Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chết theo kế hoạch, tử hợp quy trình!


ngan trong damtang
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông nguyễn Phú Trọng dẫn đầu linh cữu đám tang ông Trần Đại Quang hôm 27 Tháng Chín, 2018 (Hình: Getty Images)

Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào ngày 21 Tháng Chín, 2018 tại bệnh viện Quân Đội 108. Chưa được chín ngày sau, cũng tại bệnh viện này, cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười ra đi. Cờ đỏ sao vàng “sồi sụt” hạ xuống rồi kéo lên. Đó là người dân biết theo thông báo của đảng, còn đảng viên như sống chết ra sao, ngày nào là do chương trình xếp đặt của đảng. Đảng cho khai sinh trễ vài năm để dễ hy sinh thêm vài nhiệm kỳ, cho chết trễ vài ngày để tránh trùng tang. Ngay ngày Hồ Chí Minh “chuyển sang từ trần,” đảng cũng chưa cho phép chết, như theo Thông báo số 151-TB/TW ngày 19 Tháng Tám, 1989 của Bộ Chính Trị, “Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 ngày 2 Tháng Chín, 1969, ngày Quốc Khánh của nước ta nên để ngày Bác mất không trùng với ngày vui lớn của cả dân tộc nên Bộ Chính Trị quyết định công bố Chủ Tịch Hồ Chí Minh mất vào lúc 9 giờ 47 ngày 3 Tháng Chín, 1969!”

“Bác” mà Bộ Chính Trị còn đối xử như vậy, thì Trần Đại Quang, Đỗ Mười, hay Lê Đức Anh cùng chết chùm thì đảng cũng phải chia ra một hai tuần cho thưa thưa, không lại miệng tiếng ở đời độc ác lại cho rằng “trùng tang” hay “điệp tang,” không những “double” mà còn “triple!”

Theo phong tục Việt Nam, ngày xưa khi trong nhà có người chết, quan tài quàn tại nhà thì tất cả tủ kính, cửa kính đều phải dán kín lại, người ta sợ hình ảnh một quan tài phản chiếu trong kính thành hai, ba quan tài.

Không phải chỉ những ở Liên Xô, Trung Cộng, Bắc Hàn, lãnh tụ và đảng viên thường có những cái chết mờ ám vì tranh giành quyền lực, thanh toán phe phái, mà ngay ở Việt Nam, những cái chết như Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang hay mất tích như Đinh Thế Huynh, Phùng Quang Thanh cũng đem lại nhiều nghi vấn. Trước đây Phùng Quang Hải, con Phùng Quang Thanh bị cách chức chủ tịch Tổng Công Ty 319, và người được đưa lên thay lại là con trai của Trần Đại Quang. Bây giờ Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang chết vì “vi-rus lạ,” còn cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh được cho là thân Trung Cộng, từng bị loan tin là bị đầu độc ở Pháp, có lần tái xuất hiện ở Việt Nam, rồi khi biến mất từ đó đến nay.

Nhưng dù có chết vì tuổi già, bị bệnh hiểm nghèo, bị đầu độc hay bị ám sát đều được đảng thương tiếc, che giấu và cải chính bằng cách ra một loại thông báo đại loại như nhau. Tục ngữ Việt Nam chúng ta đã có câu “có tật giật mình!”

Có gì mờ ám mà khi đồng chí nào chết, đảng cũng phải phân bua, rào đón “… dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, lãnh đạo đảng, nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện nhưng không qua khỏi.”

Xin đan cử một vài ví dụ:

*Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang: “Ban Bảo Vệ Chăm Sóc Sức Khỏe Cán Bộ Trung Ương cho hay Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang do mắc bệnh hiểm nghèo, dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, lãnh đạo đảng, nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện nhưng không qua khỏi.”

*Cựu Tổng Bí Thư Đỗ Mười: “Ban Bảo Vệ Chăm Sóc Sức Khỏe Cán Bộ Trung Ương thông báo, nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười trút hơi thở cuối cùng lúc 23 giờ 12 phút ngày 1 Tháng Mười, tại bệnh viện Trung Ương Quân Ðội 108. Thời gian lâm bệnh, ông đã được đảng, nhà nước, tập thể giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước cứu chữa, nhưng không qua khỏi vì tuổi cao sức yếu.”

*Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt: “Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng chiều 12 Tháng Sáu viết, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được đảng, nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từ trần hồi 7 giờ 40 phút ngày 11 Tháng Sáu, 2008, thọ 86 tuổi.

*Đại Tướng Võ Nguyên Giáp: “Do tuổi cao, sức yếu, mặc dù đã được đảng, nhà nước, quân ủy trung ương, Bộ Quốc Phòng và tập thể các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế trong và ngoài quân đội cùng gia đình hết lòng chăm sóc, đồng chí đã từ trần hồi 18 giờ 9 phút, ngày 4 Tháng Mười, 2013 tại bệnh viện Trung Ương Quân Ðội 108; hưởng thọ 103 tuổi.”

Ngoài trường hợp ông Võ Văn Kiệt chết ở Singapore hay ông Phan Văn Khải chết ở quê nhà Củ Chi, còn thì quân đội hay dân sự đều phải qua một ngõ duy nhất: Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108. Lê Đức Anh hiện cũng đang nằm chờ ở đây.

Dù lúc sống hầm hè, ganh ghét, quắc mắt nhìn nhau, thiếu đường muốn ăn tươi nuốt sống nhau, nhân gian gọi là “như sừng với đuôi,” khi chết dù phải bắt ấn vì sợ, cũng vắt nước mắt, tìm chữ nghĩa để ca tụng nhau.

Lẳng lặng mà nghe ông Tổng viết lời phúng điếu:

*Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang, ủy viên Bộ Chính Trị, chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nhà lãnh đạo đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đảng, nhà nước và nhân dân ta, nhất là lực lượng công an nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam XHCN. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn với đảng, nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc với tất cả chúng ta.”

*Cựu Tổng Bí Thư Đỗ Mười: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười, nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của đảng, nhà nước và nhân dân ta; Người đảng viên cộng sản rất mực kiên trung, suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; Người có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với đảng, nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.”

*Đại Tướng Võ Nguyên Giáp: “Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với đảng, nhà nước, nhân dân và quân đội ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Nguyện mãi mãi học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong và tấm gương hết lòng vì nước, vì dân của đồng chí.”

Tình nghĩa đồng chí Cộng Sản với nhau, có bao nhiêu câu nói, chỉ cần nói đi lặp lại như luận điệu của loại loa phường. Nhưng cứ nhìn cái quắc mắt của Nguyễn Tấn Dũng khi nhìn Nguyễn Phú Trọng bên cạnh quan tài Trần Đại Quang, hay những đôi mắt hằn học của gia đình người bị bức tử ném về phía kẻ sát nhân, thì người ngoài cuộc cũng đã hiểu. Trong thế giới đồng chí với nhau, đã và sẽ có những cái chết theo kế hoạch và tử hợp quy trình của đảng! (Huy Phương)

Switch mode views: