7 đề nghị
- Thứ Hai, 10 tháng Sáu năm 2013 09:56
- Tác Giả: Trịnh Hội
Ðầu tiên tôi cần phải thú nhận là lúc còn đi học luật ở Melbourne, môn học luật hiến pháp (constitutional law) là một trong những môn tôi chán nhất. Thứ nhất vì lúc ấy những bài giảng (lectures) được sắp quá sớm. Hình như vào khoảng 8:30 sáng của ngày. Là cái khoảng thời gian mà tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn vẫn còn có thể say đắm với cái giường của mình (nhất là ở cái độ tuổi 18, 19!). Chứ không phải là ngồi trong một lớp học để tìm hiểu xem tại sao điều khoản của bộ luật trong tiểu bang này đi ngược lại với nội dung của bộ luật liên bang kia. Và thế là bộ luật của tiểu bang kia đã vi hiến.
Thứ hai, nghiệt ngã hơn, nó lại rơi đúng vào ngày Thứ Hai của mỗi tuần. Báo hại ít khi tôi có đủ thời gian để đọc trước các tài liệu hoặc phán quyết của tòa. Ðể từ đó mình có thể hiểu rõ hơn vấn đề đang được mang ra bàn cãi trong lớp học. Vì một lần nữa tôi cũng phải thú thật là trong một, hai năm đầu khi mới vào trường luật, tôi là thằng cực kỳ ham... chơi hơn ham học. Ðang phơi phới tuổi xuân mà cuối tuần bắt tôi phải ngồi nhà đọc ba cái tài liệu nhảm nhí về Hiến Pháp thì... không bao giờ.
Thế mới thấy thời gian xảy ra (timing) rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là càng già tôi lại thấy mình càng nhảm nhí.
Bởi trong vài tháng gần đây bỗng nhiên tôi lại thích tìm hiểu hơn về vấn đề này. Dĩ nhiên vì nó liên quan đến Việt Nam. Nhưng hơn hết vì cuối cùng tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của Luật Hiến Pháp. Vì nói đến Hiến Pháp là chúng ta nói đến bộ luật căn bản nhất của một đất nước. Không có nó Quốc Hội đơn giản không thể thông qua các bộ luật. Không thật sự tôn trọng nó, đất nước ấy chỉ là sân chơi của những kẻ có quyền. Nơi pháp quyền (rule of law) nằm dưới sự chỉ đạo của những kẻ cai trị (rule of men). Như những gì đã và đang xảy ra ở Việt Nam. Thế nhưng điều kỳ lạ là hiện nay Ðảng Cộng sản Việt Nam lại đang muốn sửa đổi Hiến Pháp. Và họ đang hồ hởi, phấn khởi kêu gọi tất cả mọi công dân Việt Nam đóng góp ý kiến.
Cũng nhờ vậy mà trong ba tháng vừa qua, tôi đã đọc được một số kiến nghị liên quan đến vấn đề này. Từ kiến nghị của 72 nhân sĩ, trí thức cho đến lời kêu gọi của các công dân tự do, tuyên bố của các sinh viên luật, luật sư trong nước. Hay bản thông cáo của Phong Trào Con Ðường Việt Nam dành cho các tổ chức trong và ngoài nước. Hoặc bản đệ trình của Hội Ðồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam.
Nhìn chung có thể nói đây là vấn đề ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, theo dõi. Nó khác hơn nhiều so với năm 1992 là năm Hiến Pháp Việt Nam được sửa đổi lần cuối. Ðây là một sự thay đổi tích cực và là một điều may cho dân tộc. Dĩ nhiên tôi cũng thừa hiểu là ở Việt Nam, quan tâm, theo dõi hay kiến nghị là một chuyện. Ðảng và nhà nước có thật sự lắng nghe và thay đổi hay không lại là một chuyện khác.
Nhưng có còn hơn không. Và đặc biệt hơn, dù muốn hay không, thì tất cả những ý kiến ấy cũng đã được thế giới lắng nghe và công nhận. Nếu đảng và nhà nước không thực thi thì nó chỉ làm bẽ mặt họ và một lần nữa xác nhận là Hiến Pháp Việt Nam thật sự chỉ là một công cụ để họ bảo vệ chế độ độc tài, độc quyền của họ. Cũng bởi tôi nghĩ thế nên sau khi đọc một số kiến nghị, tôi cũng muốn viết riêng cho mình một bản đề nghị sửa đổi Hiến Pháp. Nó không khác gì mấy so với những bản khác nhưng nó là của riêng tôi, một công dân Việt Nam theo đúng luật quốc tịch Việt Nam hiện hành.
Hay là thế này. Nếu bạn đồng ý thì cùng ký với tôi. Còn không thì cũng xin cho tôi biết. OK?
***
Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, có những đề nghị sau:
1. Gia hạn thời gian lấy ý kiến cho đến ngày 31 Tháng Mười Hai, 2013.
Sửa đổi Hiến Pháp là một việc tối trọng. Chỉ dành vài tháng để lấy ý kiến nhân dân không thể hiện đủ sự tôn trọng của nhà nước đối với văn bản luật căn bản nhất của một đất nước và chủ quyền của tất cả mọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước.
2. Bất kỳ Dự Thảo Sửa Ðổi Hiến Pháp nào trong tương lai cũng phải được thông qua bằng một cuộc Trưng Cầu Dân Ý được tổ chức công khai, công bằng và minh bạch thì sau đó nó mới có chính danh và hiệu lực.
Quyền lập hiến là quyền sinh ra tất cả các quyền và nghĩa vụ khác của mọi công dân, tổ chức, cơ quan, hoặc đảng phái. Vì vậy, không một ai hoặc đảng phái, cơ quan nào, kể cả Quốc Hội, có quyền thông qua bất kỳ Dự Thảo Sửa Ðổi Hiến Pháp nào mà không được sự chấp thuận trực tiếp từ cử tri Việt Nam.
3. Thành lập một Tòa Án Hiến Pháp độc lập có thẩm quyền xem xét và phán quyết tất cả những vấn đề liên quan đến các qui định trong Hiến Pháp.
Tòa án này sẽ có thẩm quyền và nhiệm vụ bảo vệ Hiến Pháp, không cho phép bất kỳ một ai hay đảng phái nào lạm dụng quyền hạn đã được phân chia theo hệ thống tam quyền phân lập. Vai trò của nó không thể chỉ là một cơ quan tư vấn, kiến nghị như được quy định trong bản dự thảo hiện hành.
4. Bản dự thảo sửa đổi cuối cùng dành riêng một chương bảo đảm các Quyền Con Người theo đúng tinh thần của Tuyên Ngôn Quốc Tế năm 1948 về Quyền Con Người của Liên Hiệp Quốc và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia.
Trong trường hợp có sự khác biệt giữa các điều luật khác và những quy định trong Hiến Pháp về quyền con người thì đương nhiên những điều luật khác sẽ không còn hiệu lực và không được áp dụng. Ðể giải quyết những tranh chấp giữa các cá nhân, đoàn thể hoặc đảng phái liên quan đến quyền con người, một hội đồng quốc gia về Quyền Con Người (Human Rights Council) độc lập phải được thành lập để xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng.
5. Bảo đảm và tôn trọng quyền sở hữu tài sản, đặc biệt là quyền sở hữu đất đai của tất cả mọi người dân hoặc tổ chức cá nhân.
Ðây là một trong những quyền tự nhiên và căn bản nhất của con người. Vì vậy không một nhà nước nào có thể mệnh danh nhân dân sở hữu hoặc quản chế thay họ ngoại trừ đối với những khu vực, biển đảo liên quan đến an ninh quốc gia.
6. Xác nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường không theo bất kỳ định hướng nào.
Bất kỳ một nền kinh tế nào mang đến sự no ấm, sung túc cho người dân Việt Nam đều sẽ được áp dụng. Mọi định hướng, xã hội chủ nghĩa hay tư bản, đều vi hiến.
7. Bản dự thảo sửa đổi cuối cùng sẽ không đề cập, tán dương hay lên án bất kỳ một đảng phái, chế độ, cơ quan hay cá nhân nào, trong quá khứ cũng như hiện tại.
Chỉ có chủ quyền, lợi ích và dân tộc Việt Nam sẽ được nêu đích danh để bảo vệ và phát triển. Mọi ý tưởng khác như Ðiều 4 trong bản dự thảo hiện hành ghi nhận “Ðảng Cộng sản Việt Nam... là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” hoặc Ðiều 70 cho rằng “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Ðảng Cộng sản Việt Nam” đều vi hiến, đặt quyền lợi của Ðảng Cộng sản Việt Nam trên chủ quyền và quyền lập hiến của công dân Việt Nam.
Related news items:
Tin mới
- Cải tổ luật di trú: Ðường vẫn còn xa - 13/06/2013 10:30
- Quan hệ Mỹ-Trung - 11/06/2013 11:24
- Ðảng Cộng Sản Việt Nam phản bội nông dân - 11/06/2013 11:13
- ‘Trăm Năm Ly Hợp,’ nỗi đau ly tán dân tộc - 11/06/2013 11:03
- Ông Obama hay ông George W. Bush thứ hai? - 11/06/2013 10:53
- Biểu tình yêu nước 2/6/2013: Cảm nghiệm về sự bất chính và tàn bạo – Kỳ 3 - 09/06/2013 17:18
- Biểu tình yêu nước: Cảm nghiệm về sự bất chính và tàn bạo - Kỳ 2 - 09/06/2013 15:12
- Biểu tình yêu nước: Cảm nghiệm về sự bất chính và tàn bạo - Kỳ 1 - 09/06/2013 15:03
- Phản ứng của Lê Hiếu Đằng, Đào Hiếu và Hạ Đình Nguyên về vụ án Sinh viên Phương Uyên - 06/06/2013 18:42
- Từ Thiên An Môn tới Việt Nam - 04/06/2013 19:15
Các tin khác
- Nhẫn và... nhục! - 04/06/2013 18:57
- Tình hình và xu hướng chính trị tại Việt Nam hiện nay - 03/06/2013 22:13
- Bình Minh U Ám Ngập Tràn Thất Vọng - 03/06/2013 21:46
- 'Kinh qua đến tư bản hoang dã' - 03/06/2013 00:31
- Người đi chợ - 01/06/2013 22:47
- 'Trung Quốc xấu xí' và láng giềng Việt Nam - 01/06/2013 17:12
- "Khựa’ và ‘Đi chết đi’ - 31/05/2013 10:58
- Chỉ Một Góc Nhìn Duy Nhất - 28/05/2013 15:21
- Cơ hội lớn bị bỏ lỡ - 27/05/2013 12:02
- Bia rượu và lòng yêu nước - 27/05/2013 11:33