Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-01-2018

Không chiến cũng chẳng hòa : Chiến lược Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
vanhkhan 01

 

Không ảnh ngày 11/05/2015 cho thấy Trung Quốc hối hả đào đắp đảo nhân tạo tại Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa.
REUTERS/Ritchie B. Tongo/Pool/File Photo

Tuần báo Anh The Economist dành chủ đề cho « Cuộc chiến sắp tới », với nhiều bài viết nói về sự cạnh tranh về công nghệ và địa chính trị đang làm thay đổi bộ mặt của chiến tranh.

 Riêng trong bài « Sắc xám : Không chiến cũng chẳng hòa », tờ báo phân tích về chiến lược nhập nhằng để giành chiến thắng, chẳng hạn như thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trực diện đối đầu quân đội Mỹ sẽ là tự sát

Một nhân tố chính trong chiến lược của Trung Quốc là « hiểu rõ kẻ thù ». Các tướng lãnh tại Học viện Khoa học Quân sự ở Bắc Kinh nghiên cứu mọi phương diện về chiến tranh với Hoa Kỳ trong thập niên 80, và kết luận rằng mặc dù Trung Quốc đã khai thác được các công nghệ mới nhằm « tin học hóa » chiến tranh, nhưng vẫn không thể đối đầu trực diện với quân đội Mỹ cho đến giữa thế kỷ 21.
 Nếu hành động sớm hơn sẽ là tự sát.

Thế nên các tướng Trung Quốc và Nga, rất ấn tượng với các cuộc tấn công chính xác của Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, đã tìm cách giành thắng lợi về chính trị và lãnh thổ mà không phải vượt qua ngưỡng cửa của một cuộc chiến tranh công khai.
Họ hình dung ra một « vùng xám » trong đó các cường quốc như Nga, Trung Quốc và Iran có thể tấn công và cưỡng bức mà không bị nguy cơ leo thang hay trừng trị. Ông Mark Geleotti, Viện Quan hệ Quốc tế ở Praha gọi cung cách này là « địa chính trị du kích ».

Điểm chính của vùng xám là đủ nhập nhằng để đối thủ không biết phải phản ứng thế nào. Nếu ít quá, có thể thất bại, còn nếu làm quá trớn, thì có nguy cơ phải chịu trách nhiệm về việc leo thang.

Theo Hal Brands, Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, chiến thuật vùng xám « thường được che giấu trong các thủ thuật bóp méo thông tin, dối trá, bằng một cách khó thể quy trách nhiệm ».
Chiến thuật này được tiến hành với một loạt công cụ, từ tấn công tin học cho đến tuyên truyền, nổi dậy, bắt bí về kinh tế, phá hoại, tài trợ cho các lực lượng ủy nhiệm và bành trướng quân sự.

Chiến lược vùng xám : Địa chính trị kiểu du kích

Các ví dụ điển hình nhất cho chiến lược vùng xám là việc Nga can thiệp vào Ukraina, thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, và việc Iran giựt dây lực lượng dân quân để thiết lập vòng cung ảnh hưởng từ Syria đến Liban.
Cả ba nước này đều e ngại sức mạnh quân sự của phương Tây, nhưng cũng nhận ra những lỗ hổng có thể khai thác.

Chiến lược vùng xám của Nga nhằm làm lung lay lòng tin nơi các định chế phương Tây, cổ vũ các phong trào dân túy qua việc can thiệp vào bầu cử, sử dụng thủ thuật máy tính để gây tranh cãi, tung tin thất thiệt, tạo thành kiến trên mạng xã hội.
Nếu các vụ tấn công tin học của Nga đã đóng góp vào thắng lợi của ông Donald Trump, chúng cũng thành công trong các mục tiêu rộng hơn.

Tuy không có bằng chứng về bàn tay của Bắc Kinh trong các vụ tin tặc tấn công theo kiểu Nga, nhưng hàng năm có hàng trăm triệu thông tin gây nhiễu trên mạng xã hội, tấn công vào các giá trị phương Tây, nuôi dưỡng xu hướng dân tộc chủ nghĩa.

Việc Donald Trump đắc cử cũng đã phục vụ cho mục đích của Trung Quốc. Từ bỏ hiệp định TPP, ông Trump đã tự gỡ bỏ thách thức cho chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc trong khu vực.
Việc chống đối tự do mậu dịch, rút khỏi hiệp định khí hậu Paris đã giúp Tập Cận Bình đóng vai người bảo vệ trật tự quốc tế.

Còn với Iran, sự thiếu vắng chiến lược lâu dài của Mỹ tại Trung Đông đã tạo ra cơ hội lớn cho Teheran.
 Iran phối hợp giữa quyền lực mềm về tín ngưỡng và quyền lực cứng quân sự, huấn luyện và trang bị cho dân quân Shia để biến Irak và Syria thành một thứ thuộc địa.
Thành công của chiến lược vùng xám tùy thuộc vào sự kiên nhẫn và khả năng trộn lẫn tất cả các công cụ của Nhà nước, mà các xã hội dân chủ, đa phương không thể làm được.

 Chẳng hạn như ở Ukraina, Nga sử dụng nhiều kỹ thuật tuyên truyền tinh vi để khuấy động những bất bình tại chỗ và hợp pháp hóa hành động quân sự, tấn công tin học vào mạng lưới điện, cắt nguồn khí đốt cung cấp, đưa những đoàn quân không phiên hiệu vào Crimée, yểm trợ vũ khí và nhân lực cho phe ly khai, hăm dọa leo thang kể cả việc sử dụng hạn chế vũ khí nguyên tử.

Tất cả nhằm ngăn cản mọi toan tính trả đũa của phương Tây. Mỗi lần vấn đề bán vũ khí phòng vệ cho Ukraina được nêu ra ở Washington, ông Putin lại đe dọa đẩy mạnh một cuộc chiến mà ông ta bảo là không tham gia.

Mục tiêu của Nga không phải là « thắng » cuộc chiến với Ukraina, mà làm đảo ngược xu hướng rời khỏi quỹ đạo Nga, răn đe các nước khác như Belarus, khích động dân tộc chủ nghĩa và tâm lý chống phương Tây.

Trung Quốc và « vùng xám đen » trên Biển Đông

Chiến lược vùng xám của Trung Quốc nhằm xác lập quyền kiểm soát Biển Đông và quyền tài phán đối với các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông thì diễn ra từ rất lâu, và màu xám càng đậm hơn theo với thời gian, khi sự tự tin và sức mạnh của Bắc Kinh tăng lên.
Từ năm 2009, Trung Quốc đã trưng ra bản đồ đường 9 đoạn tại Liên Hiệp Quốc, đòi hỏi « chủ quyền không thể tranh cãi » trên 90% diện tích Biển Đông.

Chuyên gia James Holmes của Naval War College, Hoa Kỳ mô tả đây là « ngoại giao cây gậy nhỏ » (trái ngược với chiến lược « cây gậy lớn » thông qua lực lượng Hải quân quy ước).
Trung Quốc huy động lực lượng tuần duyên và dân quân đông đảo, trang bị tận răng, trà trộn vào đội tàu đánh cá để đẩy các quốc gia ven biển ra khỏi vùng biển thuộc quyền lịch sử của họ.

Các nước láng giềng đành cắn răng chấp nhận sự áp bức của Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc vẫn tránh được việc đối đầu trực diện với các chiến hạm Mỹ, vì không muốn xảy ra sự cố.
Năm 2013, khi Trung Quốc dấn thêm một bước qua việc xây dựng các đảo nhân tạo tại Hoàng Sa và Trường Sa, Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Biển Đông.

 Nhưng năm 2017, các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế công bố đã cho thấy những kho chứa các giàn hỏa tiễn, thiết bị radar quân sự đã được thiết lập trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi ở Trường Sa, và sắp tới sẽ đến lượt các chiến đấu cơ.
Ngược với chiến tranh truyền thống, chiến lược vùng xám không tạo ra kết quả mang tính quyết định trong một thời gian nhất định.

 Tuy nhiên cả Nga và Trung Quốc đều đã chứng tỏ rằng một cuộc chiến tranh hỗn hợp, nếu không bị đẩy đi quá xa, có thể đạt đến các kết quả lâu dài mà chẳng tốn kém gì cả.
Chuyên gia Brands cho rằng không có lý do gì mà Hoa Kỳ và các đồng minh lại không sử dụng chiến lược tương tự.
Mỹ sở hữu các công cụ kinh tế và tài chính quan trọng, cùng với vũ khí tin học, các lực lượng đặc nhiệm tài giỏi, mạng lưới liên minh và quyền lực mềm vô địch.

Tuy nhiên những lợi thế này dễ dàng bị lãng phí. Không có sự cam kết của Mỹ đối với trật tự thế giới và quyền lực cứng để tự vệ trước những thách thức, nguy hiểm sẽ tăng lên, và tương lai chiến tranh sẽ cận kề hơn là chúng ta nghĩ.

Aung San Suu Kyi : Bệnh «ngạo mạn quyền lực» ?

Liên quan đến châu Á, Le Monde Magazine cho biết « Một nhà cựu ngoại giao Mỹ tố cáo thái độ của bà Aung San Suu Kyi về người Rohingya ».
Đối với ông Bill Richardson, bạn lâu năm của lãnh tụ Miến Điện, bà đã mất đi mọi « năng lực lãnh đạo về mặt đạo đức ».

Bill Richardson, nguyên thống đốc tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ vừa từ chức khỏi « Ủy ban tư vấn » do giải Nobel hòa bình 1991 thành lập, nhằm tham vấn về tình hình bang Arakan, nơi người Rohingya sinh sống.

 Ông cho biết không thể tiếp tục ở lại trong một định chế mà theo ông chỉ là « bộ máy tuyên truyền » cho các hành động của Nhà nước và quân đội Miến Điện, làm ngơ trước vấn đề nhân quyền.
Lời cáo buộc này càng có sức nặng khi biết rằng ông Richardson là bạn lâu năm của « Lady », từ khi ông là đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời tổng thống Clinton.

 Hôm thứ Năm 25/1 khi trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, Bill Richardson nhận định Aung San Suu Kyi đã mắc chứng bệnh « ngạo mạn của quyền lực », và tự cô lập trong tháp ngà, xung quanh toàn « những kẻ nịnh hót, không cho bà biết thực tế tình hình ».
Cựu đại sứ Mỹ tả lại cuộc tranh cãi dữ dội với bà Suu Kyi vào đầu tuần, trong bữa tiệc tối gồm mười nhân vật Miến Điện và ngoại quốc trong Ủy ban tư vấn.

 Sau khi ông Richardson « cả gan » nêu ra trường hợp hai nhà báo Miến Điện làm việc cho Reuters bị bắt vì « tiết lộ bí mật Nhà nước », một tội danh có khung hình phạt đến 14 năm tù, Aung San Suu Kyi đã tức điên người, lên án ông bạn là can thiệp vào chuyện nội bộ.

Ông Richardson kể lại, lãnh đạo Miến Điện giận run người khiến ông có cảm giác nếu ngồi gần hơn, bà có thể hành hung ông.
Theo Le Monde, đây là lần đầu tiên kể từ đầu cuộc khủng hoảng Rohingya, bà Aung San Suu Kyi đã để lộ tình cảm thật.
Trước đây nhiều nhà quan sát cho rằng bà buộc lòng phải hợp tác với quân đội, nhưng nay, ngay cả trong vòng thân mật, « Lady » đã bước thêm một bước về phía thỏa hiệp với những kẻ từng giam giữ bà.

Nga-Ukraina : Đôi ngả đôi nơi

Tại châu Âu, « Chúng ta đã mất hẳn Ukraina », đó là lời than thở của nhật báo Nga Kommersant, được Le Courrier International dịch lại.
Theo tờ báo, hố sâu ngăn cách về ý thức hệ giữa hai quốc gia đã lớn đến mức không thể đảo ngược.

Rada (Quốc Hội Ukraina) đã chính thức tuyên bố Nga là « quốc gia xâm lược », thông qua một luật cấm sử dụng tiếng Nga trong trường tiểu học và sắp tới là quy định mới về nhập cảnh đối với công dân Nga.

Chưa đi đến mức thiết lập một chế độ visa, nhưng các quy định này sẽ gây nhiều rắc rối cho người Nga.
 Chính quyền Ukraina đang dần dà chia cắt người dân nước này với Matxcơva, với ngôn ngữ Nga và « thế giới Nga ».

Liên lạc với Matxcơva bị giảm xuống ở mức tối thiểu, và trong năm 2018, Rada có thể lại thảo luận về việc chấm dứt quan hệ ngoại giao với Nga, ngưng tuyến đường sắt nối liền hai nước.

Tuy nhiên theo Kommersant, nếu tỏ ra cực đoan, Ukraina có thể mất luôn cơ hội lấy lại Donbass một cách hòa bình.
Đầu tàu Ukraina đã tăng tốc từ năm 2014 sau khi mất Crimée và Donbass, lao thẳng về hướng ngày càng rời xa nước Nga, không hẹn ngày trở lại.

Chủ tịch Cuba thời kỳ hậu Castro

Nhìn sang châu Mỹ la tinh, Le Courrier International dịch bài viết của tờ Laszorillas xuất bản tại Bogota nói về « Cuba, chủ tịch hậu Castro ».
 Ở tuổi 86, Raul Castro sẽ rời chức vụ vào ngày 19/4 tới, và dường như ngôi vị sẽ được nhường cho phó chủ tịch hiện nay là Miguel Diaz-Canel.

Nhân vật suốt 30 năm qua đứng trong bóng tối phía sau gia đình Castro là ai ?
Lần đầu tiên kể từ hơn nửa thế kỷ qua, tân chủ tịch Cuba sẽ không là một người nhà Castro, mà là một kỹ sư điện tử 57 tuổi tóc muối tiêu, ngoại hình hơi giống Richard Gere.

 Suốt 30 năm qua, Miguel Diaz-Canel đã leo dần lên từng bậc thang, luôn là một nhân vật kín tiếng.
 Ông bắt đầu làm chính trị ở tuổi 27, sau khi lấy bằng kỹ sư và có được cấp bậc trung tá ở một đơn vị phòng không, trở thành nhân vật số hai của Đoàn thanh niên Cộng sản.

Lần lượt giữ chức bí thư tỉnh ủy Villa Clara rồi Holguin, trở thành ủy viên Bộ Chính trị năm 2003 rồi lên phó thủ tướng, Diaz-Canel tỏ ra có « lập trường rất kiên định » - theo Raul Castro.

Phong trào cải cách ở Cuba hiện đã chựng lại, nhất là trước thái độ của chính quyền Mỹ hiện nay.
Hơn nữa Raul Castro vẫn là tổng bí thư cho đến năm 2021, nên không thể chờ đợi có những thay đổi tại đảo quốc trong thời gian tới.

Vì sao ngoại ô Paris sản sinh ra nhiều ngôi sao bóng đá quốc tế ?

L’Obs dành chủ đề tuần này cho câu hỏi thuộc loại cấm kỵ trong xã hội Pháp xưa nay : « Lương của bạn bao nhiêu ? ».
L’Express nói về « Macron, Thượng đế và chính trị ». Le Point quan tâm đến « Dữ liệu cá nhân và cuộc sống riêng tư : Làm thế nào tái lập kiểm soát », còn tuần báo Le Courrier International có chuyên đề về phong trào chống quấy rối tình dục « MeToo, những gì phải thay đổi ».

Trên lãnh vực thể thao, Le Courrier International trích dịch bài viết « Bóng đá, vàng ròng trên đôi chân người Paris » của ESPN Magazine xuất bản tại New York.
 Pogba, Kanté, Mbappé…vì sao có rất nhiều cầu thủ giỏi xuất thân từ vùng ngoại ô Paris ?
Tờ báo thể thao Mỹ đã sang tận nơi để tìm ra câu trả lời.

Paris và vùng phụ cận (Île-de-France) sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá bằng cả châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ cộng lại. Vì sao ?
Cầu thủ nối tiếng Paul Pogba khi trả lời phỏng vấn của ESPN Magazine đã cho biết : « Bởi vì ở đây chỉ có bóng đá mà thôi…Mọi người đều chơi bóng, khỏi phải vô công rỗi nghề ».

Ngay trong kỷ nguyên smartphone, trẻ em ngoại ô cũng chuyên cần luyện tập, ít quan tâm đến những kỳ nghỉ hoặc khóa học violon…
Cũng cùng những lý do này mà những thành phố Mỹ đã sinh ra những ngôi sao bóng rổ.

Tác giả bài báo mô tả những buổi sáng thứ Bảy, Chủ nhật tại các sân vận động vùng ngoại ô Paris, bao quanh là những tòa nhà xám xịt. Phụ huynh uống cà phê chờ đợi con em, là những thanh thiếu niên đủ màu da, đá banh.

Những băng-rôn « Fair play » bao quanh sân bóng, mọi người siết tay nhau sau trận đấu.
 Bóng đá ngày càng có vị trí quan trọng tại ngoại ô, nơi cư dân đa số là người nhập cư.

Ban đầu, những tài năng ngoại ô ít được phát hiện. Đến năm 1998, đội tuyển Pháp đoạt giải vô địch bóng đá thế giới có được ba cầu thủ lớn lên từ ngoại ô Paris : Thierry Henry, Patrick Vieira và Lilian Thuram.
Ngày nay Île-de-France cung cấp đến một phần ba số cầu thủ trong đội tuyển quốc gia.

Các tài năng được phát hiện và hỗ trợ bởi những định chế công rất hiệu quả, những em giỏi nhất nhanh chóng lọt vào quỹ đạo bóng đá chuyên nghiệp.
Các câu lạc bộ này có mạng lưới tìm kiếm nhân tài trên toàn vùng. Chẳng hạn Pogba được trung tâm đào tạo Havre tuyển vào từ năm 13 tuổi, và đầu quân cho Manchester United lúc mới 15 tuổi. Và nay câu lạc bộ PSG không bỏ qua bất cứ một mầm non nào.

Switch mode views: