Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-03-2013

 Giáo hội Cuba đòi hỏi bầu cử tự do

CuBa giaohoiCG


Chủ tịch Cuba (trái) và Hồng y Jaime Ortega, 07/10/2010
AFP / Gosvany FERNANDEZ


Báo Le Monde, hôm nay 27/03/2013, dẫn độc giả đến với Cuba.

Tờ báo cho biết mới đây tờ tạp chí "Espacio Laical", thuộc Tổng giáo phận La Habana và được đặt dưới sự chủ trì của Hồng y Jaime Ortega, Tổng Giám mục La Habana, đã mạnh dạn lên tiếng đề nghị « bầu cử thẳng, tự do, bí mật, theo định kỳ và có cạnh tranh » ở đủ mọi tầng lãnh đạo, kể cả đó là các lãnh đạo cao cấp của nhà nước.

Tạp chí còn nhấn mạnh đến việc giới hạn số nhiệm kỳ (tối đa là hai) và tính cần thiết của việc giới hạn tuổi cho các vị trí lãnh đạo cao cấp.

Những đòi hỏi này là một phần của diễn đàn gồm 23 điểm do tờ tạp chí "Espacio Laical" (Không gian ngoài giới giáo sĩ) phát hành vào cuối tháng 3.

Đây cũng là tờ tạp chí độc lập duy nhất trên đảo quốc, có tầm ảnh hưởng thật sự và được chính quyền cho phép.

Le Monde cho biết 4500 ấn bản đã được phân phối hết tại các nhà thờ. Nhưng so với số độc giả trên Internet, thì con số trên còn cao hơn nhiều.

Theo bài viết, tờ Espacio Laical giờ đã trở thành một địa điểm cho các cuộc tranh luận và nơi tập trung nhiều nhân vật nổi tiếng thuộc nhiều « luồng tư tưởng khác nhau » : từ những người chủ trương cải cách, những người ủng hộ đối thoại quốc gia, giới trí thức trẻ theo chủ nghĩa tự do, cho đến những người chủ trương ôn hoà sống lưu vong.

Những « đề nghị cho tương lai tức khắc của chúng ta » được đăng ở trên mạng chỉ là kết quả của những cuộc thảo luận.

Le Monde cho rằng các đề nghị đó giống như là một chương trình cho một cuộc chuyển giao nền dân chủ. Một đề tài tối kỵ tại Cuba.

Sau khi Giáo hội Cuba được đặt nằm trong trung tâm ván cờ chính trị, người Công giáo tiếp tục thúc đẩy các lợi thế của họ. Nhất là vào thời điểm mà thế giới đang vui mừng với vị Giáo hoàng đầu tiên xuất xứ từ châu Mỹ La-tinh, Giáo hoàng Phanxico.

Bên cạnh các yêu sách bầu cử tự do, người Công giáo còn đề cập đến vấn đề tự do ngôn luận, kêu gọi một nền giáo dục « theo chủ nghĩa nhân đạo và đa dạng », sự tự chủ cho đại học và sự tự do trong « giảng dạy và nghiên cứu ».

Xung đột tôn giáo tại Miến Điện : Do một bộ phận quân đội Miến Điện thao túng ?

Liên quan đến đề tài xã hội, nhật báo Công giáo La Croix có bài viết giải thích về xung đột tôn giáo tại Miến Điện, quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á được tóm lược qua ba điểm « nguyên nhân, bối cảnh và bản chất của xung đột ».

Nguyên nhân của bạo động

La Croix cho biết nguyên nhân ban đầu xuất phát chỉ từ một vụ cãi vã nhỏ giữa một người bán hàng theo đạo Hồi và các khách hàng theo Phật giáo.

Sau đó xô xát đã xảy ra và từ từ biến thành bạo động. Các vụ đối đầu giữa hai cộng đồng tôn giáo trong tuần vừa qua tại thành phố Meiktila, cách thủ đô mới Naypyidaw 130 km, đã làm thiệt mạng 40 người và hơn 12 000 người phải di dời.

Nhiều khu phố và đền thờ Hồi giáo đã bị phá hủy hoàn toàn. Dù là tình hình đã trở nên yên tĩnh trở lại, nhưng tờ báo cho rằng các vụ đụng độ này hiển nhiên gợi nhắc lại nguồn gốc sâu xa của các vụ căng thẳng tôn giáo, dẫn đến làn sóng bạo động vào năm 2012 giữa những người theo Phật giáo và những người theo Hồi giáo.

Bối cảnh của các vụ bạo động

Theo La Croix, Myanmar chỉ mới chuyển sang nền dân chủ từ hai năm, sau 50 năm dưới sự cai trị của giới quân sự.

Do đó, chính quyền dân sự mới phải vượt qua rất nhiều trở ngại, trong đó vấn đề hội nhập 135 sắc tộc thiểu số (chiếm đến 1/3 dân số) là hồ sơ quan trọng nhất.

Thế nhưng, trong suốt quá trình đấu tranh chống chế độ quân sự, vấn đề sắc tộc, một hồ sơ nhạy cảm lại không được một phe đảng chính trị nào đề cập đến.

Họ chỉ quan tâm đến các vấn đề tù nhân chính trị, tự do dân sự và sự đàn áp của quân đội. Đối mặt với các thách thức này, các vụ bạo động sắc tộc xuất hiện dường như là ngoài sự mong đợi. Nhưng nó đang phản ảnh rõ nét sự chia rẽ sâu sắc ngay trong lòng nội bộ chính quyền mới.

Bạo động thuần túy tôn giáo hay bị chính giới thao túng?

Về điểm này, ông Renaud Egreteau, một chuyên gia rất am tường về Miến Điện giải thích rằng « Người Miến, sắc tộc chiếm đa số tại Myanmar, có một quan điểm rất triệt để về quốc gia » và sự hội nhập cộng đồng Cơ đốc giáo và Hồi giáo tại quốc gia này là việc rất khó thực hiện.

Thế nhưng, đối với La Croix các xung đột trên chưa hẳn mang màu sắc « cộng đồng » hay « tôn giáo » như những gì người ta nghĩ.

Do bởi, đàng sau các vụ đụng độ đó, lại che đậy sự thao túng về chính trị và quân sự của những kẻ phản đối quá trình dân chủ đang diễn ra.

Tờ báo nhắc lại rằng trong quá khứ, các vụ bạo động giữa cộng đồng người theo đạo Tin Lành và cộng đồng Hồi giáo tại Moluques, ở Indonesia năm 2000 chẳng có chút gì liên quan đến tôn giáo. Đó chẳng qua là do một bộ phận trong quân đội Indonsia không muốn mất các đặc quyền trong thời kỳ chuyển giao dân chủ, thời hậu Suharto.

Thế giới mới của tầng lớp trung lưu

Trở lại với báo Le Monde nhưng liên quan đến chủ đề xã hội. Tờ báo cho biết, trong khi tầng lớp trung lưu tại phương Tây có xu hướng đình trệ hay suy giảm, thì tầng lớp này đang trỗi dậy mạnh mẽ tại các nước đang phát triển.

Một tầng lớp tiêu thụ hoàn toàn mới đang làm cho các doanh nghiệp phải thèm muốn.

Theo nghiên cứu của Chương trình vì Phát triển của Liên HIệp Quốc (PNUD), lượng người có mức thu nhập từ 50 cho đến 100 đô-la/ngày tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng lên hơn gấp 3 lần vào năm 2020 và hơn gấp 6 lần vào năm 2030, so với mức 535 triệu người vào năm 2009.

Cũng trong khoảng thời gian này, thành phần trung lưu tại châu Âu sẽ bị đình trệ lại, và tại Mỹ có xu hướng suy thoái.

Tuy nhiên, PNUD lưu ý rằng nếu chỉ dựa vào tiêu chí thu nhập cũng chưa đủ để định nghĩa thế nào là “trung lưu”.

Bởi lẽ, mỗi một quốc gia có những quy định khác biệt nhau về ngưỡng nghèo. Do đó, theo tổ chức của Liên Hiệp Quốc này, cần phải dựa thêm vào thái độ tiêu tiền của người dân để hiểu rõ.

Trong đó cách thức chi tiêu cho giáo dục con cái cũng là một tiêu chí để đánh giá.

Theo ước tính của PNUD, số trẻ trên 15 tuổi không được đến trường sẽ giảm mạnh chỉ còn ở mức 3% vào năm 2050, so với mức 12% trong năm 2010. Cùng lúc này, tỷ lệ người có bằng cấp tương đương với cấp 2 và cao hơn nữa sẽ nhảy vọt từ 44% lên 64%.

Hệ quả là phụ nữ thuộc tầng lớp này, có bằng cấp và sống chủ yếu ở thành thị, sẽ lập gia đình trễ hơn, muốn được giải thoát và thích làm việc. Điều đó sẽ châm ngòi cho một sự chuyển giao dân số và sự sút giảm tỷ lệ sinh sản.

Thu nhập tăng cùng với việc nuôi ít “miệng ăn” cũng làm cho những hộ gia đình của tầng lớp trung lưu mới này cũng thay đổi thói quen tiêu thụ.

Họ bắt đầu sẽ nghĩ đến chuyện “đi siêu thị” để mua các loại thực phẩm ngon và sang hơn (rượu tây, sôcôla, sữa), mua sắm trang bị tiện nghi hơn (đồ điện gia dụng) hay để được hưởng các dịch vụ tốt hơn.

Rõ ràng, triển vọng trên đang mở ra nhiều hứa hẹn hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhất là đối với ngành công nghiệp xe ô tô. Bởi vì, việc sở hữu một chiếc xe riêng còn thể hiện cho thấy một mức độ giàu sang nào đó.

Bên cạnh vấn đề kinh tế, hậu quả của sự bùng nổ một lớp trung lưu mới còn làm thay đổi các quan điểm xã hội.

Nếu như chuyện “cái ăn, cái mặc” không còn là mối bận tâm hàng đầu nữa, những đòi hỏi khác cao hơn sẽ phát sinh (như chuyện chỗ ở, an ninh).

Tiếp đến là các nhu cầu về xã hội, nhu cầu về tâm lý và sau cùng nhu cầu tự hoàn thiện.

Bài viết còn cho rằng, đến một mức nào đó, chính tầng lớp trung lưu thúc đẩy “các tiến trình cải cách chính trị và thể chế, đòi hỏi được tham gia rộng rãi hơn, cả trong chính trị lẫn kinh tế”, theo như đánh giá của một nhà nghiên cứu kinh tế.

Theo ông này, cách mạng “mùa xuân Ả Rập” chống lại các chế độ độc tài, các cuộc biểu tình chống Putin tại Nga, các vụ phản đối đầy kịch tính chống nạn bạo hành phụ nữ tại Ấn Độ, hay như phong trào phản đối trên các trang mạng Trung Quốc chống ô nhiễm và tham nhũng chính là phương cách để tầng lớp trung lưu mới biểu hiện sự bất mãn.

Trung Quốc hay Facebook: Ai sẽ đô hộ thế giới?

Cũng liên quan đến đề tài xã hội, nhật báo kinh tế Les Echos trên mục “Quan điểm”, Francois Rachline có bài nhận định đầy tính triết lý về sự trỗi dậy mạnh mẽ của trang mạng xã hội Facebook qua hàng tựa ấn tượng “Ai, Trung Quốc hay là Facebook, sẽ đô hộ thế giới?”

Kể từ sau khi Hoa Kỳ thay thế Anh quốc chiếm giữ vị trí cường quốc số một thế giới vào thế kỷ XX, ai cũng nghĩ rằng sắp thế kỷ XXI sẽ đến lượt Trung Quốc.

Quả thật, hiện quốc gia này có số dân đông nhất hành tinh. Thế nhưng, bài viết cho rằng, trong một tương lai không xa, mạng xã hội Facebook sẽ có số thành viên tham gia còn đông đảo hơn cả dân số của Trung Quốc.

Như vậy, cường quốc mới sẽ không là một quốc gia nào như người ta vẫn nghĩ. Mà đó sẽ là một kẻ vô danh nào đó, dù đó là ở Hoa Kỳ hay là Trung Quốc.

Tác giả viết rằng từ cổ chí kim, từ cuộc khởi nghĩa Spartacus cho đến vụ thảm sát Thiên An Môn, các cường quốc luôn vờ hành động dưới danh nghĩa của nhân dân và vì điều tốt cho dân. Họ luôn tự xưng mình là người hầu và/hay là tấm bia đỡ đạn cho dân.

Trong lịch sử, những kẻ vô danh thường chỉ giữ những vai trò thứ yếu. Thế nhưng, thời thế đang đổi thay.

Trong một thế giới đang nảy sinh, kẻ vô danh lại giữ vai trò chính yếu. Không những cuộc cách mạng kỹ thuật số và Internet đưa kẻ vô danh lên mạng mà còn đưa chúng lên tuyến đầu. Bởi vì, qua đó, chúng có thể kết nối với những kẻ vô danh khác tương tự trên toàn cầu, ở bất kỳ lúc nào.

Kẻ vô danh không còn thuộc vào thế giới này, mà ngược lại thế giới đang nằm trong tay của kẻ vô danh đó.

Ở đó, người ta có thể nhìn thấy các mối liên hệ và liên kết lạ kỳ, cứ như là đánh đố, “có rồi lại không”, “khắc nhập” rồi “khắc xuất”.

Chính sự dao động liên tục thường xuyên đó, nhằm tạo nên một mối liên kết mới giữa những kẻ cô độc với sự phù du không cho phép các kiểu quyền lực cũ kỹ có thể tạo ra các áp lực thường lệ.

Ngày nay, mọi người - phụ nữ cũng như đàn ông - không còn chấp nhận chuyện để người khác nói cho mình, hay hành động vì họ nữa.

Trong trường hợp này, số người này giờ đã lên đến hàng tỷ người, dù rằng họ vẫn chưa thể nào diễn đạt được điều đó như ý họ muốn.

Và cũng trong xu hướng đó, nhiều câu hỏi đặt ra cho chính bản thân chúng ta: Làm thế nào có thể sắp xếp một thế giới mà ở đó mỗi người trong chúng ta, nam hay là nữ, đều đòi hỏi quyền tồn tại, về mặt cá nhân hay là xã hội mà không có chút nghiền ngẫm?

Chúng ta cần phải cùng nhau nghĩ ra những quy định nào?

Và Tương lai nào chúng ta phải cùng nhau xây dựng để sao cho chúng ta có được một đời sống chấp nhận được cho mỗi con người chúng ta?

Switch mode views: