Guantanamo: Chuyện không dễ với ông Obama
- Thứ Tư, 29 tháng Năm năm 2013 10:02
- Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh
“Với tôi, chuyện đơn giản lắm,” ông cựu Tổng Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld nói với cử tọa trong buổi nói chuyện do Viện Nghiên Cứu The Heritage Foundation tổ chức cùng lúc với thời điểm Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đọc bài diễn văn quan trọng nói về kế hoạch chống khủng bố hoàn toàn mới của ông và các bước sẽ làm để đóng cửa nhà tù Guantanamo.
“Chúng ta có câu: cái gì không hư thì đừng có sửa,” người đưa đề nghị mở cuộc chiến chống khủng bố ở mức toàn cầu sau ngày biến cố 11 Tháng Chín 2001 xảy ra nói tiếp, bảo thêm “chính nhờ đó mà nước Mỹ đã yên ổn, al-Qaeda không thể mở một cuộc tấn công thứ nhì trên lãnh thổ của chúng ta.”
Nhà tù ở Guantanamo Bay, Cuba, do Mỹ quản trị. (Hình: (AP Photo/Brennan Linsley, File)
Ông Rumsfeld không phải là người duy nhất lên tiếng tỏ ý không tán thành với đường lối mới của Tổng Thống Barack Obama, trong đó có kế hoạch giao chương trình sử dụng máy bay không người lái cho Bộ Quốc Phòng, đặt điều kiện “phải đảm bảo hầu như chắc chắn không có một thường dân nào chết hay bị thương” trước khi sử dụng loại máy bay này cho những cuộc oanh kích hay những cuộc hành quân truy lùng quân khủng bố, và đưa ra những bước sẽ thực hiện để đóng cửa trại giam Guantanamo, nơi Hoa Kỳ vẫn giam giữ 166 kẻ bị tình nghi có hoạt động hay tiếp tay với khủng bố. Theo kế hoạch của vị tổng thống đương nhiệm, phần lớn những tù nhân đã được thanh lọc sẽ được trả về nguyên quán hay đưa đến một nước thứ ba, thành phần còn lại sẽ được đưa ra xét xử trước tòa án Hoa Kỳ, chấm dứt hình ảnh mà từ khi mới bắt đầu tranh cử hồi 2008 ông đã gọi “là hình ảnh xấu của nước Mỹ.”
Chỉ chuyện làm sao đóng cửa trại giam Guantanamo cũng đủ nhức đầu!
“Tôi cũng là một trong những người đầu tiên ủng hộ ý kiến phải đóng cửa trại giam Guantanamo, cũng xem đó là hình ảnh xấu cần phải hủy bỏ,” Thượng Nghị Sĩ John McCain từng là đối thủ chính trị của ông Obama trong cuộc tranh cử tổng thống 2008 nhắc lại lập trường của ông trong cuộc họp báo ở Thượng Viện, “nhưng chúng ta phải có một kế hoạch hẳn hòi để thực hiện điều này.” Vị thượng nghị sĩ Cộng Hòa tiết lộ hồi 2010, “tôi và luật sư đại diện cho Tòa Bạch Ốc đã gặp nhau để bàn tính chuyện này, tôi cũng nói rõ là sẽ ủng hộ đóng cửa Guantanamo nhưng bên hành pháp phải cho tôi thấy kế hoạch cụ thể.” Kết quả của những cuộc gặp gỡ đó: “họ gật đầu nhưng từ đó đến giờ tôi chẳng thấy gì hết” và bây giờ ông McCain tiếp tục “chờ xem kế hoạch thực hiện của Tòa Bạch Ốc như thế nào” trước khi có quyết định cuối cùng.
Cùng xuất hiện trong cuộc họp báo với các đồng viện Cộng Hòa, nữ Thượng Nghị Sĩ Kelly Ayotte của tiểu bang New Hampshire nhắc lại bà là một trong những người bảo trợ dự luật không trao trả tù nhân ở Guantanamo về Yemen vì “không thể nào đảm bảo những kẻ này sẽ bị kiểm soát để chúng không hoạt động chung với bọn khủng bố.” Bà Ayotte công nhận “mối quan hệ giữa chính phủ Yemen với Hoa Kỳ tốt đẹp hơn trước rất nhiều” nhưng chưa đủ để bà an tâm, “chưa đủ để đảm bảo họ (Yemen) sẽ làm được điều chúng ta muốn họ làm.”
Với Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham, chuyện Tổng Thống Obama so sánh mức độ an ninh hiện giờ với mức độ an ninh trước biến cố 11 Tháng Chín 2001 là “so sánh khập khiễng.” “Ðừng quên khủng bố vẫn tiếp tục đe dọa an ninh của nước Mỹ, hiểm họa đó vẫn còn,” kể thêm “tôi đã từng nói với Tổng Thống George W. Bush là kế hoạch ông (Bush) thực hiện ở Iraq là kế hoạch sai lầm” để chẳng ngần ngại “nói với Tổng Thống Obama là những gì ông đưa ra đều không đúng với thực tế,” trong đó bao gồm cả việc trao trả một số tù nhân về Yemen.
Các viên chức hành pháp cho biết trong số 166 tù nhân đang bị giam ở Guantanamo có 86 người đã được thanh lọc - trong đó có 54 người Yemen - có thể được trao trả về nguyên quán hay đưa sang một nước thứ ba. Ít nhất 48 tên trong nhóm còn lại “không thể đưa ra tòa xét xử vì không đủ yếu tố buộc tội hoặc lời khai của họ không được tòa chấp nhận vì họ từng bị tra tấn lúc điều tra.” Cũng theo tiết lộ từ hành pháp, “Các báo cáo an ninh không muốn trả tự do cho những người này, dựa vào tin tức thu thập được cho thấy họ là thành phần rất nguy hiểm cho an ninh của nước Mỹ.” Ðiều đó được Dân Biểu Howard McKeon, chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện nêu ra ngày hôm qua bằng câu hỏi, “Tôi không biết tổng thống sẽ làm gì với những tên khủng bố nằm trong danh sách quá nguy hiểm để trả tự do nhưng lại không thể đưa chúng ra tòa xét xử? Chưa kể đến chuyện làm sao đảm bảo những tên được đưa sang một nước thứ ba sẽ không quay lại chống chúng ta, rồi còn chuyện giải quyết ra sao cho tình trạng những tên khủng bố chúng ta bắt được sau này?”
Cả thủ tục đưa tù nhân ra xét xử trước tòa quân sự lẫn thủ tục trả tự do cho một kẻ tình nghi khủng bố đang bị giam ở Guantanamo đều rất rườm rà. Muốn trả tự do cho một người thuộc thành phần này, ông tổng trưởng Quốc Phòng phải thông báo cho Quốc Hội biết lý do cũng như phải trình bày rõ tại sao người được thả sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cộng với những chứng cớ để ủng hộ những điều được viết trong tờ trình. Ðối với những tù nhân Hoa Kỳ thấy có đủ bằng chứng để đưa ra xét xử trước tòa án quân sự, việc đầu tiên là phải có nơi nhốt chúng trong thời gian chờ xét xử và sau đó phải có nơi giam chúng sau ngày bị kết án. Hồi 2010, Tổng Thống Obama đã vận động để tiểu bang Illinois nhận giữ những kẻ sẽ bị đưa ra tòa xét xử, nhưng gặp sự chống đối của người dân địa phương và của Quốc Hội tiểu bang.
Một vài tổ chức tranh đấu bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng phản đối ý định sẽ đưa tù nhân Guantanamo vào lục địa Mỹ để xét xử trước tòa quân sự. Trong thông cáo được phổ biến từ Washington D.C., chủ tịch Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Human Rights Watch là ông Kenneth Roth viết rằng “kế hoạch đưa người bị giam giữ từ Guantanamo vào trong nước Mỹ để ra tòa quân sự không phải là giải pháp đúng.” “Những người này hoặc phải được xét xử trước tòa án dân sự, hoặc phải được trả tự do.”
Chuyên gia luật pháp Ben Wittes của Viện Nghiên Cứu Brookings Institution nghĩ rằng chính ông Obama cũng biết sẽ gặp khó khăn khi muốn đóng cửa trại giam Guantanamo, do đó nên trong bài diễn văn quan trọng nói về chính sách chống khủng bố và giải quyết số phận của những kẻ bị tình nghi mà Hoa Kỳ đang giam giữ, “Tổng thống không trình bày rõ ràng cho dân chúng biết ông sẽ làm những gì, mà dường như ông muốn để cho dân chúng tự hiểu, trong khi người dân thắc mắc vì chẳng rõ chính phủ sẽ làm gì với những kẻ sẽ không được trả tự do mà cũng chẳng đưa ra tòa, chẳng biết rồi sẽ nhốt chúng ở đâu.” Ông Wittes kết luận bằng nhận xét 4 năm trước đây ông Obama không biết giải quyết chuyện này sao cho ổn thỏa, 4 năm sau đó “ông cũng không biết phải giải quyết chuyện này sao cho ổn thỏa.”
Related news items:
Tin mới
- Nhẫn và... nhục! - 04/06/2013 18:57
- Tình hình và xu hướng chính trị tại Việt Nam hiện nay - 03/06/2013 22:13
- Bình Minh U Ám Ngập Tràn Thất Vọng - 03/06/2013 21:46
- 'Kinh qua đến tư bản hoang dã' - 03/06/2013 00:31
- Người đi chợ - 01/06/2013 22:47
- 'Trung Quốc xấu xí' và láng giềng Việt Nam - 01/06/2013 17:12
- "Khựa’ và ‘Đi chết đi’ - 31/05/2013 10:58
- Chỉ Một Góc Nhìn Duy Nhất - 28/05/2013 15:21
- Cơ hội lớn bị bỏ lỡ - 27/05/2013 12:02
- Bia rượu và lòng yêu nước - 27/05/2013 11:33
Các tin khác
- Bảo Thủ, Cấp Tiến và Trục Lợi - 27/05/2013 11:21
- Ngẩng cao đầu, tiếp bước nhau đi vào nhà tù nhỏ - 20/05/2013 18:44
- Một thế hệ không cúi đầu - 20/05/2013 18:37
- Vì sao vụ IRS nổ lớn? - 16/05/2013 19:03
- Nghị Viên Hùng thiện chí hay ngây thơ? - 15/05/2013 17:43
- UPR và Việt Nam - 13/05/2013 21:33
- Lại chuyện Trung Quốc - 13/05/2013 21:26
- Dự luật cải tổ di trú: Tuần này ‘cãi’ tiếp - 13/05/2013 21:21
- Dân Chủ, Cộng Hòa cần người ứng cử Thượng Viện - 13/05/2013 21:15
- Tiếng ve sầu - 13/05/2013 21:10