Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-01-2018

Xử Đinh La Thăng : Chống tham nhũng ở Việt Nam nhuốm màu chính trị

vietnam-tham nhung

Ông Đinh La Thăng lúc còn là bộ trưởng Giao Thông Vận Tải. (Ảnh chụp trong một buổi lễ tại Hà Nội, ngày 02/07/2015)
REUTERS

Liên quan đến Việt Nam, Le Monde số đề ngày hôm nay, 25/01/2018, có bài viết mang tựa đề « Chiến dịch chống tham nhũng nhuốm màu sắc chính trị », với việc hai quan chức cao cấp bị lãnh những bản án tù nặng nề.

Chiến dịch chống tham nhũng dữ dội được giới lãnh đạo Việt Nam tung ra từ nhiều tháng qua, vừa làm rơi rụng thêm hai nhân vật, và không hề là loại tép riu.

Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị, cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc doanh PetroVietnam, hôm thứ Hai 22/1 đã bị tuyên án 13 năm tù giam.

Còn ông Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo một công ty con của PetroVietnam, được cho là đã bị tình báo Việt Nam bắt cóc tại Đức năm 2017, bị lãnh án chung thân.
Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức năm 2016 để trốn tránh tư pháp, sau khi bị tước chức vụ đại biểu Quốc Hội.

Vụ bắt cóc ông Thanh tại một công viên ở thủ đô nước Đức đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Hà Nội và Berlin.
Hai bị cáo, ra tòa từ hai tuần qua cùng với 20 quan chức khác, với cáo buộc « cố ý làm trái » và tham ô công quỹ, được ước tính trên 4 triệu euro.

Vai vế của hai bị cáo chính khiến người ta nghĩ rằng phiên tòa ở Hà Nội mang màu sắc chính trị, dù diễn ra trong khuôn khổ một chiến dịch nhằm chống lại nạn dịch đang hoành hành tại một trong những nước tham nhũng nhất Đông Nam Á.

Ông Đinh La Thăng, ngoài chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, còn là cựu bộ trưởng Giao Thông, cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tức Saigon cũ, thủ đô kinh tế của cả nước.
 Ông Thăng còn là một trong những người thân cận của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một « người chủ trương tự do » thân phương Tây, nạn nhân của một cuộc « thanh trừng » trong Đại hội Đảng năm 2016  theo Le Monde.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cựu bộ trưởng Công An, đã đòi hỏi những vụ liên quan đến « các hoạt động kinh tế và tham nhũng » phải được xử trí đích đáng.
« Các bản án chủ yếu nhằm chứng tỏ với công chúng là chính quyền rất nghiêm túc trong việc tấn công vào nạn tham nhũng ở cấp độ cáo ».
Hồi tháng 9/2017, chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer đã nhận xét như trên sau khi Nguyễn Xuân Sơn, một cựu lãnh đạo khác của PetroVietnam bị kết án tử hình.
Ông Thayer tuy vậy tỏ ra nghi hoặc về tác động thực sự của các bản án, khi mà tham nhũng « là hậu quả của một hệ thống quản lý kém và thiếu vắng tư pháp độc lập ».

Đối với nhà chính trị học Jonathan London, chiến dịch chống tham nhũng là « phương cách tốt để cảnh cáo » các địch thủ của ban lãnh đạo đảng Cộng sản hiện nay, vốn thường bị xâu xé bởi đấu đá nội bộ.
Theo ông London, chiến dịch này gợi nhớ đến chương trình « đả hổ diệt ruồi » của Tập Cận Bình, nhằm thanh trừng « những người chống đối thực sự hoặc tiềm năng… »

Nate Fischler trên trang web Asia Times nhận định:
 « Xét đến chức vụ cao của ông Đinh La Thăng, vụ kết án ông thật đáng ngạc nhiên.
Các cựu ủy viên Bộ Chính Trị trước đây dù có tham nhũng đều được bỏ qua, không có ai bị đưa ra tòa ».

Việc xét xử ông Trịnh Xuân Thanh, « người bị bắt cóc từ Berlin » vẫn chưa kết thúc : thứ Tư 24/1, ông ta còn phải trả lời về một vụ khác, trong đó ông bị cáo buộc đã bỏ túi khoảng 600.000 euro.
Ông Thanh có nguy cơ lãnh án tử hình. Chính quyền Việt Nam luôn chối vụ bắt cóc ông Thanh theo kiểu thời chiến tranh lạnh.
 Hà Nội nhấn mạnh là bị cáo đã tự ý quay về nước hồi tháng 8/2017, thú nhận các « tội lỗi » của mình trong một cuộc « phỏng vấn » truyền hình.

Câu chuyện này, theo Le Monde, sắp tới có thể có thêm những diễn biến mới.
Việt Nam đã yêu cầu Singapore cho dẫn độ một cựu sĩ quan tình báo, ông Phan Văn Anh Vũ, bị cáo buộc « tiết lộ bí mật Nhà nước » ; đã bỏ trốn ra nước ngoài cùng với gia đình hồi tháng 12/2017.
Một số nguồn tin cho rằng ông Vũ có thể nắm giữ những thông tin gây bối rối, nhất là về việc làm thế nào ông Trịnh Xuân Thanh đã được « thuyết phục » trở về đầu thú.

Người lao động nghèo bị xua đuổi khỏi Bắc Kinh

Về Trung Quốc, phụ trang kinh tế của Le Figaro chú ý đến việc « Nhiều khu phố tại Bắc Kinh sẽ bị giải tỏa trắng trong năm 2018 ».
Những căn nhà xây dựng « bất hợp pháp » sẽ bị phá hủy toàn bộ.

Tại nhiều khu phố ngoại ô, nhà cửa đã bị san bằng hàng loạt, trông giống như một bãi chiến trường.
Nhân vụ một tòa nhà bị hỏa hoạn hôm 18/11/2017, chính quyền đã tung ra đợt cưỡng chế quy mô, lấy cớ phải tôn trọng các tiêu chuẩn an toàn.

Trong chiến dịch chớp nhoáng này, mấy chục ngàn lao động nhập cư đành phải rời bỏ nhà cửa, một số phải về quê.
Họ chỉ có vài ngày để thu dọn đồ đoàn của cả gia đình, sự thô bạo này gây sốc cho giới trí thức và nhiều cư dân mạng Trung Quốc.
Chính quyền địa phương vẫn làm ngơ, tiếp tục phá hủy những khu phố với những ngõ hẻm quanh co làm nên linh hồn của phố cổ Bắc Kinh.

Họ muốn giới hạn dân số ở mức 23 triệu cho đến năm 2020. Nhưng phía sau việc truy quét những người lao động nghèo, còn có tính toán khác : thủ đô chỉ dành cho giới tinh hoa giàu có và học vấn cao.
Giải tỏa trắng còn giúp thu hồi được một diện tích đất lớn, để xây lên các tòa nhà và khu văn phòng cho giới thượng lưu.

Người Hàn Quốc chia rẽ vì Bắc Triều Tiên tham gia Thế vận hội

Cũng về châu Á, La Croix nhận xét « Việc xích gần lại Bắc Triều Tiên trong dịp Olympic gây chia rẽ tại Hàn Quốc ».
Đa số người Hàn Quốc hoan nghênh sự hòa dịu tạm thời giữa hai miền, nhưng một số trách cứ Seoul đã đi quá xa.

Chẳng hạn đảng đối lập chính theo khuynh hướng bảo thủ là Liberty Korea Party tố cáo « Chính quyền đã từ bỏ Thế vận hội Pyeongchang, biến thành Thế vận hội Pyongyang (Bình Nhưỡng) ».

 Hôm thứ Hai đầu tuần, những người cực đoan đã đốt cờ Bắc Triều Tiên và ảnh Kim Jong Un trước nhà ga Seoul, nơi một phái đoàn vừa đến từ Bình Nhưỡng để chuẩn bị một loạt các cuộc trình diễn ca nhạc.

Có đến 80% người Hàn Quốc ủng hộ việc Bắc Triều Tiên tham gia Thế vận hội Pyeongchang.
Nhưng điều gây chia rẽ là việc lập đội nữ khúc côn cầu trên băng chung, và vận động viên hai miền diễu hành dưới cùng một lá cờ.

Chi phí cho đoàn Bắc Triều Tiên 500 người đều do phía Hàn Quốc đài thọ. Đã qua rồi thời kỳ mọi người đều đẫm lệ khi hai nước Triều Tiên lần đầu cùng diễu hành tại Olympic năm 2000.
Thế hệ trẻ Hàn Quốc hiện nay không cảm thấy gắn bó với miền bắc, đối với họ việc thống nhất đất nước không còn là điều bắt buộc.

Ai Cập : Một cựu tướng bị bắt sau khi tuyên bố ra tranh cử tổng thống

Nhìn sang Ai Cập, Le Monde cho biết « Tổng thống Sissi tống khứ được một địch thủ bên quân đội ».
Cựu tổng tham mưu trưởng Sami Anan đã bị bắt giam, chỉ ba ngày sau khi loan báo sẽ ra ứng cử tổng thống vào tháng Ba tới.
Vị tướng về hưu Anan, 69 tuổi đã từng định ra ứng cử vào năm 2014, có uy tín đang lên trong dân chúng, bị cáo buộc xúi giục gây chia rẽ giữa quân đội và nhân dân, làm giả tài liệu.

Trước ông, đã có ba ứng cử viên tổng thống bị loại hoặc rút lui, trong đó có cựu thủ tướng và là tướng Không quân Ahmed Chafiq.
Chỉ có một chủ tịch câu lạc bộ bóng đá là Mortada Mansour và luật sư cánh tả Khaled Ali còn trên đường đua, nhưng cả hai đều bị rắc rối với tư pháp nên khó thể được chấp nhận ứng cử.

Tướng Sami Anan có thể tập hợp được các cử tri nuối tiếc kỷ nguyên Moubarak và những người thất vọng về chính quyền Sissi, với nạn lạm phát phi mã.
Kêu gọi mở cửa và tôn trọng các quyền tự do, ông thu hút những người đấu tranh cho dân chủ và cả phe ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo.

Nhưng từ khi tuyên bố ra tranh cử, ông Anan liên tục bị truyền thông do Nhà nước chỉ đạo tấn công.
Một nhà phân tích nhận định, thật ra tướng Sami Anan khó thể thắng cử, nhưng chế độ không muốn thấy hiện tượng vết dầu loang.

Venezuela tổ chức bầu cử sớm để loại đối lập

Còn tại Venezuela, « Cuộc bầu cử tổng thống được tiến hành trước thời hạn để ngáng chân phe đối lập ».
Theo Le Monde, trên đất nước đang rệu rã này, tổng thống Nicolas Maduro muốn tổ chức bầu cử trước ba tháng để có thể nhanh chóng tái đắc cử.

Loan báo này được Quốc hội lập hiến – một định chế gồm toàn các thành viên phe Chavez và không được quốc tế nhìn nhận - đưa ra hôm thứ Ba 23/1.
Việc bầu cử sớm nhằm lợi dụng tình trạng chia rẽ hiện nay trong phe đối lập : người thì muốn tổ chức bầu cử sơ bộ, người khác muốn chỉ định ứng cử viên ra tranh cử.
Tuy nhiên đối lập nhấn mạnh, Quốc hội lập hiến không có « tính chính danh » để triệu tập bầu cử.
Hơn nữa, chế độ đã tước quyền tham gia chính trường của các lãnh đạo đối lập chủ chốt, thậm chí còn đe dọa cấm luôn đảng của các nhân vật này.

Họp tại Lima, 14 nước châu Mỹ và vịnh Caribê đòi hỏi « bầu cử cần có thời gian cần thiết, với sự tham gia của tất cả các nhân tố tại Venezuela ».
Riêng Mêxicô còn đòi rút lui khỏi cuộc đối thoại ở Saint Domingue, giữa chính phủ Maduro và phe đối lập.

Tuy nhiên ngay trong phe cầm quyền cũng đang chia rẽ, nhất là khi siêu lạm phát làm sức mua giảm còn hầu như bằng không, thiếu thốn thực phẩm, thuốc men…
Nạn đói đe dọa những người nghèo nhất, vốn là cử tri của phe Chavez, và số lượng người ly khai không ngừng tăng lên.

 Cựu bộ trưởng kinh tế Rafael Ramirez, cựu bộ trưởng Nội Vụ Miguel Rodriguez Torres và Lorenza Mendoza, tổng giám đốc tập đoàn Polar cũng ngấp nghé ra tranh cử.

Tựa chính báo Pháp

Le Monde hôm nay chạy tựa « Giáo dục : Những đề nghị để cải cách kỳ thi tú tài ».
Theo đó không còn các ban L (văn chương), ES (kinh tế xã hội), S (khoa học), mà học sinh chọn ra hai môn chính và hai môn phụ thêm vào chương trình chung.

« Tú tài mới mở cửa cho kiểm tra thường xuyên » - tựa của Le Figaro: điểm của năm lớp 11 và 12 sẽ được tính đến 40% trong tổng số điểm thi.
Về kinh tế, Les Echos quan tâm đến « Số doanh nghiệp thua lỗ ở mức thấp nhất từ mười năm qua ».
 Libération dành trọn số báo hôm nay cho truyện tranh : tất cả các bài viết về mọi đề tài đều được minh họa cụ thể, tranh vẽ chiếm nhiều diện tích của tờ báo.

La Croix nhìn sang « Hy Lạp, sau bảy năm khốn khó ».
Tờ báo quay lại Volos, thành phố từng bị cuộc khủng hoảng làm ảnh hưởng nặng nề.
Tại đây, người dân đã học được cách tự lực tự cường.

Switch mode views: