Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trại cải huấn trẻ hư hỏng tại Pháp 1748-1953: "Một thảm kịch nhân loại"

Trại cải huấn trẻ hư hỏng tại Pháp 1748-1953:

Les Quatre cents coups


Bích chương phim «Les Quatre cents coups», của đạo diễn François Truffaut.

  Tại Pháp, trẻ con hư hỏng hay có hành vi sai lệch trước đây bị trừng phạt như thế nào ?

Ngay từ thế kỷ XVIII, đế chế Pháp gởi những đứa trẻ bị xem là có cách xử sự sai lệch vào những trại cải huấn. Phải đợi đến tận những năm 1950, nước Pháp mới áp dụng sắc lệnh ban hành năm 1945 liên quan đến trẻ phạm tội, nhằm đóng cửa hoàn toàn các nhà trừng giới, những nhà tù khổ sai thật sự dành cho trẻ nhỏ.

Vào thời Chế độ cũ, tại Vương quốc Pháp, người ta đã bắt đầu đặt ra câu hỏi phải xử lý ra sao những đứa trẻ hư hỏng, có hành vi sai lệch.

Đối với giới lãnh đạo, cũng như xã hội Pháp thời bấy giờ, đó là một việc không thể chấp nhận. Do đó, một đứa trẻ hư hỏng, không được dạy dỗ đến nơi đến chốn, phạm phải một tội gì, như đơn giản chỉ là ăn cắp một món đồ cần phải bị trừng phạt ngay lập tức, như bị treo cổ chẳng hạn.

Sử gia Michel Pierre trên làn sóng RFI Pháp ngữ, trong chương trình La Marche Du Monde (Bước Tiến Nhân Loại) ngày 24/06/2017 và cũng là tác giả tập sách « Le Temps du bagne, de 1748-1953 » (tạm dịch Thời của trại tù khổ sai, giai đoạn 1748-1953), nhắc lại rằng quan niệm khắc nghiệt này về trẻ phạm tội vốn dĩ đã có từ xa xưa, từ thời Cổ Đại, xem trẻ nhỏ chẳng khác nào như một thú hoang cần được kềm kẹp nghiêm ngặt

« Điều này đã có từ thời Cổ Đại, từ thời thánh Augustin, rằng trẻ nhỏ phải được nghiêm khắc chỉ bảo, ít nhất trong những năm đầu đời. Do đó, dạy bảo một con thú quỷ quyệt thì cần phải siết cương, kềm kẹp con thú. Vì thế, các luật lệ được đưa ra nhằm giám sát sao cho trẻ nhỏ phải sống theo đúng các quy định và thật sự phải được dạy dỗ để có ích cho xã hội ».

Chính trong chiều hướng nghĩ rằng "Đứa trẻ phải tuân phục, phải chấp nhận dạy bảo", do đó, theo ông Michel Pierre, nạn nhân đầu tiên trong các trại tù thế kỷ 18-19, không ai khác chính là những trẻ em gia đình nghèo khó. Ông khẳng định : « Tệ hơn cả người nghèo là trẻ con nghèo ». Bởi vì, chúng như những "con ngựa bất kham" khó kềm kẹp và không chấp nhận một điều gì cả.

La Petite Roquette : « Nhà thương điên của thế kỷ »

Thế nhưng các hình phạt mà trẻ em tội phạm phải hứng chịu vào thời kỳ Chế Độ Cũ lại quá tàn bạo.
Vào thời kỳ Cách Mạng 1791, rồi giai đoạn Hiệp Ước 1792, người ta bắt đầu nghĩ đến vấn đề này.
Đến đầu thế kỷ 19, năm 1810, luật Napoleon quy định về tội phạm trẻ em mới ra đời. Và đến năm 1824, những phòng giam đầu tiên giành riêng cho trẻ con mới được hình thành, theo sắc lệnh của hoàng gia ban hành năm 1819.

Tuy có những thay đổi đáng kể về điều kiện giam giữ, nhưng hình phạt hay án tù dành cho trẻ em phạm tội vẫn còn rất nặng nề. Thái độ nghiêm khắc đó của xã hội Pháp lúc bấy giờ đối với những đứa trẻ được cho là có hành vi sai lệch, theo ông Michel Pierre, một phần là do xã hội Pháp khi đó theo chế độ phụ hệ. Một xã hội của nam giới, do nam giới lãnh đạo.

« Trên toàn nước Pháp vào thời kỳ đó, các thẩm phán đều là đàn ông. Cần phải nhớ rằng trong vấn đề hình sự, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên, đó là cả một thế giới đàn ông, tư sản, chủ sở hữu và không hề có bóng dáng phụ nữ. Ví dụ, cho đến trước năm 1945, không hề có đàn bà trong số các quan tòa.

Đó là một xã hội của đàn ông, của những người đàn ông độc đoán, những ông chủ tài sản, thẩm phán, những người đưa ra các phán xét, mà đa số những người này đều thuộc tầng lớp tư sản, chủ sở hữu ».

Thế rồi cùng với đà công nghiệp hóa tại Pháp, một tầng lớp lao động mới được hình thành, đó là những trẻ em công nhân. Những đứa trẻ vừa bất kham, hung dữ, vừa u mê nữa.
Bị dồn trong những cơ sở sản xuất, sống trong khu nhà ngủ nội trú, một dạng cộng đồng trẻ nhỏ và thiếu niên được hình thành, phát triển và chúng bắt chước người lớn. Điều này đã làm nảy sinh một số tập quán, dẫn đến những cuộc nổi dậy và gây lo ngại cho giới lãnh đạo lúc bấy giờ.

« Do đó, người ta tìm cách quản lý lao động trẻ em vì vấn đề đạo đức và vì những lý do khác.
Có nghĩa là những đứa trẻ này gần như là tội phạm, sống trong những điều kiện mà sức khỏe của chúng rất mong manh. Và những đứa trẻ không có sức khỏe thì không được chuẩn bị để trở thành những người lính tốt và xã hội thì muốn có luật lệ và trật tự.

Nếu như một số sự việc xẩy ra dẫn đến sự hình thành cộng đồng trẻ nhỏ, thiếu niên, nơi không có luật lệ và trật tự, người ta đã phải tìm cách cải thiện điều kiện làm việc của những đứa trẻ, tức là tìm cách cải thiện điều kiện cải tạo giáo dục. Những đứa trẻ không tôn trọng luật pháp thì sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. »

Trong mối bận tâm này, đến năm 1836, lấy ý tưởng từ Hoa Kỳ, một nhà tù dành riêng cho trẻ thiếu niên phạm tội đã ra đời: La Petite Roquette với khoảng 500 buồng giam. Ít nhiều mang ảnh hưởng tôn giáo, với nỗi ám ảnh làm sao cho trẻ nhận thức được về những tội phạm phải và phải biết đi vào con đường hối cải, phương pháp biệt giam, cô lập và bắt giữ im lặng đã được áp dụng triệt để tại nhà tù La Petite Roquette.

Điều kiện giáo huấn khắc nghiệt đã khiến những trẻ nào không chịu được đã nổi điên. Cùng với vệ sinh tồi tàn và bệnh tật, tỷ lệ tử vong tại La Petite Roquette ở mức cao ngất ngưỡng (10%/năm), ngang bằng với mức tử vong của tù nhân ở Guyane, trại tù khổ sai dành cho người lớn vài thập niên sau đó.

Mettray: Trại cải huấn khổ sai của trẻ em

Bên cạnh giải pháp biệt giam, một mô hình cải huấn khác cũng dần xuất hiện trong những năm 1840: Trại cải tạo lao động do nhà nước, tư nhân hay các chủng viện quản lý. Điển hình nhất là nông trại Mettray, nằm cạnh thành phố Tour (miền trung nước Pháp). Đây là trại cải tạo tập trung đông trẻ tội phạm nhất.

Tại đây, trẻ bị xem có hành vi sai lệch bị cách ly hoàn toàn với gia đình. Với quan điểm "Đất đai cải hóa con người và Con người cải thiện đất đai", những đứa trẻ phải thức dậy từ 5 giờ sáng, cả ngày ngoài đồng, làm quần quật 13 tiếng một ngày.
Đổi lại chúng chẳng được gì, ngoài sự cô lập, những cánh đồng bát ngát, sức lao động bị vắt kiệt, những vết cắt từ những nông cụ, sự im lặng, lạnh giá...

Trong vòng một thế kỷ, Mettray được xem như là một hình mẫu cho mọi cơ sở tư nhân, vốn dĩ xem đấy như là một nguồn nhân công rẻ mạt. Từ những văn bản được tham khảo, sử gia Michel Pierre nhận thấy là, cũng giống như La Petite Roquette, cách sắp xếp và tổ chức cuộc sống cho trẻ phạm tội trong các trại nông nghiệp tư nhân hay nhà nước đều được dựa trên nền tảng tôn giáo.

"Cũng nên hiểu rõ là Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa Giáo vẫn còn ảnh hưởng sâu nặng trong việc giáo dục trẻ nhỏ, nhằm tạo dựng ý thức tôn giáo, tinh thần gia đình và trật tự kỷ cương quân sự. Như vậy, chúng ta lại thấy hình ảnh biểu tượng tôn giáo như cây thánh giá, rồi cái cày và thanh kiếm…

Người ta cho rằng những yếu tố trật tự này như tôn giáo, dân sự và quân sự có thể góp phần biến những đứa trẻ, ít nhiều phạm tội, và đôi khi chỉ là những tội nhỏ, trở thành người lớn, những con người ý thức được quyền và nghĩa vụ, và không để cho chúng quay trở lại con đường tội lỗi chống lại xã hội và đức tin của đa số".

Không chỉ phải lao động nặng nhọc, ăn uống nghèo nàn, điều kiện vệ sinh tồi tàn (cứ mỗi 15 ngày chỉ được phép rửa chân một lần, hay như chỉ được tắm nước nóng hai lần trong năm), trẻ trong trại cải huấn còn phải hứng chịu nhiều sự hành hạ về thể xác. Đó là những trận đòn phạt từ những người giám sát, những trận ẩu đả giữa những bạn trại, hay những lần bị bỏ đói, bị trói, bị xiềng xích, ... Và hiện tượng "ấu dâm" cũng xuất phát từ đây.

Số liệu sử học thống kê cho thấy từ năm 1840-1930, 17 000 trẻ từ 5-21 tuổi đã trải qua Mettray. Theo một nhân chứng, từng nếm mùi tại Mettray từ năm 1922-1927, cách duy nhất để trốn tránh một cách hợp pháp nỗi hãi hùng là tham gia quân đội.

Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xã hội Pháp có những thay đổi quan trọng. Nhờ vào việc trường học bắt buộc từ năm 1882, trình độ dân trí được nâng cao, họ có điều kiện tiếp cận nhiều với báo chí.
Những vụ tai tiếng, ban đầu chỉ ở cấp địa phương, sau được nhiều tờ báo lớn phanh phui.
Dư luận bắt đầu biết đến "những trại cải huấn ngục tù" qua những chiến dịch truyền thông trong những thập niên 1930-1940, dưới sự ủng hộ của giới điện ảnh, nhiều nhà trí thức, văn đàn.

Và cuộc nổi dậy của những tù nhân khổ sai nhỏ tuối tại Belle-Ile-en-Mer, trên một đảo nhỏ vùng Bretagne đã thật sự làm dấy lên nỗi bất bình.
Nhưng thật sự phải đợi đến những năm 1950, nước Pháp mới áp dụng sắc lệnh 1945 liên quan đến trẻ tội phạm thiếu niên, đóng cửa hoàn toàn các trại cải huấn, mà Mettray là nạn nhân đầu tiên, khép lại một thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Pháp.

Switch mode views: