Nga : Bài học truy bức phóng viên Golounov
- Thứ Năm, 11 tháng Bảy năm 2019 20:35
- Tác Giả: Tú Anh
Law enforcement officers detain a participant of a rally in support of Russian investigative journalist Ivan Golunov, who was detained by police, accused of drug offences and later freed from house arrest, in Moscow, Russia June 12, 2019.REUTERS/Shamil Zhumatov
Trong vòng không đầy một tuần, hai nhà báo Nga chuyên điều tra về các vụ bê bối trong chính quyền được tư pháp tha bổng thay vì phải lãnh bản án nặng nề.
Phóng viên độc lập Ivan Golounov, bị cáo buộc buôn ma túy được thả ngày 12/06/2019, hai thiếu tướng cảnh sát bị tổng thống Putin cách chức.
Bốn ngày sau đến lượt Igor Roudnykov, tổng biên tập báo Novye Kolesia (Bánh xe mới) ở Kaliningrad được tự do sau 20 tháng tạm giam.
Hai sự kiện này mang ý nghĩa gì tại quốc gia đứng hàng 148 trên 180 trong bảng xếp hạng về tự do báo chí ?
Nhà báo Johann Bihr, đặc trách địa bàn Á-Âu của Reporters sans Frontières phân tích :
Phép lạ hay phản ứng nhanh của các bên ?
Một sự kiện chưa từng thấy vừa xảy ra tại nước Nga của tổng thống Vladimir Putin.
Cuộc biểu tình phản kháng của giới phóng viên và trí thức Nga bước sang ngày thứ tư thì chính quyền lùi bước.
Trước áp lực của thành phần được xem là ưu tú trong chế độ, tòa án Matxcơva phải thả phóng viên Ivan Golouvov, bị cảnh sát bắt bốn ngày trước đó, với cáo buộc tàng trữ ma túy.
Hôm sau, tổng thống Putin cách chức một loạt quan chức bộ Nội Vụ, trong đó có hai thiếu tướng.
Bốn ngày sau, từ nhà giam ở Kaliningrad, nhà báo Igor Roudnykov, đối mặt với bản án 20 năm tù với cáo buộc «làm tiền» giới quan chức tham ô, được tha bổng sau 20 tháng tạm giam.
Phải chăng đây là tín hiệu Nga chuyển hướng ?
Được RFI đặt câu hỏi, nhà báo Pháp Johann Bihr, đặc trách địa bàn Á-Âu của Reporters sans Frontières thận trọng :
Theo thống kê, gần như không có chuyện tha bổng ở nước Nga.
Vì thế, nhà báo Igor Roudnykov được trắng án là sự kiện đáng kinh ngạc, là tin vui tuyệt vời tiếp theo một tin vui khác trước đó mấy ngày, phóng viên điều tra Ivan Golounov được tự do.
Tuy nhiên, Igor Roudnykov bị vu khống, bị tạm giam đến 20 tháng thế mà những kẻ bức hại ông không bị trừng phạt, cho nên không thể nói là công lý đã hoàn toàn chiến thắng
Còn theo Le Monde, trong trường hợp nhà báo Ivan Golounov, áp lực xã hội công dân quá mạnh.
Khi phóng viên điều tra 36 tuổi của Meduza, mà tòa soạn dời sang Riga để tránh kiểm duyệt, bị bắt ngày 07/06 thì tất cả các tòa soạn truyền thông Nga, đại đa số là thân chính quyền, kết hợp tranh đấu cùng với công luận qua các mạng xã hội.
Trong vòng hai ngày, kiến nghị ủng hộ nhà báo Ivan Golounov thu được 200.000 chữ ký làm cho phát ngôn viên điện Kremlin phải nhìn nhận « có nhiều vấn đề phải làm sáng tỏ ».
Để lách luật cấm tụ tập đông người, những người phản kháng đứng cách nhau 50 mét, với biểu ngữ cầm tay « Chúng tôi là Ivan Golounov » như khẩu hiệu « Chúng tôi là Charlie » sau vụ khủng bố Hồi giáo tấn công tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris.
« Xét xử công bình », cảnh sát nhìn nhận ngụy tạo tang chứng
Phiên xử ngày 12/06 diễn ra dưới áp lực đường phố. Điều không ngờ là theo chính nhận xét của bị cáo, tòa án tỏ ra rất « nghiêm minh, công bình ».
Cảnh sát điều tra phải nhìn nhận là ngụy tạo chứng cớ. Hình chụp tang vật là các gói ma túy trong ba lô và trong nhà của Ivan Golounov là do dàn dựng.
Truyền thông Nga, kể cả đài Russia Today tuyên truyền cho chế độ, đều cực lực bảo vệ một đồng nghiệp chuyên đụng vào các vấn đề xã hội : không chống Putin, không đấu tranh chính trị, không đòi thay đổi chế độ nhưng « làm báo » với hoài bão dứt khoát làm cho nước Nga đổi mới.
Nhà báo Johann Bihr của Phóng Viên Không Biên Giới giải thích vì sao truyền thông Nga không thể im lặng được nữa :
Đây là một cuộc huy động lịch sử.
Vụ hai nhà báo độc lập được thả chứng tỏ người dân có thể giành được chiến thắng ở nước Nga, ít ra là thắng các trận đánh cho dù còn phải nhiều khó khăn hơn nữa mới có thể gọi là thắng được chiến tranh.
Trong cuộc tranh đấu này, phải sáng suốt nhìn nhận rằng phóng viên Ivan Golounov bị truy bức một cách khác thường cho nên chuyện ông được thả không phải là điều tiến bộ mà chỉ trở lại nguyên trạng.
Nói cách khác, tại Nga, truyền thông độc lập còn hiện hữu ở thủ đô Matxcơva và nhìn chung là mục tiêu của chính sách đàn áp tinh vi, kín đáo có nghĩa là không thô bạo như ở các địa phương.
Những phóng viên độc lập như Ivan Golounov tác nghiệp một cách can đảm nhưng nhìn chung, họ chịu áp lực qua hình thức « nhắc nhở đường hướng bình luận » hay bị « sai thải » nếu họ hoạt động tại thủ đô.
Điện Kremlin dung thứ báo chí độc lập miễn là các tờ báo này giữ vị thế khiêm tốn trong một góc xó, không có ảnh hưởng nhiều đến công luận.
Tại Nga, những cơ quan truyền thông đại chúng như truyền hình đều nhận lệnh của chính quyền và bị kiểm soát chặt chẽ.
Do vậy, các tờ báo độc lập tương đối có tự do làm gì thì làm, nhưng khi đụng đến các đề tài thu hút mạnh công luận thì lúc đó sẽ bị trừng phạt thô bạo.
Ivan Golounov bị « xử lý » một cách bình thường như mọi công dân Nga khác ở các tỉnh xa xôi, ngoài Matxcơva.
Hiện nay, có 6 nhà báo địa phương bị ngồi tù với bản án dàn dựng từ đầu đến cuối : buôn lậu ma túy.
Mới tuần vừa qua thôi, một phóng viên ở Daguestan bị cáo buộc làm kinh tài cho khủng bố theo lời khai của một nhân chứng. Nhân chứng này ra tòa với bộ mặt sưng húp chứng tỏ là bị tra tấn ép cung.
Loại kịch bản này chỉ được sử dụng ở các địa phương xa xôi, nhưng không xảy ra ở Matxcơva.
Do vậy, khi Ivan Golounov bị bắt ở Matxcơva, giới phóng viên Nga ai nấy đều lo âu không biết lúc nào chuyện tương tự sẽ xảy đến cho mình.
Không riêng gì các nhà báo độc lập hay đối lập, mọi thành phần trong xã hội từ nhà báo thân chính phủ cho đến thượng lưu trí thức, không ai muốn làm việc trong điều kiện bất an.
Trong nhà tù Nga hiện nay ngoài Matxcơva, trong tổng số 550.000 tù nhân có 140.000 phạm tội liên quan đến ma túy, tức 27%.
Đây là nơi mà các chiến dịch nhân quyền không lan tới. Nạn nhân có thể ngồi tù từ 5 đến 10 với bản án oan sai, vì một tội mà họ không bao giờ vi phạm.
Golounov là Putin cộng với Tập
Với một góc nhìn châm chích, báo mạng Novyé Izvetia : « những kẻ ra lệnh bắt Ivan Golounov không ngờ uy tín của phóng viên 36 tuổi này lại vượt tầm Putin và Tập Cận Bình cộng lại ».
Ngày 07 tháng 06/2019, tại cố đô, tổng thống Nga Vladimir Putin khai mạc Diễn Đàn Kinh Tế Saint Petersburg.
Phóng viên bị bắt đúng vào lúc tổng thống Nga chào đón chủ tịch Trung Quốc và gần 1000 khách mời quốc tế tại cố đô Saint Petersburg.
Nhà báo Nga của RFI Anya Stroganova cho biết là hiện nay bộ máy cảnh sát, an ninh, mật vụ kiểm soát hầu hết các lãnh vực trong nước gây lo âu cho giới thân cận điện Kremlin.
Tình trạng này được đề cập đến tại Diễn Đàn Kinh Tế Saint Petersburg.
Trong vụ truy bức Ivan Golounov, liệu kẻ chủ mưu đã qua mặt hay che mắt tổng thống Nga ?
Johann Bihr chia sẻ nhận xét của giới quan sát tại Nga :
Đúng như vậy. Đã thế, chuyện tai tiếng xảy ra không đúng lúc bởi vì tin Ivan Golounov bị bắt rơi đúng vào lúc khai mạc Diễn Đàn Kinh Tế Saint Petesburg tức là ngay vào lúc chính quyền Nga cố gắng đánh bóng uy tín để thu hút đầu tư quốc tế, để tạo hình ảnh một đại cường tân tiến, hiện đại hấp dẫn.
Vì thế, điện Kremlin rất bối rối và cần phải chứng tỏ chế độ không liên can gì với vụ truy bức nhà báo.
Do vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy giới truyền thông Nhà nước tham gia đông đảo vào các cuộc biểu tình bênh vực phóng viên đồng nghiệp Ivan Golounov.
Theo bản xếp hạng của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, nước Nga năm 2018 rơi một hạng, từ 147 xuống 148, trên tổng số 180 quốc gia.
Cuộc biểu tình ngày 12/06, vài giờ sau khi Ivan Golounov được thả, cảnh sát bắt đi 400 người. Điều này chứng tỏ Putin chỉ lùi bước vì lý do chiến thuật chứ không có ý định cởi trói chế độ.
Như giải thích của Andrei Kolesnikov, nhà phân tích của trung tâm Carnegie tại Matxcơva : Nếu Ivan Golounov không được thả, làn sóng liên đới sẽ mạnh hơn, phong trào biểu tình la rộng hơn làm Nhà nước mất uy tín.
Nhà báo Pháp Johann Bihr :
Chính xác 100%. Tự do báo chí tại Nga không ngừng thụt lùi từ hàng chục năm qua, từ khi Vladimir Putin trở lại chính quyền vào năm 2012 qua một cuộc bầu cử nhiều tai tiếng.
Hình ảnh không quên là những cuộc biểu tình khổng lồ chống bầu cử gian lận vào thời đó và những câu chuyện tiếu lâm chế diễu hai ông Putin và Medvedev đổi ghế cho nhau.
Phong trào phản kháng mạnh mẽ đó làm cho chính quyền lo ngại và quyết định kiểm soát công luận.
Trước 2012, trong xã hội còn có những tiếng nói phê phán chế độ nhưng khi Putin trở lại ghế tổng thống thì hàng loạt đạo luật phản tự do được ban hành : báo chí, truyền hình, mạng xã hội bị siết lại.
Vào năm 2011, mạng internet ở Nga hoàn toàn tự do. Ngày nay hàng chục người sử dụng đã bị tống giam vì phổ biến quan điểm hay chuyển tải thông tin bị xem là nhạy cảm.
Nước Nga của Putin ngày nay chuyển hướng đi theo mô hình của Trung Quốc, kiểm duyệt mạng xã hội và có kế hoạch lập mạng internet riêng của Nga.
Vụ Ivan Golouvov còn cho thấy một thực tế khác ở Nga đáng ngạc nhiên.
Cho dù bị kiểm soát, trấn áp nhưng báo chí và phóng viên độc lập thực hiện được những cuộc điều tra thú vị.
Nhờ họ mà công luận Nga và thế giới biết được những vụ gây tai tiếng quốc tế mà nước Nga có nhúng tay : từ vụ can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, chuyện đầu độc cựu điệp viên Serguei Skripal ở ngoại ô Luân Đôn, chuyện Nga can thiệp vào Ukaina cho đến gửi lính đánh thuê sang Syria… tất cả đều do báo chí và phóng viên độc lập phát hiện và công bố đầu tiên.
Nhưng một khi công luận quan tâm đến thì các cơ quan truyền thông độc lập bị cảnh cáo, bị gây nhiêu khê thủ tục hành chánh buộc phải di tản ra nước ngoài .
Con đường tranh đấu còn dài
Cho đến nay, chính quyền Putin luôn lùi bước trước các vấn đề xã hội như phản kháng tăng tuổi về hưu, biến Arkhangelsk cách Matxcơva 1200 cây số thành bãi rác của thủ đô.
Trường hợp Ivan Golouvov là một bài học mới cho phép Oleg Orlov, giám đốc tổ chức thiện nguyện Memorial rút ra kết luận : điều tra quan chức tham ô không phải là một vụ việc chính trị nhưng có thể tác động đến chính trị.
Hệ quả đó là điều mà chủ nhân điện Kremlin không muốn xảy ra nên phải nhượng bộ công luận.
Ivan Golounov và Vladimir Putin cùng thắng nhưng với Putin, đường đi đến tự do báo chí tại Nga vẫn còn xa.
Related news items:
Tin mới
- Facebook bị 5 tỷ đô la tiền phạt vì thiếu bảo vệ dữ liệu khách hàng - 13/07/2019 15:52
- Biển Đông: Cảnh sát biển Việt Nam đối đầu Trung Quốc ở Trường Sa - 13/07/2019 15:16
- Mỹ thúc đẩy kế hoạch dùng Hải Quân hộ tống tàu buôn ở vùng Vịnh - 12/07/2019 22:02
- Là cường quốc Hải Quân, liệu Mỹ còn có thể làm chủ đại dương ? - 12/07/2019 21:46
- Biển Đông : Mỹ tố cáo yêu sách chủ quyền "phi pháp" của Trung Quốc - 12/07/2019 21:19
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-7-2019 - 12/07/2019 20:51
- Phóng phi thuyền phải đuổi tà - 12/07/2019 20:29
- Hàn Quốc cầu viện Mỹ trong tranh chấp thương mại với Nhật - 11/07/2019 22:03
- Pháp bị cáo buộc "bắt cá hai tay" tại Libya - 11/07/2019 21:34
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-7-2019 - 11/07/2019 21:03
Các tin khác
- Anh lên án Iran dùng tàu chiến cản trở lưu thông ở eo biển Ormuz - 11/07/2019 20:14
- Thương chiến Mỹ-Trung : Đàm phán mở lại qua điện thoại - 11/07/2019 02:04
- Hàn Quốc lo ngại tranh chấp xuất khẩu kéo dài với Nhật Bản - 11/07/2019 01:36
- Đến lượt vợ cựu chủ tịch Interpol bị Trung Quốc âm mưu bắt cóc ? - 11/07/2019 01:15
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-7-2019 - 11/07/2019 00:44
- Lãnh đạo Hồng Kông "khai tử” luật dẫn độ, đối lập chưa hài lòng - 10/07/2019 02:32
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-7-2019 - 09/07/2019 22:51
- Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan : một công đôi ba việc - 09/07/2019 18:50
- Bắc Kinh hung hãn, Mỹ ít đáng tin: Chuyên gia Úc muốn phát triển vũ khí hạt nhân - 09/07/2019 17:43
- Dầu hỏa, "con tin" của Mỹ và Iran - 09/07/2019 16:37