Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nước ơi! chầm chậm lại

nuoc oi
 Hai cô bé hí hoáy đóng cửa, ở trong buồng suốt mấy tiếng, bà mải lo sửa soạn bữa cơm chiều trong bếp, không để ý.


Khi hai cô bé mở cửa buồng ra gọi bà vào xem sáng tác của họ, bà giật mình, sững người: Cả bốn bức tường và trần nhà đều sơn màu khác nhau và có những vệt in bàn tay của hai cô với hình vẽ những đám mây ngũ sắc.

Đã xong đâu, hai cái tủ áo của con gái bà kê trong buồng ngủ, từ màu trắng được sơn sang mầu tím nhạt và có dán những hình ảnh cắt ra từ những tờ tạp chí nữa.


Hai cô bé đầu tóc, mặt mũi, đến quần áo đều dính sơn lem nhem chỗ này chỗ kia như hai chú hề, nhưng nét mặt vô cùng rạng rỡ, bà cũng đành phải cười thôi. Không biết hai cô tích trữ sơn, cọ từ bao giờ.

 

Mẹ vẫn còn giữ à?
Ừ, mẹ còn giữ
Bao nhiêu năm rồi hả mẹ?
Chắc phải ba mươi năm con ạ. Từ ngày con 7, 8 tuổi gì đó.
Có phải mẹ mang từ California lên đây không? Sao hồi đó mẹ không cho đi cho tiện, con dọn nhà con bán hoặc cho hết những đồ đạc nặng.

Người mẹ đặt bàn tay gầy trên nóc cái tủ quần áo cũ của con, bà nhớ lại khi mua cho con lúc đó, một cái tủ đứng (Chest of drawers) một cái tủ nằm (Dresser).
Cả hai cái tủ gỗ tốt, góc cạnh cắt dựa theo kiểu Victoria, cùng sơn trắng, có những viền kim nhũ vàng, rất đẹp. Lúc đó cô bé mới học lớp 2.
Khi cô con gái học lớp 7, một hôm, cô dắt một cô bạn học về chơi, thế là hai cái tủ và cả căn buồng ngủ của cô đổi màu.

Bà có thói quen hay cất giữ một vài thứ của các con.Từ cái ly, cái khay nhựa dùng hồi nhỏ, cái khăn tắm biển, quần áo đồng phục nhà trường, cái khăn quàng cổ Hướng Đạo.
Rồi áo dài đầu tiên của con gái khi mới lên năm, cái quần xọoc nhung đen của cậu út, lúc lên hai, cái kimono của cậu con đầu lòng hồi đầy năm.
Tất cả những cái áo, cái quần đó mẹ bà đã cặm cụi cắt, đo, may tay từng đường chỉ. Hỏi làm sao bà không cất giữ.

Dọn nhà mấy lần, các con lớn cả, đi học xa, rồi lập gia đình, bà vẫn mang theo những cái quần áo đó nằm chung trong quần áo của bà.
Hai cái tủ của con gái, bà cũng mang theo từ tiểu bang này tới tiểu bang kia.
Chồng bà đôi khi cằn nhằn bà cũng nghe đấy, nhưng vẫn không chịu bỏ lại.

Con gái bà lấy chồng đi xa, bây giờ lại cùng chồng con dọn về gần cha mẹ.
Gần ngay trong cùng một thành phố, cùng một xóm. Cháu ngoại gái của bà lên ba rồi, con bé cần có cái tủ quần áo lớn hơn bộ tủ thời Baby.  
Đây là lúc hai cái tủ ngày xa xưa đó, được cả chồng và con gái bà cùng thấy đẹp và thực dụng.

Bà đứng nhìn hai bố con chất hai cái tủ lên xe truck, mắt bà như mờ đi, bà giơ tay quẹt ngang giọt lệ ứa ra.
Bà không biết, con gái bà có sơn lại hai cái tủ màu trắng và viền kim nhũ vàng như màu nguyên thủy của hơn ba mươi năm về trước, hay cô lại nghĩ ra cái màu gì lạ lùng như cô và bạn đã cùng sáng tác thủa mười một, mười hai tuổi.

Nhưng bà biết, cô sẽ vừa sơn tủ, vừa nhớ người bạn thời thơ dại và thế nào cũng tự hỏi: “Sao cái gì mẹ cũng giữ được lâu như thế nhỉ”.
Ừ, cái gì bà cũng giữ lâu lắm, cô biết rồi. Vì khi con gái đi lấy chồng, bà đã tặng cô một hộp kim chỉ (mặc dù bà biết cô sẽ không bao giờ cắt, may quần áo).
Con gái bà đã thấy ngoài kim chỉ mới đủ màu, trong hộp còn có cái kéo của bà nội, cái đê khâu của bà ngoại cùng với những cái khuy nút cắt ra từ những chiếc áo của mọi người trong gia đình. Họ hàng ai cũng cười bà là “hoài cổ ” nhưng cô dâu hôm đó mở hộp kim chỉ ra đã đầm đìa mắt lệ.

Bà nhìn cái xe con gái ghẹo ở khúc quành con dốc, cho đến khi mất hút.
Bà nghĩ đến một ngày kia, cái tủ, cái giường của bà, người con nào sẽ giữ.
Con cái có nhu cầu giữ những kỷ niệm về cha mẹ lâu như cha mẹ giữ kỷ niệm về con không?

Bà hình dung ra, khi cả hai ông bà không còn đứng trên nền nhà này nữa. Tất cả sách vở, quần áo, giường tủ, bàn ghế sẽ được mang đi, bán rẻ hoặc cho hội từ thiện nào đó.
Bà đứng đăm đăm nhìn xuống con dốc, nhìn xuống dòng nước hồ lững lờ chẩy ngang nhà, tất cả rồi trôi đi….. trôi đi….. Lòng bà thấy chao đi một chút như mặt hồ gặp sóng.

Bà thì thầm nói với chính mình: Cả thân xác này là vưu vật của Thượng Đế còn không tồn tại mãi, nuối tiếc chi những tấm gỗ, những khăn áo vô tri đã đi qua đời sống mình.
Chỉ sách vở là có linh hồn, bà tin là sẽ có người được hưởng phần ân huệ để lại đó. Bà quay vào nhà, khép nhẹ cánh cửa sau lưng.
Bà gọi khẽ: Nước ơi, chầm chậm lại chờ tôi cùng chẩy nhé.


Switch mode views: