Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Châu Âu không kiểm soát được nguồn tài chính của khủng bố

camion berlin allemagne

Vụ tấn công bằng xe tải ngày 19/12/2016 ở Berlin, Đức.
REUTERS/Hannibal Hanschke

Hai vụ tấn công bằng xe ở Barcelona và Cambrils, Tây Ban Nha, cho thấy những kẻ khủng bố hành động bằng những phương tiện phổ thông hơn, ít tốn kém hơn bằng nguồn tài chính cá nhân.

 Một số chuyên gia khẳng định cuộc chiến chống nguồn tài trợ cho khủng bố bị thất bại.

Dù các biện pháp quốc tế nhằm siết chặt nguồn tài chính của khủng bố, được thông qua sau vụ tấn công tòa tháp đôi tại New York ngày 11/09/2001, đã có tác động và vẫn còn cần thiết, song vẫn không thể đủ để ngăn chặn hoạt động của Al Qaida, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hoặc các thành phần thánh chiến nghe theo tuyên truyền đáng gờm của những tổ chức khủng bố này.

Nhà nghiên cứu Peter Neumann, giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Cực đoan hóa (ICSR) thuộc trường King’s College London, khẳng định :
 “Hơn 15 năm sau khi bắt đầu “chiến tranh chống khủng bố” do Hoa Kỳ khởi xướng, cuộc chiến chống các nguồn tài chính của khủng bố đã thất bại”.

Trong một bài viết mang tên “Đừng chạy theo tiền”, ông nhận xét : “Phần lớn các vụ tấn công chỉ cần rất ít tiền.
Những kẻ khủng bố sử dụng nhiều nguồn tiền khác nhau và chuyển tiền mà không cần phải qua hệ thống tài chính ngân hàng. Cuộc chiến chống nguồn vốn của khủng bố được tiến hành từ năm 2001 thường xuyên tốn kém và không mang lợi”.

Vậy đâu là những nguồn tiền của khủng bố thánh chiến ?

“Tự cung tự cấp” để khủng bố

Một ví dụ cụ thể được AFP nhắc đến là kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 01/2015 của nhà nghiên cứu Emilie Oftedal, làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy (Norwegian Defense Research Establishment, FFI).

Theo kết quả nghiên cứu thu được từ 40 ổ thánh chiến, từng tổ chức hoặc âm mưu tổ chức tấn công khủng bố tại châu Âu từ năm 1994 đến 2013, có đến 3/4 trường hợp sử dụng không quá 10.000 đô la để chuẩn bị các vụ tấn công.

Bà Emilie Oftedal nhấn mạnh trong bản báo cáo : “Những kẻ khủng bố quyên góp, chuyển tiền và chi tiền theo cách rất bình thường. Nguồn tài chính phổ biến nhất chính là tiền lương và tiền tiết kiệm của các thành viên, tiếp theo là tiền từ các vụ phạm pháp nhỏ”.

Chỉ 1/4 còn lại là đã nhận tiền từ một tổ chức khủng bố quốc tế.
Tuy nhiên, không một mạng lưới nào phụ thuộc hoàn toàn vào trợ giúp từ bên ngoài. 70% các ổ thánh chiến được bà Emilie Oftedal nghiên cứu tự túc về tài chính một cách hợp pháp và thường xuyên thông qua lương bổng của các thành viên, nhưng cũng có nguồn gốc từ buôn bán ma tuý, vũ khí hay các tài sản khác và ăn cắp.

Vay tiền để tổ chức khủng bố

Một nguồn tài chính khác, ngày càng phổ biến, là vay tiêu dùng ở các định chế tài chính chuyên biệt. Đây chính là cách tổ chức các vụ tấn công ở Pháp năm 2015.

 Những kẻ thánh chiến cung cấp giấy tờ giả để vay tiền và họ không có ý định hoàn trả vì hai lý do : hoặc sẽ tấn công tự sát, hoặc sẽ đến các vùng do quân thánh chiến kiểm soát nên không về nước.

Bằng cách này Amedy Coulibaly, thủ phạm vụ tấn công Hypercacher tại Paris vào tháng 01/2015, đã vay 6.000 euro ở quỹ tín dụng Cofidis để mua vũ khí, thậm chí còn đưa “vài nghìn euro” cho một trong hai anh em nhà Kouachi, thủ phạm vụ tấn công tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo, “để họ làm xong việc phải làm”.

Điều đáng quan ngại là Amedy Coulibaly đã dùng giấy tờ giả để vay tiền. Vì vậy, theo ông Jean-Charles Brisard, chủ tịch Trung tâm Phân tích Khủng bố, chuyên gia về nguồn tài chính của các mạng lưới thánh chiến, các tổ chức tín dụng này “phải hết sức cẩn trọng, đặc biệt là về vấn đề giấy tờ giả. Họ sử dụng cách này để vay tiền tiêu dùng, ví dụ như sử dụng bảng lương giả”.

Ông khẳng định : “Tại châu Âu, các chiến dịch khủng bố từ nay trở đi gần như là hoàn toàn tự túc về tài chính. Từ vay tín dụng tiêu dùng, đến buôn hàng giả, buôn lậu quy mô nhỏ hoặc đơn giản là tiền tiết kiệm của chính họ. Chỉ cần họ rút hết tiền trong tài khoản là đã đủ”.

Hiện tại và trong tương lai, nguồn tài chính chỉ khoảng vài nghìn euro vẫn nằm ngoài vòng kiểm soát của các cơ quan chuyên trách về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, như Tracfin của Pháp.

Các thành phố lớn châu Âu đối mặt với khủng bố bằng “xe điên”

Thuê một chiếc xe tải nhỏ để tông vào đám đông ngày càng phổ biến ở châu Âu, mà chỉ mất có vài trăm euro, kể cả tiền đặt cọc.
Cách tấn công này không hề mới, từng xảy ra ở Nice (Pháp), Berlin (Đức), Luân Đôn (Anh), Stockholm (Thụy Điển).

Một ngày sau vụ khủng bố bằng xe tải ở Barcelona và Cambrils, Tây Ban Nha, cảnh sát Đức đã cho đặt hàng rào bê tông trước nhà thờ lớn Köln, một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới.
Tương tự, rất nhiều thành phố ở Đức và châu Âu đã siết chặt lực lượng an để giảm thiểu nguy cơ xảy ra một vụ tấn công tương tự.

Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều thành phố do dự trong việc áp dụng các biện pháp mạnh (bê tông, bao cát…), vì không thể ngăn chặn tuyệt đối rủi ro, trong khi thủ phạm các vụ tấn công thánh chiến lại chứng tỏ khả năng thích nghi với cách đối phó của chính quyền.
 Ngoài ra, các biện pháp mạnh này cũng đè nặng lên cuộc sống hàng ngày của người dân và nền kinh tế địa phương, đồng thời lại rất tốn kém.

Tại Berlin, ngoài hàng rào được dựng lên gần nhà thờ Memory Church từ sau vụ khủng bố bằng xe điên Noel 2016, rất ít biện pháp an ninh được thấy rõ mồn một vì, theo thượng nghị sĩ vùng Berlin, phụ trách nội vụ, khi trả lời nhật báo Bild :
 “Chúng tôi không muốn đặt thành phố đằng sau những bức tường. Điều này đi ngược với những gì chúng tôi muốn, đó là gửi đi một hình ảnh yên bình và thanh thản”.

Bà Els Ampe, trợ lý thị trưởng Bruxelles nơi xảy ra ba vụ tấn công tự sát ngày 22/03/2016, có cùng ý kiến :
 “Chúng tôi không muốn trở thành Hébron (thành phố ở Cisjordanie nơi người định cư Do Thái phải sống đằng sau hàng rào bê tông và thép). Chúng ta không thể chặn mỗi con phố. Phải sống bình thường, phải giao hàng cho các cửa hiệu. Chúng ta phải dung hoà được an ninh và cuộc sống yên bình trong thành phố”.

Thị trưởng Nice (Pháp), ông Christian Estrosi, lại có ý kiến ngược lại.
Lắp đặt hàng rào mới, thay đổi bản đồ giao thông, Nice đã đầu tư ồ ạt vào an ninh từ vụ tấn công 14/07/2016.
Ngay sau vụ tấn công tại Barcelona và Cambrils, thị trưởng Nice đã mời các đồng nhiệm của những thành phố lớn ở châu Âu đến thảo luận về vấn đề này vào ngày 28 và 29/09/2017 với ủy viên châu Âu về An ninh, ông Julian King.

Tuy nhiên, theo nhận định của bà Elizabeth Johnston, giám đốc Diễn đàn châu Âu về An ninh Đô thị, “đa số các thành phố không thể đầu tư ồ ạt vào việc thiết kế lại giao thông hay không gian công cộng. Vì vậy, họ làm với những gì mình có”.

Ngoài ra, hiệu quả của những biện pháp này không phải là tuyệt đối : “Mỗi người đều hiểu rằng nếu tăng cường an ninh cho một mục tiêu (một góc phố, một đại lộ), thì cuộc tấn công có thể nhắm vào một mục tiêu khác. Vấn đề ngân sách là rất lớn”.

Hiện không có bất kỳ số liệu nào liên quan đến khoản tiền đầu tư của các thành phố châu Âu về việc đảm bảo an ninh khu vực công cộng.

Theo Cơ sở Dữ liệu Khủng bố Thế giới của trường đại học Maryland, số vụ tấn công khủng bố năm 2016 trên toàn thế giới mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đứng ra nhận trách nhiệm đã tăng 20% so với năm 2015 : Hơn 1.400 vụ tấn công làm 7.000 người chết. Thêm vào đó là khoảng 950 vụ tấn công do các tổ chức cực đoan tuyên thệ trung thành với Daech thực hiện, khiến gần 3.000 người thiệt mạng.

Theo một quan chức của bộ Ngoại Giao Mỹ, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã giật dây, chi phối được những nhóm cực đoan này, cũng như những cá nhân được khuyến khích trở thành những “con sói đơn độc” như các vụ tấn công ở Nice (Pháp), Manchester (Anh) hay San Bernardino và Orlando (Mỹ).


Switch mode views: