Iran : Sau thỏa thuận hạt nhân, nhiều triển vọng kinh tế ?
- Thứ Ba, 14 tháng Tư năm 2015 17:42
- Tác Giả: Thanh Hà
Đại diện các cường quốc và Iran sau lễ ký kết thỏa thuận khung về hồ sơ hạt nhân, Lausanne, Thụy Sĩ, 02/04/2015 - REUTERSPodcast
Triển vọng được bãi bỏ cấm vận đang đem lại một làn gió mới cho nền kinh tế Iran.
Chính quyền Teheran kỳ vọng đạt từ 7 đến 8 % tăng trưởng một khi hội nhập lại các hoạt động kinh tế của thế giới. Nhiều tập đoàn Âu- Mỹ đã sẵn sàng đầu tư vào thị trường với hơn 80 triệu dân này.
Bãi bỏ cấm vận Iran, Phương Tây hay Teheran hưởng lợi nhiều hơn cả ?
Cả phía Iran lẫn các tập đoàn Âu Mỹ đã chuẩn bị như thế nào một khi Iran mở cửa ra thế giới ?
Cho dù hồ sơ hạt nhân Iran chưa hoàn toàn khép lại, nhưng thỏa thuận khung tại Lausanne được ký kết giữa Teheran với nhóm 5+1 gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc Nga và Đức đang làm dấy lên nhiều hy vọng.
Tuy nhiên, theo lời Tổng giám đốc cơ quan tư vấn và đầu tư Turquoise Partners, quản lý một quỹ đầu tư 200 triệu đô la tại Teheran, các tập đoàn Tây phương đã chuẩn bị cho bước đột phá này từ cả chục năm qua.
Trong những tháng gần đây, triển vọng hồ sơ hạt nhân Iran được khai thông càng gần, Turquoise càng được các nhà đầu tư chiếu cố.
Trong nhãn quan của các nhà đầu tư, một khi Teheran không còn bị quốc tế tẩy chay, Iran sẽ mở rộng ảnh hưởng kinh tế trong vùng Vịnh, vốn do một vài quốc gia dầu hỏa trong vùng kiểm soát.
Về phần mình, Mehrmad Emadi chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan tư vấn Betamatrix của Anh, trụ sở tại Luân Đôn nhấn mạnh : Khách hàng của cơ quan này đặc biệt nhắm tới các lĩnh vực dầu hỏa và công nghệ xe hơi.
Với thỏa thuận cuối cùng về hạt nhân Iran, tỷ lệ tăng trưởng của quốc gia Hồi giáo này sẽ tăng thêm được ít nhất là 2 điểm trong năm đầu, và có thể đạt tới 7 hoặc 8 % trong 18 tháng sau đó.
Đây là một nhịp độ tăng trưởng tương đương với các quốc gia đang trỗi dậy tại Châu Á.
Về phía Iran thì kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu dầu khí, hội nhập trở lại vào hệ thống tài chính thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài.
Teheran chờ đợi tổng trao đổi mậu dịch hai chiều với Liên Hiệp Châu Âu trong ba năm nữa sẽ được nhân lên gấp 5 lần so với mức 7,6 tỷ euro hiện tại.
Ngoài ra, Teheran cũng kỳ vọng hiện đại hóa guồng máy công nghiệp lỗi thời từ hơn 30 năm qua.
Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Turquoise Partners, ngành công nghiệp Iran hiện chỉ hoạt động ở mức từ 60 đến 70 %. 30 % còn lại phải tạm dừng do tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran.
Cũng do bị quốc tế cấm vận, đồng tiền của Iran từ năm 2011 đã bị mất giá đến gần 80 %, tỷ lệ lạm phát trong năm 2013 và 2014 tăng từ 35 đến 50 %, khiến đời sống của người dân xứ này thêm chật vật.
30 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm.Từ gần 9 tháng qua, dầu hỏa mất giá đến 50 %, những khó khăn của Iran lại thêm chồng chất do vàng đen bảo đảm đến 60 % thu nhập của quốc gia này.
Dầu hỏa lá chủ bài của Iran ?
Iran hiện có nguồn dự trữ dầu hỏa lớn thứ 4 trên thế giới, là quốc gia có trọng lượng xuất khẩu thứ nhì trong khối OPEP sau Ả Rập Xê Út. Iran có thể xuất khẩu tối đa từ 4 đến 5 triệu thùng dầu một ngày.
Trên thực tế do bị trừng phạt, nên Iran bị giới hạn xuất khẩu ở mức 1 triệu thùng.
Từ tháng 7/2012 phương Tây dùng lá bài dầu hỏa để gia tăng sức ép lên chính quyền Teheran.
Hậu quả là mỗi ngày, Iran phải « cất sang một bên », 1,5 triệu thùng dầu.
Các nhà quan sát lo ngại, trong bối cảnh giá dầu chỉ dao động trên dưới 50 đô la một thùng, nếu như Iran hội nhập trở lại vào các sinh hoạt kinh tế và chính trị của thế giới, dầu hỏa Iran sẽ tràn ngập thị trường, càng đẩy giá vàng đen xuống thấp.
Ngay sau khi Iran và nhóm 5+1 đạt được thỏa thuận khung về hạt nhân tại Lausanne ngày 02/04/2015 giá dầu thô lập tức giảm 5 % trong phiên giao dịch ngày 03/04/2015.
Nhưng 48 giờ sau, giá vàng đen trên thế giới đã ổn định trở lại ở mức hơn 50 đô la/thùng.
Do giới trong ngành sớm nhận ra rằng, dù là nguồn cung cấp dầu hỏa thứ 5 của thế giới nhưng Iran chưa thể một sớm một chiều tăng mức xuất khẩu để phá giá dầu trên thị trường quốc tế.
Thứ nhất : trong trường hợp tối ưu, sẽ còn phải đợi đến cuối tháng 6/2015 các bên mới đạt đến một thỏa thuận sau cùng về hạt nhân.
Thứ hai, Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ chỉ bãi bỏ chính sách cấm vận dầu hỏa Iran -đã có hiệu lực từ tháng 7/2012- một khí Cơ quan Năng lượng Quốc tế AIE xác nhận Teheran tuân thủ các điều khoản đã cam kết với thế giới về hạt nhân.
Theo thẩm định của Jason Bordoff, sáng lập viên Trung tâm nghiên cứu về chính sách năng lượng thuộc Đại học Colombia, dầu hỏa của Iran sớm nhất sẽ chỉ « hội nhập » trở lại thị trường quốc tế vào năm 2016.
Cơ quan cố vấn về năng lượng Energy Aspects trụ sở tại Anh Quốc cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng phải đợi ít nhất từ 6 tháng đến một năm sau khi lệnh cấm vận nhắm vào Teheran được dỡ bỏ, quốc gia Hồi giáo này mới mong xuất khẩu trở lại dầu hỏa như trước đợt cấm vận của Âu Mỹ hồi năm 2012.
Về câu hỏi trong tương lai Iran sẽ sản xuất và xuất khẩu thêm được bao nhiêu thùng dầu cho thế giới, theo thẩm định của viện nghiên cứu Brookings, khoản cung cấp đó dao động từ 200.000 đến 600.000 thùng mỗi ngày.
Bên cạnh các khoản dự trữ lớn về dầu hỏa, Iran còn kỳ vọng chóng xuất khẩu thêm các nguồn tài nguyên khác như nhôm, sắt, thép đồng …
Dân Iran và lệnh cấm vận quốc tế
Riêng đối với người dân Iran, họ chờ đợi gì một khi quốc tế bãi bỏ các biện pháp trừng phạt nhắm vào chính quyền Teheran ?
Ông Manoochehri Ehsan trưởng ban Iran của đài phát thanh quốc tế Pháp RFI phân tích :
« Điều quan trọng đối với người dân Iran đương nhiên là thỏa thuận khung đạt được tại Lausanne mở đường cho việc bãi bỏ cấm vận.
Nhưng có lẽ điều mà họ chờ đợi hơn hết, là viễn cảnh Iran mở cửa ra thế giới bên ngoài.
Xin nêu lên một thí dụ cho thấy điều đó : một ngày sau khi hay tin Teheran và quốc tế đạt được thỏa thuận khung về hạt nhân, một người dân ở thủ đô Iran đi tìm mua rượu whisky và đã phẫn nộ vì ở cửa hàng vẫn chưa có loại rượu mạnh này.
Nói cách khác, trong mắt người dân bình thường, vấn đề năng lượng hạt nhân chỉ là hàng thứ yếu, giao thương với thế giới bên ngoài mới là quan tâm hàng đầu.
Cho dù chính quyền luôn hô hào rằng người dân Iran, đất nước Iran cũng phải được quyền phát triển công nghệ hạt nhân, nhưng theo tôi, công luận xứ này không mấy quan tâm đến năng lượng hạt nhân ».
Nhà báo Manoochehri Ehsan nhìn nhận Iran đang rất cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng sau nhiều năm bị quốc tế bỏ rơi :
« Iran là một quốc gia tương đối giàu có nhờ xuất khẩu dầu hỏa. Quốc gia này tự chủ được về mặt nông nghiệp, có một hệ thống y tế không nến nỗi quá tồi tệ, cho dù là đôi khi Iran thiếu một số thuốc men.
Dù vậy, phải nhìn nhận chính sách cấm vận kéo dài đã đè nặng lên đời sống hàng ngày của người dân, đời sống trở nên đắt đỏ. Các biện pháp trừng phạt của quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động chung của nền kinh tế Iran. »
Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách trừng phạt Iran từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Năm 2006 đến lượt Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu phong tỏa kinh tế Iran, với hậu quả trực tiếp là các tập đoàn lớn của Âu Mỹ lần lượt rời khỏi Iran.
Trong ngành dầu khí, tập đoàn Pháp, Total đã rút đi sau cùng vào năm 2008. Hiện tại chỉ còn có các tập đoàn dầu hỏa Trung Quốc và Ấn Độ đang hoạt động tại Iran.
Thế nhưng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos năm 2014 Tổng thống Rohani đã kêu gọi Tây phương đầu tư vào Iran, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Pháp Mỹ chạy đua tranh giành thị trường xe hơi Iran
Theo nhiều công trình nghiên cứu các biện phát trừng phạt của quốc tế nhắm vào Iran từ năm 2006 đến 2014 đã cướp đi từ 15 đến 20 % GDP của quốc gia Hồi giáo.
Trước nhu cầu to lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, vào khu vực công nghiệp của Iran nhiều tập đoàn quốc tế đã trong thế sẵn sàng. Điển hình là các tập đoàn sản xuất xe hơi của Pháp.
Trước khi Teheran và nhóm 5+1 đạt được thỏa thuận khung về hạt nhân Iran tại Lausanne, ở hậu trường, đã có một sự giàn xếp giữa các tập đoàn xe hơi của Âu, Mỹ với các đối tác Iran.
Trên nguyên tắc, lợi thế đang nghiêng về phía hai nhà sản xuất Pháp, Renault và Peugeot.
Cả hai đang kiểm soát đến gần 40 % thị trường với 1,6 triệu xe của Iran.
Đối với Peugeot chẳng hạn thì Iran là thị trường quan trọng thứ nhì, sau Pháp. Năm 2011 đã có tới 460.000 kiểu xe Peugeot 206 và 405 được lắp ráp tại nhà máy Iran Khodro.
Cùng thời kỳ, Renault bán ra tới đến 100.000 chiếc Dacia- Logan.
Năm 2013 ông Hassan Rohani một người theo đường lối cải tổ và coi việc nối lại đối thoại với phương Tây là ưu tiên hàng đầu nếu đắc cử tổng thống.
Sự kiện đó đã làm dấy lên nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp Âu Mỹ.
Các nhà sản xuất xe hơi Hoa Kỳ lập tức nhập cuộc. Do không có đại diện ngoại giao tại Teheran, các hãng xe lớn của Mỹ từ GM đến Ford đã nhờ trung gian Thụy Sĩ để tiếp cận với thị trường Iran.
General Motors đã đặc biệt tỏ ra năng động với một chiến dịch quảng cáo quy mô, với một vài kiểu xe nhập vào Iran qua trung gian Azerbaïdjan, để « bắt mạch » thị trường.
Tới nay, mới có chưa đầy 10 % các hộ gia đình Iran sắm xe hơi. Chủ tịch tập đoàn PSA Peugeot Citroen, Carlos Tavares tuyên bố ông sẵn sàng sang Iran để đẩy mạnh dự án hợp tác với đối tác truyền thống là Iran Khodro.
PSA thậm chí đã tính tới kế hoạch thành lập liên doanh, mỗi bên đầu tư 50 % vốn, để sản xuất các kiểu xe Peugeot 301, 208 và 2008.
Iran, trong tương lai sẽ là cánh cổng mở ra thị trường khu vực và kể cả thị trường Nga cho PSA Peugeot Citroen.
Về phần mình, Renault từ đầu những năm 2000 đã thành lập một liên doanh với một tổ hợp Iran mà trong đó, hãng xe Pháp kiểm soát 51 % vốn.
Mục đích của tập đoàn có logo hình quả trám này nhằm cung cấp phụ tùng cho hai hãng lắp ráp lớn của Iran là Iran Khodro và Pars Khodro.
Trước khi chính quyền Obama siết chặt thêm lệnh cấm vận vào năm 2013, Renault chiếm một vị trí then chốt trên thị trường xe hơi Iran.
Tương tự như trong ngành xe hơi, đối với khu vực dầu khí, liên hệ giữa các đại gia Âu, Mỹ với các đối tác Iran chưa bao giờ thực sự bị gián đoạn.
Tập đoàn Total của Pháp, Eni của Ý hay Shell của Hà Lan vẫn có văn phòng đại diện ở Teheran.
Từ tháng 11/2014 các bên đã nối lại liên lạc bên lề cuộc họp thường niên của khối OPEP tại Vienna- Áo.
Sự hiện diện của các tập đoàn Châu Âu trong lĩnh vực này cho phép Iran giảm bớt mức độ lệ thuộc vào các nhà đầu tư Trung Quốc.
Nhưng các đại gia của Mỹ từ Chevron đến Conoco Philips sẽ không để cho các đối thủ Châu Âu độc quyền thương thuyết với Iran.
Vào lúc các công ty lớn nhỏ của Âu Mỹ đã dàn binh bố trận để thâm nhập vào thị trường Iran. Tháng 2/2015 một phái đoàn hùng hậu hơn 100 doanh nhân Pháp đã đến Teheran thăm dò thị trường.
Câu hỏi đặt ra là các tập đoàn đó liệu có dễ dàng thương thuyết với các nhà cầm quyền ở Teheran hay không ?
Trưởng ban tiếng Iran của đài RFI Manoochehri Ehsan trả lời :
" Đúng là một khi cấm vận được xóa bỏ, sẽ có nhiều cơ hội cho các tập đoàn nước ngoài đến Iran hoạt động.
Phải nói là từ 35 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã không ồ ạt đổ vào Iran. Nhiều tập đoàn quốc tế đã rút lui khỏi quốc gia này từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Trong khi đó, dân số Iran ngày nay cao hơn gấp 2,5 lần so với thời điểm năm 1979. Do vậy nhu cầu về đầu tư vào hạ tầng cơ sở rất lớn.
Nhưng liệu rằng, Teheran có sẵn sàng mở cửa đón các đối tác nước ngoài hay không, đó lại là một chuyện khác.
Bởi vì khi các công ty Âu, Mỹ đến Iran làm việc, họ sẽ đòi hỏi một số bảo đảm chẳng hạn như về mặt tài chính, ngân hàng, bảo hiểm …
Thêm vào đó, họ sẽ bắt buộc phải tuyển dụng nhân viên tại chỗ. Đó sẽ là cơ hội để cho người dân Iran tiếp xúc với các đối tác nước ngoài.
Chính sự giao tiếp đó khiến các nhà lãnh đạo Iran lo sợ.
Teheran không muốn việc mở cửa kinh tế về lâu dài sẽ dẫn tới một sự thay đổi về chính trị.
Các nhà cầm quyền ở Iran chưa sẵn sàng cho điều đó. Tôi không nghĩ là Teheran mở rộng vòng tay đón các nhà đầu tư phương Tây.
Dù vậy Iran sẽ phải chọn lọc một số các nhà đầu tư, bởi vì quốc gia này cần phát triển kinh tế, cần hiện đại hóa guồng máy công nghiệp và đương nhiên là trong điều kiện đó, Teheran sẽ đặt điều kiện với các đối tác nước ngoài " .
Về phần mình chuyên gia về chính trị học, giảng dạy tại đại học Aarhus, Mehdi Mozaffari Đan Mạch đặc biệt quan tâm đến một cuộc chiến khác sẽ xâu xé nội bộ Iran trong tương lai :
« Theo tôi, sẽ có một ‘cuộc chiến tranh giành đô la’ trong nội bộ Iran. Hiện nay đang có hơn 120 tỷ đô la bị giữ ở hải ngoại.Một khi lệnh cấm vận được xóa bỏ, thì khối tiền khổng lồ đó sẽ được đưa về Iran. Kèm theo đó là một cuộc chạy đua tranh giành quyền kiểm soát khối tiền nói trên.
Như đã biết, Vệ binh cách mạng hồi giáo Pasdaran không chỉ là một lực lượng quân sự mà còn đóng một vai trò quan trọng trên sân khấu chính trị Iran. Bên cạnh đó họ còn kiểm soát luôn cả nhiều lĩnh vực then chốt trong bộ máy kinh tế của cả nước, đặc biệt là mảng công nghiệp.
Chính các lực lượng Pasdaran hiện đang kiểm soát phần lớn các hải cảng của Iran.
Câu hỏi đặt ra là một khi 120 tỷ đô la nói trên được đưa về Iran, số tiền đó sẽ được chia sẻ như thế nào giữa phe Vệ binh cách mạng hồi giáo Pasdaran với lực lượng dân quân tự vệ Basiji và với những phe phái khái nữa.
Tôi nghĩ là ngoài vấn đề chính trị, và chia rẽ giữa các phe bảo thủ, ôn hòa … là cả một cuộc đọ sức để tranh giành đồng đô la.
Mọi người chờ đợi đó sẽ là một cuộc chiến khá khốc liệt.
Bao nhiêu tiền trong gói đô la sắp được đưa về Iran đó sẽ được dùng để đầu tư vào hạ tầng cơ sở, vào việc cải thiện đời sống cho người dân Iran ?
Và bao nhiêu phần trăm trong số đó sẽ được dùng vào những việc khác ? ».
Related news items:
Tin mới
- Quốc tế thất vọng về Aung San Suu Kyi trong hồ sơ thuyền nhân Rohingya - 29/05/2015 18:40
- Smartphone và Facebook: Những cách dùng sai lệch của thiếu niên - 27/05/2015 16:35
- Vòi bạch tuộc Trung Quốc vươn đến châu Mỹ la-tinh - 27/05/2015 16:16
- Biển Đông : Mỹ kiên quyết ngăn chận tham vọng chủ quyền của Trung Quốc - 23/05/2015 15:05
- Các nguy cơ xung đột trên Biển Đông là gì ? - 18/05/2015 17:46
- Washington không để Bắc Kinh thao túng tại Biển Đông - 14/05/2015 16:00
- Độc Diễn Kiểu Mỹ - 14/05/2015 14:29
- Chiến lược xuyên suốt của Pháp tại Cuba - 11/05/2015 20:18
- Cuba sẽ giống Việt Nam? - 20/04/2015 15:49
- Putin bán tên lửa S-300 cho Iran bất chấp cấm vận còn hiệu lực - 14/04/2015 22:51
Các tin khác
- Obama khai mở chương mới trong quan hệ với Châu Mỹ Latinh - 14/04/2015 00:11
- Bình thường hóa bang giao Mỹ-Cuba : Con đường còn dài - 12/04/2015 20:09
- Thái Lan muốn tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc - 09/04/2015 23:27
- Biển Đông : Cựu cố vấn Mỹ Kissinger « tiếp tay » cho Trung Quốc - 31/03/2015 18:38
- Liên đoàn Ả Rập quyết định thành lập liên quân chống khủng bố - 30/03/2015 00:53
- Lý Quang Diệu, nhà chính trị bản lãnh - 26/03/2015 15:42
- Indonesia tự khẳng định vai trò trung gian trong tranh chấp Biển Đông - 25/03/2015 19:09
- Singapore của Lý Quang Diệu mô hình mở cửa cho Trung Quốc - 24/03/2015 18:53
- Dù rắc rối nghi thức, Mỹ chấp nhận tiếp Nguyễn Phú Trọng - 23/03/2015 19:32
- Chiến lược Đông Nam Á của Nhật sẽ được bổ sung bằng yếu tố Indonesia - 21/03/2015 17:00