Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Số thuyền nhân đổ bộ lên nước Ý tăng vọt

départs migrants bateau

Các thuyền nhân cập bến nước Ý được chuyển đến trại tạm trú - Juliette Gheerbrant / RFI


Theo tin của một số tờ báo Ý, trong những ngày qua làn sóng thuyền nhân vượt biển Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp vào Ý đang có chiều hướng gia tăng mạnh, đến mức Roma đã phải kêu cứu châu Âu.

Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng tường trình.

Huê Đăng : Trong những ngày qua con số thuyền nhân từ Bắc Phi vượt biển Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp vào nước Ý đã gia tăng đáng kể.

 Theo lời của Bộ trưởng Nội vụ Ý, ông Angelino Alfano, thì chỉ riêng trong ngày 08/04 vừa qua đã có đến hơn một ngàn thuyền nhân đổ bộ lên các hòn đảo phía cực nam nước Ý, khoảng 1300 người khác đã được vớt lên các hải thuyền của lực lượng hải quân Ý.

 Tình hình khẩn trương đến độ sáng ngày 09/04 vừa qua Bộ trưởng Nội Vụ đã phải triệu tập khẩn cấp một cuộc họp ở Bộ Nội vụ với các cơ quan có trách nhiệm để đánh giá tình hình khẩn trương và bàn về những phương hướng giải quyết.

Bộ trưởng nội vụ Ý đã cho biết là sự gia tăng các làn sóng thuyền nhân đã khiến việc cứu hộ và giải quyết tạm thời những vấn đề khẩn cấp như y tế, an ninh, hậu cần đang trở nên cực kỳ khó khăn và chắc chắn quyết định hỗ trợ 80 triệu euro của Liên Hiệp Châu Âu để cứu trợ các thuyền nhân sẽ không đủ để đáp ứng với tình trạng khẩn trương hiện nay.

Trước tình hình này, mỗi ngày chính phủ Ý phải chi 300 ngàn euro, tức là 9 triệu euro mỗi tháng, chỉ để cứu hộ các thuyền nhân trên biển.

Và tính từ ngày 18/10/2013, tức là ngày bắt đầu chiến dịch “Mare Nostrum” của chính phủ Ý nhằm kiểm soát hải phận Ý và cứu hộ thuyền nhân, đến nay nhà nước Ý đã cứu khoảng 14500 thuyền nhân.

RFI : Vì sao mà có hiện tượng thuyền nhân vượt biển Địa Trung Hải để đổ bộ lên đất Ý ?
Và hiện nay con số thuyền nhân nhập cư bất hợp pháp lên các hòn đảo ở phía Nam nước Ý là khoảng bao nhiêu ?

Huê Đăng : Như ta đã biết là các hòn đảo cực nam của nước Ý là những điểm tiếp cận gần nhất của các đợt thuyền nhân từ Bắc Phi, vượt biển Địa Trung Hải để tìm cách nhập cư bất hợp pháp lên Châu Âu.
Do đó hằng năm, nhất là khi thời tiết khí hậu bắt đầu tốt, ví dụ như vào thời điểm từ mùa xuân cho đến cuối hè, thì các đợt thuyền nhân bắt đầu ồ ạt “gõ cửa” nước Ý.

Nhưng nước Ý một mình không có đủ khả năng đối phó vấn đề một cách thích nghi về mặt nhân đạo, cũng như về phương diện tổ chức hậu cần, và cũng không thể giải quyết hợp tình hợp lý toàn bộ các yêu cầu nhập cư của những làn sóng thuyền nhân này.

Chỉ nội trong năm 2013 nước Ý đã phải giải quyết đến hơn 27000 đơn xin tị nạn, tức là tăng hơn 60% so với con số đơn xin tị nạn của năm 2012 trước đó.
 Một bên là áp lực của vấn đề nhân đạo, bên kia là thực trạng bắt buộc phải đối phó theo tình trạng khẩn trương, với hệ lụy là không giải quyết được tất cả những yêu cầu nhân đạo.

Trong khi đó, trên vùng biển Địa Trung Hải thuộc hải phận Ý, hải quân Ý vẫn tiếp tục tham gia vào chiến dịch “Mare Nostrum” để cứu hộ mỗi ngày hàng ngàn thuyền nhân rời các vùng biển Bắc Phi để tiếp cận các hòn đảo cực nam nước Ý.

Vấn đề là theo nhận xét của Bộ trưởng Nội vụ Ý, hiện tượng thuyền nhân đổ bộ lên đất Ý trong thời gian tới sẽ gia tăng ... và chắc chắn là vấn đề thuyền nhân và nhập cư bất hợp pháp lên nước Ý sẽ là một trong những tiêu điểm tối quan trọng của nhiệm kỳ Chủ tịch Châu Âu mà Ý sẽ nắm trong 6 tháng sắp tới.

RFI : Anh giải thích như thế nào về hiện tượng thuyền nhân hiện nay ?

Huê Đăng : Thường thì những thuyền nhân là những người đến từ những vùng đất có chiến tranh chết chóc, như trường hợp đến từ Syria hiện nay, hay từ Libya trước đây, thậm chí có những trường hợp để trốn chạy nạn diệt chủng hay chiến tranh sắc tộc, hay để thoát ra khỏi những vùng đất nghèo đói, bệnh tật như các nước Phi Châu.

Thậm chí có nhiều trường hợp có những người từ vùng Trung Á như Pakistan, Afghanistan gian nan theo đường bộ đến tận các vùng Bắc Phi để hy vọng vượt biển Địa Trung Hải để đặt chân lên đến miền đất hứa Châu Âu.

Nói chung, vấn nạn thuyền nhân hiện nay ở Ý vẫn nằm trong hiện tượng di dân từ những vùng đất khó khăn đói kém, thậm chí có cả đe dọa sinh mạng vì chiến tranh sang đến những vùng đất bình yên phát triển với hy vọng cứu lấy chính sinh mạng cho mình và có thể cứu được những người thân.

RFI : Như thế thì cần phải làm gì để có thể giải quyết vấn đề này ?

Huê Đăng : Theo nhận xét của Bộ trưởng Nội vụ Angelo Alfano thì “nước Ý có khả năng cứu vớt các thuyền nhân ... nhưng Châu Âu cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước hiện tượng khẩn trương nói trên”.
Về phương diện này, phía Chủ tịch Hạ viện Ý, bà Laura Boldrini, cũng nhận xét là “không phải chỉ cứ đóng cửa biên giới là người ta có thể giải quyết được các làn sóng di dân.
 Để giải quyết vấn đề cần phải đối phó với những nguyên nhân sâu xa đã tạo ra những làn sóng di dân hiện nay”.

Nói chung là không thể một quốc gia đơn độc như nước Ý có thể giải quyết được vấn đề nhập cư bất hợp lệ lên Châu Âu.
Cần phải có một chiến lược chung của cả Châu Âu để đối phó với vấn đề, và trước mắt là các tổ chức châu Âu cũng nên hợp tác hơn nữa với chính phủ Ý để giải quyết cấp bách vấn đề cứu hộ các thuyền nhân.

Về phía Tòa thánh Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nhiều lần lưu ý đến vấn đề thuyền nhân và những yêu cầu nhân đạo của sự việc.
Cũng chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định chuyến “công du” đầu tiên của ông trong cương vị Giáo chủ của Giáo hội La Mã là đi đến hòn đảo Lampedusa nổi tiếng ở Ý với những làn sóng thuyền nhân ồ ạt mỗi ngày đổ bộ lên đảo.

Cũng chính sự “quá tải” thuyền nhân đổ bộ lên đất Ý nên trong quá khứ cũng đã xẩy ra những hiện tượng tiêu cực như những trại tạm cư trở thành như những trại giam, trong đó thậm chí có nhiều trường hợp những người nhập cư bất hợp pháp bị đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo, có khi tổn hại đến danh dự con người, như hồi tháng 12 năm ngoái đã xẩy ra trường hợp phun thuốc trừ ghẻ ngay nơi lộ thiên, trong khi những người bị tam giam bị bắt phải trần truồng như nhộng, đứng trước những vòi phun thuốc lạnh ngắt giữa mùa đông giá rét.



Switch mode views: