Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc tiếp tục bức tử môi trường sống ở Việt Nam

may dien than TQ

Nhà máy điện than do Trung Quốc đầu tư ở Greece, Ai Cập. (Hình: Ververidis Vasilis /Shutterstock.)

 


Việt Nam (NV) – Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai (sau Bangladesh) về khoản nhận tài trợ đầu tư nhiệt điện than từ Trung Quốc.

Tương lai người Việt là công dân hạng hai

Một báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) có trụ sở tại Mỹ cho biết, trong lúc các tổ chức tài chính trên thế giới đang dần rút khỏi nhiệt điện than để tránh những rủi ro về ngân sách thì quốc gia vốn đi đầu trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo là Trung Quốc đang dồn sức tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than hiện đang được đầu tư ở các nước khác.

Theo báo cáo này, các tổ chức tài chính Trung Quốc bao gồm tổ chức tài chính phát triển và các ngân hàng do nhà nước kiểm soát đã cam kết tài trợ cho hơn ¼, tương đương 102 GW trong tổng số 399 GW công suất nhiệt điện than đang phát triển ở các quốc gia khác trên thế giới.

Vĩnh Tân ống khói
Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 ở Bình Thuận. (Hình: Chantroimoimedia.)

 

Báo Dân Trí dẫn lời bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), cho biết Việt Nam đang ở một thời điểm quan trọng trong quỹ đạo tăng trưởng của đất nước.

“Nếu chúng ta chọn con đường phát triển nhiệt điện than, tình trạng ô nhiễm không khí độc hại vốn đã bao trùm các thành phố sẽ trở nên tồi tệ hơn, buộc chúng ta phải sống như những công dân hạng hai trong nhiều thập kỷ tới.

Đầu tư của Trung Quốc có tiềm năng định hình Đông Nam Á, nhưng khi làm như vậy, họ phải đầu tư vào năng lượng tái tạo sạch, không tạo gánh nặng cho chúng ta bằng than bẩn,” bà Khanh nói.

Khoảng ba năm trước đây, vào giữa tháng 7, hãng Reuters loan tin các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng nhà máy nhiệt điện trị giá U$1.75 tỷ tại phía Nam Việt Nam.
Đó là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 với công suất 1,200 MGW ở tỉnh Bình Thuận khởi công vào tháng 12 năm 2015.
Tổ máy thứ nhất của Vĩnh Tân 1 đã được hoàn thành năm 2018, tổ máy thứ hai dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6 năm 2019.

Reuters còn cho biết đây là công trình đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại Việt Nam” với 55% vốn góp của Tập đoàn Điện lực Trung Quốc, trong đó có 5% là vốn góp của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Trong khi đó ngay tại Hoa Lục, Trung Quốc được đánh giá là nước đầu tư lớn nhất cho năng lượng tái tạo với tổng công suất 480 ngàn MW, chiếm 25% tổng công suất phát điện cả nước.

Việt Nam nhận rác thải

Mạng tin Bloomberg vào tháng 11 năm 2016 năm ngoái cho biết Chính quyền thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc thông báo cắt giảm sản lượng đầu ra của nhà máy nhiệt điện cho đến cuối năm 2016.
Và chỉ trong tháng 1 năm 2017, Trung Quốc đã huỷ 85 nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng và quy hoạch ở 13 tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Hằng, chuyên gia phân tích cơ sở dữ liệu của trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh Green ID từng nhận xét về động thái này:
“Vì muốn tiếp tục phát triển, Trung Quốc phải chuyển công nghệ điện than sang các nước khác.
 Làm như vậy họ vừa xuất khẩu được công nghệ lại vừa giải ngân được vốn.”

Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết chính ông cũng nghe rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia cũng như người dân về vấn đề phát triển điện than ở Việt Nam.
Ông đồng ý rằng việc phát triển điện than như hiện nay là một điều mà Việt Nam cần tính toán thật kỹ lưỡng.

“Bởi vì tác động xấu của điện than đến môi trường là khá mạnh, đặt biệt là phát thải khí nhà kính là lớn, rồi bản thân phương thức sản xuất điện từ than cũng không phải là hiệu suất cao,” ông Đặng Hùng Võ nói.

Có một thực tế, là Bắc Kinh đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện than đá lớn cuối cùng của thành phố, nghĩa là lời hứa “đưa bầu trời xanh trở lại” của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp lập pháp cấp cao hồi đầu năm  2017 đã được quốc gia của ông thực hiện.

Nhưng câu chuyện tiếp diễn sau đó là Trung Quốc chuyển công nghệ điện than lỗi thời, gây ô nhiễm sang Việt Nam.
Điều này khiến nhiều người nhớ đến phát biểu mạnh mẽ của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra: “Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân.” (Kalynh Ngô)

 
 
 
 
Switch mode views: