Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bia rượu và lòng yêu nước

Mối thù giữa Trung Hoa và Triều Tiên là mối thù khó quên.

bia tsingtaoBia Tsingtao, do Trung Quốc sản xuất, có bán tại nhiều nhà hàng Việt Nam. (Hình minh họa: GOH CHAI HIN/AFP/Getty Images)

Sau chiến tranh Trung-Nhật giữa nhà Thanh và Ðế quốc Nhật Bản diễn ra từ 1 tháng 8 năm 1894 đến 17 tháng 4 năm 1895, và chiến tranh Nga-Nhật từ vào tháng 2 năm 1904-5 tháng 9 năm 1905 khi đế quốc Nga và Nhật Bản tranh giành quyền kiểm soát Mãn Châu và Triều Tiên, cuối cùng Nhật Bản giành được ưu thế tại Triều Tiên.

Năm 1910, Nhật Bản cưỡng bức Triều Tiên ký hiệp ước sát nhập Hàn-Nhật. Sự cai trị của Nhật rất tàn bạo và nhân dân Triều Tiên đã nổi dậy dẫn đến phong trào đòi độc lập, nhưng phong trào này đã bị Nhật đàn áp dã man và hàng ngàn người đã bị Nhật sát hại.

Trong Ðệ II Thế Chiến, hàng vạn thanh niên Triều Tiên đã bị cưỡng bức gia nhập quân đội Nhật, làm lính đánh thuê cho nỗ lực mở rộng chiến tranh của Nhật, trong khi đó theo nhiều ước tính khác nhau, có từ 20 ngàn đến 400 ngàn phụ nữ đã bị cưỡng bức lao động hay làm nô lệ tình dục, được gọi là “úy an phụ” (phụ nữ giải sầu).

Khoảng 60,000 người Triều Tiên làm việc trong hầm mỏ đã bị thiệt mạng giữa thời gian từ năm 1939 đến 1945, và vô số khác bị dùng làm thí nghiệm cho đơn vị 731, một đơn vị được thành lập bởi Hiến binh Nhật Bản, nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa-sinh, đã tiến hành dùng người cho các cuộc thí nghiệm, được coi là một trong những tội ác chiến tranh ghê tởm của Nhật Bản.

Ngày nay, thái độ bài Nhật vẫn còn mạnh mẽ tại Triều Tiên, đặc biệt là trong thế hệ già, vì họ tin rằng Nhật Bản không tỏ ra hối hận về những tội ác trong chiến tranh.

Mối quan hệ giữa Nam Triều Tiên (Ðại Hàn) và Nhật Bản vẫn còn gay cấn, nhiều người Ðại Hàn vẫn chưa thể quên nổi ký ức tồi tệ về những gì đã xảy ra trong thời kỳ bị nô lệ Nhật. Vào mỗi ngày Thứ Tư trong suốt 20 năm qua, những người từng là nô lệ tình dục của lính Nhật từ thời bị cai trị đã tổ chức biểu tình ở bên ngoài đại sứ quán Nhật.

Gần đây một lần nữa Ðại Hàn lại nổi giận về phát biểu của thị trưởng Osaka về việc sử dụng “phụ nữ giải khuây trong thời Ðệ II thế chiến là cần thiết.”

Câu hỏi của tôi là đố bạn tìm được một chai bia Nhật trong các nhà hàng Ðại Hàn tại quanh vùng Little Saigon!

Không chỉ bán bia Hàn, thậm chí các nhà hàng này còn không bán cả bia các nước khác kể cả Mỹ. Mỗi lần hỏi về bia Nhật trong các nhà hàng này, người viết đều bị người phục vụ Ðại Hàn trả lời một cách khó chịu.

Có thể chúng ta cho thái độ của họ là ái quốc cực đoan, bài ngoại vì còn căm thù Nhật đến tận xương tủy. Chắc chắn các nhà hàng này sẽ mất một khoản thu nhập nào đó vì chỉ giới hạn bán bia Hàn như OB, Hite hay các loại rượu Hàn như Soju hay Yakju.

Tôi xin phép được nhắc lại một câu nói để gọi một người Việt Nam làm tour du lịch mà không khai thác những chuyến đi Trung Cộng là “một người làm thương mãi biết hổ thẹn”.
Trái với những nhà hàng Ðại Hàn, bạn có thể tìm thấy khá nhiều loại bia ở nhà hàng Việt trong vùng. Từ bia Mỹ, Mễ, Ðức, và kể cả Trung Cộng, “Tsingtao” (Thanh Ðảo), mặc dù có cổ phần các công ty nước ngoài như Asahi Breweries (19.9%) cổ phần chính vẫn là các công ty và cá nhân Trung Cộng.

Bạn có bao giờ “trông người lại ngẫm đến ta” khi thấy nhà hàng Hàn không bán bia Nhật và nhà hàng Việt vẫn bán bia Trung Cộng? Phải chăng khách Việt vẫn thường hỏi đến “Tsingtao” nên nhà hàng này mới mua về để bán.

Người Việt chọn bia Thanh Ðảo chỉ có thể nói đến một số lý do. Nếu nói vì ngon thì ở Hoa Kỳ, chúng ta có thể mua và uống hàng trăm loại bia khác ngon hơn. Bia loại Pilsner (bia Lager nhạt) tương tự như Thanh Ðảo sản xuất tại các nước khác có thể kể đến Heineken, Amstel, Beck's, Urquell. Ngay các chợ thông thường như Ralphs cũng đã có hàng chục loại bia từ nhiều nước khác nhau không kể đến các chợ cao cấp như Whole Food, Bristol Farms hay tiệm chuyên rượu như BevMo.

Nếu cho là thói quen, thì quốc sỉ lâu ngày cũng trở thành thói quen. Không biết xấu hổ lâu cũng thành thói quen!

Một số người sẽ viện cớ là họ không cực đoan, chống Tàu rồi chống luôn cả bia Tàu, tẩy chay luôn hàng hóa của Tàu. Thử xét lại khái niệm “cực đoan”. Có nhiều người sợ bị gán cho là cực đoan. Thậm chí có một số vị trong phong trào dân chủ còn ra tuyên ngôn đấu tranh “ôn hòa” với CS chỉ vì sợ tiếng cực đoan. Hồi giáo cực đoan đã bị cho là xấu mà “Chống Cộng Cực Ðoan” cũng bị xếp chung một giỏ. Cần phải tách bạch rõ ràng hơn.

Nếu đối với cái ác thì cực đoan không phải là xấu. Về sự bạo tàn thì cộng sản cũng không thua, thậm chí còn hơn phát xít. Thử thay “Chống Cộng Cực Ðoan” bằng chống “Phát Xít Cực Ðoan” thì bạn thấy thế nào? Chắc chắn phải là cực đoan rồi!

Ngoài ra Cộng Sản là bậc thầy của việc tráo trở ngữ nghĩa. Gọi đến đồn công an thẩm vấn thì gọi là “làm việc,” biểu tình thì gọi là “tụ tập đông người,” độc tài thì gọi là “dân chủ tập trung”. Tùy theo muốn nhẹ để làm đẹp chế độ hay làm nặng để tấn công kẻ thù đều được. Và thái độ “cương quyết,” “quyết liệt” hay “triệt để” chống Cộng, thường bị lên án là cực đoan.

Nhật đã xâm lược Hàn Quốc hơn nửa thế kỷ trước đây nhưng Trung Cộng thì đang xâm lược nước ta. Chúng ta kêu gọi tẩy chay hàng Trung Cộng nhưng không tự chế được chính mình, phải gọi một chai Thanh Ðảo khi đi nhà hàng thì quả là “thương nữ bất tri vong quốc hận!” Và các chủ nhà hàng muốn lời thêm vài trăm bạc mà bán bia Thanh Ðảo cũng đúng là “vô cảm”.

Phải chăng dân Nam Hàn phát triển hơn chúng ta là vì họ “cực đoan” bởi lòng ái quốc! Cực đoan không có nghĩa xấu. Cực đoan trong danh từ Hán Việt là “Thái độ kịch liệt, làm gì phải triệt để, đi một đường lối nào phải đi cho trọn!” Không nửa vời, không dở dở ương ương.

Muốn yêu nước chân thật phải có biện pháp “tẩy chay”, “cấm vận”. Chống Cộng mà truyền hình chiếu phim Cộng, báo chí bưng nguyên bản tin Cộng, đón tiếp, ăn sang mặc đẹp xếp hàng đi xem ca sĩ Cộng! Việc các hãng phim trong nước có người tỵ nạn ở Mỹ ký hợp đồng thuê mướn, băng nhạc, phim truyện bán đầy phố ở hải ngoại, ca sĩ trong nước được ra ngoài ca hát tự do là một thắng lợi, “xâm thực” của chế độ trong nước.

Không nhịn nổi một chai bia, thì đừng nói chuyện yêu nước và chê người khác “cực đoan”.

Switch mode views: