Chính sách quốc phòng « Ba Không » của Việt Nam tạo dễ dàng cho việc nói « Có »
- Thứ Bảy, 26 tháng Giêng năm 2019 01:10
- Tác Giả: RFI
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) gặp chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại Phủ chủ tịch, Hà Nội, 12/11/2017.
REUTERS/Kham
Trong đối ngoại Việt Nam nổi tiếng với chủ trương « Ba Không ».
Nhưng theo quan điểm của hai chuyên gia Derek Grossman và Dung Huynh trên trang mạng The Diplomat ngày 19/01/2019, chủ trương này được Hà Nội linh hoạt diễn giải tùy theo từng tình huống. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.
Căng thẳng Mỹ-Trung về quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông gia tăng tạo ra sức ép ngày càng lớn đối với các quốc gia khác, đặc biệt là với các nước ở Đông Nam Á, trong việc lựa chọn nên theo bên nào.
Là một quốc gia biển có vai trò chủ chốt trong việc chống lại các đòi hỏi bành trướng chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực, trong vài năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện chính sách cân bằng tế nhị.
Chủ trương « Ba Không » là gì ? Có từ bao giờ ?
Một mặt, Hà Nội đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh về những biện pháp xây dựng lòng tin nhằm ngăn ngừa Trung Quốc thống trị toàn bộ Biển Đông.
Mặt khác, Việt Nam mạnh mẽ chống lại Bắc Kinh qua việc thúc đẩy các mối quan hệ quốc phòng với những cường quốc lớn can dự vào việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp luật.
Tuy nhiên, về điểm thứ hai này, điều mà người ta thường nghe thấy là chẳng có ai lấy làm thích thú về việc Việt Nam duy trì cân bằng do các thách thức gắn liền với chủ trương « Ba Không » trong chính sách quốc phòng của nước này – đó là không tham gia các liên minh quân sự, không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác và không có các căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Chính sách « Ba Không » lần đầu tiên xuất hiện trong sách trắng về quốc phòng của Việt Nam năm 1998 và sau đó, tái xuất hiện trong sách trắng năm 2004 và gần đây nhất là năm 2009.
Chính sách này cũng được nêu ra trong Luật Quốc Phòng mới của Việt Nam, được thông qua và có hiệu lực từ 01/01/2019.
Chính sách « Ba Không » rất có thể lại xuất hiện trong sách trắng về quốc phòng sắp tới, một khi tài liệu này được công bố.
Thế nhưng, chính sách này gây khó khăn cho mục tiêu của chính quyền Trump, trong Chiến lược An Ninh Quốc gia, là thúc đẩy quan hệ với Việt Nam để chống lại các hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông và rộng hơn là ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Việc phát triển quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam trong vài năm gần đây – và rất được chú ý hồi tháng Ba năm vừa qua với việc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam kể từ sau chiến tranh Việt Nam – dường như bị khựng lại hồi mùa thu vừa qua khi Hà Nội đột ngột hủy bỏ 15 nội dung hợp tác quốc phòng trong năm 2019.
Quyết định của Hà Nội phần lớn là do bất bình về Đạo luật chống các kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act - CAATSA), nhưng phần nào cũng do những quan ngại ngày càng gia tăng trước nguy cơ không thực hiện nguyên tắc « không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác » (trong trường hợp này là đi theo Mỹ chống lại Trung Quốc).
Việt Nam áp dụng chủ trương « Ba Không » như thế nào ?
Quả thực là điều này luôn luôn gây ra những khó khăn, nhưng nhìn chung, Washington có thể yên tâm là với vỏ bọc bên ngoài như vậy, chính sách « Ba Không » trên thực tế giúp mở rộng khả năng hành động – tức là « Có » - trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng.
Về nguyên tắc thứ nhất, « không tham gia các liên minh quân sự », Việt Nam chủ yếu tạo ra một kẽ hở ngay bên trong nguyên tắc này.
Mục đích cuối cùng của Hà Nội là tránh công khai nói đến các quan hệ quân sự như là một sự thỏa thuận theo đó Việt Nam có thể hỗ trợ một quốc gia khác nếu họ bị tấn công và ngược lại.
Chừng nào việc nói đến các trao đổi hợp tác quân sự vẫn chỉ là chung chung thì Việt Nam dường như càng sẵn sàng mở rộng hơn sự hợp tác.
Ở một mức độ hợp tác nào đó về quân sự và quốc phòng, Hà Nội dùng các thuật ngữ khuôn mẫu sẵn có mà không giải thích hoặc định nghĩa.
Đó là các cụm từ quan hệ đối tác « chiến lược toàn diện », « chiến lược » và « toàn diện ».
Mức cao nhất là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Việt Nam ký ba hiệp định loại này với các đối tác là Nga (2001), Ấn Độ (2007) và Trung Quốc (2008).
Đáng chú ý là Trung Quốc có thêm quy chế « đối tác đặc biệt », và điều này là đương nhiên, trong « hợp tác chiến lược toàn diện » giữa hai nước.
Việt Nam cố gắng duy trì thế cân bằng để chống lại Bắc Kinh tại Biển Đông. Do vậy, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc được điều chỉnh để tập trung phát triển các khía cạnh khác trong quan hệ song phương – chủ yếu là kinh tế vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Điều thú vị là Nhật Bản có quan hệ đối tác « chiến lược sâu rộng » (2014), điều đó có nghĩa là quan hệ này vượt qua mức chiến lược, nhưng chưa đạt tới mức chiến lược toàn diện.
Trong lúc đó, vào năm 2018, Úc được nâng lên thành đối tác chiến lược, mức cao nhất trong hợp tác quốc phòng.
Còn Hoa Kỳ thì ở mức thấp hơn, chỉ là đối tác toàn diện (2013). Đã có các cuộc thảo luận nghiêm túc, chính thức về việc nâng quy chế Hoa Kỳ lên thành đối tác chiến lược.
Tuy nhiên, mọi cụm từ này đều bao hàm trao đổi hợp tác về quân sự mà không có dấu vết của biểu hiệu « liên minh ».
Nguyên tắc « Không » thứ hai, tức là không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác, rất khó để luồn lách và là yếu tố chính giải thích sự ngập ngừng, miễn cưỡng của Việt Nam hợp tác quốc phòng toàn diện với Washington.
Tuy vậy, cũng giống như chủ trương « không tham gia các liên minh quân sự », bản thân Hà Nội đã « bẻ cong » đáng kể nguyên tắc này.
Ví dụ, hồi tháng 05/2018, Việt Nam đã đón tiếp Ấn Độ tham gia một cuộc tập trận chung hải quân chưa từng có tiền lệ, ở Biển Đông.
Thật là khó mà nói rằng cuộc tập trận này nhằm răn đe một nước nào đó, ngoài Trung Quốc.
Lập luận này cũng có thể đúng, liên quan đến chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ.
Trong cả hai trường hợp, khả năng tái diễn tương đối hiếm. Tuy vậy, các sự kiện này có thể xẩy ra nhiều hơn nếu như Trung Quốc gia tăng thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Việc chấp nhận nguyên tắc « không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác » trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hợp tác khu vực giúp cho Việt Nam có vị thế phù hợp với cơ chế Đối Thoại An Ninh Bốn Bên – thường được gọi là Bộ Tứ.
Đó là đối thoại về chính sách ngoại giao và quốc phòng giữa các nước cùng hệ tư tưởng dân chủ – Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ – tìm cách giữ cho vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương được tự do và mở cửa, chống lại sự cưỡng bức của Trung Quốc.
Việt Nam có thể là đối tác đối thoại lý tưởng của Bộ Tứ, do quy mô tranh chấp của Việt Nam với Trung Quốc cũng như việc nước này thể hiện mong muốn có một sự cân bằng để chống lại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, chính sách « không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác » dường như gạt bỏ khả năng Việt Nam tham gia Bộ Tứ, vả lại Việt Nam cũng không muốn.
Một nghiên cứu gần đây về nhận thức của Bộ Tứ về Đông Nam Á kết luận rằng nhìn chung, Việt Nam (cùng với Philippines) đánh giá tốt về cơ chế tham vấn này.
Tuy nhiên, Việt Nam không thể chính thức tham gia cơ chế do chính sách « Ba Không », nhưng có rất nhiều khả năng Việt Nam tham gia với tư cách là đối tác đối thoại Kênh 1.5 (đối thoại ở cấp quan chức chính phủ và cả những chính khách không trong chính phủ) hoặc là quan sát viên.
Cuối cùng, nguyên tắc « Không » thứ ba, « không có căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam » hoàn toàn không đúng với việc Liên Xô (trước đây) và Nga sử dụng căn cứ hải quân chiến lược ở Biển Đông, đặt tại Vịnh Cam Ranh trong giai đoạn 1978 đến 2002.
Từ năm 1978, Hà Nội đã cho Matxcơva thuê căn cứ này và Nga chỉ rút khỏi nơi đây năm 2002.
Tuy nhiên, từ năm 2015, Nga vẫn còn cho tiếp liệu các máy bay quân sự của họ tại cảng Cam Ranh cho đến khi Mỹ tiếp cận được Matxcơva và các hoạt động này lặng lẽ chấm dứt.
Vào cùng thời điểm đó, Việt Nam dường như cũng đã cho phép các nhân viên kỹ thuật Nga tới Vịnh Cam Ranh để hỗ trợ huấn luyện các thủy thủ Việt Nam sử dụng và bảo trì các tàu ngầm lớp Kilo do Nga đóng.
Cho dù người ta không biết phải chăng đó là các chuyên gia dân sự có kinh nghiệm quân sự hay là các chuyên gia quân sự mặc quân phục hay là có cả hai loại chuyên gia, nhưng các trường hợp này cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam tỏ ra linh hoạt đối với nguyên tắc « Không » thứ ba nếu như việc hợp tác đáp ứng các nhu cầu của họ trong lĩnh vực quốc phòng.
Rất may là tương lai của Mỹ tại Việt Nam không cần phải xem xét nghiên cứu.
Tuy vậy, Washington rõ ràng quan tâm đến việc ghé vào các quân cảng ở Việt Nam và trong lĩnh vực này, Hà Nội đưa ra tín hiệu rõ ràng là hoạt động này không vi phạm nguyên tắc « Không » thứ ba.
Thực vậy, Hà Nội đã đón tiếp nhiều chuyến viếng thăm của hải quân nước ngoài bao gồm các tàu chiến của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Pháp, Anh, Canada, New Zealand, Nga, Trung Quốc và các nước khác.
Lợi ích của « Ba Không » trong quan hệ Mỹ - Việt ?
Tóm lại, chính sách « Ba Không » không cứng nhắc chút nào và có nhiều điểm mập mờ - « vùng xám » - và diễn giải liên quan.
Nếu Hà Nội thấy một hợp tác quốc phòng cụ thể nào có lợi thì họ sẽ tìm ra cách diễn giải cho phù hợp với chính sách « Ba Không » hoặc tiến hành một cách tương đối lặng lẽ.
Chính sách cân bằng để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông dường như giúp cho Mỹ và các quốc gia khác cùng chung quan điểm, có khả năng hành động tương đối rộng lớn.
Không cần phải tìm kiếm đâu xa hơn mà nhìn vào quyết định của Hà Nội hồi đầu tháng Giêng năm 2019, bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch bảo đảm tự do lưu thông hàng hải (FONOP) mới nhất của Washington trong vùng quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp.
Quả thực là trong quá khứ, các lãnh đạo Việt Nam đã ủng hộ quyền của Washington tiến hành FONOP, thế nhưng việc tuyên bố ủng hộ ngay sau khi tàu chiến Mỹ USS McCampbell thực hiện chiến dịch tuần tra đã tạo cảm giác là cặp đôi Mỹ và Việt Nam phối hợp chính sách với nhau.
Người ta có thể biện luận rằng điều này đi ngược lại nguyên tắc « không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác », ấy vậy mà Hà Nội vẫn làm.
Trong tương lai, người ta sẽ thấy Việt Nam vận dụng nguyên tắc « Ba Không » thông thoáng hơn, đặc biệt là nếu Trung Quốc gia tăng tuần tra, bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa nhiều hơn các thực thể có tranh chấp, thông báo lập vùng nhận diện phòng không hoặc hung hăng tranh giành các nguồn tài nguyên và thủy sản.
Bất luận thế nào, Việt Nam ngày càng có xu hướng chấp nhận các cam kết hợp tác quốc phòng và chắc chắn các hợp tác này được giải thích công khai là mang tính phòng thủ chứ không phải là tấn công. Bảo vệ tổ quốc Việt Nam là chủ đề chủ chốt trong hầu hết các tài liệu sách báo về quốc phòng và của đảng Cộng Sản.
Do vậy, để không bị cản trở bởi nguyên tắc « Ba Không », Hoa Kỳ có thể sẽ thấy các hình thức hợp tác quốc phòng « mềm dẻo » hơn ví dụ hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực nhận thức, hiểu biết về biển hoặc giúp bổ sung khả năng tuần duyên sau khi Hoa Kỳ bán cho Việt Nam tàu tuần duyên cũ lớp Hamilton.
Các hình thức hợp tác khác, như tập trận chung, khó có thể tiến hành trong tương lai gần, nhưng cũng không phải là bất khả nếu như các hành vi tồi tệ của Bắc Kinh vẫn tiếp diễn.
Tin mới
- Venezuela : Được quốc tế ủng hộ, Guaido gia tăng áp lực - 27/01/2019 23:56
- Pháp : Đến lượt « Khăn Đỏ » xuống đường thách thức « Áo Vàng » - 27/01/2019 20:23
- Brexit : Dân Ailen lo sợ tái lập kiểm soát biên giới khi Anh rời EU không thỏa thuận - 27/01/2019 20:13
- Vỡ đập mỏ Brazil: Số nạn nhân tiếp tục tăng - 27/01/2019 19:53
- Washington tăng áp lực với Caracas, Matxcơva ủng hộ Nicolas Maduro - 26/01/2019 18:54
- Malaysia hủy dự án đường sắt hai chục tỉ với Trung Quốc - 26/01/2019 18:45
- LHQ đòi truy tố tướng lãnh Miến Điện tội diệt chủng người Rohingya - 26/01/2019 18:35
- Mỹ : Trump nhượng bộ về bức tường, « shutdown » tạm kết thúc - 26/01/2019 18:00
- Pháp : Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp chuẩn bị Brexit không thỏa thuận - 26/01/2019 17:50
- Brazil : Vỡ đập ở mỏ sắt, ít nhất 9 người chết và 300 người mất tích - 26/01/2019 17:41
Các tin khác
- Canberra xác nhận một nhà hoạt động dân chủ Úc bị bắt tại Việt Nam - 26/01/2019 00:45
- Càng căng thẳng với phương Tây, Cam Bốt càng xích gần lại Trung Quốc - 26/01/2019 00:29
- Tỉ phú Soros : Tập Cận Bình là kẻ thù nguy hiểm nhất của dân chủ - 26/01/2019 00:14
- Pháp : Tổng thống Macron đối thoại trực tiếp với dân - 25/01/2019 22:07
- Shutdown: Thượng Viện Mỹ không thông qua 2 đề xuất mới - 25/01/2019 17:18
- Davos : 75 nước thảo luận về quản lý thương mại điện tử - 25/01/2019 17:06
- Mỹ lại đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan, bất chấp cảnh cáo của Bắc Kinh - 25/01/2019 16:53
- Trung Quốc tiếp tục bức tử môi trường sống ở Việt Nam - 25/01/2019 01:43
- Trường đại học Mỹ ngưng xài thiết bị của Huawei do áp lực của TT Trump - 25/01/2019 01:12
- Ấn Độ lập thêm căn cứ Không quân gần Malacca để đối phó với Bắc Kinh - 25/01/2019 00:59