Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 21/09/2013

Hàn Quốc : Học sinh cực giỏi, lớp trẻ cực khổ

 Hoc sinh Han Quoc 20130921

Học sinh Hàn Quốc ngủ gà ngủ gật ở trường lớp

Người dân châu Á nói chung vốn có truyền thống hiếu học, nhưng tại đất nước Hàn Quốc thì truyền thống này đã dẫn đến một hệ thống giáo dục đầy khắc khe, cả nước lao vào cuộc chạy đua bằng cấp. Do đó, nền giáo dục nước này khá phát triển trong khối các nước thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE).

 Thế nhưng, báo Le Monde hôm nay lại quan tâm đến những mặt trái nảy sinh từ hệ thống giáo dục mang tính cạnh tranh khốc liệt qua bài viết : « Chạy đua thành tích học đường ». Thành công của hệ thống giáo dục Hàn Quốc là không thể chối cãi được, đến mức tổng thống Mỹ Obama đã lấy đó làm ví dụ.

Ông Obama đã phát biểu vào tháng 4/2011 như sau : « Học sinh Hàn Quốc giỏi hơn học sinh nước ta về toán và khoa học », trước khi kêu gọi nên noi theo kiểu mẫu giáo dục tại nước này : đó là ngày học dài hơn và học thêm buổi tối.

Ông Obama nhấn mạnh nhiều lần quan điểm này và người ta không hề ngạc nhiên khi đọc kết quả nghiên cứu đối chiếu quốc tế giữa các nền giáo dục, ví dụ như công trình mang tên PISA, được OCDE thực hiện 3 năm/lần. Kết quả cho thấy trình độ khá cao của học sinh Hàn Quốc. Tại nước này, tỷ lệ xóa nạn mù chữ hiện nay là 97,8% (22% vào năm 1945) ; 71% thanh niên học đại học trong khi tỷ lệ này là 56% tại các quốc gia khác thuộc khối OCDE.

Phải nói rằng, có được thành tích này là vì Hàn Quốc đã chi khá nhiều cho lĩnh vực giáo dục : 7,6% GDP cho giáo dục, trong khi ở các nước khác của tổ chức OCDE là 5,6%. Hệ thống giáo dục Hàn Quốc được xem là một trong những hệ thống khắc nghiệt nhất và cạnh tranh nhất trên thế giới, đặc biệt là khi thi vào đại học. Báo Le Monde nhận định, có thể học sinh Hàn Quốc giỏi nhất thế giới, thế nhưng, họ cũng là những học sinh bất hạnh nhất thế giới.

Nhịp độ học tập học giống như một cuộc chạy đua marathon. Mỗi ngày, các em bắt đầu học từ 7h30 sáng đến 16h, nhưng đáng chú ý là học sinh thường ở lại học thêm đến tận 23h đêm. Hình thức học thêm này bắt đầu ngay từ bậc tiểu học và có đủ các môn học, kể cả môn âm nhạc. Học thêm chủ yếu là để học trước chương trình, chứ ít khi là học bù để đuổi kịp chương trình.

Kết quả là thanh niên Hàn Quốc dành đến 15 giờ mỗi ngày cho việc học. Nếu tính cả thời gian di chuyển bằng phương tiện công cộng thì học sinh chỉ ngủ từ 4-5 giờ/ngày. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, một khẩu hiệu đã trở thành bất hủ : « Ngủ 5h/đêm thì thất bại ; ngủ 4h/đêm thì thành công ». Hậu quả là mệt mỏi tích tụ và dẫn đến tình trạng học sinh ngủ gà, ngủ gật trong giờ học.

Một giáo viên nhận định, từ khi Hàn Quốc phổ cập hóa giáo dục và hiện đại hóa nhanh chóng trong những thập niên 1960, thì bằng cấp được xem như một sự bảo đảm cho việc thăng tiến trong xã hội. Do đó, người dân lao vào cuộc chạy đua bằng cấp. Trong một đất nước luôn bị ám ảnh bởi thứ hạng cao thấp, người không bằng cấp bị kỳ thị nên càng gây áp lực hơn trên gia đình và học sinh. Đó là phản ánh của chính sách kinh tế, chính trị mau vội của đất nước mà theo như nhận định của chuyên gia tư vấn giáo dục tại Seoul thì « cần phải tiến nhanh để trở thành người giỏi nhất ».

Về phía phụ huynh, họ đầu tư khá nhiều tiền cho con đi học thêm ngay từ mẫu giáo đến đại học (10% ngân sách cho giáo dục) với mong muốn con cái thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng. Thế nhưng, một số chuyên gia lấy làm tiếc, bởi vì vấn đề là học sinh và gia đình quá phụ thuộc vào các khóa học thêm mà nếu không có nó, thì sẽ không đậu được đại học. Dưới thời tổng thống Chun Doo-hwan (1980-1988), ông cũng đã từng cấm dạy thêm, nhưng điều này cũng chỉ để lại hậu quả là học phí tăng thêm, giáo viên dạy chui và các lớp dạy thêm vẫn tồn tại đến ngày nay.

Theo tờ báo, dường như cải cách trong lĩnh vực giáo dục là cần thiết cho đất nước này. Một chuyên gia nhận định : « Ngày nay, mọi nỗ lực đều nhằm mục đích duy nhất là đỗ đại học. Thật phi lý ». Một ý kiến được nhiều người chia sẽ bởi vì vào tháng 8/2012, 40% sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm ổn định.

Trung Quốc cáo buộc nhiều công ty nước ngoài hối lộ

dumex-2323-1379415699.jpg

Gần đây, hãng sữa Dumex của Pháp tại Trung Quốc bị cáo buộc hối lộ. Báo Libération quan tâm đến sự việc này qua bài viết : « Tại Trung Quốc, các vụ đút lót dưới đáy các chai sữa ». Theo kênh truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Công ty Dumex (thuộc tập đoàn Danone của Pháp) đã chi tiền cho bác sĩ và y tá tại một bệnh viện ở phía bắc Thiên Tân (Trung Quốc) để khuyến khích các bà mẹ sử dụng các sản phẩm cho trẻ em của hãng.

Đại diện Dumex cho hay đã rất sốc khi nghe được thông tin trên và đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra nội bộ. Một quan chức của một công ty châu Âu trong ngành sản xuất sữa nhận định : « Nếu có các vụ tham nhũng tại Trung Quốc, chính là vì cả hệ thống đã bị tha hóa biến chất ». Theo một cuộc thăm dò được Hiệp hội Y khoa Trung Quốc tiến hành hồi năm ngoái, có phân nửa các bác sĩ được phỏng vấn thừa nhận có nhận hối lộ.

Cũng theo lời vị doanh nhân châu Âu nói trên thì « hầu như các công ty Trung Quốc hay nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc đều hối lộ, nhưng các công ty nội địa còn hối lộ nhiều hơn các công ty phương Tây ». Do đó, ông nghi ngờ chính quyền Hoa lục tiến hành chiến dịch chống lại các công ty dược phẩm nước ngoài nhằm cả mục đích thương mại lẫn chính trị.

Bài báo còn nhận định, trong các vụ bê bối của công ty sữa nội địa, chính quyền Trung Quốc chậm trễ trong việc báo động trên thị trường và trong dân chúng nhằm che đậy tai tiếng cho các công ty này. Cha mẹ nào đòi tiền bồi thường cho con em là nạn nhân của vụ sữa nhiễm khuẩn melanine thì bị tống giam

Nhiều công ty nước ngoài khác cũng bị phát hiện là "đi đêm", trong đó có tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh, Sanofi của Pháp, công ty Trung Quốc Sino Biopharmaceutical. Các tập đoàn bày cũng đang bị điều tra vì cáo buộc hối lộ để tăng doanh thu các loại thuốc của mình.

 Tiên báo chiến thắng của Thủ tướng Đức

 

 Một ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức, các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay đều quan tâm đến sự kiện chính trị quan trọng của nền kinh tế số một châu Âu. Dự báo là chiến thắng sẽ lại về tay thủ tướng Angela Merkel và bà sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ thứ ba. Báo Le Figaro nêu bật dự báo là bà Merkel cùng với đảng Dân chủ Tự do chắc chắn sẽ về đầu vào ngày chủ nhật.

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy 40% dân chúng có ý định bầu cho phe bảo thủ. Thế nhưng, nhật báo Le Figaro nhắc lại : « Điều đó không đủ để lãnh đạo đất nước một mình. Họ cần có đồng minh và trận đấu hết sức sát sao ». Bầu cử Quốc hội Đức lần này là dịp để độc giả Pháp biết nhiều hơn về thủ tướng lừng danh Merkel.

Báo Le Monde phác họa chân dung thủ tướng Đức là « người Phổ đạo Tin lành ». Tờ báo không dừng lại ở chân dung chính trị mà còn nêu lên những điểm riêng tư của bà. Người ta còn biết được bà có một căn nhà phụ cách Berlin 100 km và đây là « một sự khiêm tốn khó hiểu », con đường dẫn vào nhà bà thì nhỏ và được lát đá. Ngoài ra, tờ báo còn cho biết, bà còn rất sợ chó và tổng thống Putin biết rõ điều này nên chủ nhân điện Kremlin đã từng cố ý đến gặp bà với những chú chó trong một cuộc hội đàm.

Các du thuyền lớn đe dọa Venise

Venise, thành phố du lịch của Ý, điểm đến của các cặp tình nhân, được báo Le Monde quan tâm đến với đầy quan ngại qua bài viết : « Tại Venise, các tàu khổng lồ cập bến ngày càng nhiều đe dọa vịnh nước cạn ». Theo tờ báo, không dưới 12 du thuyền cập bến Venise vào ngày hôm nay.

Để có thể hình dung ra trọng lượng khổng lồ của các con tàu mà các bến cảng tại Venise phải oằn mình chịu đựng, hãy tưởng tượng đó là một đoàn tàu dài 3km và rộng 30m, nặng khoảng 800 000 tấn, hơn 7 lần trọng lượng của du thuyền Costa-Concordia và có thể chuyên chở đến 40 000 người.

Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường dự định biểu tình bày tỏ phẫn nộ trước các con tàu quá tải cập bến Venise. Hàng năm, Venise phải trung chuyển từ 1,6 triệu đến 2 triệu du khách trên loại tàu thủy này.

Trong lúc Ý đang hân hoan vì vừa dựng đứng được chiếc tàu Costa-Concordia bị đắm do va phải đá ngầm ngày 12/01/2012, thì cho đến bây giờ vẫn chưa có biện pháp nào cấm hiệu quả các tàu trọng tải lớn đi qua con đường vào Doges. Tai nạn của tàu Costa-Concordia nhắc cho người dân Venise nhớ lại vụ chiếc tàu của Đức bị mắc cạn vào một ngày đầy sương mù. Khi được kéo khỏi chỗ mắc cạn, tàu đã gây ra làn sóng làm va chạm hai tàu nhỏ khác, nhưng may mắn là không ai bị thương.

Các tàu du lịch ở Venise chính là nhân tố gây tàn phá nặng nề tới hạ tầng mong manh của thành phố. Tàu ra vào tạo nên những dòng chảy làm xói mòn nền móng của những tòa nhà. Chúng khiến cho những di tích của thành phố bị lún xuống.

Thu nhập chính của thành phố Venise là từ du lịch. Hàng năm, du khách chi tiêu 280 triệu euro tại đây chỉ vỏn vẹn trong vòng vài giờ. Thế nhưng, các tác hại mà các tàu biển gây ra về mặt môi trường cho Venise cũng lên đến 270 triệu euro. Hiện nay, thành phố thơ mộng này buộc phải lựa chọn giữa lợi nhuận kinh tế và môi trường.

Pháp sắp cho ra đời các Silicon Valley

silicon valley

Trên hồ sơ kinh tế, nhật báo Le Parisien quan tâm đến việc Pháp sắp lập ra các Silicon Valley theo kiểu Pháp, tức là trung tâm các công ty công nghệ cao (hight tech). Tờ báo nhận định, cuối cùng thì Pháp cũng rẽ theo hướng kinh tế kỹ thuật số, lĩnh vực hứa hẹn mang lại nhiều việc làm.

Trong các tuần tới, dự án xây dựng « khu kỹ thuật số » sẽ được đưa ra. Nhà nước sẽ chi hơn 200 triệu euro cho dự án này nhằm xây dựng 15 khu Silicon Valley. Fleur Pellerin, bộ trưởng kinh tế kỹ thuật số nhận xét : « đây chính là nhắm tạo điều kiện tốt để làm triển nở các nhà vô địch châu Âu tương lai trong lĩnh vực kỹ thuật số ».

Dự án này ra đời với mục đích thu hút hàng nghìn công ty trẻ và đổi mới công nghệ (start-up). Tờ báo đặt câu hỏi, liệu bây giờ Pháp mới cho ra đời loại hình này có là quá trễ không so với Hoa Kỳ, nơi có các tập đoàn nổi danh trong lĩnh vực công nghệ tin học như Google, Facebook, Apple. Đối với bộ trưởng Pellerin thì không hề muộn, bởi Pháp cũng khá thành công trong lĩnh vực này, điển hình có công ty viễn thông Free, Vente-privée.com hay Creterio, sau 6 năm tồn tại đã tạo ra 700 việc làm và cũng vừa gia nhập thị trường chứng khoán.

Pháp : Hội chợ triễn lãm đồ cưới

Nhật báo Le Parisien đặc biệt quan tâm đến hội chợ triễn lãm đồ cưới bắt đầu mở ra tại ngày hôm nay tại thủ đô Paris cho đến tháng 11. Các cặp chuẩn bị kết hôn đều muốn có một đám cưới ấn tượng, khó quên nhưng trong thời buổi khủng hoảng, ngân sách cho sự kiện này cũng phải được tính toán kỹ càng.

Ngoài ra, tờ báo cho biết, phong trào tự chế tạo các thứ cho ngày cưới đầu tiên xuất phát từ Hoa Kỳ với tên : « Do It Yourself », ngày nay cũng khá phổ biến ở Pháp, với những người có kinh phí eo hẹp cho ngày cưới.

Họ có thể tự thiết kế thiệp đám cưới, lên photoshop chỉnh sửa và tạo nét độc đáo cho đám cưới của mình mà không một đám cưới nào khác có được. Có người thì chuẩn bị gạo để rải trong đám cưới, hay những hộp kẹo. Có cặp dành cả tháng để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng trong cuộc đời.

Switch mode views: