Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Syria : "Nhiệm vụ cuối cùng" của đặc phái viên LHQ

Staffan de Mistura

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura.
Fabrice COFFRINI / AFP

Hôm qua, 17/10/2018, tại Hội Đồng Bảo An, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, tuyên bố sẽ rời chức vụ, với lý do cá nhân.

Ông Staffan de Mistura cũng thông báo sẽ có « chuyến đi cuối cùng » tới Syria.

Đặc phái viên Staffan de Mistura thông báo có « chuyến đi cuối cùng » tới Syria để thuyết phục chính quyền Damas chấp nhận việc lập ra một ủy ban chuẩn bị cho Hiến pháp mới, mở đường cho cuộc chuyển tiếp chính trị tại quốc gia này.

 Tuy nhiên, Nga – đồng minh chủ yếu của Damas - tỏ ra không vội vã.

Thông tín viên Marie Bourreau tường trình từ New York :

Cả chục lần, 100 lần, người ta từng thông báo đặc phái viên Staffan de Mistura sẽ từ nhiệm.
Thế nhưng cuối cùng đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria đã trụ lại được bốn năm và bốn tháng, với một công việc được coi như là « nhiệm vụ khó khăn nhất thế giới » : Chấm dứt cuộc chiến tại Syria, đã kéo dài hơn 7 năm.

 Trong thời gian này, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc đã bất lực trước các cuộc vây hãm tại Aleppo và Đông Ghouta, cũng như các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, được quy cho chế độ Damas.

Về mặt chính trị, nhà ngoại giao hai quốc tịch Ý-Thụy Điển này rõ ràng đã tổ chức được các cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình, tại Genève, thế nhưng ông đã không thể mời được chế độ Damas và đối lập Syria đối thoại trực tiếp.

Trước khi rời chức vụ, sẽ chính thức chấm dứt vào cuối tháng 11, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc de Mistura – người thứ ba từ bỏ sứ mạng này – sẽ đến Syria vào tuần tới, với một nhiệm vụ cuối cùng.

Staffan de Mistura hy vọng sẽ thuyết phục được chính quyền Damas ủng hộ việc lập ra một ủy ban chuẩn bị Hiến pháp mới, điều đã được quyết định tại hội nghị Sotchi hồi tháng Giêng năm nay (do Nga bảo trợ).

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc đang đứng trước áp lực rất mạnh của các nước phương Tây, vốn tin tưởng là việc lập ra ủy ban nói trên là cơ hội cuối cùng để tái khởi động lại tiến trình chính trị ở Syria.

Thành lập một ủy ban Hiến pháp cho Syria là quyết định được đưa ra tại thượng đỉnh Sotchi, với sự hưởng ứng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
 Kể từ đó đến nay, đặc phái viên de Mistura đã nhiều lần tổ chức đối thoại giữa các bên liên quan. Pháp cho rằng để chậm chuyên này bên duy nhất chịu trách nhiệm là chính quyền Damas.

Về vấn đề này, theo AFP, hồi tháng trước, Matxcơva nhấn mạnh là không cần vội thành lập một ủy ban như vậy.
Chính quyền Nga lo ngại phương Tây sử dụng biện pháp này để dẫn tới thay đổi chế độ tại Syria.

Theo đặc phái viên Liên Hiệp Quốc từ nhiệm, ủy ban Hiến pháp sẽ bao gồm 150 người, trong đó 50 người của chế độ Damas, 50 người của đối lập và 50 còn lại, đại diện cho xã hội dân sự và người tị nạn Syria, do đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc đề xuất.

Một ban soạn thảo Hiến pháp 15 người, bao gồm 5 thành viên của mỗi nhóm 50 người nói trên, được thành lập, và làm việc dưới quyền chủ tọa của một chủ tịch có quan điểm trung lập.

Nga – Thổ Nhĩ Kỳ quyết định kéo dài thời gian lập vùng đệm

Theo Reuters, điều phối viên Liên Hiệp Quốc về nhân đạo tại Syria cho biết Matxcơva và Ankara quyết định kéo dài thời gian thực thi thỏa thuận lập vùng đệm tại tỉnh Idlib, do phe nổi dậy kiểm soát.

Theo ông Jan Egeland, khoảng 3 triệu dân cư tỉnh này « thở phào nhẽ nhõm », khi biết được thông tin nói trên.
Hồi tuần trước, một số lực lượng nổi dậy không chấp nhận rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng đệm, theo thỏa thuận, trước ngày 15/10, dẫn đến nguy cơ quân đội Damas có thể sớm mở chiến dịch tấn công quy mô lớn.

Hôm Chủ Nhật, nhóm thánh chiến Tahir al Cham cho biết sẽ tuân thủ thỏa thuận Nga-Thổ.
Cũng điều phối viên Liên Hiệp Quốc thông báo chính quyền của tổng thống Assad vừa rút lại một luật, cho phép tịch thu nhà cửa, đất đai và tài sản của người Syria tị nạn ở nước ngoài.

Switch mode views: