Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ba người đàn ông Mỹ và Coronavirus

ba nguoi dan ong my va corona virus
Ba người bạn thân nhất của chồng tôi, một bác sĩ phẫu thuật tại Los Angeles, một làm việc cho Bộ ngoại giao tại thủ đô Washington, một là nhà đầu tư ở Wisconsin.

 

Theo lệ thường, hàng năm, họ chọn một địa điểm thú vị trên thế giới để tụ họp.
Cuối tuần trước, mặc dịch bệnh, họ vẫn bay đến miền Trung nước Mỹ gặp nhau, thậm chí còn vào sân vận động hàng ngàn người xem trận bóng rổ NBA.
Ông bác sĩ nói truyền thông đang làm quá lên, coronavirus chỉ như cúm mùa thôi.

Ông ngoại giao hề hề để xem tổng thống xoay sở thế nào, ông đầu tư xoa cằm: thị trường xuống rồi lại lên thôi, có suy thoái mới có hưng thịnh chứ, không dịch bệnh vẫn cứ suy thoái theo quy luật.

Ðúng một tuần sau, khi coronavirus đã loang ra 49 tiểu bang với gần ba ngàn người nhiễm, khi T.T. Trump đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, khi người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, khi nước Ý vỡ trận và châu Âu biến thành tâm dịch khiến hàng ngàn người chết, ba ông người Mỹ trên vẫn không thay đổi ý kiến, không hốt hoảng bán tháo cổ phiếu, chỉ nhắn tin khuyên nhau nên nhắc bố mẹ già ở trong nhà và ăn uống đầy đủ.

Ba người trên có thể nói học rộng biết nhiều, thành đạt, giàu có. Còn dân lao động Mỹ, họ phản ứng ra sao?
Chỗ tôi là một thị trấn đại học khoảng năm mươi ngàn dân ở Ohio – một tiểu bang lớn ở miền Trung Tây với dân chúng nổi tiếng bảo thủ.
Năm mươi ngàn ấy chủ yếu là giáo sư, sinh viên, người làm dịch vụ và công nhân ở mấy nhà máy gần đấy, cùng người làm nông ở mấy vùng phụ cận.

Mấy hôm trước, tôi ra Walmart tìm hộp măng ngâm, thấy những người Mỹ to béo ì ạch đẩy xe chất đầy đồ ăn nhanh đông lạnh cùng giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay chất lên ô tô, miệng phì phèo thuốc lá.
Nhưng đấy là chuyện thường ở Walmart, siêu thị bình dân, đồ ăn nhanh, quần áo rẻ như cho, khách hàng thu nhập thấp.
Có chăng người ta mua nhiều hơn một chút so với thường ngày để đề phòng lúc khó ra ngoài. Nhiều người thậm chí còn không mấy quan tâm đến coronavirus, cho rằng chỉ những kẻ giàu đi du lịch lung tung mới mắc phải.

Phần nhiều trong số họ không có bảo hiểm y tế, một thứ như kim bài hộ mệnh ở Mỹ vì phí chữa trị y tế quá cao, một đêm ở phòng cấp cứu có thể dăm ngàn đô, bằng khoảng ba tháng lương nhân viên thu ngân ở siêu thị Walmart.
Nhưng họ không mấy lo lắng, bởi không có bảo hiểm y tế đồng nghĩa không có bác sĩ riêng, không được khám sức khỏe định kỳ, không được cho thuốc điều trị bệnh mãn tính, không được nha sĩ rửa sạch răng.
Còn bất cứ khi nào bị bệnh, họ cứ ngang nhiên xông thẳng đến phòng cấp cứu bệnh viện gần nhà, nơi nhân viên y tế không có quyền từ chối bất cứ bệnh nhân nào.
Sau đó hóa đơn gửi đến nhà, họ không thể chi trả, nhà nước và bệnh viện cùng nhau “chia” các hóa đơn ấy.

Dịch bệnh lần này cũng vậy thôi, trường hợp nguy cấp, họ sẽ được cứu chữa, cơ hội ngang bằng như ba anh giàu có ở trên.
Hơn nữa, vào rạng sáng ngày 14/3, hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật hỗ trợ chống dịch Covid-19, trong đó có các điều khoản về phụ cấp cho người lao động bị nghỉ việc khẩn cấp vì mắc coronavirus, và miễn phí xét nghiệm cho toàn dân.

Những ngày qua, người Mỹ khắp nơi ồ ạt ra siêu thị mua giấy vệ sinh, chất tẩy rửa, thực phẩm về chất đầy nhà là thật.
Một phần do bản tính lo xa, tích trữ, phòng vệ của con người, như bao người khác trên thế giới, nhất là sau khi họ đã đọc nghe các tin tức về cuộc sống bên trong thành phố Vũ Hán bị phong tỏa.
Nhưng tôi nghĩ phần nhiều họ mua để không phải ra ngoài khi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn, tránh nguy cơ bị lây nhiễm từ cộng đồng.

Tôi trữ đồ vì thế, bạn tôi từ Cali cũng tâm sự thế, mọi người trong gia đình chồng tôi cũng dặn dò nhau thế.
Vậy thay vì cười cợt, chỉ trích, bạn nên nghĩ vấn đề sâu hơn xa hơn. Tất nhiên trữ đến mức giành giật để mang cả siêu thị về nhà, lại là chuyện khác.

Ngày 12/3, Ðại học Ohio University nơi chồng tôi làm việc quyết định đóng cửa trường trong hai tuần.
Ngay sau đó, thị trấn cũng ra thông báo toàn bộ học sinh các cấp nghỉ đến hết tháng Ba.
Một ngày sau, khi tiểu bang Ohio phát hiện ba ca dương tính đầu tiên, thống đốc tiểu bang ra lệnh đóng cửa các trường học trong ba tuần.
Cho đến lúc này, hầu hết trường đại học ở Mỹ đã quyết định dạy và học online cho đến hết năm học.

Nước Mỹ đã không còn thờ ơ ngồi rung đùi. Như khi tôi từ Hà Nội bay sang Chicago ngày 5/2 sau khi nối chuyến ở Tokyo, lúc Trung Quốc đã có hàng ngàn người chết và Việt Nam đã có hàng chục ca dương tính, nhân viên nhập cảnh tại sân bay chỉ hỏi đúng một câu: bạn có đi đâu sang Trung Quốc không, và tôi cười: tôi có điên đâu mà đến đấy lúc này.

Thế là xách túi đi ra. Giờ thì người ta không được nhập cảnh vào Mỹ dễ dàng thế nữa.
Ðứa cháu tôi đang học ở Canada vội vàng bay về Connecticut trước tương lai gần hai nước sẽ đóng cửa biên giới.
Nhà đầu tư Mỹ có đang hoảng loạn khi thị trường chứng khoán tụt dốc không phanh?
Trong gia đình chồng tôi có một “ông lớn” trong ngành đầu tư, anh ta thường đi khắp thế giới, gặp gỡ đủ các kiểu quan chức sở tại hay CEO những công ty lớn, hôm cuối tháng Một còn đến Thượng Hải.

Ðầu tháng Hai, khi người trong nhà tỏ ra lo lắng cho các khoản đầu tư, từ nhà nghỉ của mình nằm trên một quả đồi ở thung lũng Sonoma biệt lập với thế giới xung quanh, cơ sở cách ly lý tưởng nhất, anh ta nói người nhà cứ thoải mái nghỉ ngơi đọc sách xem phim nghiên cứu “tuýt” của tổng thống mà cười đi, cổ phiếu sẽ còn xuống nữa, nhưng rồi sẽ lên lại, bán lúc này là hạ sách.
Tất nhiên anh ta nói đến các khoản đầu tư dài hạn. Những nhà đầu tư ngắn hạn khó có thể bình tĩnh vậy trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng thế này.

Nếu nói người Mỹ không sợ coranavirus là nói xạo. Nhưng sợ rồi làm gì?
Hơn ai hết, những người Anglo – Saxon có tổ tiên đã chịu bao khó khăn hiểm trở vượt Ðại Tây Dương đến thế giới mới, rồi chiến đấu từng ngày với thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống, trải qua nhiều đại dịch lớn, họ hiểu rằng cuối cùng đấng tối cao tự nhiên luôn ở trên loài người.

Thay vì hoảng, hãy chấp nhận và tiếp tục cuộc sống. Không thể ra ngoài ăn tối, xem kịch, xem bóng, người ta đọc sách, chơi cờ, chơi bóng bàn, xếp hình, dạy con nấu bữa tối.
Mọi thành viên của gia đình chồng tôi liên lạc với nhau qua một group trên ứng dụng điện thoại, hàng ngày kể chuyện vui chuyện buồn, những ngày này thường giới thiệu sách hay phim hay, clip hài hước, và kết thúc cuộc trò chuyện bao giờ cũng là “mệnh lệnh”: ông bà không được ra ngoài.

Tôi cũng thấy trên tường Facebook của một bạn ở Texas kể rằng, cộng đồng dân cư nơi cô ở nhắn tin trên diễn đàn chung: bất cứ người già người bệnh nào cần giúp đỡ, người trẻ xin sẵn sàng.
Rồi tôi xem clip “dàn nhạc giao hưởng chung cư” ở vùng cách ly của Ý chơi bài nhạc vui nhộn.

Người Việt Nam, người Ý hay người Mỹ, lúc này cần yêu thương chứ không phải trách móc, dè bỉu, khóc than quá đà.

Hình minh họa: Bảo Huân

Switch mode views: