Bắc Triều Tiên : Phát pháo khai hỏa đầu năm 2018
- Thứ Bảy, 27 tháng Giêng năm 2018 22:48
- Tác Giả: Minh Anh
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đọc diễn văn chào mừng năm mới 2018 (Ảnh do KCNA công bố ngày 01/01/2018)REUTERS
Năm 2018 bắt đầu với khá nhiều sự kiện quốc tế sôi động. Tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 27/01/2018 xin điểm lại những động thái đáng chú ý trong tháng Giêng này.
Bất ngờ lớn nhất có lẽ đến từ lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Ngay vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng tột độ, tưởng chừng chiến tranh sắp diễn ra, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng đã thực hiện một cú tấn công ngoại giao ngoạn mục : Bình Nhưỡng thông báo tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang vào tháng 2/2018.
Tuyên bố này chẳng khác gì với những cơn địa chấn do các vụ thử tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên gây ra.
Tuy nhiên, cơ hội vàng có một không hai đã được tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhanh chóng nắm lấy và có cử chỉ đáp trả bất chấp những lời lẽ nghi kỵ của đồng minh Hoa Kỳ.
Hai bên đã liên tục có các cuộc đàm phán tại Bàn Môn Điếm thảo luận về thể thức tham gia, thành phần phái đoàn vận động viên, cổ động viên …
Kết quả là ngày 20/01/2018 Ủy Ban Thế Vận Hội Olympic Quốc Tế CIO, sau cuộc họp với đại diện hai miền Nam – Bắc Triều Tiên đã đồng ý để hai miền diễn hành chung trong lễ khai mạc và thành lập một đội tuyển nữ khúc côn cầu trên băng chung.
Sự việc diễn ra nhanh chóng khiến thế giới ngỡ ngàng.
Theo giới quan sát, Kim Jong Un đã có một bước đi ngoại giao khôn khéo khi sử dụng lá bài « thống nhất » với Hàn Quốc, đồng thời tránh né được sức ép và đe dọa của Hoa Kỳ, như đánh giá của bà Marianne Peron Doise, chuyên gia về Trung Quốc, Nhật Bản và hải quân thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quân Sự Pháp trên đài RFI.
« Người ta thấy rõ mưu mẹo ngoại giao của Bắc Triều Tiên khi chìa lá bài xích lại gần với Hàn Quốc và nhất là khi nhắc đến từ ‘thống nhất’ thần kỳ.
Chắc chắn là chính đất nước đang bị cô lập, do các lệnh trừng phạt lại có thể đưa ra những sáng kiến ngoại giao.
Ý đồ quả thật là lớn khi chìa tay ra với Hàn Quốc để làm thất bại các chính sách trừng phạt của Hoa Kỳ và nhằm giảm thiểu các mối đe dọa mà Donald Trump tuyên bố.
Đây là quyết định chiến thuật cho phép Bình Nhưỡng tranh thủ thời gian, và tái lập bầu không khí hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên.
Cũng từ điều này, Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ đang nắm trong tay các lá bài làm chủ tình thế và như vậy có thể tùy nghi hành động ».
Một điều chắc chắn cả thế giới giờ đang muốn biết xem : Bước tiếp theo của Kim Jong Un sau Thế Vận Hội là gì ?
Liệu cành ô liu Kim Jong Un mang tặng Moon Jae In có sẽ tiếp tục tồn tại hay không ? Hạ hồi phân giải.
Việt Nam : Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh « xông đất » tòa án
Một sự kiện khác cũng ít nhiều thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế là Việt Nam tuần đầu năm 2018 đã mở phiên tòa xét xử các lãnh đạo tập đoàn dầu khí Nhà Nước Việt Nam PetroVietnam (08/01/2018).
Hai mươi hai bị cáo phải ra hầu tòa với các tội danh « cố ý làm trái » và « tham nhũng » gây lỗ nghiêm trọng cho PetroVietnam. Trong số này có hai nhân vật đáng chú ý là Đinh La Thăng, cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam và Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị PetroVietnam, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Tuy nhiên, quá trình bắt giữ và đưa ra xét xử ông Trịnh Xuân Thanh là được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều nhất.
Báo Pháp còn ví vụ việc này như một « tiểu thuyết gián điệp ». Bởi vì theo chính quyền Đức, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị một nhóm người có vũ trang bắt cóc tại một công viên ở Berlin hồi tháng 7/2017.
Vụ việc đã làm cho mối quan hệ bang giao giữa Đức và Việt Nam trở nên căng thẳng nghiêm trọng.
Riêng đối với ông Đinh La Thăng, tư pháp Việt Nam làm việc với tốc độ khẩn trương đáng ngạc nhiên, chỉ cần khoảng một tháng hoàn tất toàn bộ việc truy tố và đưa ra tòa.
Sau nhiều ngày xét xử, ngày 22/01 vừa qua tòa án Hà Nội đã kết án ông Đinh La Thăng 13 năm tù giam, và ông Trịnh Xuân Thanh án tù chung thân.
Mặc dù được xét xử dưới mầu sắc chống tham nhũng, nhưng theo nhận định của giới quan sát quốc tế, tốc độ làm việc khẩn trương của tư pháp Việt Nam, vụ án này không che giấu được hình ảnh « thanh trừng nội bộ » lẫn nhau như nhận xét của bà Pénélope Faulkner, thuộc Ủy Ban Việt Nam vì Nhân Quyền trên làn sóng RFI :
« Ở đây lẽ ra tôi rất muốn nói rằng đó là một nỗ lực chống tham nhũng, nhưng rất tiếc đó lại là một cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe của đảng thì đúng hơn.
Ban lãnh đạo hiện nay, được bầu lên vào năm 2016, là những người theo đường lối cứng rắn. Họ đang tìm cách loại trừ tất cả các thành viên của ban lãnh đạo cũ dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng ».
Một quan điểm cũng được báo Le Monde số ra ngày 25/01 cùng chia sẻ trong bài viết đề tựa « Tại Việt Nam : Chiến dịch chống tham nhũng nhuốm mầu sắc chính trị ». Tờ báo viết rằng :
« Vai vế của hai bị cáo chính khiến người ta nghĩ rằng phiên tòa ở Hà Nội mang màu sắc chính trị, dù diễn ra trong khuôn khổ một chiến dịch nhằm chống lại nạn dịch đang hoành hành tại một trong những nước tham nhũng nhất Đông Nam Á.
Ông Đinh La Thăng, ngoài chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, còn là cựu bộ trưởng Giao Thông, cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tức Saigon cũ, thủ đô kinh tế của cả nước.
Ông Thăng còn là một trong những người thân cận của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một « người chủ trương tự do » thân phương Tây, nạn nhân của một cuộc « thanh trừng » trong Đại hội Đảng năm 2016. » (Trích điểm báo ngày 25/01/2018)
Với những bản án vừa được tuyên, thì không biết nhà tù nào có vinh hạnh được đón hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh « xông đất » Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 này nhỉ ?
Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa ở Hà Nội ngày 08/01/2018.
VNA/Doan Tan via REUTERS
Những món quà năm mới không mong đợi của Donald Trump
Có lẽ sẽ không ai có nhiều quà năm mới 2018 bằng tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mở đầu là món quà không được mong đợi « Lửa và Cuồng nộ : Bên trong Nhà Trắng của Trump », một cuốn sách của nhà báo chính trị nổi tiếng người Mỹ, ông Michael Wolff.
Tác phẩm tập hợp những câu chuyện và giai thoại được thu thập qua hơn 200 cuộc phỏng vấn từ những người thân cận của tổng thống Mỹ, đặc biệt là từ vị cựu cố vấn đặc biệt Steve Bannon.
Theo đó, ông Donald Trump không muốn trở thành tổng thống, không màng nghiên cứu đến Hiến Pháp, sợ bị đầu độc rồi phẫu thuật da đầu ; rồi con trai Trump Jr từng bị Steve Bannon cáo buộc là phản bội hay như tham vọng trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên của cô con gái Ivanka Trump...
Những thông tin trên đã thật sự làm cho ông Donald Trump nổi dóa và tìm cách ngăn chận việc phát hành.
Như dự đoán trước ý định của chủ nhân Nhà Trắng, nhà xuất bản đã cho ra mắt độc giả sớm hơn 4 ngày dự kiến.
Kết quả là sách bán chạy như tôm tươi, không đủ sách để bán.
Tổng thống Mỹ không còn cách nào khác là lại đe dọa kiện tác giả, ngậm đắng nuốt cay cho đấy là « cuốn sách viễn tưởng ».
Bìa cuốn sách Fire and Fury: Inside the Trump White House. Ảnh chụp từ màn hình của Amazon.com.
RFI / Tiếng Việt
Ngày 20 tháng Giêng này còn đánh dấu một năm ông Donald Trump chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Nhưng quà mừng cho ông lại là một cú « shutdown », tức là Hoa Kỳ rơi vào tình trạng bị tê liệt, chính quyền liên bang phải tạm ngưng hoạt động, công chức tạm thất nghiệp, nhiều công sở tạm đóng cửa do thiếu ngân sách.
Nguyên nhân là hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ không đạt được thỏa thuận ngân sách 2018.
Cũng nhân ngày này phụ nữ Mỹ đã tặng cho tổng thống Mỹ một món quà khác không mấy gì làm ông thích thú.
Hàng ngàn người đã ồ ạt xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố lớn phản đối Donald Trump, từ vấn nạn quấy nhiễu tình dục, kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính, bài người đồng tính, hay như phản đối sự bất tài của tổng thống.
Quả thật, một năm cầm quyền của nhà tỷ phú Mỹ có thể nói cũng không khác gì với tiêu đề quyển sách « Lửa và Cuồng nộ ».
Hy vọng rằng quà tặng cho năm thứ hai nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ sẽ khá hơn so với năm vừa qua.
Iran : khởi đầu năm mới với bạo động và « tối hậu thư » của Trump
Có cùng nỗi bất hạnh với tổng thống Mỹ Donald Trump là Iran.
Các nhà lãnh đạo nước này không mấy vui vẻ khi phải đón năm 2018 với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ bắt đầu từ cuối năm 2017 và kéo dài qua tuần đầu 2018.
Các cuộc xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh dẫn đến hệ quả là hàng chục người chết và hàng trăm người bị bắt.
Cuộc biểu tình này đã thu hút sự quan tâm theo dõi của cộng đồng quốc tế.
Cuộc sống khó khăn vì cấm vận của quốc tế, cùng với chính sách thắt lưng buộc bụng do tổng thống Rohani ban hành từ năm 2013 khiến giới trẻ bất mãn.
Nhà báo Ahmad Parhizi tại Teheran giải thích với ban tiếng Pháp đài RFI, viễn cảnh tương lai mịt mù là nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình phản đối tại Iran.
« Đa số những người xuống đường phản đối là giới trẻ Iran, tuyệt vọng vì không thấy được chút tương lai sáng sủa nào trong trước mắt.
Họ tìm cách tác động lên tất cả các đảng phái chính trị, nhất là những người ủng hộ cải cách bên trong chính phủ.
Họ không tin rằng chính phủ hiện nay có khả năng hoặc có thiện chí giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và nhất là chống tham nhũng.
Chính vì vậy mà họ trở nên rất kiên quyết ».
Sinh viên biểu tình tại đại học Téhéran của Iran, ngày 30/12/2017.
AFP
Nỗi lo dẹp tan các đợt biểu tình vừa tạm lắng thì đến trung tuần tháng Giêng, tổng thống Mỹ Donald Trump lại dội một gáo nước lạnh cho Iran và ba cường quốc Tây Âu đã ký hiệp định hạt nhân Iran, đó là Anh, Pháp, Đức.
Tổng thống Mỹ ra « tối hậu thư » ba nước này có 120 ngày để « khắc phục những thiếu sót khủng khiếp » trong thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) được ký kết vào tháng 07/2015, dưới thời tổng thống Barack Obama.
Nếu Iran và châu Âu không đạt được một thỏa thuận như mong muốn của Hoa Kỳ, chính quyền Donald Trump sẽ tái lập các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran.
Đòi hỏi này của tổng thống Mỹ đã không được nhiều chuyên gia tán đồng.
Ông Benjamin Hautecouverture, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược khẳng định trên đài RFI rằng cơ chế thanh tra các cơ sở hạt nhân Iran là một cơ chế thanh tra quốc tế sâu sát nhất trên thế giới hiện nay.
Do đó, các thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) mong muốn là văn bản này được coi như là chuẩn mực trong lĩnh vực thanh tra hạt nhân, làm mẫu cho các hiệp định trong tương lai.
Dẫu sao Iran cũng được an ủi phần nào khi nhận được sự ủng hộ từ ba cường quốc châu Âu (Anh, Pháp và Đức) nhất là từ Nga và Trung Quốc khẳng định không muốn nghe nhắc đến việc tái đàm phán thỏa hạt nhân.
Với báo chí Pháp, lối ứng xử của Hoa Kỳ hiện nay là cách tốt nhất để làm suy yếu phe cải tổ tại Iran và thúc đẩy lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo đòi phục hồi hoạt động chế tạo vũ khí nguyên tử (Le Figaro ngày 16/01/2018).
Related news items:
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-01-2018 - 29/01/2018 23:58
- Afghanistan : Trường võ bị tại Kaboul bị tấn công - 29/01/2018 21:35
- Từ hợp tác vũ trụ Mỹ-Nga đến ‘‘làng quốc tế’’ trên Mặt Trăng - 29/01/2018 17:55
- Diệt chủng người Do Thái : Israel lên án Ba Lan ra luật mới - 29/01/2018 17:35
- Pháp lên án vụ khủng bốbul - 28/01/2018 19:19
- Các cầu thủ trẻ Việt Nam «làm nên lịch sử» ở Cúp U23 châu Á - 28/01/2018 19:12
- U23 Việt Nam: Cú đột phá ngoạn mục đầu năm mở ra nhiều kỳ vọng - 28/01/2018 18:38
- Kinh tế Mỹ tăng trưởng vững mạnh trong 3 tháng cuối 2017 - 27/01/2018 23:49
- Nổ xe bom tại Kabul, ít nhất 95 người thiệt mạng - 27/01/2018 23:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-01-2018 - 27/01/2018 23:34
Các tin khác
- Cúp vô địch châu Á vuột khỏi tay đội tuyển U-23 Việt Nam - 27/01/2018 16:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-01-2018 - 26/01/2018 17:32
- USS Carl Vinson, biểu tượng mới của quan hệ Mỹ-Việt - 26/01/2018 17:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-01-2018 - 25/01/2018 23:52
- Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ-Hàn thảo luận về Bắc Triều Tiên tại Hawai - 25/01/2018 22:55
- Diễn đàn Davos : Phái đoàn Mỹ chuẩn bị phản công - 25/01/2018 22:34
- Trung Quốc ngừng nhập khẩu rác: Cơ hội vàng cho kinh tế tái chế ? - 25/01/2018 21:45
- Một thế kỷ sau dịch cúm ''Tây Ban Nha'' : Mối họa đại dịch mới - 25/01/2018 15:59
- Lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ thăm Việt Nam - 25/01/2018 15:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-01-2018 - 25/01/2018 03:22