Vụ tử tội ma túy Pháp : Paris triệu đại sứ Indonesia
- Thứ Tư, 22 tháng Tư năm 2015 16:55
- Tác Giả: Trọng Thành
Công dân Pháp Serge Atlaoui, bị kết án tử hình tại Indonesia.
REUTERS/Beawiharta
Phán quyết tử hình của Indonesia đối với nhiều bị cáo người nước ngoài, trong đó có một công dân Pháp, bị phản đối mạnh từ quốc tế.
Hôm nay, 22/04/2015, theo AFP, Ngoại trưởng Pháp ra quyết định triệu Đại sứ Indonesia, sau khi Tòa án Tối cao Indonesia ra phán quyết bác bỏ khiếu nại của công dân Pháp Serge Atlaoui, 51 tuổi, vào hôm qua, 21/04/2015.
Vụ án ông Atlaoui rất được quan tâm trong công luận Pháp, kể từ gần 40 năm nay, chưa có công dân Pháp nào bị kết án tử hình.
Chiều nay, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp triệu Đại sứ Indonesia Hotmangaradja Pandjaitan vào lúc 16 giờ.
Đây là lần thứ ba đại diện Ngoại giao Indonesia bị triệu mời trong vụ này. Hai lần trước là vào tháng 2/2015 và đầu tháng 4/2015.
Theo các nhà quan sát các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của nước Pháp đã có những vận động tích cực, nhưng kín đáo cho ông Atlaoui.
Tổng thống Pháp kêu gọi Indonesia
Hôm nay Tổng thống Pháp có tuyên bố chính thức gửi đến Indonesia, trong đó có đoạn « cho đến hôm nay tôi vẫn có một lời kêu gọi để vụ hành quyết không xảy ra, (một hành động như vậy nếu xảy ra) sẽ tổn hại cho Indonesia, cho một tinh thần chung : đó là công lý phải là công lý, nhưng án tử hình sẽ không còn được đưa ra tại bất cứ quốc gia nào ».
Tổng thống Pháp nhắc lại rằng ông đã rất nỗ lực trong các tiếp xúc với phía Indonesia, để « có thể có ân xá và án không được thi hành ».
Trước đó, gia đình ông Atlaoui đã kêu gọi sự can thiệp của Tổng thống Hollande và Liên Hiệp Châu Âu.
Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh đến tính chất không công bằng của phiên tòa sơ thẩm và hy vọng Jakarta có cử chỉ khoan hồng.
Tuy nhiên, theo thông tín viên của RFI Marie Dhumieres tại Jakarta, lập trường của Tổng thống Indonesia Joko Widodo là rõ ràng : sử dụng « liệu pháp sốc » trong cuộc chiến chống ma túy, cụ thể là với các án tử hình đối với tội buôn ma túy, cho dù đó là người nước ngoài.
Phiên tòa không công bằng
Cho đến nay, các kêu gọi, yêu cầu và cảnh báo từ phía chính quyền Pháp đều không được Jakarta chấp nhận.
Về phán quyết nói trên, hôm qua luật sư của bị cáo cho Le Figaro biết, về mặt chính thức, đại sứ quán Pháp chưa nhận được bất cứ thông tin chính thức nào, nhưng có vẻ điều này dường như khiến gia đình Atlaoui tắt hẳn hy vọng sau 10 năm tranh đấu.
Theo nhật báo Pháp Le Parisien, sau khi có thông tin, vợ của người tử tù Serge Atlaoui cho biết bà « hoàn toàn không hiểu nổi » quyết định này.
Tuy nhiên, André Atlaoui người anh em trai của ông Serge vẫn hy vọng : « Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu. Cho dù có gì xảy ra, sự thật về vụ việc sẽ được sáng tỏ. Tôi không dừng ở đây. Nếu người ta giết anh ấy, một phần con người của tôi sẽ chết, nhưng phần còn lại sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh ».
Trước đó, theo Le Figaro, một tòa án ngoại ô Jakarta đã đồng ý với hướng giảm nhẹ trách nhiệm của bị cáo Atlaoui.
Theo luật sư, người thợ hàn Serge Atlaoui tới làm việc công việc lắp đặt cho một cơ sở sản xuất ma túy, mà không hay biết về thực chất hoạt động ở đây.
Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh đến việc Serge Atlaoui « đã không có người phiên dịch » tại phiên tòa sơ thẩm.
Ngày hôm qua, Ngoại trưởng Pháp nhắc lại việc các công dân Indonesia « chỉ huy vụ ma túy này, đã không bị kết án cùng hình phạt ».
Hơn 80% người Indonesia ủng hộ án tử hình
Theo nhà phân tích chính trị Yohanes Sulaiman, khoa quan hệ quốc tế Đại học quốc phòng Indonesia, nếu Jakarta thi hành các án tử hình nói trên, « rất ít khả năng Úc và Liên Hiệp Châu Âu sẽ tẩy chay kinh tế » đối với nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á này, vì « tầm quan trọng địa chính trị và vị trí chiến lược của nước này trong thương mại quốc tế ».
Việc Tổng thống Indonesia không thay đổi thái độ đối với các án tử hình nói trên khiến giới bảo vệ nhân quyền thất vọng, vì từng đặt tin tưởng vào tân Tổng thống được coi là là « nhà cải cách ».
Theo một điều tra mới đây của cơ quan thăm dò dư luận Indo Barometer, 84,1% người Indonesia ủng hộ án tử hình với người buôn ma túy.
Giám đốc của Indo Barometer nhận định thái độ hết sức cứng rắn của Tổng thống Indonesia chắc chắn khiến ông Widodo được thêm nhiều ủng hộ của dân chúng, trong bối cảnh uy tín đang sụt giảm, vì nhiều lý do.
Tin mới
- Đặc sứ Liên Hiệp Quốc đến Yemen - 12/05/2015 14:58
- Nhật Philippines tăng cường liên minh chống Trung Quốc - 12/05/2015 14:32
- Lại động đất lớn ở Nepal, ít nhất hơn 20 người thiệt mạng - 12/05/2015 14:24
- Tổng thống Pháp gặp Fidel Castro và hội đàm với Chủ tịch Cuba - 12/05/2015 14:15
- Iran : Công nghệ mới vô hiệu hóa kiểm duyệt thông tin - 11/05/2015 20:27
- Singapore, Malaysia và Indonesia mở rộng tuần tra chung ở Biển Đông - 11/05/2015 16:00
- Seoul yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo - 11/05/2015 15:53
- Indonesia và Malaysia cứu vớt gần 2.000 người vượt biển - 11/05/2015 15:43
- Úc yêu cầu Trung Quốc không lập vùng phòng không ở Biển Đông - 11/05/2015 15:33
- Thượng nghị sĩ Mỹ đòi thiết lập vùng an toàn ở Syria - 22/04/2015 17:03
Các tin khác
- San Francisco là thành phố có giá nhà cho thuê cao nhất nước - 21/04/2015 22:28
- Dân đổ cá chết ra đường, buộc chính quyền phải đối thoại - 21/04/2015 18:14
- Việt Nam và Philippines đang soạn dự thảo đối tác chiến lược - 21/04/2015 16:35
- Philippines lên án Trung Quốc ‘hung hăng’ ở Biển Đông - 20/04/2015 15:58
- Quan hệ Nga-Mỹ : Putin tiếp tục dịu giọng với Hoa Kỳ - 20/04/2015 04:14
- Tuần hành rầm rộ tại Đức chống Hiệp định TTIP - 20/04/2015 04:07
- Đối lập Nga sáng tạo hình thức biểu tình ‘cá nhân’ tại Mátxcơva - 20/04/2015 03:58
- Pháp ra các biện pháp chống kỳ thị chủng tộc - 19/04/2015 18:46
- Báo Trung Quốc : Mỹ chuyển căn cứ qua châu Á để chống Trung Quốc - 19/04/2015 18:38
- Thiếu nước, mối đe dọa lớn của Trung Quốc - 19/04/2015 18:29