Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mẹ con anh khờ


me con anh khoAnh tên Hiền mà người thì cũng thật là hiền, nhưng hiền quá đôi lúc thành ra… khờ.
Không biết ai đặt cho anh cái tên Khờ, dân lối xóm kêu riết thành quen chết danh cái tên Khờ.
Mẹ anh thì nói con tui đâu phải khờ, nó chỉ không được khôn lanh như người ta mà thôi.

Mẹ anh Khờ là bà Thảo giáo viên trường tiểu học. Bà Thảo hồi nào tới giờ không có chồng nên anh Khờ không biết cha mình là ai.


Gia đình đơn chiếc, hai mẹ con sống trong căn nhà ông bà để lại vùng ngoại ô đèn vàng này, cái nhà mà bà Thảo đã sống từ thời bà mới vừa biết đi lẫm chẫm.
Bà có một người anh trai từ lâu sống trên thành phố, nay được con cháu bảo lãnh sang sống ở nước ngoài. Căn nhà và miếng đất cho hết bà Thảo, không ai tranh giành.

Anh Khờ cũng học xong trung học, thi đại học đôi ba lần không đậu, về nhà nói mẹ ơi con muốn đăng ký đi xuất khẩu lao động nước ngoài.


Bà Thảo có hơi ngần ngừ, nửa muốn cho con ra ngoài học khôn, học ăn học nói học gói học mở với người ta, nhưng nửa ngại con mình khờ quá biết có thích nghi nổi hoàn cảnh nơi xứ người không đây.
Nhưng rồi anh Khờ lại rớt phỏng vấn, thôi thì theo bạn bè xin việc tại các khu công nghiệp.

Thời đó hãng xưởng gia công mọc lên như nấm sau mưa, đi đâu cũng thấy tuyển người làm. Mặc sức cho anh Khờ bay nhảy, anh làm chỗ này đôi ba tháng lại đổi chỗ khác, nhưng anh vốn hay bị khờ lại đứng núi này trông núi nọ, nếu anh không tự ý xin thì chủ cũng cho anh nghỉ.

Năm anh hai mươi lăm tuổi mẹ kêu về quê cưới vợ. Có chỗ muốn gả con.
Ông bà Thân cũng là giáo viên dạy chung trường với bà Thảo, lại là người lối xóm. Cô con gái của ông bà cũng trạc tuổi anh Khờ, cũng theo nghiệp cha mẹ, cũng là cô giáo trường làng. Cô tên Lan, năm nay đã hai nhăm nhưng chưa từng có bạn trai.

Sợ để lâu con mình ế, ông bà Thân sang nhà bà Thảo không cần khách sáo nói huỵch tẹt là muốn cưới anh Khờ cho con gái mình. Bà Thảo thấy gia đình ông giáo Thân tự hồi nào đến giờ không mang điều tiếng chi.

Cô Lan cũng được gái, nếu đem chấm điểm cũng được bảy trên mười, người như cô đi đâu mà tìm.
Bà Thảo thì ưng bụng lắm nhưng cũng nói để tôi hỏi ý thằng con.
Ông giáo Thân sợ anh Khờ chê con mình, trước khi ra về còn nói, “Vợ chồng tôi bảo đảm với chị, con gái tôi còn nguyên xi, con gái tôi chưa từng, chưa từng … yêu.”
Bà Thảo cười thầm trong bụng bởi bà là người có tư tưởng rất thoáng, đời bây giờ đâu ai đòi hỏi gái về nhà chồng phải còn nguyên xi. Mà còn hay mất … chỉ có trời mới biết.

Anh Khờ nghe tin cưới vợ thì mừng hí hửng. Thân con mười hai bến nước, mẹ muốn gả cho ai thì gả.
Con đi làm trên thành phố mấy năm nay nhưng chẳng có dư được đồng nào. Ðám cưới ai muốn tính sao thì tính. Hai nhà cách nhau chưa tới trăm mét, lễ rước dâu đi bộ cũng được nhưng nhà gái muốn có xe hoa.
Cô dâu phải bước lên xe hoa về nhà chồng cho đúng bài bản.

Ðám cưới của anh Khờ thật là vui. Chú rể trai tân sánh duyên cùng cô dâu chưa từng … yêu.
Nhưng ngày vui qua mau.  Mau không ngờ. Cô dâu về nhà chồng được ba ngày thì ôm gói bỏ đi đâu không ai biết.
Chờ hoài không thấy về, bà Thảo cùng anh Khờ sang nhà thông gia tìm hiểu sự tình. Hai ông bà Thân chưng hửng, nó không có về đây, không biết nó đi đâu, để tôi đi tìm nó về chịu tội. Thiệt tình là con với cái. Nhưng tôi biết nó không quen ai, không hề.

Mười ngày sau ông bà Thân sang nhà bà Thảo chịu tội thế cho con. Con dại thì cái mang. Không phải ông không tìm ra con mình bỏ trốn ở đâu, nhưng ông biết rằng cuộc hôn nhân này hết phương cứu vãn.
Ông không nói lý do con bỏ trốn, chỉ nói xin lỗi. Chúng tôi thành thật xin lỗi. Nhưng hai ông bà chỉ nói những lời xin lỗi suông mà không hề đả động gì tới tiền bạc hay đồ sính lễ.

Bà Thảo nhìn thằng con, anh Khờ ngồi làm thinh mặt mày ngẩn tò te. Bà thấy vừa tội vừa thương. Bởi vì anh sinh ra đã mang tên Hiền, trong tình cảnh này mà anh cũng hiền được thì anh quả thật là người đáng … thương.
Sau đó anh Khờ lẳng lặng lên thành phố tiếp tục cuộc đời công nhân. Cuộc sống ngày qua ngày, ngày nào cũng giống ngày nấy chẳng thấy chi điều mới lạ. Tiền lương vừa đủ chi tiêu tháng nào hết tháng đó, suốt cả năm chẳng có dư lấy một đồng.

Hôm mất việc, anh lại khăn gói về quê sống với mẹ. Thôi, không đi đâu nữa, ở đây kiếm việc làm sống qua ngày. Anh làm linh tinh đủ việc, không việc nào ổn định, lúc có lúc không, làm năm ba bữa nghỉ năm ba bữa.
Nhưng anh không lo, chỉ mong kiếm chút đỉnh tiền sáng sáng cà phê cà pháo là được rồi. Còn nhà lầu xe hơi tiền tỷ thì anh chẳng bao giờ mơ tới, bởi biết có mơ thì cũng chỉ thấy mờ mờ.
Ngay cả đến việc vợ con anh cũng không lo. Kệ, chừng nào có thì có, tới đâu hay tới đó.

Một buổi sáng mùa Xuân đẹp trời, một cô gái đến gõ cửa nhà xin được làm vợ anh Khờ. Cô còn trẻ và khá là đẹp, chỉ mới hai lăm.
Cô nàng là người xóm trên, cha mẹ đều là nhân viên nhà nước, gia đình nhà cửa đàng hoàng ai cũng biết. Cô chỉ có cái tội là yêu sớm và ham vui sớm, bỏ nhà theo bạn trai sống thử. Chừng đẻ được đứa con thì bạn trai vô tù vì có dính líu tới băng đảng bán xì-ke.

Là gái hồi nào tới giờ chỉ biết ăn ở không, nay lại ôm con mọn cô cảm thấy không có cái khổ nào bằng. Về nhà cha mẹ sống cũng không yên, bà con chòm xóm lời ong tiếng ve, chịu hết nổi, đường cùng, cô đến nhà bà Thảo gõ cửa, tình nguyện làm vợ anh Khờ.

Cô hứa nếu anh Khờ chịu lấy cô làm vợ, cô sẽ một lòng một dạ lo cho chồng và mẹ chồng. Cô sẽ đi làm nuôi anh Khờ suốt đời.
Bà Thảo nhìn thằng con, anh Khờ nay đã ba lăm rồi mà cũng chưa nên thân. Nghề cũng không mà tiền cũng không. Thôi thì cái thằng này, nó không lo kiếm vợ thì vợ cũng đi tìm nó. Chắc cái số của nó trời định như vậy rồi.

Ðám cưới anh Khờ lần này cũng đông vui. Chú rể trai một đời vợ sánh duyên cùng cô dâu gái một con.
Mọi sự đều do cô dâu bày vẽ, anh Khờ chỉ lo việc trả tiền. Cô dâu trẻ tuổi điệu đàng, thay áo cưới đôi ba lần. Áo đầm hở cổ, áo dài truyền thống, áo dài cách tân.

Lúc đi chào bàn quan khách mời rượu, cô dâu chú rể mặc áo cung đình. Cô dâu mặc áo hoàng hậu còn chú rể mặc áo hoàng đế. Bộ đồ mướn rộng thùng thình, không biết y phục cung đình thời vua nào, rồng phụng màu mè giống phim bộ Hồng Kông.

Lúc cô dâu chú rể cắt bánh cưới, đứa con gái nhỏ của cô dâu chạy đến ôm chân mẹ. Má ơi con muốn ăn bánh. Cả khán phòng cười ồ. Ðây là một tình huống bất ngờ, ban tổ chức không lường trước được.

Ðám cưới đâu chừng ba tháng thì xảy ra chuyện không ngờ. Một buổi sáng con dâu bà Thảo đi đâu về cùng một cậu thanh niên. Vừa bước vô nhà thấy bà Thảo là hai người quỳ xuống vừa khóc vừa kể:
– Mẹ ơi, xin tha lỗi cho con, con biết là con có lỗi nhiều lắm khi bỏ anh Khờ. Chồng cũ của con mới vừa được thả, đâu ai ngờ mau dữ vậy. Con thiệt là khổ tâm, mẹ với anh Khờ có thương con thì thương cho trót, thả con về với chồng cũ của con, hai vợ chồng con đội ơn mẹ với anh Khờ.

Nãy giờ bà Thảo ngồi sững sờ, bà bị một cú sốc mạnh không nói nên lời. Ðứa con dâu tháo chiếc nhẫn cưới bước lại đưa anh Khờ:
– Anh làm ơn nhận lại chiếc nhẫn cưới này giùm em, coi như anh xoá bỏ một lời nguyền. Em muôn vàn nhớ ơn anh. Còn đôi bông tai và sợi dây chuyền em xin giữ lại như đồ kỷ niệm.
Anh Khờ và bà Thảo ngồi làm thinh, hết ý kiến.
Cái tin vợ anh Khờ trở về với chồng cũ cả xóm đều biết. Có người nói tội cho anh Khờ, có người nói bỏ tiền ra mua được vợ ba tháng… coi như huề

Bà Thảo đến tuổi nghỉ hưu, ngày nào còn đi dạy bận bịu sách vở trường lớp, giờ ở nhà đi ra đi vô sao mà nó trống vắng buồn tênh.
Anh Khờ nay đã bốn mươi, bà nghĩ đến việc tìm vợ cho anh, mình đâu có sống đời mà lo cho nó hoài. Nhưng bà chưa kịp tìm thì vợ anh Khờ tới nhà gõ cửa, chắc cái số của anh như vậy.

Một buổi chiều mưa giông, có một người đàn bà cùng hai đứa con nhỏ chạy xăm xăm vào hiên nhà bà ngồi tránh mưa. Anh Khờ đói bụng bưng tô cơm nguội ra đứng ngoài hiên vừa ăn vừa ngó lén người ta. Anh trở vô nói với mẹ:
– Con ăn cơm thằng nhỏ ngó miệng hoài, chắc nó đói.

Bà Thảo biết ý thằng con, thấy người ta đói tội nghiệp muốn cho ăn mà còn ngại mẹ, sợ nói này nói kia.
Bà bước đến lấy tô cơm nguội chan cá kho đem ra ngoài cho thằng bé, bà nói trống không:
– Còn chút cơm nguội ăn đỡ.
Thằng nhỏ lấm lét nhìn mẹ nó. Người đàn bà trẻ lên tiếng:
– Nói cám ơn bà đi con.
Hai đứa nhỏ nói cám ơn bà rồi bưng tô cơm lên ăn. Nó ăn một muỗng rồi đút cho mẹ nó một muỗng.
Bà Thảo bước vào nhà trong lòng chợt thấy xúc động.

Mưa càng lúc càng to, giông gió sấm chớp tứ bề, anh Khờ đi tới đi lui ra chừng áy náy.
Bà bước ra ngoài kêu ba mẹ con vô nhà tránh mưa, ướt hết rồi thay quần áo kẻo cảm lạnh.
Bà bước đến bếp nấu nước sôi luộc mì gói cho ba mẹ con ăn thêm, chắc họ còn đói.

Người đàn bà lấy trong túi xách mấy bộ đồ khô thay cho con rồi ba mẹ con ngồi ăn mì.
– Con cám ơn bác nhiều lắm. Trước đây con ở ngoài Trung, làm ruộng quanh năm mà không đủ ăn. Chồng con theo người ta đi tàu đánh cá ngoài biển xa, không may tàu chìm chết đuối.
Con ở quê không có việc gì làm, càng lúc càng túng quẫn. Có người bạn cùng thôn lấy chồng ở thị trấn này mấy năm trước, năm ngoái chị về quê, thấy hoàn cảnh con khổ quá nói có gì vô đây chị giúp đỡ kiếm việc làm nuôi con.
Ðâu ngờ tới đây mới biết chị cùng chồng dọn đi nơi khác rồi. Bác làm ơn cho con tá túc vài bữa, rồi thủng thẳng con tìm việc tìm chỗ ở dọn đi.

Bà Thảo không nói gì. Từ chối thì không nỡ mà nhận lời thì ách giữa đàng cứ mang vào cổ.
Bà nhìn cái đi-văng chất đầy đồ đạc trên đó, bà không muốn dọn dẹp chỗ ngủ cho họ, tự nghĩ lòng tốt cũng có giới hạn, để họ ngủ dưới sàn gạch là quý rồi.
Bà bước vào trong lấy chiếc chiếu và mùng mền. Anh Khờ giúp giăng mùng, mấy mẹ con chui vào ngủ.

Buổi sáng bà Thảo bước ra khỏi phòng đã thấy mấy mẹ con thức dậy từ lâu, mùng mền xếp gọn gàng. Bà bước đến bếp nấu nước pha cà phê, mang cho người đàn bà trẻ một ly, bà cầm một ly bước ra phía trước nhà.

Bà không thấy nhưng cũng nghe biết ba mẹ con đang chia nhau uống. Sân vườn buổi sáng sau cơn mưa đêm thêm tươi mát. Bà Tư hàng xóm đi ngang, thấy bà trước sân bước vào nói chuyện.
Bà Tư thấy có bóng người lạ con nít trong nhà tò mò đưa mắt nhìn. Bà Thảo kể rõ đầu đuôi câu chuyện ngày hôm qua.

Hai bà bước vào trong. Bà Tư lên tiếng hỏi:
– Cô tên gì ?
– Dạ cháu tên Lành.
– Ông Hoà nhà ở đầu đường có bà mẹ chín mươi tuổi, muốn tìm người mỗi ngày tới phụ giúp cho ăn tắm rửa chừng bốn tiếng đồng hồ trả năm chục ngàn, cô có muốn làm không?
– Dạ muốn, cháu làm được, chuyện gì cháu cũng làm.
Bà Tư nói, “Vậy cô đi theo tui tới đó thử việc.”

Buổi trưa chị  Lành đi về đưa bà Thảo tiền làm được.  Con làm được, họ thích lắm, dặn là mỗi ngày cứ đến làm đủ bốn tiếng thì về.
Chị đến bếp làm cơm, bà Thảo lấy trong tủ lạnh con gà đưa chị làm cơm gà luộc.
Bà bước đến ghế ngồi cầm quạt phe phẩy, ra điều bà chủ, bà mẹ chồng. Chị Lành làm bếp gọn gàng lanh lẹ, cả nhà xúm lại ngồi ăn, ai cũng khen ngon.
Chị Lành đi làm về là đưa tiền cho bà Thảo. Bà không nói gì lẳng lặng bỏ túi. Bà muốn thử xem sức chịu đựng của chị Lành đến đâu.

Bà còn tìm cách thử lòng người mẹ trẻ này, bà giả bộ để quên tiền chỗ này chỗ nọ, bà đánh rơi tiền khi thì trong bếp lúc ngoài sân.
Mấy đứa nhỏ lượm được trả lại cho bà. Không, bà muốn thử lòng mẹ nó kìa. Một hôm bà nhét hai tờ giấy năm trăm trên đầu tủ, một tờ tiền thật một tờ tiền âm phủ.
Buổi trưa bà đến xem chừng, hai tờ bạc không cánh mà bay. Bà suy nghĩ, lúc bà giấu đâu có chị Lành ở nhà, chị đã đi làm rồi, chỉ có thằng con trai bà đi ra đi vô mặt mày như mèo ăn vụng.

Buổi trưa anh Khờ về ngủ, bà lục túi quần anh treo trên vách, trong mớ tiền lẻ có tờ năm trăm tiền giả. Bà xé làm đôi vứt thùng rác. Thằng này xớn xác đem xài có ngày công an còng đầu. Con ơi là con.
Xéo nhà bà Thảo phía bên kia đường là nhà ông Quý làm ở ngân hàng. Ông đang cho thợ đập nhà cũ xây nhà mới lên thêm từng lầu.
Một hôm mấy người thợ xách con gà nhờ chị Lành làm cơm họ trả công. Chị Lành có tài nấu cơm gà luộc pha nước mắm gừng rất ngon. Ai ăn cũng khen.

Thế là hết nhóm thợ này tới nhóm thợ khác nhờ chị giúp, buổi trưa họ ngồi ăn uống ồn ào như cái quán.
Chị Lành thấy ham xin phép bà Thảo đặt hai cái bàn nhỏ trước sân buổi trưa bán cơm gà kiếm thêm tiền chợ. Bà Thảo bảo anh Khờ phụ chị cắt cổ gà nhổ lông gà, phụ dọn dẹp.
Tiền lời bao nhiêu chị đưa bà Thảo. Bà chỉ lấy một ít, bảo chị giữ để dành lo cho hai đứa nhỏ. Bà thử thách chị bao nhiêu đủ rồi.
Lối xóm thấy anh Khờ đưa đón hai đứa nhỏ đi học, thấy anh buổi trưa phụ chị Lành bán cơm gà, ai cũng nghĩ chắc hai người này đã nhập cục ngủ chung mùng.

Ông Tám nhà kế bên hỏi vậy chớ chị không tính làm đám cưới cho tụi nó sao. Bà Thảo nghe tới đám cưới thì sợ hết hồn. Tởn tới già. Mà cũng ngộ thiệt, hai đứa tụi nó có gì đâu. Sao ai cũng nghĩ hễ trai gái chung nhà thì không trước thì sau cũng giở mùng chun vô.

Bà Tư ông Năm gặp bà Thảo hỏi đon ren. Sao, chị tính chừng nào cho hai đứa trình làng ra mắt quan viên hai họ.
Người này người kia nói ra nói vô khiến bà Thảo nghĩ ngợi. Hay là mình hỏi con Lành cho thằng Khờ cho rồi. Bà nói với chị Lành:
– Con ở đây mấy tháng cũng biết tình cảnh của mẹ con bác ra sao rồi. Thằng Khờ tuy không khôn lanh như người ta, nhưng nó hiền lành tử tế, không chơi bời nhậu nhẹt hút xách. Bác nay đã lớn tuổi mong nó sớm yên bề gia thất. Nếu con thấy được thì hai đứa sống với nhau xây dựng gia đình.
Chị Lành cảm động ứa nước mắt:
– Nếu bác với anh Khờ mà không chê con, con thật là có phước mới bước vô được nhà này.
Bà Thảo không muốn tổ chức đám cưới rình rang, bà chỉ muốn làm một bữa tiệc nho nhỏ tại nhà, gọi là buổi ra mắt. Bà bàn với ông Tám và bà Tư lối xóm, bà nói:
– Tôi tính đặt một con heo quay, nấu một nồi cà ri gà ăn với bánh mì, cá hấp ăn với cơm chiên là đủ. Mua một thùng bia, mời bà con lối xóm chừng hai bàn là được rồi.

Ông Tám có ý kiến:
– Mình đãi kiểu đó giống như đám giỗ. Mặc dù không nói đám cưới nhưng cũng là đám cưới. Ðãi ăn phải dọn từ món chớ không bưng ra một lần.
Dạo đầu phải có đồ nguội để thực khách lai rai uống rượu hay bia, bỏ món cà ri thế bằng món vịt quay hay là chim cút rô ti, thêm món đồ biển cua tôm. Có hơi tốn kém chút… nhưng  phải làm coi cho được.
Bà Năm góp ý:
– Ðể tôi kêu mấy đứa nhỏ cùng bạn bè tụi nó sang phụ giúp, chị đừng lo, mấy thằng con tui giỏi mấy cái vụ này lắm.

Mặc dù không phát tờ rơi không làm quảng cáo, nhưng đám “ra mắt” của anh Khờ cả xóm ai cũng biết.
 Ðàn bà con nít đi ngang nhà đứng lại dòm ngó trầm trồ, “Bữa nay đám cưới anh Khờ, bữa nay đám cưới anh Khờ!”
Mấy cậu thanh niên lăng xăng làm cổng chào với bảng “Tân Hôn”, mấy cô gái í a í ới vừa làm vừa cười giỡn dưới bếp. Bà Thảo đi tới đi lui miệng cười mãn nguyện.
Thằng con của bà lối xóm ai cũng thương. Mấy cậu thanh niên lại còn bày đặt đem gắn dàn máy hát hò. Ðám thanh niên thanh nữ đông quá ham vui, xin bác đặt thêm hai bàn, bác đừng lo, tụi con tự đem mồi với lại bia, vui với anh Khờ là chính.

Anh Khờ uống rượu vui quá kéo cô dâu lại hôn, cô dâu mắc cỡ bỏ đi chỗ khác, thiên hạ vỗ tay tán thưởng.
 Anh Khờ xỉn xỉn lên hát một bài tân cổ giao duyên quên đầu quên đuôi ai cũng cười.
Buổi tối vợ chồng con cái xúm lại mở bao thơ đếm tiền. Anh Khờ mặt mày hí hửng lại nói với mẹ: lời, lời, hổng lỗ. Bà Thảo không nhịn được cười, hết ý kiến thằng con của tui, lần này đám cưới của nó … có lời.

Bà Thảo bắt đầu để ý con dâu, mỗi khi chị Lành đi đứng bà nhìn soi mói tìm điều khác lạ. Bà mong chị hôi cơm tanh cá, bà mong có một đứa cháu nội của riêng bà. Anh Khờ có thể mất vợ, nhưng cháu bà, cháu nội của bà sẽ mãi mãi là cháu bà.
Ngày tháng trôi qua bà không thể chờ. Một hôm bà kêu con dâu bà lại gặng hỏi:
– Mẹ nói thật với con, mà con cũng phải trả lời cho thật, con có thể nào đẻ cho mẹ một đứa cháu nội nữa không.

Chị Lành trầm ngâm giây lâu ngập ngừng điều khó nói:
– Con cũng biết mẹ với anh Khờ mong đợi điều đó, con thật lòng thương anh Khờ, muốn đẻ cho ảnh một đứa con, nhưng ảnh không thể… Hai đứa con cố gắng nhiều lần nhiều cách mà ảnh vẫn… không thể nào.

Một lần nữa bà Thảo bị một cú sốc, chuyện bây giờ mới biết. Bà nhớ lại lúc anh Khờ còn trẻ, bà nhiều lần tắm rửa cho anh, thấy anh cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Lúc nó lớn nhiều lần giặt quần xà lỏn cho nó, đôi lúc vấy bẩn mùi tanh tưởi. Sao bây giờ… sao bây giờ… như thế này?

Một buổi sáng sớm bà Thảo nói cho con dâu và thằng con biết là bà có việc phải đi lên thành phố chiều về. Mỗi lần đi là bà thấy thành phố thay đổi khác lạ, xe cộ người ta đi lại đông đúc ồn ào.
Nhưng bà không khó lắm để tìm ra nhà ông thầy “Ðông y sĩ bán thuốc gia truyền chuyên trị đàn ông yếu sinh lý”. Bà bước vào phòng đợi, lòng thấp thỏm lo âu. Bà nói ngập ngừng:
– Thưa thầy, tôi muốn thỉnh thuốc cho một người đàn ông… yếu… yếu… không thể… không thể…

Ông thầy thuốc Ðông y gia truyền nhìn bà khách bề ngoài không có vẻ gì là một người đàn bà đang trong thời kỳ … cần đến mấy chuyện đó.
– Bà nói ông nhà không thể … mà không thể như thế nào?
– Tôi nghe con dâu tôi nói chồng nó như vậy thì tôi biết như vậy. Có cần phải dẫn nó lên đây cho thầy khám?
Ông thầy bật cười hô hố, “Té ra bà đi thỉnh thuốc cho con trai bà, nãy giờ tôi cứ tưởng bà nói ông nhà. Tôi có thuốc viên hải cẩu bổ thận hoàn, bà mua cho cậu một lọ uống thử. Tôi hốt ba mươi thang thuốc cho con trai bà uống trong một tháng. Thuốc cường dương gia truyền, nổi danh ba đời.”

Buổi chiều về nhà, việc đầu tiên là bà Thảo đi vô bếp tìm siêu sắc thuốc cho thằng con trai. Buổi tối bà còn bắt anh Khờ bưng chén thuốc uống hết trước mặt bà.
Bà chờ đợi. Ngày nào cũng dòm ngó con dâu coi tướng tá có mập thêm chút nào. Buổi tối bà đi ra đi vô nghe ngóng, đi ngang phòng thằng con trai lắng nghe coi có tiếng cười giỡn giường chiếu nhúc nhích động đậy gì không.
Lúc thuốc gần hết, bà kêu con dâu lại hỏi nhỏ, con thấy có tiến bộ hơn chút nào không con. Cô con dâu lắc đầu, mọi sự vẫn u như kỹ… y như cũ.
Ngày tháng trôi qua…bà Thảo tức mình không chịu đầu hàng số phận, hễ còn nước là còn tát, hễ có bịnh là vái tứ phương. Ði đâu cũng nghe tụi thanh niên khẳng định  “người ta làm được, mình làm được.”

Bà thu xếp chuyện gia đình, dẫn con trai con dâu lên thành phố, đến bệnh viện trung ương khám nam, khoa chữa trị hiếm muộn. Sau nhiều lần thử nghiệm, bác sĩ tuyên bố bó tay, hết cách. Rất tiếc, ông không thể nào… không thể nào…
Từ đó bà Thảo không còn buồn, Không còn lo kiếm đứa cháu nội. Bà tự an ủi…”Ý trời”

Một hôm chị Lành đến gần bà Thảo thưa chuyện:
– Mẹ à, đêm qua con nằm mơ thấy chồng cũ con hiện về, anh vui cười hỏi thăm con đủ thứ.
Tỉnh dậy con nhớ quê quay quắt suốt cả ngày. Con đi cũng đã ba năm, con muốn xin phép mẹ cho con dẫn hai đứa nhỏ về quê, cúng mồ mả ông bà, mồ Ba tụi nó.
Bà Thảo miệng nói ờ phải con cứ đi, mà trong lòng bà thấy buồn buồn. Bà nghĩ rồi có ngày đứa con dâu này cũng sẽ bỏ con trai bà mà đi.

Buổi sáng anh Khờ hí hửng đưa vợ con ra bến xe về quê một tuần. Nghĩa là anh khỏi cắt cổ gà nhổ lông gà một tuần. Anh có nhiều thì giờ bù khú với bạn bè, trong khi mẹ anh lại buồn rười rượi vì nghĩ đứa con dâu này sẽ một đi không trở lại.
Lúc họ bước ra cửa bà móc tiền đưa con dâu và cho hai cháu. Dẫu thế nào thì bà cũng phải đối xử cho phải đạo mẹ chồng.

Mấy ngày con dâu đi vắng, bà cảm thấy trống trải buồn bã lạ thường. Bà thấy nhớ tiếng hai đứa nhỏ chạy giỡn nô đùa. Bà nhớ tiếng con dâu chặt thịt gà lộp bộp. Bà thương con dâu thương cháu nội thương cái mái ấm gia đình này hồi nào không biết.
Nhớ ngày nào tụi nó mới tới, co ro trong chiều mưa giá lạnh. Giờ đã ba năm. Ba năm con dâu bà trả ơn cưu mang coi như đã đủ. Sòng phẳng. Cuộc đời lúc nào cũng đối xử với bà sòng phẳng.  Quá là sòng phẳng.

Buổi sáng anh Khờ đi quán cà phê, ngang tấm lịch giả bộ ngó ngó, “Bữa nay mẹ con tụi nó về, ngày mai lại tiếp tục… cắt cổ gà…nhổ lông gà.” Bà muốn nói, con ơi mày được nhổ lông gà hằng ngày là phước ba đời đó con.
Anh Khờ nhắc tới một việc bà không dám chắc nhưng vẫn mong chờ. Ở tuổi này phải gánh vác một điều mất mát là một việc hết sức khó khăn.

 

Buổi trưa nằm thiêm thiếp trên giường bà nghe tiếng trẻ con cười nói, một âm thanh quen thuộc thân thương trong ngôi nhà này trong nhiều tháng qua.
Bà bước đến cửa sổ nhìn ra vườn sau, thằng cháu nội về tới là chạy u ra thăm con gà mái tre của nó nằm ấp trứng trong ổ, đứa cháu gái thì leo tuốt trên cây mận.
Bà bước ra phía trước, con dâu bà về tới lăng xăng xếp đồ sắp lên bàn thờ cúng ông bà. Nhiều dữ hôn, trái cây đồ ăn lũ khũ.
– Mẹ không ngủ trưa sao? Con có đem về mấy con tôm hùm với lại mực một nắng. Ðể con làm cơm trưa.
Chị Lành không thay quần áo nhào vô bếp làm món tôm hùm mới vừa học được. Anh Khờ đi chơi về bước vô nhà nói  thơm quá xá là thơm.

Cả nhà xúm lại quây quần ăn cơm trưa. Bà nói mẹ tính là ngày mai mình mua gà người ta làm sẵn cho tiện, cũng ngon chớ làm gà sống cực quá.
Cả anh Khờ và chị Lành đồng thanh, “Dạ phải, dạ phải. Con cũng tính nói với mẹ như vậy.” Ăn xong vợ chồng con cái nằm ngủ ngon lành.

Bà Thảo đi vòng quanh nhà ngắm nghía, phải sửa lại nhà bếp và nhà tắm theo kiểu mới hiện đại vừa sạch vừa thơm.
Rồi còn phải xây thêm phòng cho hai đứa cháu, tụi nó ngày một lớn. Hồi nào tới giờ cứ nghĩ thằng con của mình trước sau gì cũng bị vợ bỏ nên bà không tính đến chuyện sửa nhà. Nhưng mà mình đã tính sai.
 Người tính sao bằng trời tính.


Switch mode views: