Tín ngưỡng thời Covid
- Thứ Năm, 28 tháng Năm năm 2020 20:26
- Tác Giả: Trần Mộng Tú
Bắt đầu đại dịch Covid tấn công, mọi người trên thế giới được khuyến khích ở trong nhà, Tiểu Thương, Đại Thương, Trường Học, Giáo Đường đều đóng cửa.
Các Thánh Lễ được theo dõi trên màn ảnh nhỏ.
Như mọi người công giáo khác tôi mới đầu thấy tiện lợi, thấy đầy đủ, nhưng sau thời gian hai tháng, tôi thấy hình như vẫn thiêu thiếu một điều gì.
Tôi nhớ nhà thờ. Tôi nhớ mỗi sáng Chủ Nhật ăn mặc tươm tất trang nhã tới Nhà Thờ dự Thánh Lễ, nhớ tiếng hát tiếng đàn, nhớ sự hiện diện của giáo dân quen thuộc.
Bây giờ Chủ Nhật, ngồi ê a hát “Ngày chủ nhật buồn, ngồi trong căn gác đìu hiu, ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều – TCS.”
Tôi nhớ Lễ, nhớ sân nhà thờ, nhớ tiếng chào hỏi nhau của linh mục và giáo dân khi tan Lễ ra, ngay khuôn viên trước cánh cửa nhà thờ, rót mời nhau ly cà phê nhỏ và chia nhau mỗi người một cái donut cắt làm hai, nói với nhau dăm câu thăm hỏi trước khi ra về.
Cuối tuần là thế, Thánh Lễ Chủ Nhật trước, rồi sau đó mới yên tâm sinh hoạt với gia đình, bạn bè.
Không tới nhà thờ dự Thánh Lễ được thì cũng có thể tới sân nhà thờ cho đỡ nhớ.
Sáng nay, tôi đi mua hoa ở trại hoa của người Lào ngay gần nhà. Thành phố cho họ khai khẩn trồng hoa và rau trên một thửa đất bỏ không, để bán lẻ ngay trong khu phố của mình.
Mùa này họ mới có hoa Kim Hương (Tulip). Hai mẹ con người Lào đeo khẩu trang bán hoa, khách tới mua cũng mặt mũi kín mít. Chỉ những đóa hoa thản nhiên khoe dung nhan đằm thắm của mình và dịu dàng tỏa hương thơm, không ngại người né tránh.
Mua hoa xong tới Nhà Già, nơi chị tôi ở, đón chị.
Mùa đại dịch, chị tôi hai tháng nay không đi ra khỏi nơi cư ngụ của mình.
Các con hay em, cháu đi chợ, mang thức ăn cho chị đều dùng cửa sau. (Ðể không phải đi qua đại-sảnh)
Tôi gọi trước nên chị sẵn sàng khi xe vừa vào bãi đậu. Hai chị em mang hoa tới nhà thờ để viếng tượng Ðức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ.
Ðặt hoa trước tượng Mẹ, để cầu xin cùng Mẹ cho nạn dịch thế giới này mau chấm dứt.
Angela Gleaves và bốn y tá khác khu Sản Khoa chia sẻ những bức ảnh họ dành một phút để cầu nguyện trước khi làm việc vào Thứ Hai.
Kremer chia sẻ rằng lý do cô chọn sân đỗ trực thăng làm nơi cầu nguyện là để “phủ lên cả trung tâm này năng lượng bình yên”… Ericka Poore, LifeFlight coordinator – (Hình trên mạng)
Cửa vào nhà Thờ đóng kín, sân nhà thờ im vắng, bên khu trường học các cánh cửa lớp im lìm, tiếng chim trên những ngọn cây ở trong sân trường nghe lạc lõng khi không có tiếng học trò cùng cất lên.
Tội nghiệp những con chim, chúng gọi hoài không có tiếng trả lời. Chúng tôi ở trong sân nhà thờ trước tượng Ðức mẹ khá lâu, thì thầm lời nguyện trong đầu cho sự an bình sớm trở về cùng thế giới trong mùa đại dịch kinh hoàng này.
Có độ ba, bốn chiếc xe cũng đậu cách xa nhau trong sân, mỗi cái xe một người ngồi, im lặng.
Họ chắc cũng nhớ nhà thờ, vào sân, thì thầm với Chúa.
Bên hông nhà thờ, những cây anh đào đang thời mãn khai, gió thổi cánh rắc hồng một góc sân. Mỗi cánh hoa như một lời kinh, rụng xuống hồn thất lạc.
Cánh cửa nhà thờ im lìm, tôi áp tai vào không một tiếng động. Chúa còn ở trong nhà thờ, sau cánh cửa này không?
Hai cánh cửa im lặng
Chúa có còn bên trong
Con gõ lên mặt gỗ
Tiếng kêu khô lạnh lùng
Chính Chúa đã ở đây
Sao bây giờ không thấy
Chúa cách xa loài người
Ẩn mình sau thánh giá
Chúa có phải che miệng
Chúa có nén cơn ho
Vòng tay Chúa có mở
Ðể ôm con vào lòng
Con đứng đây bơ vơ
Nhà thờ không mở cửa
Con lầm lũi bước đi
Những cánh hoa đào rụng
Như lời kinh thầm thì
Như giọt máu co-vi
Loang xuống hồn thất lạc. (tmt)
Tôi nghĩ đến bao nhiêu linh mục, bao nhiêu tu sĩ đã chết vì lây lan trong mục vụ cuối cùng cho bệnh nhân trong bệnh viện hay ngoài nghĩa trang.
Ðức tin đã giúp họ thành những anh hùng thầm lặng. Chết cho người khác là chết cho Thiên Chúa.
Cha chọn con trong muôn vàn người thế
Ðể cho con trọn vẹn thuộc về Cha
(Khuyết danh)
Các Y Tá nữa, họ là những người vất vả, đối diện với sinh tử gần nhất. Có người cả tháng không được ôm con mình vào lòng, cả tháng không được ăn chung bữa với gia đình.
Họ đã phụng sự người khác tận tụy với công việc họ đã chọn. Họ hiểu rõ thế nào là “Y Ðức” theo nghĩa đúng nhất của nó.
Tôi đọc được trên những trang mạng: Tin và hình ảnh của những y tá thuộc trung tâm Y Tế Ðại Học Vanderbilt-Tennessee, cho chúng ta thấy sức mạnh của niềm tin tôn giáo đã giúp tâm hồn và thể xác họ cao đẹp và mạnh mẽ đến thế nào.
Sarah Kremer nhắn cho các bạn mình “Này, tôi có ý tưởng này thực sự nằm trong trái tim tôi, tôi muốn đến sân bay trực thăng và tôi muốn cầu nguyện cho mọi người.”
Ðó là ngày sinh nhật của cô ấy Thứ Hai, và đó là lời ước nguyện sinh nhật của cô ấy.
Cộng Sản Trung Quốc không bao giờ chấp nhận Kitô Giáo.
Cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, một nhóm 5 y tá từ Ðơn Vị Sản Khoa của Trung tâm Y tế Ðại học Vanderbilt thuộc tiểu bang Tennessee, Mỹ, đã tổ chức một buổi cầu nguyện để mong được sự che chở từ đấng tối cao trong cuộc chiến kéo dài với bệnh dịch.
Các y tá tập trung tại sân đỗ trực thăng của bệnh viện để cầu nguyện cho bệnh nhân và gia đình trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.
“Chúng tôi cầu nguyện cho các bệnh nhân và gia đình của họ trong khoảng thời gian thử thách này. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho tất cả đồng nghiệp đang chăm sóc người bệnh mắc COVID-19 trên khắp thế giới”. “Chúng tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong gió”..
Kremer chia sẻ rằng lý do cô chọn sân đỗ trực thăng làm nơi cầu nguyện là để “phủ lên cả trung tâm này năng lượng bình yên”… Ericka Poore, LifeFlight coordinator
Trong khi đó, ở một nơi xa xôi nào đó, tận bên Trung Quốc, khi cơn dịch lắng xuống, người ta đến phá bỏ, đập vỡ những thánh giá trên nóc giáo đường.
Các Linh Mục, các Mục Sư ở trong tình thế bắt buộc phải cho nhà nước hạ Thánh Giá xuống, nếu không nhà thờ sẽ bị tịch thu làm nơi sinh hoạt của thành phố.
Các vị chủ chăn đau lòng nhưng phải chấp nhận còn hơn mất luôn cả nhà thờ.
Ðể tránh sự chống đối của giáo dân, nhà nước cộng sản thường cho người tới hạ thánh giá vào những giờ thành phố chưa thức dậy.
Sân nhà thờ im lặng vắng ngắt, thánh giá nằm cô đơn trên mặt đất còn đẫm sương đêm.
Trong buổi sáng mù sương
Thánh Giá bị đập ngã
Con người thay Siêu-vi
Ðến gặm mòn Thánh Giá (tmt)
Thánh Giá tại nhà thờ Guantou ở Ôn Châu, thành phố được gọi là Giêrusalem của Trung Quốc, bị chính quyền bí mật tháo xuống trong thời gian từ 3-6 giờ sáng. Ngay sau khi bãi lệnh phong tỏa thành phố.
Khi những con siêu vi bỏ đi xa, hoạt động ở những vùng đất khác, Thánh giá bắt đầu bị ruồng bỏ trên từng nóc giáo đường.
Tin mới
- Tô Cháo Huyết - 08/06/2020 01:12
- Tháng Năm chưa vơi sầu - 07/06/2020 22:17
- Đợi em thắp hương - 07/06/2020 18:28
- Mẹ con anh khờ - 04/06/2020 21:20
- Mùa Xuân phía trước - 03/06/2020 22:26
- Em không vội được đâu! - 02/06/2020 15:18
- Tình Như Lá Thu - 01/06/2020 03:57
- Căn nhà cuối cùng - 31/05/2020 16:29
- Má tôi - 30/05/2020 18:24
- Tiếng hát - 29/05/2020 15:00
Các tin khác
- Xấu dây nhưng tốt củ - 27/05/2020 18:48
- Chanh - 26/05/2020 19:20
- Nếu Vợ Chồng Mình Trúng Số - 26/05/2020 18:45
- Hâm nóng tình già - 24/05/2020 22:14
- Cho môi em một màu son - 24/05/2020 16:34
- Ba người đàn ông Mỹ và Coronavirus - 24/05/2020 02:18
- Xu ơi... !!! - 23/05/2020 02:55
- CHÚNG TA NỢ NHAU MỘT LỜI XIN LỖI - 22/05/2020 17:39
- Phúc Đức Tại Mẫu - 21/05/2020 18:00
- Du lịch mùa Corona - 20/05/2020 18:36