Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thanh tra giàu bất thường là 'bình thường'


HÀ NỘI 14-4 (NV) - Đó là ý của ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra của nhà cầm quyền trung ương CSVN khi trả lời báo giới về thu nhập và tài sản của lãnh đạo cơ quan này.

Villa ngovanKhanh

Một trong hai biệt thự ở Hà Nội của ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra chính phủ CSVN. Ông Khánh giàu có bất thường được xem là bình thường vì vợ con ông… kinh doanh. (Hình: Người Cao Tuổi)

 

Thắc mắc về sự giàu có bất thường của giới lãnh đạo Thanh tra Chính phủ - bộ phận đảm nhận vai trò chính yếu trong chống tham nhũng tại Việt Nam - bùng phát hồi tháng trước, sau khi tờ Người Cao Tuổi ở Việt Nam công bố những hình ảnh về dinh thự của ông Trần Văn Truyền – cựu Tổng Thanh tra Chính phủ - ở Bến Tre và bản kê khai tài sản của ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, về bất động sản, ông Khánh đang sở hữu hai căn nhà ở khu vực trung tâm Hà Nội, mỗi căn có diện tích đất trên 100 mét vuông và kiến trúc thuộc dạng biệt thự.
 Ngoài hai căn nhà này, ông Khánh còn có 1.800 mét vuông đất trong dự án Mê Linh.
 Theo tờ Người Cao Tuổi, mỗi mét vuông hiện có giá từ 10 đến 15 triệu đồng.

Về tài chính, ông Khánh có cổ phần tại bốn ngân hàng (Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Liên Việt), hai công ty (Xi-măng Công Thanh, Công ty Thiết bị Bưu điện), đồng thời sở hữu 425 triệu đồng trái phiếu và 7.1 tỷ tiền gửi tại Ngân hàng VIB.

Đáng chú ý là ông Khánh không giấu diếm khối tài sản khổng lồ này mà kê khai rạch ròi trong bản kê khai tài sản nhưng vẫn được đề bạt từ Vụ trưởng một vụ lên Phó Tổng thanh tra của nhà cầm quyền trung ương CSVN.

Gần đây, trả lời báo giới, ông Trần Đức Lượng – một Phó Tổng Thanh tra khác, cả quyết tài sản thực tế của ông Khánh và bản kê khai tài sản là “khớp”.
Ông Lượng bảo rằng, thu nhập của Thanh tra viên ngoài lương còn có nhiều khoản phụ cấp, kể cả tiền thưởng khi phát hiện sai phạm, thu hồi được tiền cho ngân sách nên cao hơn một số ngành khác.

Câu trả lời này gợi ra một thắc mắc khác là dẫu thu nhập cao hơn một số ngành khác nhưng không thể cao đến mức các lãnh đạo giới thanh tra có thể có khối tài sản khổng lồ như vậy (?).

 Ông Lượng giải thích rất thản nhiên, đại ý, sự giàu có bất thường của một số lãnh đạo giới thanh tra có thể đến từ “thu nhập của các thành viên trong gia đình”.

Theo ông Lượng, chồng/cha làm thanh tra nhưng vợ/con kinh doanh là điều bình thường.
 Thành ra “không nên gắn thu nhập cụ thể của một người cụ thể với khối tài sản mà người ta phải kê khai, bởi theo quy định của pháp luật, họ phải kê khai cả tài sản của mình lẫn của vợ và con chưa thành niên”.

Viên Phó Tổng thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, trường hợp thủ đắc khối tài sản khổng lồ của ông Ngô Văn Khánh, không có gì là “thiếu minh bạch”.

Những tuyên bố của ông Lượng đã khiến công chúng Việt Nam chưng hửng.
Sau những tuyên bố này, ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển cho rằng: Cần lập ngay một “Ủy ban Kiểm soát tài sản quan chức” độc lập thay vì để Thanh tra Chính phủ đảm nhiệm và “cải cách thể chế”. Không như thế, không thể xử lý tận gốc vấn nạn tham nhũng.

Trả lời BBC, ông Giao bảo rằng, Quốc hội nên lập ra “Ủy ban Kiểm soát tài sản quan chức” thay vì để chính phủ đảm nhận điều này như trước nay vì sẽ rất khó để những viên chức chính phủ “tự kiểm soát.”

“Ủy ban Kiểm soát tài sản quan chức” sẽ là cơ quan hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác để thu thập, xử lý thông tin, nhằm thực thi việc minh bạch hóa tài sản của các viên chức.

Ông Giao nói thêm là để chống tham nhũng tại Việt Nam cần phải có luật bảo vệ nhân chứng. Đó là cách để dân chúng lên tiếng tố cáo.

Ông Giao khuyến nghị, lãnh đạo Đảng CSVN nên sớm cải cách thể chế, để hệ thống tư pháp hoạt động độc lập và hệ thống  hành pháp được hệ thống lập pháp giám sát chặt chẽ. (G.Đ)

Switch mode views: