Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Con đường hoạn lộ của chủ tịch nước: Bằng 'tại chức' và 'tiến sĩ giấy'


Những độc giả lớn tuổi, sinh trước năm 1945, đã hẳn không bao giờ quên cái tên Carnot, trong tập sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư Lớp Dự Bị (lớp hai bây giờ hay là lớp tư trước năm 1975) dưới nhan đề “Học trò biết ơn thầy.”

trandaiquang 2
Ông Trần Ðại Quang. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

“Ông Carnot xưa là một ông quan to nước Pháp, một hôm nhân lúc rảnh việc, về chơi quê nhà. Khi ông đi ngang qua tràng học ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bấy giờ đã đầu tóc bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học.

Ông ghé vào thăm tràng và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng:

“Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?” Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ ta, sau ơn thầy ta đấy, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay.”

Thời nay có một ông Carnot Việt Nam khác: Ðại Tướng Trần Ðại Quang, ủy viên Bộ Chính Trị, bộ trưởng Bộ Công An hồi năm 2014 có về thăm trường xưa (Trung Học Phổ Thông Kim Sơn B, Ninh Bình) và thầy cũ (Phạm Thạnh) với một đoàn chức sắc hùng hậu: Nguyễn Thị Thanh, ủy viên dự khuyết Trung Ương Ðảng, bí thư tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; Giáo Sư, Tiến Sĩ Trần Văn Nhung, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo, tổng thư ký Hội Ðồng Chức Danh Nhà Nước; lãnh đạo Sở Giáo Dục và Ðào Tạo; công an tỉnh; lãnh đạo huyện Kim Sơn. Bản tin ghi Giáo Sư-Tiến Sĩ Trần Ðại Quang tặng hoa, quà cho thầy nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam, 20 Tháng Mười Một, 2014.

Ông sẽ không nói như ông Carnot, vì nếu nói, Trần Ðại Quang sẽ nói: “Ta bình sinh, nhất là ơn đảng!...”

Sau này khi nghe học trò mình là Trần Ðại Quang lên làm chủ tịch nước, tức là lên ngôi vua, ông thầy Phạm Thạnh đã nói với báo chí một câu khá xu nịnh “bốc trời” rằng: “Khi ông thấy người học trò của mình tiếp xúc gần gũi với đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thì nghĩ rằng 'anh ấy rồi sẽ là một Ðinh Bộ Lĩnh thứ hai của Ninh Bình!'” Khi đã là đại tướng công an quyền thế, ông Trần Ðại quang tiếp xúc với dân Tây Nguyên, điều đó có liên hệ gì đến chuyện dẹp loạn 12 sứ quân của Ðinh Bộ Lĩnh? Cũng nắm chức vụ đứng đầu của một nước, nhưng đem Trần Ðại Quang, chỉ vì cái quê quán Ninh Bình, đất Hoa Lư, mà so sánh với Ðinh Bộ Lĩnh thì xem chừng ông giáo này có bệnh tâm thần!

Trần Ðại Quang và Ðinh Bộ Lĩnh đều mồ côi cha sớm. Ðinh Bộ Lĩnh phải theo mẹ về quê ngoại nương nhờ người chú ruột là Ðinh Thúc Dự ở quê nội gần đó, nên mới có chuyện “cờ lau tập trận,” về sau lớn lên dẹp được loạn 12 sứ quân mà xưng vương. Nếu Ðinh Bộ Lĩnh mà sống thời nay, dù có tài giỏi cũng không vào được Bộ Chính Trị Cộng Sản, rồi làm vua, vì thành phần lý lịch, thân phụ của Ðinh Bộ Lĩnh là Ðinh Công Trứ, nha tướng của thứ sử Hoan Châu Dương Ðình Nghệ, trong khi thân phụ của Trần Ðại Quang là nông dân vô sản làm nghề “đơm đó” (*) tức là nghề “đánh giậm.” Có thể coi là nghề đứng sau chót trong mọi nghề: bắt tôm tép dưới nước, một cái nghề khốn khổ luôn ngâm nửa người trong nước, đến độ khi ghét bỏ kẻ khác người ta dùng câu: “Thâm như dái thằng đánh giậm!”

Nhờ có lý lịch ba đời vô sản, ngay sau khi tốt nghiệp trung học năm 1971, Trần Ðại Quang, lúc đó mới 16 tuổi, được tuyển vào ngành công an. Ông thầy Phạm Thạnh kể: “Lúc đầu, trò Quang học ở trường Giáp Bắc Ân Hòa. Khi đó trường toàn là nhà bằng tre, lợp bằng rạ, xung quanh tường đắp đất dày hàng mét, mỗi lớp có một nhà riêng. Ðến năm 1968, nhà trường chuyển xuống đường ngang Ân Hòa. Anh Quang học ở đó đến năm 1971 thì ra trường.”

Theo tiểu sử chính thức của Trần Ðại Quang thì ông này sinh năm 1956, ra trường năm 1971, tức là mới 15 tuổi, như vậy trình độ học vấn chỉ là khoảng lớp Ðệ Tứ (Trung Học Ðệ I Cấp). Tiểu sử ông Quang ghi từ Tháng Bảy, 1972 đến Tháng Mười, 1975: Học viên trường Cảnh Sát Nhân Dân Trung Ương tức là trường đào tạo công an.

Ðến năm 1986, khi giữ chức vụ phó trưởng phòng Trinh Sát, Cục Bảo Vệ Chính Trị II, Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công An), ông mới có cái bằng tốt nghiệp Ðại Học An Ninh Nhân Dân (tại chức) về ngành trinh sát.

Ông cũng tốt nghiệp “tại chức” tại Viện Lý Luận Mác-Lê, từ năm 1989 và lấy bằng năm 1991.

Cũng năm 1991, trong khi giữ chức phó bí thư Ðảng Ủy, phó cục trưởng Cục Tham Mưu An Ninh, Bộ Nội Vụ) ông lại lấy thêm bằng tốt nghiệp “tại chức” cử nhân luật khoa.

Như vậy chủ tịch nước có ba bằng cấp được trưng ra đều là bằng cấp tại chức, được coi là chủ tịch “tại chức.”

Năm 2003, khi ông Trần Ðại Quang là thiếu tướng, tổng cục phó Tổng Cục Công An, được phong hàm phó giáo sư.

Năm 2006, khi là trung tướng, thứ trưởng Bộ Công An, ông được phong hàm giáo sư.

Trong suốt trang tiểu sử không nghe nói ông bảo vệ luận án tiến sĩ năm nào, về đề tài gì, nhưng thấy Hà Nội gọi chức danh của ông đại tướng, giáo sư, tiến sĩ, chủ tịch nước, đời nay coi như tổng thống hay là hoàng đế thời xưa.

Ông Trần Ðại Quang là một mẫu mực tiêu biểu nhất cho chuyện học tại chức và văn bằng tiến sĩ giấy. Ngày nay cứ theo con đường hoạn lộ, toàn dân không phải học tập theo gương “ bác Hồ” nữa mà theo gương “học tập” của “bác Quang,” nghĩa là không cần phải học gì cũng lên đến tột đỉnh vinh quang

Năm 1975, khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm miền Nam, ông Trần Ðại Quang chỉ mới là một “chú công an,” 37 năm sau đã lên đến đại tướng công an, bốn năm sau là chủ tịch nước. Thời bình, không có chiến tranh, nghiệp vụ của công an trong chế độ Cộng Sản là chỉ dùng để đàn áp dân, và bảo vệ đảng như khẩu hiệu của Bộ Công An: “Công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình.” Sở dĩ Trần Ðại Quang tiến nhanh tiến mạnh được là nhờ quan niệm “công an là 'thanh bảo kiếm' bảo vệ đảng, nhân dân, chế độ” (phát biểu và nói tại hội thảo 70 năm công an nhân dân ngày 24 Tháng Bảy, 2015) (**).

Chỉ tội nghiệp cho hai chữ “nhân dân” bị nằm ép giữa “đảng” và “chế độ!”

Số phận “nhân dân” từ nay đã được định đoạt, khi chủ tịch nước là một anh xuất thân từ công an, chẳng khác chi Putin của nước Nga nguyên là một cán bộ KGB sắt máu.

Ghi chú:

(*) Trần Ðại Quang - Wikipedia tiếng Việt: “Cha mẹ ông là những người nông dân hành nghề đơm đó và bán chuối...”

(**) Dưới thời ông Trần Ðại Quang làm bộ trưởng, tình trạng công an đội lốt côn đồ, thường dân đánh đập tấn công những nhà bất đồng chính kiến xảy ra tràn lan khắp trong cả nước...

-Cũng dưới thời ông Trần Ðại Quang làm bộ trưởng, xuất hiện những nhóm truyền thông nặc danh trên mạng xã hội để xuyên tạc hình ảnh những người bất đồng chính kiến.

-Cũng dưới thời ông Trần Ðại Quang làm bộ trưởng, một nhóm thanh niên xung kích được thành lập để chuyên gây rối, chửi bới, lăng mạ những người biểu tình chống Trung Quốc. Nhóm này hung hăng dọa giết cả bà già lẫn thiếu nữ, dùng chất bẩn đổ vào nhà người khác giữa Hà Nội.

Ðó là những thủ đoạn bẩn thỉu mà lực lượng công an Việt Nam đã sử dụng dưới thời ông Trần Ðại Quang làm bộ trưởng. Ðó cũng là những kinh nghiệm mà ông áp dụng thành công ở Tây Nguyên trước kia, giờ đem ra áp dụng phổ biến khắp cả nước.

Trước khi rời bỏ chức bộ trưởng công an để lên làm chủ tịch nước, ông ra lệnh bắt Luật Sư Nguyễn Văn Ðài.” (Danlambao)

Switch mode views: