Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dầu hỏa, "con tin" của Mỹ và Iran

iran usa spokesman


Tàu dầu đi qua eo biển Ormuz. Ảnh chụp ngày 21/12/2018REUTERS/Hamad I Mohammed/File Photo


Iran và Mỹ đang tính toán những gì với lá bài dầu hỏa ?

Teheran thị uy tại eo biển Ormuz nhằm kích giá dầu lên cao trong lúc Hoa Kỳ đã trở thành nguồn sản xuất dầu số 1 của thế giới, nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu đóng băng vì xung đột thương mại Mỹ- Trung.

 

Washington và Teheran cùng đang đặt ra một bài toán nan giải cho Ả Rập Xê Út, cột trụ trong tổ chức OPEC bao gồm 14 quốc gia xuất khẩu dầu hỏa.

Sau hai đợt sáu tàu dầu bị tấn công gần eo biển Ormuz trên biển Oman trong vòng một tháng, thị trường dầu hỏa thế giới trong trạng thái bất an, không biết khi nào nổ ra chiến tranh trong vùng Vịnh.

Ngày 20/06/2019, chiến tranh suýt nổ ra. Tổng thống Donald Trump đã dừng tay vào phút chót sau khi ra lệnh cho quân đội Mỹ tấn công vào một số mục tiêu của Iran. Đây là bước kế tiếp sau một loạt sự cố trong vùng Vịnh Ba Tư.

Ngày 12/05/2019 bốn tàu chở dầu bị phá hoại ngoài khơi cảng Fujairah thuộc Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Hai trong số này thuộc Ả Rập Xê Út. Lập tức Riyad và Abu Dhabi và cả Washington tố cáo Teheran là thủ phạm.

Chính quyền của tổng thống Rohani mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc nói trên.
Hoa Kỳ tham khảo ý kiến các đối tác châu Âu và đồng minh trong vùng Vịnh.
 Nhà Trắng đưa quân và trang thiết bị quân sự đến khu vực nhậy cảm này.

Một tháng sau, thêm hai chiếc tàu chở dầu lại bị phá hoại cũng trong vùng biển Oman, cách không xa eo biển Ormuz.
Một trong hai chiếc tàu bị tấn công là của Nhật Bản và sự cố xảy ra đúng vào thời điểm thủ tướng Shinzo Abe đang có mặt tại Teheran với hy vọng làm trung gian để Mỹ và Iran nối lại đối thoại về hạt nhân.

Chỉ vài giờ sau, Hoa Kỳ đưa ra những bằng chức cáo buộc Iran gây hấn.

Một tuần lễ sau, chính quyền Teheran thông báo bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ thâm nhập không phận Iran.
Đầu tiên hết, phía Mỹ và Iran đưa ra những thông tin trái ngược nhau về vật thể bay bị bắn hạ, sau đó, đôi bên bất đồng về vị trí của chiếc máy bay không người lái bị bắn rơi.

Tổng thống Hoa Kỳ chuẩn bị ra lệnh cho quân đội can thiệp để trả đũa Iran, nhưng cuối cùng đã dừng tay. Nhiều hãng hàng không dân sự quốc tế thông báo tránh bay qua khu vực eo biển Ormuz.
Trả lời đài RFI Pháp ngữ, Francis Perrin Giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) giải thích thêm về vị trí chiến lược của eo biển Ormuz :

Francis Perrin :
Ở giai đoạn 1, đôi bên lời qua tiếng lại. Teheran dọa phong tỏa eo biển Ormuz để gây áp lực chống lại lệnh cấm vận dầu hỏa của Mỹ.
 Eo biển Ormuz là cửa ngõ đưa dầu của tất cả các nước trong vùng Vịnh ra thế giới bên ngoài.
Thế rồi trong những ngày gần đây tình hình nóng lên thêm, sau các đợt tàu dầu bị tấn công, máy bay không người lái của Mỹ bị Iran bắn hạ, một đường ống dẫn dầu của Ả Rập Xê Út bị phá hoại ...

Trong tất cả các sự cố này, thiệt hại vật chất không quá nghiêm trọng nhưng chúng cho thấy tình hình đang rất căng trong vùng Vịnh Ba Tư.
 Trung Đông là một tuyến huyết mạch của các hoạt động giao thương đối với dầu hỏa và khí đốt.
 Theo thẩm định của tập đoàn dầu khí Anh BP, đây là nơi có 48% trữ lượng dầu hỏa và 41 % khí đốt của thế giới.

Hơn nữa Trung Đông cũng là nơi hội tụ rất nhiều mối căng thẳng, giữa Mỹ với Iran, giữa Iran với Ả Rập Xê Út, giữa Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất với Iran, đó là chưa kể Israel là kẻ thù không đội trời chung của Iran nhưng lần này, Israel đứng ngoài cuộc.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 30 tàu chở dầu và khí đốt rời Vịnh Ba Tư qua ngả eo biển Ormuz.
Phần lớn trong số này là để cung cấp cho Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, nhưng trong số những khách hàng mua dầu của Trung Đông có cả châu Âu và Mỹ.

Nếu vì bất kỳ một lý do nào, Iran phong tỏa eo biển Ormuz, khả năng còn lại duy nhất để đưa dầu hỏa của Trung Đông ra thế giới bên ngoài là đường ống dẫn dầu của Ả Rập Xê Út nối thẳng với Hồng Hải.
Nhưng công suất chỉ từ 6 đến 7 triệu thùng dầu một ngày thay vì gần 18 triệu thùng như tuyến đường vận chuyển qua eo biển Ormuz.

Về chiến lược, Hoa Kỳ hiện có tất cả 7 căn cứ quân sự trong Vịnh Ba Tư, đặt tại Koweit, Qatar, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Bahrein.
Ở bờ đông vịnh này, Iran đặt không dưới một chục căn cứ không quân, hải quân và các trạm có trang bị tên lửa địa đối không.
Dù vậy cả phía Teheran lẫn Washington cùng khẳng định không muốn phải sử dụng đến sức mạnh quân sự.

 

Chuyên gia Pháp, Francis Perrin, không loại trừ khả năng tình hình xấu đi và khi đó giá dầu thô trên thế giới sẽ tăng vọt, đe dọa trực tiếp đến tăng trưởng toàn cầu.

Francis Perrin :

Mục đích của Mỹ và Iran là cùng tránh để nổ ra chiến tranh.
Tuy nhiên với những căng thẳng và áp lực dồn dập, một sự cố vượt ngoài tầm kiểm soát hoàn toàn có thể xảy ra.

Trước mắt, hậu quả đối với giá dầu còn được kềm chế. Giá dầu tăng thêm được một vài đô la một vài ngày sau vụ tàu dầu bị tấn công.
Không có chuyện giá dầu "bốc cháy", nhưng thị trường dầu hỏa thế giới trong trạng thái bất ổn và chờ đợi.

Dù vậy, đây là một trò chơi nguy hiểm. Các bên đang đùa với lửa tại mộ khu vực hàm chứa rất là nhiều dầu khí và cộng thêm vào đó là những căng thẳng về chính trị rất lớn.
Đây cũng là nơi đang diễn ra hai cuộc chiến Syria và Yemen. Các đối thủ trong khu vực đều đằng đằng sát khí.
Đôi khi chiến tranh bùng nổ không vì cố ý mà do vô tình. Có lẽ kịch bản đó không quá xa vời.

Không có hiện tượng giá dầu "bốc cháy", nhưng sau loạt sự cố hôm 13/06/2019 giá chuyên chở dầu đã tăng 20 % và phần lớn do các hãng chở dầu phải đóng thêm tiền bảo hiểm.

Câu hỏi kế tiếp là tại sao cho đến thời điểm này giá dầu trên thế giới vẫn dưới ngưỡng 70 đô la một thùng ?
Hai yếu tố cho phép trả lời câu hỏi trên : thứ nhất là nhờ công nghệ khai thác dầu đá phiến, Mỹ đã qua mặt luôn cả Ả Rập Xê Út trở thành nguồn sản xuất số 1 thế giới.

Theo số liệu chính thức của cơ quan năng lượng Mỹ, tháng 04/2019, mỗi ngày các nhà sản xuất ở Hoa Kỳ có khả năng cung cấp 12 triệu thùng dầu.
Mức tiêu thụ của toàn thế giới là 100 triệu thùng một ngày. Thêm vào đó, ở Nhà Trắng, Donald Trump chủ trương giữ giá dầu ở mức phải chăng, tránh đe dọa đến tăng trưởng của Mỹ.

Yếu tố thứ nhì là căng thẳng trong Vịnh Ba Tư bùng lên đúng vào lúc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung Quốc lại trở nên căng thẳng, đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh bị đóng băng, khiến thế giới lo ngại tăng trưởng toàn cầu bị chựng lại.

Mức cầu về dầu hỏa qua đó sụt giảm. Thế giới dường như bận tâm vì cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc trên các mặt trận thương mại, công nghệ và chiến lược nhiều hơn là vì mối đe dọa khủng hoảng dầu hỏa xuất phát từ vùng Vịnh.

Và như vậy giá dầu vẫn dao động từ 60 đến 65 đô la một thùng bất chấp căng thẳng ở eo biển Ormuz, những đòn hù dọa cả từ phía Iran lẫn Hoa Kỳ, và kể cả việc một nguồn cung cấp vàng đen khác cho thế giới là Venezuela đã bị việt vị.
Chính trong bối cảnh này mà ngày 01/07/2019 khối các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEC do Ả Rập Xê Út dẫn đầu đã xích lại gần với Nga.

Các bên đồng ý giảm bớt khả năng xuất khẩu để đẩy giá dầu thô lên cao.
Iran là một trong số 14 thành viên khối OPEC không mấy hài lòng về thỏa thuận giữa Riyad với Matxcơva.

 

Trong lúc mà Teheran khuấy động tình hình để đẩy giá dầu lên cao như phân tích của giám đốc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, Francis Perrin.

Francis Perrin :
Iran cố tình gây hoảng loạn trên thị trường dầu hỏa nhưng hiện tại không thành công.
Chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, Teheran ngày càng xuất khẩu ít dầu nên cần đẩy giá dầu lên cao.

Để so sánh, vào mùa xuân 2018 Iran xuất khẩu môi ngày 2,5 triệu thùng dầu, giờ đây lượng dầu của Iran được bán ra trên thế giới chỉ còn một triệu thùng một ngày.
Tăng trưởng của Iran liên tục giảm sụt trong hai năm 2018 và 2019, đồng tiền quốc gia mất giá hơn 50 % và lạm phát tăng cao.
Trong lúc Mỹ ngày càng siết chặt gọng kềm cấm vận, Teheran muốn đẩy giá dầu lên cao nhưng chưa thành công.

Chính quyền Trump một mặt muốn hỗ trợ các nhà sản xuất dầu hỏa quốc gia bằng cách đẩy giá dầu lên cao, nhưng lại muốn tránh gây nên một cuộc "khủng hoảng dầu lửa", bất lợi cho túi tiền của người Mỹ, cho guồng máy sản xuất của Hoa Kỳ.
 Chính trên điểm này, mà Washington đã đẩy Ả Rập Xê Út, thành viên quan trọng nhất của khối OPEPC, vào vòng tay của nước Nga.

Còn quá sớm để cho rằng Washington đang đảo lộn trật tự trên bàn cờ dầu hỏa và năng lượng thế giới, nhưng ngần ấy những yếu tố cũng đủ để các chuyên gia phân tích về thị trường dầu lửa thế giới đau đầu !

Switch mode views: