Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc : Ẩn sau chiến tranh thương mại là cuộc chiến về tiêu chuẩn

CHINA-HUAWEI-ZTE

Tập đoàn viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc.
REUTERS

Đội tuyển bóng đá Trung Quốc không được thi đấu tại World Cup 2018, nhưng nhiều thương hiệu Trung Quốc hiện diện trong mùa bóng đá ở Matxcơva.
Nhiều sai phạm ở FIFA đã khiến các tập đoàn phương Tây « né » World Cup.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để nhanh chóng trở thành các nhà tài trợ cho Giải vô địch bóng đá thế giới.

Hisense, Mengniu và Vivo đã trở thành các đối tác của World Cup 2018 tại Nga, biến giấc mơ của chủ tịch Tập Cận Bình thành sự thật : đưa Trung Quốc thành « một đất nước của trái bóng tròn ».

Nhưng đó không chỉ là thể thao, mà là một chiến lược của Bắc Kinh.
Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ sớm phổ biến các tiêu chuẩn Trung Quốc ra toàn cầu : đây mới là « trận chiến » quan trọng hơn cả cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Trên đây là nhận định của kinh tế gia Jean-Raphaël Chaponnière, tác giả bài viết « Trung Quốc : trận chiến về tiêu chuẩn đằng sau cuộc chiến tranh thương mại ».
Bài viết được đăng trên trang mạng châu Á Asialyst ngày 17/06/2018.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đưa thương hiệu hàng hóa ra thế giới bằng cách nào ?
Trong những năm 1990, một doanh nghiệp lớn của Pháp về quần áo may sẵn phát hiện nhãn hiệu sản phẩm của họ đã được đăng ký tại Indonésia, nơi họ đang định mở trụ sở.
Điều đáng nói hơn nữa là công ty đăng ký nhãn hiệu đó tại Indonésia lại là một đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp Pháp mà họ đã phải thương lượng để đạt một thỏa thuận.
 Từ đó tới nay, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã vấp phải vấn đề tương tự ở Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Trung Quốc không phải là những nhà sao chép, mà là những nhà sao chép siêu hạng.
Tiếp theo Nhật Bản, Hàn Quốc, giờ đây Trung Quốc trở thành các nhà vô địch trong lĩnh vực này ở châu Á, nơi mà sao chép là một cách học hỏi được ưa chuộng hơn cả sáng tạo.

Song song với sản xuất hàng nhái, hàng giả, Trung Quốc đang nỗ lực bảo vệ các thương hiệu của mình.
Từ vài năm nay, chính quyền có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thương hiệu doanh nghiệp hoặc hàng hóa tại nước ngoài.

Từ năm 2004 đến năm 2017, lượng thương hiệu Trung Quốc đăng ký ở châu Âu đã tăng gấp 5 lần và tăng gấp 8 lần so với số thương hiệu của Mỹ.
Cuộc chạy đua rõ rệt nhất là trong lĩnh vực tin học. 8% số ứng dụng mới tại Hoa Kỳ là của Trung Quốc, trên cả Đức, Anh và Canada.

Cuộc chạy đua bằng sáng chế diễn ra thế nào ?

Nghịch lý là trong khi Trung Quốc là công xưởng lớn nhất thế giới, chỉ có hai thương hiệu Trung Quốc là Hoa Vi và Lenovo là nằm trong sách sách top 100 thương hiệu hàng đầu thế giới.

Trong danh sách này có 3 thương hiệu của Hàn Quốc và 6 thương hiệu của Nhật Bản.
Sự thua kém này của Trung Quốc phần nào là do việc Trung Quốc tham gia toàn cầu hóa khá muộn.
Trong khi hàng hóa của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản xuất ra thị trường thế giới với thương hiệu của riêng họ, thì Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vẫn chỉ là những nước chuyên gia công cho các thương hiệu cao cấp.

Nhưng về sáng chế thì khác, cuộc chạy đua đã bắt đầu từ lâu.
Phải nói là tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc thật đáng khâm phục.

Theo Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới, trong năm 2017, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản và xếp hạng thứ 2 (48.882 bằng sáng chế), chỉ đứng sau Mỹ (56.624 bằng sáng chế). Trong số 10 tập đoàn có nhiều sáng chế nhất toàn cầu, có Hoa Vi, ZTE và BOE của Trung Quốc, Mitsubishi và Sony của Nhật, LG và Samsung của Hàn Quốc.

Vào năm 2020, Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt Hoa Kỳ trong bảng xếp hạng của Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới.
Nếu chỉ tính riêng tại Mỹ, Trung Quốc là nước ngoài được Văn Phòng Sáng Chế Hoa Kỳ cấp nhiều bằng sáng chế thứ ba.
Khoảng cách giữa Nhật và Trung Quốc ngày càng được thu hẹp.

Chuẩn Trung Quốc được quốc tế hóa thế nào ?

Từ phát minh tới phổ biến các sản phẩm hay công nghệ mới, cần có các chuẩn mực.
Tại châu Âu, Nhà Nước điều phối và tài trợ tiến trình xây dựng tiêu chuẩn.

Tại Mỹ, tiến trình này chủ yếu do các hiệp hội công nghiệp thực hiện.
Các doanh nghiệp kiểm soát các công nghệ được dùng làm chuẩn mực có ưu thế rất lớn trong cạnh tranh.
 Đối thủ của các doanh nghiệp này buộc phải mua các trang thiết bị hay giấy phép sử dụng của họ.

Điển hình nhất là trường hợp của Qualcomm với các bằng sáng chế công nghệ LTE, 3G và 4G.
Mỗi năm, gã khồng lồ của Mỹ về công nghệ điện thoại di động thu lời vài chục tỉ đô la từ các bằng sáng chế của mình, chỉ riêng Trung Quốc năm 2014 đã mang về cho Qualcomm 8 tỉ đô la.

Lợi nhuận đặc biệt cao trong các ngành công nghiệp mà tiêu chuẩn là thành quả của quá trình thương lượng phức tạp giữa các hãng sản xuất lớn và người sử dụng trên toàn thế giới, và lợi nhuận còn khổng lồ hơn khi các tiêu chuẩn chỉ do một bên ấn định.

Từ khi nhà chức trách Trung Quốc thông qua một bộ luật mới về tiêu chuẩn, các tiêu chuẩn, chuẩn mực không còn do Nhà Nước xây dựng và kiểm soát nhiều nữa mà chủ yếu do các hiệp hội công nghiệp xây dựng.
Đồng thời, Bắc Kinh cũng tìm cách quốc tế hóa các tiêu chuẩn Trung Quốc.

Dự án « Sáng kiến một vành đai, một con đường » là cách để phổ biến các tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Khi Bắc Kinh đầu tư vào xây dựng hạ tầng cơ sở cho nước ngoài, họ không có ý định cải tiến công tác quản lý ở nước đó mà gây sức ép để các quốc gia này phải sử dụng các tiêu chuẩn mà Trung Quốc đề ra trong rất nhiều lĩnh vực : đường bộ, đường sắt, tàu cao tốc và đường dây truyền tải điện.

Phương Tây sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách nào ?

Trong vòng 5 năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 102 tỉ đô la để xây dựng và phát triển hạ tầng truyền tải điện, 40% mạng lưới điện quốc gia của Philippines và 20% mạng lưới điện quốc gia của Chi lê là có sự tham gia của Trung Quốc.

 Bắc Kinh cũng đã đầu tư khoảng 500 tỉ đô la vào sản xuất điện.
 Sản lượng điện của Trung Quốc còn có thể tăng thêm, nếu tập đoàn Phân phối và Truyền tải Điện Trung Quốc Sate Grid Corporation of China nắm quyền kiểm soát công ty Năng Lượng Bồ Đào Nha.

Sate Grid Corporation of China là tập đoàn quản lý mạng lưới điện, truyền tải và phân phối điện có nhiều nhân viên nhất thế giới.
 Tập đoàn Trung Quốc đã chi 7 tỉ đô la để mua công ty Năng Lượng Bồ Đào Nha nhưng đã bị khước từ.

Các phi vụ làm ăn kiểu này nằm trong chiến lược Trung Quốc phát triển công nghệ truyền tải điện siêu cao áp từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện tới những nơi tiêu thụ điện vốn nằm rất xa các nhà máy điện.
Công nghệ trên sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí truyền tải điện, cho phép tập đoàn điện lực Trung Quốc Sate Grid Corporation of China thay thế các nhà máy điện ở các vùng ven biển bằng các nhà máy điện ở miền tây có năng suất cao hơn và ít ô nhiễm môi trường hơn rất nhiều.

Các công nghệ này sẽ mở ra những triển vọng mới : tập đoàn Sate Grid Corporation of China có thể đưa 4000 MW điện tới Pakistan, ngược lại cũng có thể đưa điện về từ những nơi rất xa.
Các tiến bộ công nghệ nói trên của Trung Quốc sẽ dẫn tới sự thay đổi về hệ thống thương mại.
Việc phổ biến các tiêu chuẩn Trung Quốc về bản chất là nhằm làm thay đổi phương thức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cho tới nay, các doanh nghiệp phương Tây phải cạnh tranh với các công ty Trung Quốc có khả năng cung cấp thiết bị đáp ứng được tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu.
Trong tương lai, rất có thể các doanh nghiệp phương Tây lại phải cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc bằng cách sản xuất các thiết bị theo chuẩn Trung Quốc

Switch mode views: