôi đi, công an đã đến tận nhà ông để truy hỏi. Công cuộc cải cách Quân Đội Trung Quốc quả là một chủ đề nhạy cảm ».

Switch mode views: