Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dù rắc rối nghi thức, Mỹ chấp nhận tiếp Nguyễn Phú Trọng

NPhuTrong

Ông Nguyễn Phú Trọng trên đoàn chủ tịch Đại hội đảng 11 ngày 12/01/2011.
Ảnh: REUTERS/Kham


Báo chí Việt Nam ngày 13/02 vừa qua loan tin là, khi gởi lời chúc năm Ất Mùi đến chính phủ và nhân dân Việt Nam, Ngoại trưởng John Kerry đã nhắc lại việc chính quyền Mỹ mời tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ.

Nhưng cho tới nay, chưa có thông tin chính thức gì là cụ thể ông Nguyễn Phú Trọng được ai hoặc cấp nào mời thăm nước Mỹ.
Người ta chỉ được biết chính là phía Hà Nội đã gợi ý với Washinton mời tổng bí thư Đảng sang thăm Hoa Kỳ, chứ không phải phía Mỹ chủ động mời.

Thời điểm chuyến viếng thăm cũng chưa được xác định, nhưng có thể là vào khoảng tháng 7 năm nay.

Phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 06/03, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã xác nhận thông tin về chuyến đi thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng trong năm nay, nhưng ông chỉ nói chung chung là " theo lời mời của phía Hoa Kỳ " ( theo bản dịch của đại sứ quán Mỹ, nguyên văn tiếng Anh là "at our invitation" ) và cũng không nói rõ là chuyến viếng thăm này sẽ diễn ra lúc nào.

Dầu sao đây sẽ là lần đầu tiên một lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam viếng thăm kẻ thù củ, đúng 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc.
Chuyến đi này cũng diễn ra đúng vào dịp Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 20 năm tái lập quan hệ ngoại giao.

Đối với giáo sư Jonathan London, nhà xã hội học và cũng là một chuyên gia về Việt Nam, thuộc đại học City University of Hong Kong, chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng phản ánh tính chất phức tạp trong quan hệ Mỹ-Việt, cũng như tính chất phức tạp trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam.

Chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ sẽ có ý nghĩa như thế nào là tùy thuộc vào thông điệp mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam mang theo.
Đó là nhận định của luật sư Vũ Đức Khanh, Canada, và cũng là tác giả nhiều bài viết về Việt Nam trên báo chí quốc tế.

Theo lời giáo sư Jonathan London, phía Mỹ ban đầu cảm thấy không được thoải mái lắm với việc đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng cuối cùng họ cũng chấp nhận mời tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vì thấy rằng hai nước cần phải thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương:

Nhưng chuyến đi này lại đặt ra nhiều vấn đề về mặt nghi thức tiếp đón, bởi vì mặc dầu là nhân vật số một của chế độ Hà Nội, trên danh nghĩa, ông Trọng chỉ là lãnh đạo một đảng cầm quyền, giống như Đảng Dân chủ.

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng không có đối tác trực tiếp nào khác ở Hoa Kỳ ngoài chủ tịch Đảng Dân chủ.

Theo lời giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, phía tổng thống Barack Obama đã từ chối tiếp tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam như một thượng khách tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.

Như vậy thì cụ thể ông Nguyễn Phú Trọng có thể được tổng thống Obama tiếp đón ở đâu và như thế nào, luật sư Vũ Đức Khanh nêu lên những nơi mà tổng thống Obama có thể tiếp lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có Camp David, nơi mà các tổng thống Hoa Kỳ vẫn thường đón tiếp các lãnh đạo nước ngoài..

Theo giáo sư Jonathan London, nếu muốn được Hoa Kỳ tiếp đón như thượng khách, thì Hà Nội phải chứng tỏ những tiến bộ thật sự về mặt nhân quyền và dân chủ :
Có một lý do có thể giải thích vì sao tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cố sang thăm Hoa Kỳ cho bằng được, đó là ông muốn nâng cao tính chính đáng cho Đảng Cộng sản Việt Nam, trong bối cảnh Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ được triệu tập vào đầu năm tới.

Hà Nội cũng đã chính thức mời tổng thống Obama sang thăm Việt Nam nhân dịp đi dự thượng APEC ở Manila và dự thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur.
Trước khi viếng thăm Hoa Kỳ, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đi Trung Quốc theo lời mời của tổng bí thư kiêm chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể là trong tháng này.

Hà Nội cũng đã mời ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam.
Nếu cả hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đều thăm Việt Nam trong năm nay, thì đây sẽ là một sự kiện ngoạn mục.

Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Trọng hứa hẹn rằng mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục đi lên.
Trung Quốc có lẽ sẽ gây áp lực để Việt Nam không tiến hành các hành động pháp lý với tranh chấp trên biển Đông, và không tiến quá gần Hoa Kỳ.

Áp lực của Trung Quốc lên Hàn Quốc để không lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo chứng tỏ Trung Quốc có thể chỉ thị cho Việt Nam để ngăn chặn việc tiếp nhận vũ khí từ Hoa Kỳ. Việt Nam muốn Trung Quốc đảm bảo rằng sẽ không có những vụ tương tự như giàn khoan HD 981 trong tương lai.

Cũng theo giáo sư Car Thayer, bởi vì Tổng bí thư Trọng sắp đi Hoa Kỳ sau chuyến thăm Trung Quốc, ông sẽ có lợi thế khi đối thoại với Tập Cận Bình.
Nếu Trung Quốc ép quá đáng hoặc không chấp thuận đề nghị của Việt Nam, Việt Nam có thể lựa chọn thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.

Ngược lại, nếu Tập Cận Bình thỏa hiệp, ông Trọng có thể sử dụng nó để làm lợi thế khi đối thoại với Hoa Kỳ.

Nhưng đối với luật sư Vũ Đức Khanh, Việt Nam không thể cứ mãi đi theo chính sách ngoại giao « đu dây » giữa hai cường quốc Mỹ Trung, mà đến lúc phải dứt khoát « chọn bạn mà chơi ».


Switch mode views: